Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam (Ảnh: AP) |
Hãng tin Financial Times dẫn lời "một số người được thông báo về kế hoạch" cho hay, nếu Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thông qua, người thay thế bà Carrie Lam sẽ đảm nhận vai trò lãnh đạo Hồng Kông cho tới khi bà Lam hết nhiệm kỳ vào năm 2022, và có thể bị thay thế bởi người khác trong khoảng thời gian nhiệm kỳ 5 năm.
Các nguồn tin cho hay, các ứng viên hàng đầu có khả năng thay thế bà Lam là Norman Chan - cựu giám đốc Cơ quan Tiền tệ Hồng Kông - và Henry Tang - cựu Cục trưởng Cục Tài chính đồng thời là cựu Tổng thư ký chính quyền Hồng Kông.
Trả lời hãng tin CNBC về kế hoạch thay đổi nhà lãnh đạo, một đại diện của Văn phòng trưởng đặc khu Hồng Kông nói rằng họ sẽ không đưa ra bình luận nào. Một đại diện của ông Henry Tang thì cho hay: "Ông Tang không đưa ra bình luận gì cụ thể. Ông ủng hộ bà Carrie Lam giữ chức vụ trưởng đặc khu".
Trong khi đó, hãng tin Reuters đưa tin, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói thông tin mà tờ Financial Times đăng tải chỉ là một tin đồn với động cơ chưa rõ ràng.
Dự luật dẫn độ mà chính quyền của bà Lam đưa ra đã làm dấy lên làn sóng biểu tình rộng khắp ở Hồng Kông, và dần chuyển biến thành biểu tình bạo lực phản đối chính quyền. Người biểu tình tuyên bố rằng họ sẽ không chấm dứt các cuộc biểu tình, giờ đã kéo dài đến tháng thứ 5 liên tiếp, cho đến khi các cuộc bầu cử dân chủ nhằm lựa chọn nhà lãnh đạo mới được tổ chức.
Theo các nguồn tin mà Financial Times dẫn lại, giới chức Trung Quốc không muốn bị xem là nhượng bộ trước làn sóng biểu tình bạo lực, và họ muốn tình hình ở Hồng Kông ổn định trước khi thay người lãnh đạo.
Trước đây, bà Lam được cho là từng nhiều lần đề nghị được từ chức, nhưng lời đề nghị này bị chính quyền Bắc Kinh bác bỏ.
Theo CNBC