Toàn cầu hóa 'thay hình đổi dạng' giữa cuộc đấu của các siêu cường

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Các công ty đa quốc gia muốn tìm kiếm các thị trường rẻ và hiệu quả, nhưng cũng muốn đảm bảo sự an toàn. Bởi vậy, họ đang định hình lại các lộ trình thương mại và tài chính toàn cầu.
Tiến trình toàn cầu hóa chịu tác động mạnh mẽ do đại dịch COVID-19 và căng thẳng địa chính trị (Ảnh: Getty)
Tiến trình toàn cầu hóa chịu tác động mạnh mẽ do đại dịch COVID-19 và căng thẳng địa chính trị (Ảnh: Getty)

Khi Google (nay là Alphabet) kết hợp với Facebook và một đối tác Hong Kong hợp tác với nhau vào năm 2016 nhằm xây dựng một đường cáp quang biển dài 8.000 dặm nối liền Los Angeles với Hong Kong, nhiều người hẳn đã kỳ vọng về sự hình thành của “cao tốc” thông tin giữa hai siêu cường. Tuy nhiên, dự án này không diễn ra như kế hoạch.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump lúc bấy giờ không phê duyệt dự án, chỉ ra nhiều quan ngại về an ninh. Sau đó, các tập đoàn công nghệ tự làm theo cách của mình, kết nối cáp quang sang Philippines và Đài Loan mà không có kết nối tới Hong Kong.

Tuyến đường bị thay đổi của mạng cáp quang xuyên Thái Bình Dương cũng không khác gì trạng thái hiện tại của tiến trình toàn cầu hóa.

Trong suốt nhiều thập kỷ, các công ty đa quốc gia luôn tìm kiếm các chuỗi cung ứng rẻ, hiệu quả để sản xuất hàng hóa xuất khẩu ra thế giới, đồng thời tiếp cận được dân số trẻ ở các nước đang phát triển để tăng doanh số.

Họ thực hiện điều đó với niềm tin rằng căng thẳng an ninh và chính trị giữa các nước sẽ không gây cản trở hoạt động kinh doanh. Tâm lý này khiến nhiều công ty tìm đến Trung Quốc.

Những công ty này hiện vẫn đang tìm đến những thị trường rẻ, hiệu quả và trẻ. Nhưng giờ họ cũng mong muốn có sự an toàn, có nghĩa là muốn tránh xa khỏi căng thẳng giữa các siêu cường kinh tế của thế giới.

Nói cách khác, các mối quan hệ kinh tế toàn cầu vẫn chưa chấm dứt mà chỉ đang bị chuyển hướng. Điều này khiến cho chi phí mà các hộ gia đình và doanh nghiệp phải gánh chịu tăng lên cao hơn, và sức ép biên lợi nhuận đối với các công ty cũng tăng. Đối với các chính trị gia, điều này sẽ gây khó khăn trong việc cân bằng giữa một bên là đà tăng trưởng kinh tế, lạm phát thấp và bên còn lại là nhu cầu và bảo vệ lợi ích quốc gia.

Tuy nhiên, cũng có nhiều cơ hội mới. Ngành năng lượng của Mỹ đang giành được thị phần khi châu Âu không muốn phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Cùng thời điểm, các nước Việt Nam, Philippines, Mexico và một số nước khác đang hưởng lợi trong xuất khẩu nhờ việc các tập đoàn đa quốc gia muốn đa dạng hóa mạng lưới cung ứng của họ.

“Điều mà chúng ta đang chứng kiến không phải là sự sụp đổ của toàn cầu hóa, mà giống với sự thay hình đổi dạng hơn,” Dani Rodrik, Giáo sư ĐH Harvard là tác giả của cuốn sách “Toàn cầu hóa đã đi quá xa?” xuất bản năm 1997, nhận định.

Những con số “biết nói”

Tỷ trọng của thương mại toàn cầu trong hoạt động kinh tế chung đã đạt đỉnh là 61% năm 2008, thời điểm mà một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt nguồn từ Mỹ gây ra tình trạng suy thoái trên toàn thế giới.

Kể từ đó, tỷ trọng của thương mại giảm xuống còn 57% hoạt động kinh tế, theo World Bank. Dù vậy, nó vẫn cao hơn nhiều so với mức 31% trong những năm 1970 và 36% trong những năm 1980 hay 40% trong những năm 1990.

Sự suy giảm của Trung Quốc

Sự suy giảm của Trung Quốc

Đà tăng trưởng của châu Á

Đà tăng trưởng của châu Á

Ông Rodrik không cho rằng thương mại toàn cầu sẽ giảm xuống mức gần 10% sản lượng kinh tế như từng diễn ra vào những năm 1930.

Các công ty đa quốc gia đã đầu tư quá nhiều tiền vào các chuỗi cung ứng, nên khó có thể để chúng biến mất. Các hộ gia đình, nói theo cách nào đó, cũng có lợi ích trong việc bảo vệ toàn cầu hóa.

Thay vào đó, toàn cầu hóa đang có nhiều sự chuyển biến lớn nhất từ trước đến nay.

Sự chuyển biến đó được tăng tốc bởi các hàng rào thuế quan mà chính quyền Trump áp đặt với hàng hóa của Trung Quốc trong năm 2018, và sau đó là nỗ lực của chính quyền Joe biden trong việc chặn Trung Quốc nhập khẩu công nghệ tối tân của Mỹ, các lệnh phong tỏa do COVID-19 của Trung Quốc, và cuộc chiến của Nga ở Ukraine.

Kết quả là, tỷ lệ hàng hóa Trung Quốc trong tổng lượng nhập khẩu của Mỹ đã giảm từ mức đỉnh 22% năm 2017 xuống còn dưới 17% trong năm 2022. Mexico và các nền kinh tế châu Á – đáng chú ý nhất là Việt Nam, với lượng hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ tăng từ dưới 10 tỉ USD (trước 2007) lên hơn 120 tỉ USD (2022) – chiếm được thị phần.

Các nước và vùng lãnh thổ Philippines, Đài Loan, Thái Lan, Ấn Độ và Malaysia cũng chứng kiến đà tăng trưởng xuất khẩu sang Mỹ tăng, trong khi cũng tăng hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc.

Giá trị hàng hóa xuất khẩu thường niên của Mexico sang Mỹ đã tăng gần gấp đôi kể từ năm 2008, lên hơn 400 tỉ USD. Cùng lúc, Trung Quốc cũng tăng hợp tác thương mại với Nga, khi châu Âu chuyển dịch khỏi người láng giềng phía Đông, và hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sang Đông Nam Á đang tăng.

Dòng chảy của nguồn vốn cũng đang thay đổi. Các khoản cho vay nước ngoài của Mỹ đã đạt đỉnh trong năm 2011, bằng phẳng trong vài năm và bắt đầu tăng trở lại trong năm 2016. Trong số những bên vay lớn nhất của Mỹ là các đồng minh truyền thống của họ ở Bắc Mỹ và châu Âu, bao gồm Canada, Mexico, Pháp và Đức.

Đây là bằng chứng cho thấy các khối liên minh truyền thống đang tăng cường sức mạnh của họ trong một thế giới đầy rủi ro.

Đông Nam Á cũng đang giành được thêm nhiều nguồn vốn FDI của Mỹ. Trung Quốc và Hong Kong từng chiếm 24% tổng lượng FDI mà Mỹ đổ vào châu Á trong năm 2008, trong khi Singapore chiếm 21%. Đến năm 2021, Singapore chiếm tới 38%, trong khi Hong Kong và Trung Quốc chỉ chiếm 26%.

Căng thẳng địa chính trị gây ra sự chuyển dịch lớn trong các chuỗi cung ứng (Ảnh: Foreign Affair)

Căng thẳng địa chính trị gây ra sự chuyển dịch lớn trong các chuỗi cung ứng (Ảnh: Foreign Affair)

Viễn cảnh căng thẳng

Câu hỏi quan trọng dành cho các lãnh đạo doanh nghiệp, giới hoạch định chính sách và người lao động là làm thế nào để né được viễn cảnh toàn cầu căng thẳng và chi phí gia tăng.

Ông Rodrik ngờ rằng các chính sách công nghiệp nhằm thúc đẩy sản xuất mà một số nền kinh tế phát triển đang áp dụng sẽ khó có thể mang lại lợi ích cho người lao động, bởi nhiều trong số các nền kinh tế này vốn đã có định hướng dịch vụ và khó có thể chuyển hướng sang sản xuất.

Nỗi lo lớn nhất của ông chính là sự tính toán sai, trong đó xung đột về kinh tế giữa các nước có thể dẫn tới xung đột vũ trang. Tiến trình toàn cầu hóa mới, ông nói, vốn đã bị vũ khí hóa bởi việc sử dụng các hàng rào thuế quan, đòn trừng phạt và biện pháp kiểm soát xuất khẩu.

Chính những mối quan ngại về an ninh quốc gia đã buộc Google phải chuyển dịch đường cáp quang khỏi Hong Kong. Ted Osius, thời điểm đó là cố vấn chính sách của Google và là cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, cho hay ông đã chứng kiến một số cuộc biểu tình bùng phát ở Hong Kong năm 2019, và lo ngại về những rủi ro nếu tiếp tục đầu tư vào một mạng cáp quang ở đó.

Trong năm đó, Bộ Tư pháp Mỹ, bên dẫn đầu một đội ngũ đến từ nhiều cơ quan khác nhau chuyên xem xét các vấn đề về viễn thông, đã đánh tín hiệu rằng họ phản đối dự án này bởi những quan ngại về đối tác ở Hong Kong – công ty Pacific Light Data Communications Co. – và kết nối trực tiếp tới Hong Kong.

Google và Facebook, giờ có tên là Meta Platforms Inc., được chính quyền ở Đài Loan và Philippines cho phép hạ đường cáp quang vào cuối năm 2021. Một quan ngại khác là liệu căng thẳng xung quanh vấn đề Đài Loan có thể làm hỏng dự án này hay không.

Một phát ngôn viên của Google nói rằng: “Các hệ thống của Google được thiết kế để đảm bảo an ninh và sự đáng tin cậy trên phạm vi toàn cầu.” Đường dây kết nối của Meta tới đảo Luzon, Philippines cũng đang vận hành và họ có kế hoạch mở rộng mạng lưới qua biển Java sang Singapore.

Một nhà máy của Kuka Home ở Mexico, một trong số những khoản đầu tư của Trung Quốc ở nước này nhằm tránh hàng rào thuế quan của Mỹ (Ảnh: Bloomberg)

Một nhà máy của Kuka Home ở Mexico, một trong số những khoản đầu tư của Trung Quốc ở nước này nhằm tránh hàng rào thuế quan của Mỹ (Ảnh: Bloomberg)

Sự dịch chuyển dây chuyền sản xuất

Các công ty Nhật Bản cũng đang bắt nhịp với xu hướng đa dạng hóa toàn cầu.

Matsuoka Corp. sản xuất quần áo cho các nhãn hiệu khác, khoảng 70% trong số đó là cho Uniqlo của Fast Retailing Co. Trong kế hoạch kinh doanh công bố vào tháng 5/2022, công ty này cho hay họ dự định sản xuất 71% sản lượng ở Đông Nam Á trong năm kết thúc vào tháng 3/2026, tăng từ 50% vào năm kết thúc vào tháng 3/2022, chủ yếu là do sự chuyển dịch khỏi Trung Quốc.

Một phần trong kế hoạch đó, công ty này sẽ đầu tư 8,7 tỉ yen (6 triệu USD) để xây dựng các nhà máy mới ở Bangladesh và Việt Nam trong 2 năm kết thúc vào tháng 3/2023.

“Khả năng kỹ thuật của Trung Quốc cao, nhưng giá nhân công đã tăng lên, và rất khó để đảm bảo lượng nhân công ở đó,” một phát ngôn viên của tập đoàn này cho hay. “Ở Việt Nam và Bangladesh, rất dễ để tuyển mộ nhân công.”

Phát ngôn viên này, yêu cầu được giấu tên, cho hay công ty đã hiểu được rủi ro khi hoạt động ở Trung Quốc, nhắc tới các lệnh phong tỏa do COVID-19 như một ví dụ điển hình. Nhiều mẫu mã quần áo mang tính chất theo mùa, và ngay cả những sự chậm trễ nhỏ nhất cũng có thể gây tổn hại cho họ. “Các lệnh phong tỏa khiến cho hoạt động phân phối bị ngừng, và các sản phẩm của chúng tôi không thể được bàn giao đúng lúc cần thiết,” người này nói.

Trung Quốc chiếm tới 74 tổng lượng hàng may mặc nhập khẩu của Nhật Bản trong năm 2012, nhưng con số này đã giảm xuống còn 8,7 trong năm 2021, theo Hiệp hội Nhập khẩu Hàng may mặc Nhật Bản. Mặc dù nhiều công ty Nhật đang giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, nhưng không bên nào có kế hoạch cắt hẳn nguồn cung ở Trung Quốc.

Trong đại dịch COVID-19, nhiều công ty tập trung chủ yếu vào việc sống sót. Và giờ khi COVID-19 suy yếu, sự tập trung đó chuyển sang chiến lược hoạt động trong dài hạn, theo Jake Siewert, chuyên gia phân tích rủi ro chính trị đến từ Warburg Pincus, một công ty đầu tư Mỹ, và là cựu quan chức dưới thời Tổng thống Barack Obama.

Tái toàn cầu hóa, theo ông, vẫn đang trong những giai đoạn đầu.

“Những chuỗi cung ứng này được xây dựng từ hơn 30 năm trước, Việc phá hủy chúng hoàn toàn chỉ sau một đêm là điên rồ", ông nói./.

Theo Wall Street Journal