Một số nhà kinh tế học lo ngại rằng Fed – sau khi mất quá nhiều thời gian để rút lại sự hỗ trợ cho một nền kinh tế đang bùng nổ vào năm ngoái – có nguy cơ gây ra thêm một sai lầm nữa. Đó là việc nâng lãi suất quá nhiều để kiềm chế lạm phát.
Fed đã nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm mỗi lần trong suốt 3 cuộc họp vừa qua, nâng lãi suất liên bang lên mức dao động trong khoảng 3-3,25% trong tháng trước – tốc độ tăng nhanh nhất kể từ những năm 1980. Giới chức Fed gợi mở rằng, họ có thể tiếp tục tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp tổ chức vào đầu tháng 11 tới và nâng lãi suất lên mức trên 4,5% vào đầu năm tới.
Chủ tịch Fed Jerome Powell từng nói rằng cơ quan này không cố gắng gây ra một cuộc suy thoái, nhưng sẽ không để thất bại trong nỗ lực kiềm chế lạm phát. “Tôi ước rằng sẽ có một cách không đau đớn để làm điều đó. Nhưng không có,” ông tuyên bố trong tháng trước.
Tuy nhiên, một số chuyên gia lo ngại rằng, Fed đang trên đường tiếp tục nâng lãi suất quá mức cần thiết, có khả năng kích hoạt một cuộc suy thoái trầm trọng hơn mức cần thiết.
“Họ đã thắt chặt quá nhiều,” Greg Mankiw, nhà kinh tế học đến từ ĐH Harvard từng là cố vấn cho Tổng thống George W. Bush, cho hay. “Các cuộc suy thoái thường mang đến nỗi đau cho rất nhiều người. Tôi nghĩ rằng ông Powell đã đúng khi cho rằng một số nỗi đau là không thể tránh khỏi…nhưng các bạn sẽ không muốn gây ra thêm nỗi đau hơn mức cần thiết.”
Tính đến tháng 6, giới chức Fed chưa từng nâng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm, hay 75 điểm cơ bản, kể từ năm 1994. Thay vào đó, họ thường chỉ tăng khoảng 1/4 điểm phần trăm để có thêm thời gian chứng kiến hiệu ứng kinh tế của biện pháp đó.
“Tôi sẽ từ từ thả chân đạp phanh,” ông Mankiw nói. “Có nghĩa rằng, trong một cuộc họp, nếu họ tranh luận giữa mức tăng 50 hoặc 75, hãy cứ áp dụng mức 50 thay vì 75.”
Cựu Phó Chủ tịch Fed Donald Kohn cũng đồng tình rằng, sắp đến lúc giới chức Fed phải giảm tốc độ tăng lãi suất. “Họ cần phải sớm giảm tốc. Bằng cách nào đó, họ cần phải giảm tốc độ mà không thoái lui,” ông nói.
Năm ngoái, giới chức Fed để cho lãi suất ở mức gần bằng 0, khi họ tập trung vào việc thúc đẩy một đà phục hồi của thị trường lao động. Cuộc chiến ở Ukraine diễn ra vào mùa Xuân năm nay đã đẩy giá hàng hóa lên cao hơn và làm dấy lên quan ngại rằng lạm phát có thể tác động tới lượng và các hợp đồng giá cả.
“Các bước nâng lãi suất 75 điểm cơ bản là hiệu quả khi Fed còn có một chặng đường dài để đi. Nó càng trở nên khó giải quyết hơn khi họ cần phải hoạch định chính sách một cách thận trọng hơn, và tôi tin rằng chúng ta đang đi đến thời điểm đó,” Brian Sack, người điều hành các thị trường của Fed ở New York trong khoảng 2009-2012 và giờ là giám đốc kinh tế tại quỹ phòng hộ D.E. Shaw, nói.
Một số người chỉ trích Fed nói rằng, mức lạm phát tăng đột biến hiện nay là hậu quả của những sự gián đoạn trên toàn cầu chứ không phải do thị trường lao động quá nóng của Mỹ, đồng thời họ chỉ ra những dấu hiệu cho thấy giá cả một loạt các loại hàng hóa và dịch vụ đang giảm.
Giá nhà ở đóng góp đáng kể cho lạm phát trong những tháng gần đây, trong đó phải kể tới mức tăng lớn trong giá thuê nhà, so với năm ngoái. Nhưng nhu cầu nhà ở đang giảm nhanh chóng khi lãi suất vay nợ thế chấp tài sản 30 năm ở mức gần 7%, mức cao nhất trong 16 năm – kết quả trực tiếp từ việc Fed tăng lãi suất. Giá nhà trên thị trường Mỹ bắt đầu giảm trong mùa Hè năm nay, và các nhà kinh tế học ở Goldman Sachs kỳ vọng giá có thể giảm khoảng 5-10% trên toàn quốc vào cuối năm tới.
Giá tài sản cũng chịu tác động, và có xu hướng làm giảm chi tiêu và đầu tư. Một danh mục đầu tư, trong đó đầu tư 60% vào chứng khoán và 40% vào trái phiếu giảm gần 20% trong năm nay.
“Thị trường nhà ở nhìn không ổn, và điều đó cuối cùng sẽ lan tới phần còn lại của nền kinh tế,” ông Mankiw nói.
Giới chức Fed cũng không dám đặt nhiều kỳ vọng về lạm phát giảm bởi những dự báo như vậy trong năm ngoái liên tục sai. Một số quan chức chỉ ra nguy cơ về gián đoạn nền kinh tế - ví dụ, giá năng lượng cao trong mùa Đông năm nay, do Nga ngừng bán dầu.
Thị trường lao động mạnh khỏe ở Mỹ cũng làm dấy lên quan ngại của một số quan chức, bởi nó có thể giúp cho người lao động dễ dàng chuyển việc để có mức lương cao hơn, từ đó gây sức ép về lương. Điều này càng đúng nếu như chi tiêu tiêu dùng có xu hướng chuyển từ mua hàng hóa sang mua các dịch vụ cần nhiều lao động.
Eric Rosengren, người đứng đầu Boston Fed từ năm 2007 cho đến năm ngoái, nói rằng ông coi chính sách hiện tại của Fed phần lớn là phù hợp. “Nếu có gì đó sai, thì tôi cho rằng đó là nguy cơ từ việc họ nâng lãi suất cao hơn chút ít cho với họ đề xuất,” ông nói. “Nền kinh tế Mỹ cho đến thời điểm này trông có vẻ mạnh khỏe hơn so với điều mà tôi nghĩ, trong bối cảnh tăng lãi suất như hiện nay.”
Thông thường, Fed đưa ra chính sách của mình dựa trên những dự báo về lạm phát, và nó thường có độ trễ so với những sự thay đổi về sản lượng. Nhưng giới chức Fed giờ đang phản ứng nhiều hơn trước dữ liệu lạm phát mới nhất “bởi họ không có chút niềm tin nào về khả năng dự báo lạm phát nữa,” Nathan Sheets, trưởng kinh tế gia tại Citigroup, nói. Ông quan ngại rằng Fed sẽ nâng lãi suất quá tay, đồng thời thừa nhận rằng lạm phát trong lĩnh vực dịch vụ là “rất quan ngại.”
Một nguy cơ nữa là, các hoạt động kinh tế sẽ chậm đi đáng kể, nhưng lại xuyên qua các biện pháp chống lạm phát nhờ độ trễ lâu hơn so với bình thường. Ví dụ, giá bán buôn xe hơi đã qua sử dụng đã giảm trong những tháng gần đây nhưng điều này chưa được thể hiện trên các chỉ số giá. Giá nhà và giá thuê nhà được tính toán theo cách sẽ tạo độ trễ đặc biệt.
Ông Sheets nói rằng chờ đợi bằng chứng lạm phát giảm trước khi giảm tốc độ tăng lãi suất có không khác gì việc chính sách tiền tệ “bị bắt làm con tin bởi thứ gì đó mà bạn tin chắc là sẽ đảo ngược trong những tháng sắp tới.”
Chủ tịch Fed New York John Williams tuần trước nói rằng, ông kỳ vọng giá hàng hóa giảm và nút thắt cổ chai được tháo gỡ dần sẽ giúp lạm phát giảm xuống còn 3% vào cuối năm tới, nhưng vẫn còn xa mới tới mục tiêu 2% mà Fed đặt ra.
Các nhà hoạch định chính sách của chính phủ Mỹ trong năm ngoái đã hết sức tập trung vào việc tránh gây ra những sai lầm mà họ cho là đã xảy ra sau khủng hoảng năm 2008. Một số người cho rằng sẽ dễ dàng hơn nếu giảm lạm phát xuống quá mức mục tiêu 2% của Fed so với việc nâng lạm phát từ dưới mức đó.
Hiện tại, giới chức Fed đã đánh tín hiệu rằng họ sẵn sàng nâng lãi suất vì không muốn lặp lại sai lầm của đầu những năm 1970, thời điểm mà người tiêu dùng và doanh nghiệp bắt đầu đoán trước được lạm phát cao, khiến giá cả liên tục tăng cao. Fed cuối cùng nâng lãi suất tới mức đủ cao để kích hoạt một cuộc suy thoái trầm trọng vào đầu những năm 1980 để hạ giá cả và phá vỡ tâm lý đó.
“Đã từng có nhiều nỗ lực thất bại trong việc kiềm chế lạm phát, điều đó càng làm tăng cái giá phải trả đối với xã hội,” ông Powell nói.
Giới chức Fed đã bỏ ra không ít thời gian để nghiên cứu về trường hợp xảy ra vào thập kỷ 70 “và sẽ tránh đưa ra những sai lầm tương tự,” Diane Swonk, trưởng kinh tế gia tại KPMG, nói. “Nhưng nó lại mở ra cánh cửa dẫn tới nhiều sai lầm mới.”
Ông Sack cho hay, ông nhận thấy nhiều nguy cơ từ cả việc thắt chặt chính sách quá độ và thắt chặt quá ít. “Đây không phải một câu chuyện hoàn toàn nghiêng về một phía,” ông nói. “Cũng có nhiều rủi ro đến từ việc các thị trường tài chính phản ứng đột ngột với lãi suất cao hơn, hoặc từ sự giảm tốc trong các hoạt động kinh tế.”
'Siêu thứ Năm' của các NHTW: Đồng loạt nâng lãi suất theo Fed
Lạm phát vẫn cao hơn so với kỳ vọng, Fed vẫn còn nhiều việc phải làm
Chủ tịch Fed: Nếu không kiềm chế được lạm phát, 'nỗi đau' sẽ còn lớn hơn nhiều!
[ĐỌC CHẬM] Đằng sau niềm tin vào 'Fed put' của Phố Wall
Theo Wall Street Journal