Trung Quốc hạ thủy tàu sân bay không người lái thông minh dùng cho các phương tiện không người lái

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ngày 18/5, Trung Quốc đã hạ thủy tàu sân bay không người thông minh không người lái đầu tiên trên thế giới dùng cho các loại UAV mang tên "Zhu Hai Yun” (Chu Hải Vân - Mây Chu Hải) tại Quảng Châu.
Tàu sân bay không người lái thông minh Zhu Hai Yun dùng cho các phương tiện không người lái của Trung Quốc (Ảnh: Guangming).
Tàu sân bay không người lái thông minh Zhu Hai Yun dùng cho các phương tiện không người lái của Trung Quốc (Ảnh: Guangming).

Mặc dù các nhà phân tích an ninh đánh giá rằng "Zhu Hai Yun” (Chu Hải Vân - Mây Chu Hải) có thể dễ bị đối phương can thiệp hoặc hỏng hóc kỹ thuật, nhưng con tàu có thể chở mấy chục phương tiện không người lái hoạt động trên không, trên mặt nước hoặc dưới nước, dự kiến ​​sẽ có thể thu thập nhiều thêm thông tin tình báo ở Biển Đông.

Theo báo Hồng Kông South China Morning Post và trang web The Drive của Mỹ, mặc dù "Zhu Hai Yun” bề ngoài là một tàu nghiên cứu khoa học, nhưng nó có hệ điều hành bằng trí tuệ nhân tạo (AI) tiên tiến, ít nhất có thể tiến hành các hoạt động bán tự động, có thể được sử dụng trong quân sự, đóng vai trò là trung tâm của nhiều loại vũ khí không người lái và hệ thống giám sát.

Ngoài ra, theo Guangming Ribao (Nhật báo Quang Minh), "Zhu Hai Yun” dài 88,5 mét, rộng 14,0 mét, cao 6,1 mét, có mớn nước thiết kế 3,7 mét, lượng choán nước thiết kế khoảng 2.000 tấn, tốc độ tối đa 18 hải lý/giờ và tốc độ hành trình kinh tế 13 hải lý/giờ. Nó có một boong rộng rãi và có thể mang theo hàng chục hệ thống không người lái trên không, trên mặt biển và tàu lặn không người lái được trang bị các thiết bị quan sát khác nhau; có thể triển khai các phương tiện không người lái với số lượng lớn ở khu vực biển mục tiêu và có thể thực hiện tự điều chỉnh lập mạng theo định hướng nhiệm vụ quan trắc động thái ba chiều các mục tiêu cụ thể; là nền tảng hỗ trợ trên mặt nước của "Hệ thống quan sát lập thể đại dương thông minh và linh hoạt (ISOOS)" của Phòng thí nghiệm Đại dương phía Nam"Zhu Hai Yun” dự kiến ​​sẽ được chuyển giao vào cuối năm 2022 sau khi hoàn thành quá trình thử nghiệm trên biển.

Tàu Zhu Hai Yun mang theo các phương tiện không người lái.

Tàu Zhu Hai Yun mang theo các phương tiện không người lái.

Trang web Mỹ The Drive ngày 27/5 đăng bài phân tích chỉ ra rằng "Zhu Hai Yun” có trí tuệ nhân tạo và khả năng mang theo UAV, có thể thực hiện các nhiệm vụ quân sự thứ cấp, đặc biệt là tìm kiếm mục tiêu, phối hợp trinh sát liên tục các mục tiêu này. Nếu Hải quân Trung Quốc tham gia vào một cuộc xung đột ở Thái Bình Dương, chiếc tàu mẹ này có thể hợp tác với hoạt động kiểu bầy đàn của các máy bay không người lái tiến hành trinh sát mục tiêu ba chiều. Thực tế đã chứng minh rằng đặc tính này đặc biệt quan trọng, giống như bản báo cáo điều tra vụ tai nạn ở Biển Đông của chiếc tàu ngầm tấn công USS Connecticut (SSN 22) xảy ra cách đây không lâu đã nhấn mạnh rằng: đối với các hoạt động dưới nước của tàu ngầm, dữ liệu định vị dưới nước có độ chính xác cao là đặc biệt quan trọng.

Ông Timothy Heath, nhà phân tích an ninh cấp cao tại Rand Corporation, một tổ chức tư vấn của Mỹ, chỉ ra rằng tàu sân bay không người lái "Zhu Hai Yun” chắc chắn có thể được Trung Quốc sử dụng trong quân sự. Ông cho biết chiếc tàu mẹ của các máy bay không người lái này có thể được sử dụng để triển khai các loại thủy lôi thông minh từ khoảng cách xa. Lợi ích trực tiếp nhất của PLA là thu thập dữ liệu dưới nước liên quan thông qua các phương tiện lặn không người lái, giúp tàu ngầm hải quân Trung Quốc tự tin hơn và hiệu quả hơn khi thực hiện các nhiệm vụ ở những vùng biển đó.

Lễ hạ thủy chiếc Zhu Hai Yun hôm 18/5.

Lễ hạ thủy chiếc Zhu Hai Yun hôm 18/5.

Tuy nhiên, Timothy Heath cũng chỉ ra rằng "Zhu Hai Yun”, giống như các tàu không người lái khác, có nguy cơ bị gây nhiễu điện tử. Ông nói rằng ở chế độ tự hành, con tàu không người lái có thể đưa ra những quyết định không tốt trong trường hợp xảy ra các tình huống bất trắc, dẫn đến nhiệm vụ thất bại. Ngoài việc bị gây nhiễu, máy bay không người lái cũng có thể bị kẻ thù tấn công (hack), cướp quyền điều khiển hoặc thậm chí bị phá hủy bằng tia laser hoặc các loại vũ khí khác.

Tuy nhiên, ông Chu Chấn Minh (Zhou Chenming), một nhà nghiên cứu tại "Yuanwang Think Tank" (Tổ chức tư vấn Viễn Vọng) về lĩnh vực khoa học quân sự của Bắc Kinh, không đồng ý với quan điểm này. Ông cho rằng "Zhu Hai Yun” chỉ có thể triển khai ở vùng biển gần, tương đối ổn định, không nên triển khai ở vùng biển dễ xảy ra chiến tranh hoặc xung đột.

Ông Chu cho rằng, đóng góp lớn nhất của "Zhu Hai Yun” là thay thế chi phí lao động ngày càng đắt đỏ trong các hoạt động kinh tế hoặc thương mại vùng biển gần.

Theo Thời báo Hoàn cầu, thông tin công khai cho thấy "Zhu Hai Yun” được Công ty TNHH Vận tải biển CSSC Văn Xung, Hoàng Phố (Huangpu Wenchong) chế tạo, nó là tàu sân bay không người lái thông minh đầu tiên trên thế giới và thuộc biên chế của Phòng thí nghiệm Quảng Đông của Viện Khoa học và Kỹ thuật Hàng hải Phương Nam (Chu Hải). Con tàu dự kiến ​​sẽ hoàn thành các thử nghiệm trên biển và được đưa vào sử dụng vào cuối năm nay.

Các nguồn tin cho biết, một số công ty khác của Trung Quốc cũng đã bắt đầu phát triển loại tàu mặt nước không người lái dùng cho các nhiệm vụ an ninh cụ thể. Ví dụ, Công ty Công nghệ Vân Châu Trung Quốc (China Yunzhou Technology) cuối năm 2021 đã sử dụng sáu tàu không người lái tốc độ cao để tiến hành cuộc thử nghiệm "nhanh chóng đánh chặn, bao vây và trục xuất những kẻ xâm phạm trên biển".

Thời báo Hoàn cầu cho biết "công nghệ đối kháng hợp tác" có thể cho phép các tàu không người lái tấn công các mục tiêu của đối phương bằng cách tự động phối hợp mà không cần sự điều khiển của con người. Vào năm 2018, Yunzhou Technology đã tiến hành cuộc thử nghiệm phối hợp kiểu “bày ong” của 56 chiếc tàu không người lái mặt nước.

Video giới thiệu tàu Zhu Hai Yun (nguồn: SCMP).

Bài viết của Thời báo Hoàn cầu cho rằng "Zhu Hai Yun” hoặc các tàu tương tự khác về mặt lý thuyết có thể hoạt động như một trung tâm chỉ huy phối hợp của các nhóm tàu ​​thuyền không người lái như vậy.

Bài báo cũng cho biết "Zhu Hai Yun” có thể thu thập dữ liệu "quan trắc động thái ba chiều", đặc biệt quan trọng đối với Hải quân Trung Quốc. Các tàu ngầm Trung Quốc sẽ có thể nâng cao khả năng lập kế hoạch nhiệm vụ cùng tính linh hoạt trong hoạt động với sự trợ giúp của bản đồ địa hình đáy biển chính xác do con tàu này cung cấp.

Ngoài ra, theo MotorBiscuit, một trang web về ô tô của Mỹ, trong nhiều năm qua Trung Quốc đã nỗ lực phát triển công nghệ tự động hóa, và quân đội là một trong những động lực lớn nhất thúc đẩy công việc này. Trong những năm gần đây, quân đội Trung Quốc đã thử nghiệm và chế tạo thành công một số phương tiện tự động hóa.

Theo báo này, trang tin của Viện Hải quân Mỹ (USNI) tiết lộ rằng quân đội Trung Quốc đã tiếp quản một khu du lịch ở bờ biển phía bắc thành phố cảng Đại Liên. PLA đã sử dụng bến tàu gần Đại Liên để thử nghiệm các phương tiện mặt nước không người lái cỡ lớn. Nhiều hình ảnh vệ tinh và phân tích thông tin công khai được cung cấp cho USNI đã chứng thực sự tồn tại của dự án này.