Được biết, vào thời điểm bị bắt giữ hành khách trên đang đi qua khu vực an ninh của Phúc Điền, một cửa khẩu biên giới chia tách giữa thành phố Thâm Quyến và Hồng Kông, Trung Quốc. Vài ngày sau, nhân viên hải quan lại chặn thêm một người phụ nữ khác và phát hiện người này mang một chiếc ba-lô bên trong chứa đầy ống máu của các thai phụ. Có tổng cộng 203 ống máu như vậy, được bọc trong túi nhựa. Do thời tiết oi bức, lượng máu này bắt đầu phân hủy.
Giới chức Hồng Kông cho hay những người phụ nữ trên là người vận chuyển, thú nhận rằng họ được trả 100 - 300 NDT (14 - 42 USD) để mang thứ "hàng" nhạy cảm này qua biên giới.
Mới đây nhất, vào tháng 2/2019, một bé gái 12 tuổi bị chặn tại cảng La Hồ, cũng là một cửa khẩu nối tới Hồng Kông, khi đang mang theo 142 mẫu máu giấu trong ba-lô.
"Những học sinh băng qua cửa khẩu thường chỉ mang theo vài cuốn sách, đồ ăn vặt nên túi của các em nhìn rất trống. Nhưng chúng tôi thấy túi xách của học sinh này lại trông rất đầy, như thể sắp bung ra nên quyết định kiểm tra" - tờ People's Daily dẫn lời một nhân viên an ninh tại cửa khẩu La Hồ, cho hay.
Mỗi ống máu xét nghiệm đều gắn tên một thai phụ (Ảnh: SCMP)
|
Nạn chuyển máu lậu từ Trung Quốc sang Hồng Kông đã tăng đột biến trong vòng 3 năm qua. Do Trung Quốc cấm thử máu để xác định giới tính thai nhi, số mẫu máu này được chuyển tới các phòng khám ở Hồng Kông để xét nghiệm DNA của phôi thai, cho phép các bậc phụ huynh tương lai biết trước giới tính của con mình.
Nhu cầu xét nghiệm giới tính thai nhi ở Trung Quốc rất cao. Bất chấp việc chính quyền gỡ bỏ một phần chính sách một con, nhưng rất nhiều cặp đôi ở Trung Quốc vẫn lựa chọn chỉ sinh 1 con, và điều mà họ muốn là một cậu con trai nối dõi.
Những ống máu giấu trong thú nhồi bông
Các cơ sở xét nghiệm khuyến cáo thai phụ giấu ống máu xét nghiệm bên trong thú nhồi bông (Ảnh: CNN)
|
Vì nỗi khao khát biết trước giới tính đứa con sắp chào đời, nhiều cặp đôi Trung Quốc tìm người trung gian để chuyển mẫu máu của mình vượt biên sang Hồng Kông để tiến hành xét nghiệm. Trên mạng xã hội Weibo, có tới hàng chục cơ sở có dịch vụ xét nghiệm kiểu này.
Đại diện một cơ sở nói với CNN rằng "phụ nữ có thể xét nghiệm được khi mang thai ở tuần thứ 6 - 7". Người đại diện mà CNN tiếp cận thông qua WeChat chỉ yêu cầu khách hàng cung cấp ảnh chụp siêu âm để chứng minh thai đủ lớn cùng một mẫu máu để xét nghiệm. "Thai phụ có thể tới bệnh viện hoặc thuê một y tá tới tận nhà để lấy máu" - người đại diện này nói.
Các thai phụ được khuyến cáo giấu ống chứa máu bên trong một con thú nhồi bông hoặc các gói đồ ăn vặt để tránh bị phát hiện, sau đó gửi quan đường bưu điện tới Hồng Kông. "Chúng tôi giờ không còn thuê người vận chuyển nữa" - người đại diện trên cho hay - "Nó quá rủi ro bởi chính phủ đang trấn áp rất mạnh tay hoạt động của chúng tôi".
Cơ sở này - có khoảng 380.000 người theo dõi trên mạng xã hội Weibo - thu phí 3.500 NDT (490 USD) cho mỗi lần cung cấp dịch vụ, và mỗi lần xét nghiệm như vậy mất khoảng 1 tuần lễ. Việc xét nghiệm được thực hiện bên trong một phòng thí nghiệm đặt ở một vùng sâu xa của Hồng Kông.
Được biết, Luật Dân số và Kế hoạch hóa gia đình Trung Quốc đã cấm xét nghiệm giới tính thai Nhi từ năm 2002 nhằm giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính. Trong tổng số 1,4 tỷ người dân của Trung Quốc, số lượng đàn ông nhiều hơn phụ nữ tới 32,7 triệu người tính vào thời điểm cuối năm 2017 - theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc.
Trong giai đoạn thực thi chính sách một con của Trung Quốc - hạn chế mỗi cặp cha mẹ chỉ được sinh 1 con - các vụ nạo phá thai do lựa chọn giới tính của con đã tăng đột biến, khi mà nhiều gia đình muốn có con trai nối dõi. Theo một nghiên cứu mà Đại học Quốc gia Singapore công bố hồi tháng 5/2019, trong giai đoạn 1970-2017, có khoảng 12 triệu bé gái không thể ra đời vì tình trạng này.
Chính sách một con đã được bãi bỏ một phần vào năm 2015, thế nhưng rất nhiều cặp cha mẹ vẫn chỉ muốn sinh 1 con, lý do là chi phí nuôi con ngày càng cao. Để lách luật, biết trước giới tính của thai nhi, nhiều bậc cha mẹ lựa chọn gửi mẫu máu sang Hồng Kông. Đây là hành động trái pháp luật, bởi từ năm 2017, Ủy ban Y tế và Kế hoạch hóa gia đình quốc gia Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm vận chuyển máu người qua biên giới.
Thế nhưng Hồng Kông vẫn tiếp nhận các mẫu máu xét nghiệm, cho rằng chúng không bị nghi chứa các tác nhân truyền nhiễm - CNN dẫn lời một người phát ngôn của cơ quan y tế thành phố này cho hay. Kể từ năm 2015 đến nay, cơ quan y tế Hồng Kông đã tiếp nhận 3 trường hợp mà trong đó các phòng thí nghiệm thực hiện xét nghiệm mẫu máu để xác định giới tính. Cả 3 trường hợp được chuyển cho cơ quan điều tra, nhưng sau đều bị hủy bởi không đủ bằng chứng.
Chính quyền "nhắm mắt cho qua"
Lực lượng hải quan Trung Quốc thu giữ 142 ống máu xét nghiệm từ ba-lô của bé gái 12 tuổi tại cửa khẩu La Hồ (Ảnh: SCMP)
|
Theo quy định của Hồng Kông, các phòng thí nghiệm của thành phố này chỉ được phép thực hiện các cuộc xét nghiệm máu, nếu như mẫu máu này được một nhân viên y tế có chuyên môn chuyển tới cho họ. Nhưng rất nhiều phòng thí nghiệm phớt lờ quy định này - theo ông Kwok Ka-Ki, một thành viên Nghị viện Hồng Kông và cũng là một bác sĩ chuyên khoa tiết niệu.
"Cơ quan y tế đáng lẽ ra có thể cài người giả làm khách hàng và phanh phui hoạt động trên, nhưng đến giờ tôi chưa từng thấy họ làm vậy" - ông Kwok nói - "Chính quyền vẫn ngoảnh mặt làm ngơ bởi lo ngại sẽ làm tổn hại tới ngành công nghiệp xét nghiệm béo bở của Hồng Kông".
Ngành công nghiệp xét nghiệm giới tính của Hồng Kông bắt đầu bùng nổ kể từ khi các nhà khoa học của thành phố này phát minh ra phương pháp xét nghiệm sàng lọc di truyền trước sinh (NIPT).
"Trước đây các thai phụ phải chờ thai phát triển 4 - 5 tháng mới biết được giới tính của thai nhi, thì với NIPT họ chỉ cần chờ 10 tuần lễ" - tom Shakespeare, nhà xã hội học người Anh, đồng tác tác giả một nghiên cứu về khía cạnh đạo đức của phương pháp NIPT, nói - "Phương pháp này càng khiến tình trạng nạo thai vì lựa chọn giới tính gia tăng".
Được biết, NIPT là phương pháp được Giáo sư Dennis Lo thuộc ĐH Hồng Kông, Trung Quốc phát minh.
Ngành công nghiệp bùng nổ
Giáo sư Dennis Lo, ĐH Hồng Kông, Trung Quốc, đã phát minh ra phương pháp NIPT (Ảnh: CNN)
|
Phương pháp mà Giáo sư Lo phát triển, có độ chính xác lên tói 99%, đã được áp dụng rộng rãi ở nước Mỹ vào năm 2011 bởi công ty Sequenom có trụ sở tại California. Các công ty khác cũng nhanh chóng bắt kịp. NIPT giờ ngày càng được vận dụng rộng rãi với mục đích thương mại.
NIPT đến nay đã hoàn toàn làm biến đổi phương pháp xét nghiệm trước sinh, nó an toàn hơn cho thai nhi và ít ảnh hưởng tới thai phụ. "Trên toàn thế giới, có khoảng 7 triệu phụ nữ sử dụng phương pháp này mỗi năm" - ông Lo nói. Thị trường NIPT được dự báo sẽ đạt doanh thu 3,9 tỷ USD vào năm 2019, với mức tăng trưởng thường niên là 13,5% - theo một báo cáo của MarketsandMarkets.
NIPT đặc biệt phổ biến ở Trung Quốc, dù cho nó không thể được sử dụng để xét nghiệm giới tính. Phụ nữ Trung Quốc ngày nay thường lựa chọn sinh con muộn, do được khuyến khích tham gia vào lực lượng nhân công của đất nước và việc gỡ bỏ một phần chính sách một con. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều phụ nữ đến tuổi 30 - 40 mới quyết định sinh con thứ 2, hứng chịu rủi ro sảy thai cao hơn.
BGI và Berry Genomics hiện là 2 công ty đang thống trị thị trường NIPT ở Trung Quốc. "Trong năm 2018, chúng tôi đã xét nghiệm 1 triệu mẫu máu nhờ phương pháp này" - XEO Zhou Daixing của Berry Genomics cho hay - "Và thị trường đang tăng trưởng với tốc độ 20 - 30% mỗi năm".
Năm 2018, có tổng cộng 4 triệu phụ nữ Trung Quốc đã sử dụng phương pháp NIPT, con số này chiếm 1/4 tổng số thai phụ ở nước này - ông Zhou cho hay.
Nhưng trong khi phần lớn các nước áp dụng NIPT đều cho phép thai phụ biết trước giới tính của con mình khi thai phát triển đến tuần thứ 10, các bác sĩ ở Trung Quốc không được phép cung cấp thông tin này cho những người mẹ tương lai. Điều này khiến thị trường xét nghiệm giới tính ở Hồng Kông nở rộ, tăng trưởng đều từ năm 2015 đến nay.
Tính vào thời điểm tháng 9/2019, Cục Y tế Hồng Kông đã điều tra tổng cộng 53 trường hợp liên quan tới nhập khẩu mẫu máu từ đại lục mà không có giấy phép. Năm 2015 họ chỉ phát hiện ra 1 trường hợp duy nhất, nhưng đến năm 2017 là 17 trường hợp và đến năm 2018 là 18 trường hợp. Tính đến thời điểm tháng 9/2019, số vụ bị phát hiện là 12.
"Đây chỉ là phần nổi của tảng băng trôi" - ông Kwok nói - "Nếu nhìn vào số lượng lớn các phòng thí nghiệm có dịch vụ xét nghiệm giới tính thai nhi ở Hồng Kông, chắc phải có hàng chục vụ xảy ra mỗi ngày".
Thêm nữa, NIPT không chỉ được áp dụng để biết giới tính thai nhi. Các loại bệnh như u xơ nang, ưa chảy máu di truyền, thiếu máu tán huyết di truyền và tăng sản thượng thận bẩm sinh...giờ cũng được phát hiện sớm nhờ phương pháp NIPT - theo Giáo sư Lo. Trong tương lai, NIPT còn có thể dự đoán được thai phụ có mắc chứng tiền sản giật hoặc sinh non hay không.
Dù đây là một bước tiến trong y học, nhưng nó cũng gây nên một vấn đề về đạo đức. "Nếu chúng ta biết trước được rằng một đứa trẻ sẽ mắc bệnh tiểu đường khi ở độ tuổi 40 hoặc ung thư ở giai đoạn sau đó, liệu chúng ta có nên thông báo với người mẹ và khiến bà ta chịu gánh nặng tâm lý hay không?" - ông Lo nói.
Theo CNN