Trung Quốc khoe thử nghiệm thành công tàu 200 tấn không người lái tự hành trên biển

VietTimes – Sáng ngày 7/6, chiếc tàu không người lái loại trăm tấn do Trung Quốc chế tạo đã hoàn thành cuộc thử nghiệm tự hành trên biển đầu tiên tại vùng biển gần Bàn Trĩ, Định Hải, thành phố Chu Sơn, tỉnh Chiết Giang.
Chiếc tàu không người lái đầu tiên của Trung Quốc được chạy thử nghiệm trên biển hôm 7/6 (Ảnh: Stnn).

Chiếc tàu này do Công ty “Bắc Côn Trí Năng” ( Zhejiang Beikun Intelligent Technology Co., Ltd) chế tạo và đảm nhận nhiệm vụ thử nghiệm trên biển. Công ty Bắc Côn Trí Năng đặt tại Thành phố Khoa học Biển Định Hải. Đây là một công ty công nghệ cao ra đời dưới nền tảng quân sự-dân sự kết hợp phát triển.

Dự án tàu không người lái cỡ trăm tấn đã được Trung Quốc bắt đầu nghiên cứu phát triển từ cuối năm 2015. Với mục tiêu đạt được khả năng hành trình trong tình huống biển phức tạp, tiếng ồn thấp, thông minh hóa, khả năng tàng hình cao, thiết kế không người lái và tự động hóa tàu cỡ trăm tấn, nhóm nghiên cứu đã vượt qua các công nghệ chính như công nghệ thiết kế kiểu tàu có khả năng đi biển cao, công nghệ động lực tích hợp điện áp thấp biến tốc động cơ chính, công nghệ cột buồm tích hợp hệ thống cảm biến và công nghệ khống chế hành trình tự động.

Con tàu đã được hạ thủy thành công tại Cửu Giang, Giang Tây vào ngày 28/8/2019. Sau đó đã thử nghiệm chạy gần 30 chuyến với hơn 1.000 hải lý trên mặt hồ Poyang (Bà Dương), cho thấy các chỉ số khác nhau của tàu cơ bản đáp ứng các thông số thiết kế, khả năng cơ động và độ bền tốt, bước đầu có khả năng tự hành. Tàu được đưa đến vùng biển Chu Sơn, Chiết Giang tháng 10/2021. Sau hơn nửa năm chuẩn bị, nó đã được quyết định thực hiện các cuộc thử nghiệm tự hành ngoài biển khơi.

Trước khi thực hiện chuyến thử nghiệm, các nhân viên của nhóm nghiên cứu và phát triển chiếc tàu không người lái đã cẩn thận điều chỉnh và xác nhận các thông số. Chuyến thử nghiệm con tàu thực hiện 2 lộ trình. Sau 3 giờ thu thập dữ liệu, cuộc thử nghiệm trên biển đã kết thúc và được đánh giá thành công, cơ bản đạt được các mục tiêu dự kiến.

Bước tiếp theo, sẽ tiến hành các cuộc thử nghiệm tránh va chạm để kiểm tra thêm khả năng hoạt động của chiếc tàu không người lái. Ông Trịnh Long, phụ trách cuộc thử nghiệm cho biết, tàu dài 40 mét, sử dụng kiểu thiết kế ba thân, có trọng lượng choán nước khoảng 200 tấn và tốc độ tối đa hơn 20 hải lý/giờ. Nó có thể hoạt động bình thường trong điều kiện biển cấp 5 và chạy an toàn trong điều kiện biển cấp 6, các chỉ số kỹ thuật đều ở mức hàng đầu thế giới. Theo thông tin của nhóm thiết kế, hiện trên thế giới mới chỉ có Mỹ đang có tàu không người lái tự hành loại trên 100 tấn.

Ông Mẫu Hải Phương, người phụ trách Công ty “Bắc Côn Trí Năng” nói: "Trong bối cảnh Trung Quốc đề ra chiến lược cường quốc biển và thúc đẩy xây dựng dự án 'đại dương thông minh', chiếc tàu không người lái của chúng tôi, với tư cách là một con tàu thông minh, đã thực hiện ước mơ của nhóm trong nhiều năm, và hiện đã bước vào giai đoạn công phá trí tuệ nhân tạo”.

Theo giới thiệu tham gia việc nghiên cứu chế tạo con tàu có hơn 40 đơn vị nghiên cứu khoa học và doanh nghiệp sản xuất với công nghệ hàng đầu, trong đó có hai doanh nghiệp địa phương là Công ty TNHH Công nghiệp tàu thủy Bán Đảo Chiết Giang và Công ty TNHH Công nghệ thông tin Dịch Hàng Hải "huy động vốn từ cộng đồng và đồng sáng tạo". Việc chế tạo tàu hoàn toàn dựa vào công nghệ trong nước và nội địa hóa, một số công nghệ thuộc loại hàng đầu Trung Quốc, công nghệ nền tảng đã đạt trình độ hàng đầu thế giới, có giá trị kinh tế cao và triển vọng phát triển và ứng dụng rộng.

Mẫu Hải Phương nói: "Hiện tại, chúng tôi đang thử nghiệm cho tàu tự hành ở những vùng biển rộng và vẫn còn một chặng đường dài phía trước để đáp ứng các yêu cầu của việc tự hành tốc độ cao". Ông hy vọng lần thử nghiệm này là cầu nối để nhóm nghiên cứu khoa học doanh nghiệp trụ được tại Chu Sơn, tiếp tục đóng góp vào các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và đại dương thông minh trong tương lai.

Hình dáng bề ngoài tàu Trung Quốc khá giống chiếc tàu không người lái Sea Hunter của Hải quân Mỹ.

Nhìn về hình dáng bề ngoài, con tàu dường như là bản copy của chiếc “Sea Hunter” của Hải quân Mỹ. Có ý kiến cho rằng, Mỹ hiện đã đưa vào hoạt động các tàu chiến không người lái tự hành có thể thực hiện nhiệm vụ tác chiến trên biển. Trung Quốc muốn đạt được đến mức đó còn phải mất thêm nhiều thời gian.

Nhà bình luận quân sự Trung Quốc Tống Trung Bình cho rằng tàu không người lái tự hành và các công nghệ liên quan có ý nghĩa to lớn trong cả lĩnh vực dân sự và quân sự.

Ông nói rằng trong lĩnh vực dân sự, thực thi pháp luật, chống buôn lậu và cứu trợ thiên tai, các tàu thuyền không người lái cỡ nhỏ có thể phát huy lợi thế linh hoạt, mọi thời tiết và phản ứng nhanh. Đồng thời, trong một số tình huống nguy hiểm, tàu không người lái cũng có thể tránh thương vong hiệu quả.

Vai trò của tàu không người lái trong lĩnh vực quân sự càng nổi bật. Trước đây, tờ "Tin tức Quốc phòng Trung Quốc" từng viết rằng tàu không người lái sẽ thay đổi phương thức tác chiến hải quân trong tương lai.

So sánh hình dáng tàu Mỹ và tàu Trung Quốc.

Về vấn đề này, Tống Trung Bình cho rằng, trong các trận hải chiến tương lai, tàu không người lái có thể thay thế tàu có người lái để thực hiện các nhiệm vụ chống hạm, chống tàu ngầm, rà phá bom mìn, tấn công. Ưu điểm của nó là việc chế tạo và thiết kế tàu không người lái không cần quan tâm đến môi trường sống và làm việc của thủy thủ, có thể tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả chiến đấu một cách hiệu quả. Ngoài ra, tàu không người lái thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu, có thể giảm thiểu thương vong và tổn thất đáng kể, phù hợp để đảm nhận các nhiệm vụ nguy hiểm. "Về mặt chiến thuật chiến pháp, tàu không người lái có thể hiện thực hóa chiến thuật 'bầy cá mập” “lấy nhiều đánh một”.

Về chiếc tàu không người lái 200 tấn vừa thử nghiệm, Tống Trung Bình nhận xét có khả năng tàng hình cao, khả năng nhận biết tình huống cao và điều kiện trên biển cao, được thiết kế cho môi trường tác chiến trên biển trong tương lai, có ý nghĩa sáng tạo đối với việc Trung Quốc thăm dò hình thái tác chiến trên biển.

Thực tế Trung Quốc đã nghiên cứu lĩnh vực tàu thuyền không người lái từ lâu. Về cấp độ dân sự, một số thuyền không người lái đã được đưa vào sử dụng để cứu hộ, cứu trợ thảm họa và thực thi pháp luật trên sông. Từ góc độ quân sự, “Nhật báo Khoa học kỹ thuật” năm 2019 tiết lộ rằng chiếc tàu không người lái đổ bộ đầu tiên trên thế giới "Sea Lizard" (Thằn Lằn Biển) do Trung Quốc phát triển và chế tạo đã được chuyển giao sử dụng.

Tàu không người lái tự hành cao tốc Ranger của Mỹ đã đưa vào sử dụng có thể phóng tên lửa hành trình.

Tuy nhiên, những chiếc tàu không người lái được chuyển giao sử dụng trước đây có trọng tải tương đối nhỏ, nhiệm vụ mà chúng có thể đảm nhận cũng như các tình huống có thể sử dụng đều rất hạn chế. Chiếc tàu vừa thử nghiệm này hiện là chiếc tàu không người lái lớn nhất của Trung Quốc.

Tờ “Tin tức Quốc phòng Trung Quốc” đăng bài viết cho rằng, hiện nay các cường quốc biển trên thế giới rất coi trọng việc phát triển tàu thuyền không người lái. Trong số đó, Hải quân Mỹ đã bắt đầu nghiên cứu tàu thuyền không người lái ngay từ những năm 1990. Đài CCTV từng đưa tin Mỹ có ý định xây dựng một hạm đội không người lái trong vài năm tới để thực hiện các nhiệm vụ như chống tàu ngầm, rà phá bom mìn và tác chiến điện tử trên biển.

Về vấn đề này, Tống Trung Bình cho rằng, cũng giống như các phương tiện bay không người lái, để tàu thuyền không người lái phát huy hiệu quả tốt, bản thân việc nghiên cứu và phát triển thiết bị là một khía cạnh, nhưng quan trọng hơn là sức mạnh khoa học cơ bản đằng sau nó như trí tuệ nhân tạo và thông tin liên lạc.