Hé lộ loại bom “gây mất điện” mới của Trung Quốc có khả năng vô hiệu hóa trạm điện đối phương

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam

Trung Quốc công bố loại bom than chì mới có thể gây mất điện trên diện rộng, vô hiệu hóa hệ thống chỉ huy và lưới điện quân sự đối phương trong chiến tranh.

Loại bom mới của Trung Quốc xuất hiện trong một đoạn video. Ảnh: CCTV.
Loại bom mới của Trung Quốc xuất hiện trong một đoạn video. Ảnh: CCTV.

Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) mới đây đã đăng tải một video hé lộ loại bom than chì mới, được cho là có khả năng khiến các trạm điện đối phương tê liệt hoàn toàn và gây ra “mất điện trên diện rộng” tại khu vực bị tấn công.

Một kênh mạng xã hội do CCTV vận hành đã chia sẻ đoạn video hoạt hình mô phỏng quá trình phóng loại vũ khí này từ một phương tiện mặt đất. Sau khi được phóng, tên lửa đã phóng ra 90 đầu đạn phụ hình trụ, những đầu đạn này bật lên khi chạm đất rồi phát nổ giữa không trung, giải phóng các sợi carbon siêu mảnh đã được xử lý hóa học – nhằm gây đoản mạch hệ thống điện áp cao.

Theo kênh này, loại vũ khí trên nhằm phá hoại hệ thống chỉ huy và kiểm soát của đối phương bằng cách gây mất điện trên diện rộng, bao phủ khu vực ít nhất 10.000 mét vuông.

CCTV dẫn nguồn từ Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASC) – doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ Quốc phòng – nhưng không tiết lộ tên gọi cụ thể cũng như giai đoạn phát triển của loại vũ khí này. Đài truyền hình chỉ gọi đây là “một loại tên lửa nội địa bí ẩn”. Hiện vẫn chưa rõ loại vũ khí này đã được quân đội Trung Quốc đưa vào trang bị hay chưa.

Dù không trực tiếp gọi đây là “bom than chì”, nhưng các đặc điểm mô tả trong video lại rất giống với loại bom này vốn đã được biết đến từ trước.

Video cho biết vũ khí có tầm bắn 290 km và đầu đạn nặng 490 kg, phù hợp để tấn công các trạm biến áp quân sự và cơ sở hạ tầng điện lực trọng yếu khác.

Cho đến nay, quân đội Trung Quốc (PLA) rất hiếm khi công khai thông tin liên quan tới bom than chì.

Ông Chen Chundi, biên tập viên của tạp chí Modern Ships, một ấn phẩm bán chính thức, từng viết một bài bình luận năm 2017, mô tả bom than chì là loại “vũ khí phi truyền thống có thể thay đổi cục diện” đối với PLA trong các cuộc xung đột tương lai. Ông cho rằng việc tấn công hạ tầng điện luôn là một ưu tiên chiến lược trong chiến tranh.

Ông Trần nhận định chiến lược tác chiến hiện đại đã dịch chuyển từ tiêu diệt lực lượng đối phương sang làm tê liệt hệ thống vận hành của họ, đặc biệt bằng cách tấn công các mạng lưới chỉ huy, kiểm soát, liên lạc, máy tính, tình báo, giám sát và trinh sát (C4ISR). Bom than chì được xem là phương án hiệu quả giúp vô hiệu hóa hệ thống đối phương mà không cần phá hủy trực tiếp các mục tiêu được bảo vệ nghiêm ngặt.

Ông cũng cho biết loại bom này đã được PLA đưa vào trang bị, nhưng mới chỉ ở dạng phiên bản cũ, với trọng lượng đầu đạn và phạm vi tác động chỉ bằng khoảng một nửa so với mẫu mới.

Ngoài ra, ông Trần còn cho rằng bom than chì có thể được tích hợp với bộ điều hướng WCMD (Wind-Corrected Munitions Dispenser) – thiết bị gắn ở đuôi giúp tăng độ chính xác khi thả – và kết hợp thêm hệ thống định vị vệ tinh BeiDou của Trung Quốc để nâng cao hiệu quả tấn công.

Ông nhận định: “Trong tương lai, loại vũ khí này nhiều khả năng sẽ được trang bị cho tên lửa hành trình của Trung Quốc và phát huy sức công phá lớn trong thời chiến”.

Trên thực tế, bom than chì đã được quân đội Mỹ sử dụng từ lâu.

Tại Iraq, các tên lửa hành trình Tomahawk trang bị đầu đạn graphite BLU-114/B đã vô hiệu hóa 85% lưới điện quốc gia, khiến hệ thống chỉ huy quân sự, phòng không và các cơ quan chính phủ rơi vào cảnh tê liệt hoàn toàn.

Trong cuộc xung đột Kosovo, các máy bay tàng hình F-117 của Mỹ đã thả bom CBU-102 với đầu đạn BLU-114/B, phá hủy 70% hệ thống điện của Serbia, buộc chính quyền Belgrade phải chấp nhận các điều kiện của NATO.