|
Các võ sĩ robot thi đấu quyết liệt trên võ đài. Ảnh: STCN. |
Tối 25/5, "CMG World Robot Competition Series", một giải đấu võ tổng hợp với sự tham gia của các võ sĩ là robot hình người, đã được tổ chức tại Hàng Châu và được truyền hình trực tiếp trên CCTV. "Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng trận chiến robot lại dữ dội và hấp dẫn đến vậy", một khán giả theo dõi trận đấu bình luận.
Được biết, robot hình người tham gia cuộc tỷ thí này là Unitree G1 do Unitree Robotics (Yushu Technology) phát triển. Robot này có từ 23 đến 43 động cơ khớp trên khắp cơ thể, giá khởi điểm là 99.000 NDT (346,5 triệu đồng).
Theo những chuyên gia trong ngành, có một số điểm chính cần chú ý trong giải đấu này: Đầu tiên là sự mượt mà của các kỹ năng, sự mượt mà và tính chuyên nghiệp của các kỹ năng của robot hình người. Thứ hai, “sự hợp tác giữa người và robot”, con người có thể ứng biến tại chỗ theo tình huống của robot như thế nào. Thứ ba, động tác đứng dậy của robot hình người sau khi ngã xuống có nhanh và mượt không.
Chìa khóa của cuộc tỷ thí giữa các robot hình người nằm ở sự cân bằng giữa tính ổn định và tính linh hoạt của robot, cũng như sự cân bằng giữa cấu trúc và chức năng.
Có tổng cộng 4 đội đã tham gia cuộc đấu võ của robot hình người này.
Mỗi trận đấu gồm có ba hiệp, mỗi hiệp dài 2 phút và người (đội) chơi có tổng điểm cao nhất trong ba hiệp sẽ giành chiến thắng. Về luật đánh, những cú đánh vào đầu và thân được coi là đòn đánh hợp lệ. Về luật tính điểm, nếu đánh trúng bằng tay, sẽ được 1 điểm; nếu đánh trúng bằng chân, sẽ được 3 điểm. Về luật phạt, mỗi lần ngã sẽ bị trừ 5 điểm và bị trừ 10 điểm nếu bị đánh ngã và không thể đứng dậy trong vòng 8 giây.
Trong cuộc đấu, các robot đã sử dụng đủ loại kỹ năng, dùng nắm đấm, dùng chân và tấn công luân phiên. “Kỹ thuật đấm bốc” bao gồm các cú đấm thẳng, móc, né đòn...và “kỹ thuật chân” bao gồm các cú đá bay, đá thẳng...Đồng thời, robot cũng tung ra các cú đấm đã kết hợp và các đòn knock-out để hạ đối thủ.
Người ta có thể thấy các robot sử dụng thành thạo các cú đá ngang, cú đấm móc...rồi tìm thời điểm thích hợp để tấn công nhanh. Ngay cả khi robot bị đánh ngã, nó vẫn có thể nhanh chóng đứng dậy và đánh tiếp.
"Hiện nay có ba cách điều khiển robot chính: điều khiển bằng giọng nói, bằng cảm biến cơ thể và điều khiển bằng tay cầm từ xa. Điều khiển bằng tay cầm là phương pháp trong cuộc thi đấu này", một người phụ trách công ty Unitree Robotics cho biết, thêm rằng robot đang học thêm nhiều kỹ năng.
Được biết nhiều người điều khiển võ sĩ robot không phải là người trong ngành robot. "Khó khăn trong việc vận hành robot hình người trong chiến đấu nằm ở trình độ thành thạo và cảm giác. Hiệu suất của robot hình người phụ thuộc vào kỹ năng của người điều khiển”, một người phụ trách có liên quan của Unitree Robotics cho biết.
"Hiện nay, robot hình người đang có những tiến bộ nhanh chóng, về cơ bản, mỗi tháng đều có những tiến bộ về mặt công nghệ so với tháng trước. Công ty sử dụng công nghệ AI để nâng cấp thuật toán của robot một cách nhanh chóng", người này nói thêm.
Có thông tin cho rằng robot chiến đấu chủ yếu được huấn luyện dựa trên công nghệ ghi lại chuyển động và học tăng cường. Nhóm nghiên cứu đã thu thập dữ liệu dựa trên chuyển động của các võ sĩ chuyên nghiệp, cho phép robot học hỏi trong thế giới ảo và cuối cùng truyền kiến thức cho robot vật lý.
Cùng ngày diễn ra cuộc thi đấu "CMG World Robot Competition Series", Công ty TNHH Công nghệ Robot Chúng Kình Thâm Quyến (Shenzhen Zhongqing Robot Technology Co., Ltd) đã thông báo Giải đấu võ tự do dành cho robot hình người cỡ lớn - “Zhongqing Mecha Boxing Champion" sẽ tổ chức lần đầu tại Thâm Quyến vào tháng 12/2025 và sẽ tiếp tục diễn ra với tần suất mỗi quý một lần.