Triều Tiên: Liên minh mới của Mỹ có thể kích hoạt "chạy đua hạt nhân" ở châu Á-Thái Bình Dương

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Bộ Ngoại giao Triều Tiên ngày 20/9 nói rằng khối liên minh của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương cùng với thỏa thuận tàu ngầm của họ với Australia có thể kích hoạt “chạy đua hạt nhân”.
Triều Tiên cho rằng liên minh Aukus của Mỹ có thể làm dấy lên cuộc "chạy đua hạt nhân" trong khu vực (Ảnh: Reuters)
Triều Tiên cho rằng liên minh Aukus của Mỹ có thể làm dấy lên cuộc "chạy đua hạt nhân" trong khu vực (Ảnh: Reuters)

Tuần trước, Mỹ bất ngờ tuyên bố hiệp định an ninh ba bên với Australia và Anh, như một phần trong quan hệ đối tác chiến lược mà trong đó các tàu ngầm nguyên tử Mỹ sẽ được cung cấp cho Canberra.

“Đây là những hành động cực kỳ nguy hiểm và không mong muốn, có thể làm xáo trộn sự cân bằng chiến lược ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và kích hoạt một cuộc chạy đua vũ hạt nhân” – KCNA, hãng truyền thông nhà nước Triều Tiên, dẫn lời một quan chức Bộ Ngoại giao, cho hay.

“Điều này cho thấy Mỹ là kẻ đứng sau âm mưu lật đổ hệ thống chống phổ biến vũ khí hạt nhân quốc tế” – vị quan chức làm việc tại Cục Báo chí và Thông tin, thuộc Bộ Ngoại giao Triều Tiên, nói.

Hôm thứ Tư tuần trước, Triều Tiên đã phóng thử nghiệm 2 tên lửa về phía biển, và chỉ vài giờ sau đó Hàn Quốc cũng thử nghiệm thành công một tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm, trở thành quốc gia thứ 7 trên thế giới sở hữu công nghệ này.

Hàng loạt vụ thử nghiệm tên lửa cùng với các thỏa thuận quốc phòng ở khu vực Thái Bình Dương trong thời gian gần đây đã khiến nhiều người lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang đang dần tăng tốc, trong bối cảnh sự đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc căng thẳng dần.

“Thật dễ hiểu khi các quốc gia láng giềng, trong đó có Trung Quốc, lên án những hành động này là vô trách nhiệm và tiêu hủy hòa bình, sự ổn định của khu vực” – vị quan chức Triều Tiên nói thêm.

Khối liên minh quốc phòng mà Tổng thống Mỹ Joe Biden mới thành lập cùng với Australia và Anh (Aukus) được nhận định là chủ yếu nhằm đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Mối quan hệ giữa chính quyền Biden với Triều Tiên cũng có sự thay đổi đáng kể nếu so với người tiền nhiệm Donald Trump – người đã nỗ lực tạo dựng mối quan hệ ngoại giao bằng hữu với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

“Thái độ hai mặt của Mỹ càng trở nên rõ rệt hơn, sau khi sự xuất hiện của chính quyền mới làm ảnh hưởng tới nguyên tắc và trật tự quốc tế, và đe dọa một cách nghiêm trọng tới hòa bình và sự ổn định của thế giới” – vị quan chức Triều Tiên nói.

Vị quan chức này thêm rằng, Triều Tiên “chắc chắn sẽ đưa ra động thái đáp trả trong trường hợp nó (Aukus) gây ảnh hưởng, dù là nhỏ, đối với an ninh của đất nước chúng tôi”.

Thỏa thuận mà Mỹ dẫn đầu cũng vấp phải phản ứng phẫn nộ từ phía Pháp. Chính quyền Paris cáo buộc Australia che giấu ý định rút khỏi thỏa thuận đóng 12 tàu ngầm chạy bằng điện/diesel trị giá 66 tỉ USD với tập đoàn nhà nước Naval Group của Pháp.

Thủ tướng Australia Scott Morrison thì đổ lỗi cho môi trường chiến lược đang biến chuyển theo chiều hướng xấu trong khu vực, ám chỉ tới việc Trung Quốc đẩy mạnh xây dựng quân đội trong những năm gần đây.

Vị quan chức Triều Tiên cũng nhắc tới những cáo buộc của Pháp, nói rằng Mỹ đang bị các nước đồng minh buộc tội “đâm sau lưng”. Ông nói rằng Triều Tiên ủng hộ quan điểm của Trung Quốc và các nước khác rằng, thỏa thuận mới sẽ hủy hoại “hòa bình và an ninh khu vực, hệ thống chống phổ biến vũ khí hạt nhân quốc tế và làm tăng các cuộc chạy đua vũ trang”.

“Tình hình hiện tại một lần nữa cho thấy những nỗ lực tăng cường khả năng phòng thủ quốc gia của chúng tôi không nên bị giảm nhẹ dù chỉ là một chút” – vị quan chức cho hay.

Triều Tiên đã tạm ngừng các cuộc thử nghiệm hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa kể từ năm 2018, khi ông Kim Jong-un tham gia vào hoạt động ngoại giao với ông Donald Trump, thúc đẩy việc Mỹ dỡ bỏ bớt các lệnh cấm vận nhằm vào họ.

Các vòng đàm phán hạt nhân giữa Washington và Bình Nhưỡng đã lâm thế bế tắc sau khi hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim lần thứ hai tổ chức năm 2019 không mang lại kết quả. Mỹ từ chối đề nghị gỡ bỏ cấm vận để đổi lấy việc Triều Tiên dỡ bỏ cơ sở hạt nhân của họ.

Mặc dù giữ vững biên bản ghi nhớ về các vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa và hạt nhân, Triều Tiên vẫn tiếp tục thử nghiệm các loại vũ khí tầm ngắn có khả năng đe dọa các đồng minh của Mỹ trong khu vực, Hàn Quốc và Nhật Bản, nhằm gây sức ép với chính quyền Biden.

Trong tháng này, Triều Tiên cũng thử nghiệm một tên lửa hành trình mới mà họ có dự định sẽ lắp đặt các đầu đạn hạt nhân, và một hệ thống mới dùng để phóng tên lửa đạn đạo từ tàu hỏa.