Mỹ phóng thành công tên lửa đa năng SM-6 từ tàu mặt nước không người lái

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 3/9 đã công bố video tàu mặt nước không người lái phóng thành công tên lửa đa năng SM-6 bằng bệ phóng kiểu mô-đun, nhấn mạnh thành công này sẽ giúp "thay đổi quy tắc trò chơi".
Khoảnh khắc tên lửa SM-6 rời bệ phóng (Ảnh: USNavy).
Khoảnh khắc tên lửa SM-6 rời bệ phóng (Ảnh: USNavy).

Theo trang tin Hồng Kông Ifeng ngày 6/9, đoạn video do Bộ Quốc phòng Mỹ công bố cho thấy, chiếc tàu mặt nước không người lái (Unmanned Surface Vessel, USV) mang tên "Ranger" đã chở một số container thử nghiệm trên boong tàu, sau khi đi đến khu vực thử nghiệm, nó đã tiến hành phóng một tên lửa đa năng SM-6. Bộ Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh rằng Hải quân và Văn phòng Năng lực Chiến lược (SCO) đang nhanh chóng phát triển khái niệm tác chiến đa lĩnh vực và đa quân chủng mới này, điều này sẽ giúp "thay đổi luật chơi" trong chiến tranh tương lai.

Tên lửa SM-6 được phóng thử nghiệm (Ảnh: thedrive.com)

Tên lửa SM-6 được phóng thử nghiệm (Ảnh: thedrive.com)

Trang tin The Drive đã đăng bài trên chuyên mục War Zone chỉ ra rằng tên lửa SM-6 không chỉ có thể được sử dụng để chống lại các mục tiêu trên không như máy bay, tên lửa chống hạm, tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo và thậm chí cả tên lửa siêu thanh trong tương lai, mà còn có khả năng tấn công các mục tiêu trên đất liền hoặc trên biển. Thậm chí Lục quân Mỹ cũng lựa chọn SM-6 làm một loại hỏa lực tấn công tầm xa phóng từ mặt đất. Việc thử nghiệm thành công phóng tên lửa này từ tàu mặt nước không người lái được coi là cột mốc đánh dấu bước tiến lớn của Mỹ trong dự án xây dựng hạm đội không người điều khiển của Hải quân Mỹ.

Tàu không người lái Ranger mang container chứa bệ phóng tên lửa (Ảnh: thedrive.com).

Tàu không người lái Ranger mang container chứa bệ phóng tên lửa (Ảnh: thedrive.com).

Ngoài ra, bệ phóng kiểu mô-đun mà tàu “Ranger” sử dụng lần này tương tự như bệ phóng Lục quân Mỹ sử dụng để phóng thử tên lửa hành trình Tomahawk trên đất liền, cho thấy nó có thể áp dụng cho nhiều loại vũ khí khác nhau; cách lắp đặt cũng tương đối đơn giản, có thể được triển khai trên tất cả các loại tàu không người lái, tàu tiếp tế có người lái, tàu tuần tra của Cảnh sát biển và thậm chí cả tàu vận tải hàng hóa thương mại được trưng dụng. Điều này được coi là có lợi cho việc hiện thực hóa khái niệm “Distributed Lethality” (Sát thương Phân tán) của quân đội Mỹ.

"Ranger" là chiếc tàu mặt nước không người lái cỡ lớn (LUSV) dùng cho việc thử nghiệm. Giống với chiếc tàu song sinh mang tên "Nomad", nó được hoán cải từ tàu thương mại tiếp tế nhanh, có khoang chứa hàng hóa rộng rãi, phù hợp cho các nhiệm vụ thử nghiệm khác nhau. Hiện nay chúng đang thuộc "Dự án Lãnh chúa Hạm đội Ma" (Ghost Fleet Overlord Program) do Hải quân Mỹ và Văn phòng Năng lực Chiến lược hợp tác tiến hành.

Bệ phóng tên lửa được tàu Ranger triển khai (Ảnh: thedrive.com).

Bệ phóng tên lửa được tàu Ranger triển khai (Ảnh: thedrive.com).

Theo các báo, trong đoạn video do Bộ Quốc phòng Mỹ công bố, tàu thử nghiệm "Ranger" được trang bị hệ thống phóng thẳng đứng mô-đun 4 ống phóng cùng với hệ thống liên lạc. "Ghost Fleet Overlord Program” (gọi tắt Hạm đội ma) là một dự án nghiên cứu và phát triển dành riêng cho các nền tảng tác chiến mặt nước không người lái. Giống như dự án "Người bạn trung thành" của Không quân Mỹ sử dụng các máy bay không người lái tác chiến phối hợp với máy bay chiến đấu có người điều khiển, nó nhằm đạt được sự tự chủ hiệp đồng với các tàu có người lái bằng cách triển khai các tàu tác chiến mặt nước không người lái. Việc phóng thành công tên lửa "SM-6" lần này đã thể hiện đầy đủ tính hiệu quả của loại nền tảng không người lái trên biển này.

Tên lửa "SM-6" là một thành viên quan trọng của dòng tên lửa "Standard" của Hải quân Mỹ. Cuộc thử nghiệm này đã xác nhận nền tảng tàu mặt nước không người lái có đầy đủ khả năng phòng không, chống tên lửa, chống hạm và tấn công các mục tiêu trên bộ.

Video về cuộc phóng thử nghiệm do Bộ Quốc phòng Mỹ công bố (Video: thedrive.com)

Ngoài Hải quân, các lực lượng tác chiến như Lục quân và Thủy quân lục chiến Mỹ cũng rất quan tâm đến việc triển khai tên lửa "SM-6" để đạt được khả năng tấn công tầm xa của mỗi quân chủng. The Drive nói rằng hệ thống phóng thẳng đứng mô-đun được sử dụng trong vụ phóng tên lửa "SM-6" tương tự hệ thống phóng thẳng đứng MK-41 trang bị cho Lục quân Mỹ. Điều này có nghĩa là bệ phóng thẳng đứng mô-đun kiểu mới có thể có khả năng tương thích mạnh và có thể phóng nhiều tên lửa và sẽ tạo ra phương thức tác chiến mới. Ví dụ, các bệ phóng thẳng đứng tên lửa kiểu container có thể được triển khai không chỉ trên các tàu chiến đấu mà còn trên các tàu hậu cần như tàu tiếp tế và tàu hỗ trợ, thậm chí cả tàu thương mại. Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ cũng đã phát hiện ra giải pháp đảm bảo an toàn cho các tàu phá băng.

Đạn tên lửa SM-6 của hãng Raytheon chế tạo (Ảnh: sunnews).

Đạn tên lửa SM-6 của hãng Raytheon chế tạo (Ảnh: sunnews).

Chuyên mục War Zone của The Drive cho rằng đoạn video do Hải quân Mỹ tung ra này thực chất chỉ là phần nổi của tảng băng, phản ánh thiết kế chiến trường trong tương lai của quân đội Mỹ. Chuyên mục War Zone nhấn mạnh rằng mô thức tác chiến này đặc biệt phù hợp với môi trường chiến trường mà Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ có thể phải đối mặt với tình trạng cạnh tranh cao ở Thái Bình Dương. Chiều rộng và chiều sâu của việc áp dụng mô thức này dự kiến ​​sẽ là trọng tâm sự phát triển trong tương lai của quân đội Mỹ.