|
Tiêm kích tàng hình J-20 hai chỗ ngồi của Không quân Trung Quốc. Ảnh SCMP |
Bài báo trên tạp chí Ordnance Industry Science Technology cho biết: “Yang Wei, nhà thiết kế chính của máy bay đã nói, mục đích việc chế tạo một chiếc J-20 2 chỗ ngồi không phải để đơn giản chuyển sang máy bay huấn luyện, vai trò chính của J-2o 2 chỗ ngồi chắc chắn sẽ dùng để phối hợp với các UAV chiến đấu”.
Không quân Trung Quốc đã giới thiệu một bức ảnh đồ họa máy tính J-20 phiên bản 2 chỗ ngồi, được gọi là Mighty Dragon trong một video tháng 1/2022, đánh dấu 10 năm kể từ chuyến bay đầu tiên của chiếc tiêm kích tàng hình này. Một mẫu thử nghiệm của J-20 2 chỗ ngồi đã được công bố vào tháng 10/2021.
Những nỗ lực của Mỹ nhằm phát triển máy bay chiến đấu tàng hình 2 chỗ ngồi đã bị đình trệ vào những năm 1990, khi một biến thể của F-22 bị loại bỏ để tiết kiệm chi phí.
So với máy bay 1 chỗ ngồi, nhỏ và nhanh nhẹn hơn, máy bay 2 chỗ ngồi nặng hơn và có thể được triển khai để thực hiện các hoạt động đa nhiệm trên phạm vi rộng và xa hơn.
Theo bài báo, khi kết hợp với UAV, được gọi là tổ hợp UAV có người lái, J-20 2 chỗ ngồi có thể thực hiện nhiều nhóm nhiệm vụ phối hợp trinh sát phối hợp, tấn công phối hợp và chỉ huy, điều hành tác chiến phối hợp. Là tiêm kích có người lái, J-20 có thể hoạt động như một máy bay chỉ huy của một phi đội UAV hỗ trợ AI.
UAV có thể được sử dụng như 'tai mắt' giúp mở rộng phạm vi nhận thức tình huống của J-20 và nâng cao khả năng trinh sát và xác định vị trí mục tiêu của máy bay có người lái đối phương, tổ chức đội hình chiến đấu tiêu diệt mục tiêu. UAV có thể tham gia cùng J-20 thực hiện nhiệm vụ tấn công mặt đất.
|
Mighty Dragon: Máy bay chiến đấu tàng hình J-20 nâng cấp của Trung Quốc. Video SCMP |
Mặc dù máy bay chiến đấu chỉ có thể mang từ 4 đến 6 quả đạn tấn công mặt đất, nhưng hỏa lực của tổ hợp được tăng cường nhờ phi đội UAV hỗ trợ AI, mỗi UAV có thể mang từ 4 đến 10 quả đạn dẫn đường chính xác.
Đồng thời, một J-20 với một phi đội UAV có thể thực hiện các nhiệm vụ cảnh báo sớm, giám sát chiến trường, dẫn đường các loại vũ khí độ chính xác cao mặt đất.
Bài báo cho biết: “PLA cần phát triển và mở rộng các chiến thuật tác chiến giữa máy bay có người lái và UAV.
Timothy Heath, chuyên gia nghiên cứu quốc phòng cao cấp tại Rand Corporation, cho biết: "Việc sử dụng UAV cho phép lực lượng không quân bắt đầu các cuộc tấn công quy mô lớn nhanh hơn, có thể tiếp tục chiến đấu bất chấp tổn thất UAV... Chiến thuật sử dụng UAV mang lại lợi thế thực sự trong tác chiến hiện đại."
Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất phát triển khả năng liên kết phối hợp giữa máy bay chiến đấu và UAV.
Tháng 7, Lockheed Martin cho biết đang xem xét các phương thức kết hợp UAV và các hệ thống tự động hóa tiên tiến hơn với các máy bay chiến đấu Mỹ. Mặc dù có tiềm năng rất lớn nhưng UAV không phải bất khả chiến bại. Có thể bị gây nhiễu, giả mạo, cắt liên lạc, bị tấn công chiếm quyền kiểm soát hoặc bị bắn hạ từ vũ khí laser, điện từ hoặc các loại vũ khí khác.
Theo South Morning China Post