Tờ Arirang Meari của Triều Tiên số ra ngày 5/1 vừa qua có bài bình luận cho rằng "Trung Đông sẽ trở thành nấm mồ của nước Mỹ".
"Giới chuyên gia quân sự trên khắp thế giới mới đây đã phân tích rằng Mỹ đang bị kéo vào một cuộc chiến ở Trung Đông" - bài viết có đoạn - "Ngay cả những quốc gia thân Mỹ , những nước luôn đáp ứng yêu cầu gửi quân của Mỹ, cũng có các vấn đề chính trị trong nước và thách thức về mặt kinh tế, có thể khiến Mỹ phải thất vọng".
Hãng thông tấn nhà nước KCNA của Triều Tiên trong hôm đầu tuần này nhấn mạnh rằng, Moscow và Bắc Kinh đã đưa ra quan điểm mạnh mữ trước hành động ám sát tướng Soleimani của phía Mỹ.
"Trung Quốc và Nga nhấn mạnh rằng họ không chỉ phản đối việc lạm dụng sức mạnh quân sự trong quan hệ quốc tế, mà còn không dung thứ cho các hành động quân sự phiêu lưu" - KCNA viết, nhắc tới cú điện đàm hôm thứ Bảy tuần trước giữa Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Nga Sergey Lavrov, đồng thời nhấn mạnh rằng hai vị quan chức "đã thể hiện quan ngại trước tình hình đang diễn biến xấu đi trong khu vực do hành động phi pháp của Mỹ".
Ông Kim Jong-un chịu "sức ép tâm lý" sau vụ sát hại tướng Soleimani
Giới phân tích cho rằng ông Kim chịu "sức ép tâm lý" sau vụ không kích diệt tướng Soleimani (Ảnh: SCMP)
|
Giới chuyên gia nhấn mạnh rằng, vụ việc xảy ra ở Trung Đông vừa qua chắc chắn sẽ gây chấn động giới lãnh đạo Triều Tiên.
Ông Yang Moo Jin - Giáo sư tại ĐH Nghiên cứu Triều Tiên ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc - nói với tờ The Korea Herald rằng, như một hậu quả từ vụ không kích ở Baghdad (Iraq), Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un "sẽ chịu sức ép về mặt tâm lý".
Cựu Bộ trưởng Thống nhất của Hàn Quốc Jeong Se Hyun phát biểu trong một buổi phỏng vấn trên truyền hình hôm 5/1 vừa qua rằng Triều Tiên giờ sẽ tỏ ra thận trọng hơn so với trước đây về việc công khai vị trí của Chủ tịch Kim Jong-un.
Andrei Lankov - học giả Nga chuyên về vấn đề Triều Tiên - trong buổi phỏng vấn với hãng NK News hôm Chủ nhật tuần trước nhấn mạnh rằng, vụ ám sát tướng Soleimani cho thấy Tổng thống Mỹ Donald Trump sẵn sàng đưa ra hành động có mức độ rủi ro cao hơn nhiều so với suy tính trước đây của các chiến lược gia Triều Tiên. Luận điệu "lửa và phẫn nộ" mà ông Trump từng đưa ra trong năm 2017 bởi vậy cũng khiến nhiều người lo ngại hơn.
"Qua thời gian, ngày càng có nhiều nhà quan sát coi lời đe dọa năm 2017 (của ông Trump) là trò bịp bợm, và họ tin rằng ông Donald Trump không có gan để hiện thực hóa lời đe dọa thực hiện chiến dịch quân sự nhằm vào phần cực kỳ bất ổn của thế giới" - ông Lankov nhận định - "Nhưng vụ ám sát tướng Soleimani hồi tuần trước đã cho cả thế giới thấy rằng họ đã đánh giá thấp khả năng chấp nhận rủi ro của ông Trump".
"Không nghi ngờ gì khi Triều Tiên rất chú ý đến sự kiện đó, và rất có khả năng coi đó như một tín hiệu cảnh báo. Cái chết của ông Soleimani đã nhắc nhở họ rằng kiểu hành vi liều lĩnh như trên có thể dẫn đến việc một máy bay không người lái (drone) tiếp cận một số mục tiêu ở ngoại ô Bình Nhưỡng" - ông Lankov nói thêm.
Hướng đi mới đầy cảnh giác của Triều Tiên
Triều Tiên giờ áp dụng cách tiếp cận đầy cảnh giác trước Mỹ (Ảnh: The Sun)
|
Khi năm 2019 khép lại, lòng kiên nhẫn của Triều Tiên trong đàm phán với Washington cũng đã cạn kiệt. Trong bài phát biểu nhân dịp đầu năm 2020 - chỉ trước vụ sám sát ông Soleimani có vài ngày - Chủ tịch Kim Jong-un đã đưa ra luận điệ cảnh giác hơn nhiều so với tháng 12/2019, thời điểm mà Bình Nhưỡng liên tục đưa ra cảnh báo về việc lựa chọn "con đường mới".
Ông Kim trước đó hứa hẹn gửi "quà Giáng sinh" cho Mỹ, thứ mà giới phân tích dự đoán là một vụ thử tên lửa đạn đạo tầm xa đầu tiên kể từ năm 2017. Tuy nhiên, không có "món quà nào" được gửi đi. Thay vào đó, ông Kim nhấn mạnh rằng các chiến thuật trì hoãn của Washington được áp dụng nhằm kéo dài hiệu ứng tiêu cực của các lệnh trừng phạt kinh tế mà họ áp đặt với Triều Tiên, đồng thời cho rằng Bình Nhưỡng cần phải tăng cường sức mạnh bởi lệnh cấm vận sẽ không thể được gỡ bỏ trong một sớm một chiều.
"Nếu Mỹ thất bại trong việc tuân thủ cam kết họ từng đưa ra trước toàn thế giới, nếu họ đánh giá sai về sự kiên nhẫn của chúng ta và tiếp tục sử dụng các đòn trừng phạt và sức ép nhằm vào đất nước chúng, vậy thì chúng ta không có lựa chọn nào khác ngoài việc tìm kiếm một con đường mới để bảo vệ chủ quyền và các lợi ích của đất nước chúng ta" - Chủ tịch Kim Jong-un nói trong bài phát biểu ngày 1/1/2020.
Những vấn đề giống nhau ở Iran và Triều Tiên
Giống như Triều Tiên, Iran cũng chật vật trong việc tìm kiếm một con đường độc lập khỏi Washington và tìm cách tăng cường khả năng tự vệ của mình. Cả hai nước đều là nạn nhân của các đòn trừng phạt kinh tế mà Mỹ áp đặt. Nhưng không giống như Iran, Triều Tiên sở hữu nhiều vũ khí hạt nhân cùng khả năng phóng chúng.
Giới lãnh đạo Iran từ lâu đã bị Washinton cáo buộc là tìm cách chế tạo bom nguyên tử chứ không phải phát triển hạt nhân vì mục đích cung cấp năng lượng và nghiên cứu y tế - như Tehran tuyên bố. Tehran đã ký thỏa thuận hạt nhân (Kế hoạch hành động chung toàn diện - JCPOA) với 6 cường quốc vào năm 2015 để gỡ bỏ bớt các lệnh cấm vận, đổi lại họ sẽ hạn chế số lượng vật liệu hạt nhân sở hữu. Tuy nhiên, Tổng thống Trump đã áp đặt lại các đòn cấm vận vào năm 2018, cáo buộc Iran bí mật chế tạo bom nguyên tử - một quan điểm không được các bên ký kết còn lại của JCPOA chấp nhận.
Như một hệ quả, Tehran rút dần một số cam kết trong thỏa thuận hạt nhân 2015, và mới đây nhất, ngày 5/1, tuyên bố sẽ làm giàu uranium "không hạn chế".