Trang web của CCDI ghi rõ chi tiết giới tính, vị trí công tác khi còn ở Trung Quốc, số chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu, ngày trốn khỏi Trung Quốc và quốc gia mà 100 người này đang có khả năng lẩn trốn.
Khoảng 40 người trốn sang Mỹ, 26 người trốn sang Canada, 5 người được xác định đang trốn ở Hong Kong và số còn lại thì đang ở New Zealand, Úc, Thái Lan, Singapore.
Hơn một nửa trong số này là lãnh đạo các cơ quan nhà nước hoặc tập đoàn kinh tế, trốn ra nước ngoài từ năm 1996 đến 2014 và bị tòa án ở Trung Quốc khép tội tham nhũng, nhận hối lộ và biển thủ tiền nhà nước.
Nhật báo Trung Quốc cho biết Bộ công an nước này mở chiến dịch “Lưới trời” (Sky net) ngay sau chiến dịch “Săn cáo” (Fox Hunt), nhằm đưa số công chức nhà nước trốn ra nước ngoài với số tiền tham nhũng hàng tỉ USD.
Chiến dịch “Lưới trời” lần này nhắm đến các quốc gia và vùng lãnh thổ phát triển, trong đó có cả những nước chưa hề ký hiệp ước dẫn độ tội phạm kinh tế với Trung Quốc.
Tổ chức cảnh sát quốc tế (Interpol) ở Trung Quốc cũng ban hành thông báo truy nã số người này. Thông báo kêu gọi định vị và bắt từng cá nhân đang bị truy nã, sau đó yêu cầu các nước thành viên dẫn độ họ về Trung Quốc.
Một trong các nhân vật cộm cán trong 100 nghi can bị truy nã này có Trình Mộ Dương, cựu giám đốc công ty quảng cáo ở Bắc Kinh, trốn sang Canada từ tháng 8-2000.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát động chiến dịch chống tham nhũng qui mô lớn từ năm 2013. Chiến dịch “Săn Cáo” được công bố ngay sau đó đưa được 680 quan chức tham nhũng về Trung Quốc xét xử.
Chuyên gia chính trị thuộc trường Đại học Nhân Dân Trương Danh nhận định việc công bố danh tính các quan tham còn nhằm mục đích răn đe số quan chức tham nhũng đang có ý định trốn khỏi Trung Quốc.
Tuy nhiên, giới chuyên gia luật quốc tế cảnh báo việc này khó thực hiện vì trình tự pháp lý phức tạp. Trung Quốc không có hiệp ước dẫn độ với một số quốc gia có quan tham Trung Quốc đang lẩn trốn.
Theo Tuổi Trẻ