
Năm ngoái, 13 triệu xe điện mới đã lăn bánh trên các con đường ở Trung Quốc khi quốc gia này tiếp tục quá trình chuyển đổi nhanh chóng sang năng lượng mới. Nhưng khi những chiếc xe thân thiện với môi trường bắt đầu thống trị ngành giao thông, công nghệ hiện đại này dường như cũng mang theo một “hành lý cũ” – chứng say xe.
Sau khi điều tra về số lượng ngày càng tăng các báo cáo cho thấy hành khách trên xe điện cảm thấy chóng mặt, buồn nôn hoặc toát mồ hôi lạnh, các nhà nghiên cứu tại Nhật Bản có thể đã tìm ra một giải pháp công nghệ thấp cho vấn đề công nghệ cao: một âm thanh đơn giản có thể được tải xuống và phát trước mỗi chuyến đi.
Các nghiên cứu cho thấy xe điện dễ gây cảm giác buồn nôn hơn so với xe sử dụng động cơ đốt trong truyền thống, do đặc điểm tăng và giảm tốc khác biệt của chúng.
Theo các nhà nghiên cứu từ Đại học Trùng Khánh và Viện Nghiên cứu Kỹ thuật Ô tô Trung Quốc, say xe không chỉ ảnh hưởng đến sự thoải mái mà còn đến sức khỏe của hành khách. Những người say xe có thể thường xuyên cảm thấy bồn chồn và căng thẳng khi di chuyển trên xe.
Ví dụ, hệ thống phanh tái sinh – một chức năng đặc trưng ở xe điện – có thể gây ra hiện tượng say xe, theo một nghiên cứu được công bố vào tháng trước do nhóm của ông Masashi Kato từ Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong (cơ sở Quảng Châu) dẫn đầu. Hệ thống này giúp chuyển đổi năng lượng động học thành điện năng để sạc pin khi xe giảm tốc, tạo ra hiện tượng giảm tốc tần số thấp, yếu tố có thể kích hoạt các triệu chứng say xe.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Thượng Hải và hãng sản xuất ô tô SAIC Motor của Trung Quốc phát hiện rằng đối với hành khách đi xe điện, “kết nối chức năng của não bộ có sự tái tổ chức nhằm đối phó với căng thẳng sinh lý và tâm lý do say xe gây ra”, theo một nghiên cứu được công bố vào tháng 10.
Để giảm tình trạng say xe, các nhà khoa học tại Đại học Nagoya (Nhật Bản) đã phát hiện rằng việc nghe âm thanh ở tần số 100Hz trong vòng một phút trước khi lên xe điện có thể giúp làm dịu các triệu chứng này.
Phát hiện này được công bố vào tháng 3 trên tạp chí Environmental Health and Preventive Medicine, và được nhóm nghiên cứu đánh giá là một phương pháp an toàn và hiệu quả để giảm cảm giác choáng váng và buồn nôn.
“Dao động từ âm thanh đặc biệt này kích thích các cơ quan otolith trong tai trong, bộ phận có chức năng cảm nhận gia tốc tuyến tính và trọng lực”, ông Masashi Kato, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết trong một thông cáo từ trường đại học. “Điều này cho thấy rằng việc kích thích âm thanh đặc biệt có thể kích hoạt toàn diện hệ thống tiền đình – hệ thống giúp cơ thể duy trì thăng bằng và định hướng không gian”.
Những người tham gia nghiên cứu đã nghe đoạn âm thanh trong một phút, sau đó tham gia vào một số hoạt động như đu quay, mô phỏng lái xe hoặc ngồi trên phương tiện gây cảm giác say xe. Các triệu chứng như chóng mặt và buồn nôn đã được cải thiện rõ rệt.
“Những kết quả này cho thấy việc kích hoạt hệ thần kinh giao cảm – vốn thường bị rối loạn trong các trường hợp say xe – đã được cải thiện khách quan nhờ tiếp xúc với âm thanh đặc biệt”, ông Kato nói.

Hé lộ loại bom “gây mất điện” mới của Trung Quốc có khả năng vô hiệu hóa trạm điện đối phương

Trung Quốc dẫn đầu cuộc đua robot hóa y tế: AI biết chữa bệnh và chăm sóc người lớn tuổi
