“Cú đâm sau lưng”: Pháp triệu hồi Đại sứ tại Mỹ và Australia về nước do Aukus

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Pháp đã triệu hồi Đại sứ của họ ở Mỹ và Australia, diễn biến căng thẳng mới nhất sau khi Mỹ, Australia và Anh thành lập một liên minh an ninh mới.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (Ảnh: AFP)
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (Ảnh: AFP)

Được công bố trong hôm 15/9, hiệp ước mới có tên “Aukus”, bao gồm một thỏa thuận giúp Australia sở hữu một hạm đội tàu ngầm nguyên tử, và bởi vậy mà hủy luôn thương vụ mua các tàu ngầm truyền thông của Pháp và Canberra đã cam kết vào năm 2016.

“Theo đề nghị của Tổng thống, tôi triệu hồi lập tức các đại sứ của chúng tôi ở Mỹ và Australia về Paris để tham vấn” – Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian nói trong một tuyên bố - “Quyết định này được đưa ra là do ảnh hưởng của các tuyên bố mà Mỹ và Australia đã đưa ra vào ngày 15/9”.

Việc Australia hủy thương vụ mua tàu ngầm Pháp, cùng với thỏa thuận mới với Mỹ và Anh, đã cấu thành “hành động không thể chấp nhận được giữa các đồng minh và đối tác”, ông Le Drian nói, thêm rằng sự việc này có tầm ảnh hưởng trực tiếp tới “tầm nhìn mà chúng tôi có đối với khối liên minh của chúng ta, về quan hệ đối tác của chúng ta và tầm ảnh hưởng của khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương đối với châu Âu”.

Trong một tuyên bố khác, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói rằng chính quyền Mỹ hiểu được quan điểm của phía Pháp và hy vọng “tiếp tục các cuộc thảo luận với giới chức Pháp về vấn đề này ở cấp cao trong những ngày tới”.

“Khối liên minh xuyên Đại Tây Dương đã đảm bảo an ninh, sự ổn định và thịnh vượng trên toàn thế giới trong suốt hơn 7 thập kỷ qua, và cam kết của chúng tôi với những bên tham gia cũng như công việc chung của chúng ta là không xuy xuyển” – Ned Price nói.

Bên cạnh thỏa thuận chia sẻ công nghệ tàu ngầm nguyên tử, Aukus cũng kêu gọi 3 nước thành viên thêm hoạt động hợp tác trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), máy tính lượng tử và khả năng chiến đấu dưới mặt nước trong các chiến dịch quân sự của họ.

Ngoài sự phản đối kịch liệt từ Pháp, hiệp định an ninh ba bên này cũng khiến một “người chơi” lớn khác trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương phẫn nộ: Trung Quốc.

Phản ứng trước thông tin về Aukus, Bắc Kinh cáo buộc Washington và Canberra tìm đến “chiến tranh và sự hủy diệt”, cho rằng hiệp định này đe dọa “hòa bình và sự ổn định của khu vực, làm tăng cuộc chạy đua vũ trang và gây ảnh hưởng tới các nỗ lực quốc tế trong chống phổ biến vũ khí hạt nhân”.

Hạm đội tàu ngầm nguyên tử mà Australia sẽ chế tạo cùng với sự hỗ trợ từ Mỹ và Anh sẽ chỉ có động cơ chạy bằng năng lượng nguyên tử, chứ không mang theo vũ khí nguyên tử.

Mặc dù Nhà Trắng nói rằng họ đã báo trước cho Pháp về Aukus, nhưng tờ New York Times lại đưa tin rằng giới chức Mỹ và Australia đã giữ bí mật về hiệp định này cho tới thời điểm trước khi nó được công bố.

Đại sứ Pháp tại Mỹ, Philippe Etienne, nói với hãng NPR rằng quyết định của Mỹ là “đáng thất vọng” và làm giảm lòng tin giữa Paris và Washington, tuy nhiên thêm rằng: “Tôi tin rằng lòng tin có thể được phục hồi”.

Pháp, được Washington coi là “đồng minh và người bạn lâu năm nhất”, chưa từng triệu hồi Đại sứ tại Mỹ của họ kể từ năm 1793.

Mô tả Aukus như một “cú đâm lén sau lưng”, ông Le Drian hôm đầu tuần này nói rằng quyết định của Tổng thống Mỹ Joe Biden làm ông nhớ lại những hành động của cựu Tổng thống Donald Trump.

Ngay cả trước khi Pháp triệu hồi Đại sứ về nước, thì đã có nhiều tín hiệu cho thấy Aukus có khả năng gây ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao sâu rộng.

Sau khi Aukus được công bố, Pháp đã hủy luôn một cuộc sự kiện mà họ tổ chức tại Đại sứ quán của họ Washington vốn để kỷ niệm khối liên minh Mỹ-Pháp, trong khi một thành viên Pháp trong Nghị viện châu Âu đe dọa tạm ngừng một thỏa thuận thương mại tự do EU-Australia do vụ việc.

Sau màn rút quân đầy hỗn loạn khỏi Afghanistan thì Aukus chính là đòn giáng mới nhất đối với chính quyền của Tổng thống Biden, người luôn tự hào về kinh nghiệm chính sách ngoại giao của mình và từng tuyên bố sẽ thúc đẩy chủ nghĩa đa phương.

“Pháp, đồng minh của chúng ta kể từ năm 1780, vừa triệu hồi đại sứ của họ về nước” – Nghị sĩ Mary Miller, đảng Cộng hòa, viết trên Twitter.