Xem tiếp: Trung Quốc "chơi bài" gì sau phán quyết Biển Đông?
Sau phán quyết của Tòa án Trọng tài thường trực Quốc tế về Biển Đông, Trung Quốc liên tiếp có những động thái cứng rắn và đe dọa quân sự nhằm mục đích củng cố vị thế địa chính trị và theo đuổi chính sách thống trị khu vực. Mỹ, Úc và đồng minh phải làm gì để kiềm chế Bắc Kinh.
Ngay sau phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực Quốc tế, Trung Quốc đã liên tiếp có những động thái cứng rắn nhằm ngăn chặn các nước trong khu vực Đông Nam Á không sử dụng phán quyết như một công cụ hiệu quả phản bác lại Bắc Kinh, đồng thời tăng cường các biện pháp quân sự nhằm răn đe ngăn chặn Mỹ can thiệp sâu ở Biển Đông.
Trong thời điểm này, mọi hành động mạnh mẽ đáp trả những tuyên bố “sẵn sàng chiến tranh” của các tướng lĩnh Trung Quốc đều có thể dẫn đến gia tăng căng thẳng hơn nữa trên vùng nước Biển Đông. Nguyên nhân cơ bản của vấn đề này là chính quyền Bắc Kinh không mong muốn một phản ứng bùng phát trong người dân Trung Quốc có thể sẽ châm ngòi cho mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và nguy cơ khủng bố.
Để đáp ứng tâm lý dân tộc chủ nghĩa cực đoan, Trung Quốc sẽ sử dụng các biện pháp cứng rắn hơn để củng cố vị thế chính trị nội bộ và duy trì vị thế của một cường quốc. Những biện pháp đó sẽ tiếp tục đẩy khu vực đến sát hơn với “nguy cơ chiến tranh”.
Trong giai đoạn hiện nay, một nguy cơ bùng nổ xung đột vũ trang không phải là điều mong muốn của tất cả các quốc gia có lợi ích trên Biển Đông, xung đột sẽ khiến khu vực đông dân cư và năng động nhất trên thế giới sẽ lao vào vòng xoáy vũ trang mới, làm gián đoạn các hoạt động kinh tế, thương mại trên Biển Đông và gây tổn thất nhiều nghìn tỷ USD.
Washington và Canberra phải ủng hộ mạnh mẽ các cuộc đối thoại giữa Bắc Kinh và Manila để tìm ra sự khác biệt và đi đến một thỏa thuận hai bên cùng có lợi. Mỹ và Úc phải khuyến khích các nước khác kiềm chế khi lẽ phải pháp lý đang nghiêng về phía các quốc gia này. Các nước có tranh chấp với Trung Quốc cần đảm bảo rằng các lực lượng thực thi pháp luật và và tàu đánh cá hiện nghiêm chỉnh UNCLOS, ngăn ngừa mọi lý do khiến Trung Quốc có cớ để thực hiện các hành vi vi phạm trong tương lai.
Mỹ, Úc và đồng minh sẽ tiếp tục tiến hành các hoạt động đảm bảo tự do hàng hải (FONOPS) trên Biển Đông, nhưng thời gian và hành động phải được nghiên cứu kỹ lưỡng và thực hiện chu đáo, cẩn thận tránh những va chạm không chủ ý với ngư dân và lực lượng hải cảnh. Hơn thế nữa, sứ mệnh vô cùng quan trọng này cần được thực hiện không phô trương.
Nếu giới truyền thống nắm được các thông tin chi tiết về những hoạt động FONOP của Mỹ và đồng minh, Lầu Năm Góc phải đưa ra những giải thích rõ ràng, các động thái đang được tiến hành là những hoạt động thông thường của tự do hàng không và hàng hải, không nhằm thách thức chủ quyền Trung Quốc.
Trong tương lai, nếu những tuyên bố và hành động của Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh không “đòi hỏi quá mức” quyền kiểm soát biển, không phù hợp với "tự do hàng hải” theo UNCLOS, các hoạt động FONOP có thể không còn cần thiết phải tiến hành.
Chính quyền kế nhiệm Mỹ nên đặt ra mục đích ưu tiên là vận động Thượng viện phê chuẩn UNCLOS. Chính sách của Mỹ trong vấn đề Biển Đông, đặt trọng tâm vào việc tuân thủ pháp luật quốc tế đã chứng minh là đúng và có hiệu quả. Sẽ rất mâu thuân khi Mỹ khăng khăng buộc Trung Quốc tuân thủ theo Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển trong khi Mỹ từ chối tham gia ký kết, điều đó cũng khiến cho vị thế đạo đức của Mỹ bị suy yếu. Từ vấn đề Biển Đông cho thấy, các nguyên tắc và thông lệ của UNCLOS thực sự quan trọng đối với lợi ích Mỹ. Mỹ cần phê chuẩn Hiệp ước và điều đó làm tăng vị thế địa chính trị của mình trên Thái Bình Dương.
Sau khi phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực Quốc tế đã ban hành, vấn đề tranh chấp trên Biển Đông bước vào một giai đoạn mới, bao gồm cả thách thức và cơ hội.
Một thuận lợi lớn, Diễn đàn Khu vực ASEAN nhóm họp từ ngày 21.7 và tháng 9 sẽ diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G20. Bắc Kinh đang tích cực chuẩn bị cho Hội nghị này và muốn có một thành công vang dội nhằm tạo ra một khoảng thời gian hòa hoãn trong các mối quan hệ quốc tế.
Trong điều kiện mới, Mỹ, Úc và các quốc gia đồng minh cần chủ động tìm kiếm các giải pháp, sử dụng triệt để thời gian vài tháng hình thành những yếu tố căn bản cho một sự thay đổi trong chính sách của Trung Quốc đối với Biển Đông. Chính sách đó phải hướng tới việc giải quyết các mâu thuẫn dựa trên cơ sở đàm phán hòa bình, đảm bảo chủ quyền và lợi ích của các nước láng giềng và phù hợp với luật pháp quốc tế.
* Bài viết trên National Interest của tác giả Bonnie S. Glaser.