|
Tor-M2, tổ hợp phòng không hàng đầu của quân đọi Nga (Ảnh: TASS) |
Tổ hợp phòng không Tor-M2 của Nga đã bắt đầu được sử dụng để bảo vệ các công trình cơ sở hạ tầng quan trọng. Trước kia, tổ hợp phòng không này chủ yếu dùng để bảo vệ bộ đội. Tor-M2 được chế tạo để đáp trả những cuộc không kích dồn dập của đối phương và các đòn tấn công có độ chính xác cao.
Kinh nghiệm chiến đấu của quân đội Nga ở Syria cho thấy, Tor-M2 đã phát huy tác dụng trong việc đánh trả các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV). Các chuyên gia cho rằng tổ hợp phòng không Tor-M2 có thể được sử dụng để bảo về các nhà máy điện hạt nhân, các nhà máy xí nghiệp, các trường học, bệnh viện, kho chứa nhiên liệu, hệ thống cầu cống, hệ thống cầu vượt…
Theo một nguồn tin từ Bộ quốc phòng Nga, các bài tập về công tác bảo vệ các công trình xã hội và công trình công nghiệp quan trọng đã được đưa vào chương trình huấn luyện chiến đấu của các đơn vị tên lửa phòng không, trong các bài tập đó có sự kết hợp với hệ thống S-400, hệ thống Panstsir-S.
Những năm trước kia, việc triển khai các tổ hợp phòng không để bảo vệ các công trình dân sự là những trường hợp ngoại lệ. Ví dụ, năm 2013, hệ thống phòng không đã được triển khai ở Sochi để bảo vệ thành phố trước các cuộc tấn công bằng UAV loại nhỏ. Theo tuyên bố của Vyacheslav Kartashov - trợ lý tổng giám đốc nhà máy điện cơ Kupol ở Izhevsk - trong thời gian diễn ra Thế vận hội mùa Đông 2014 ở Sochi, tổ hợp phòng không Tor đã ngăn chặn được một số âm mưu tấn công khủng bố bằng UAV và khinh khí cầu.
Theo nhận định của Tư lệnh lục quân Nga, tướng Oleg Salyukov, trong cuộc chiến với UAV hiện nay, tổ hợp phòng không Tor-M2 là phương tiện hiệu quả hơn cả.
Chuyên gia quân sự Victor Murakhovsky cho rằng với mức độ tự động hóa cao, việc kết nối tổ hợp Tor-M2 với trung tâm chỉ huy của hệ thống phòng không, được thực hiện rất đơn giản.
Tổ hợp phòng không Tor được thiết kế để bảo vệ đơn vị xe tăng, đơn vị bộ binh cơ giới, là tổ hợp phòng không tầm ngắn, các tên lửa của tổ hợp này có thể tiêu diệt mục tiêu ở cự ly 12 km, có độ cao 10 km. Như vậy, về tính năng thì tổ hợp phòng không Tor-M2 được cho là có khả năng vượt trội so với những phiên bản trước đó.
Từ khi được tiếp nhận biên chế, tổ hợp Tor được nâng cấp ba lần, trong đó Tor-M2 là mẫu hiện đại nhất và được đưa vào trang bị cho quân đội từ năm 2017. Tor-M2 có khả năng theo dõi cùng lúc 48 mục tiêu trên không, có thể tiêu diệt đồng thời 4 mục tiêu trong số đó, quá trình phát hiện, phân loại và tiêu diệt mục tiêu được thực hiện hoàn toàn tự động, người thao tác chỉ việc ấn nút khai hỏa.
Tor-M2 được trang bị loại tên lửa chuyên dụng 9M338, với kích thước nhỏ hơn, nên số lượng tên lửa trên tổ hợp cũng được tăng lên gấp đôi, từ 8 lên 16.
Chuyên gia quân sự Victor Mukharovsky cho biết: Tor-M2 là modul chiến đấu đa năng, có thể lắp đặt trên các loại khung xe, trên các thiết bị không thể tự vận hành như rơ-mooc và trên cả sàn xe cố định được chuẩn bị trước.
Hiện nay, Bộ Quốc phòng Nga đã ký kết hợp đồng cung cấp Tor-M2 cho quân đội Nga đến năm 2027, trị giá hợp đồng lên tới 100 tỉ rúp, trong đó có phiên bản áp dụng cho xe đặc chủng Vityaz, hoạt động trên địa hình Bắc Cực.
Do tổ hợp phòng không Tor có hiệu quả bảo vệ cao, cho nên tàu khu trục Admiral Grigorevich của Nga đã được trang bị Tor-M2.
Năm 2018, tổ hợp phòng không Tor-M2 được đưa sang Syria để bảo vệ các căn cứ quân sự của Nga. Theo trung tướng Aleksandr Leonov – tư lệnh phòng không của quân đội Nga, trong vòng một năm rưỡi tác chiến ở chiến trường Syria, Tor-M2 đã tiêu diệt được 45 UAV.
Theo chuyên gia quân sự Nga Victor Mukharovsky, xác suất tiêu diệt mục tiêu trên thực tế của Tor-M2 đạt 95-98%, để bắn hạ một mục tiêu chỉ cần một tên lửa 9M338. Hiện nay, ngoài tên lửa 9M338, Bộ Quốc phòng Nga cũng đang phát triển mẫu tên lửa chuyên dụng để tiêu diệt UAV, tên lửa chuyên dụng mới này có kích thước nhỏ hơn, giá thành thấp hơn và hoàn toàn có thể tương tác với các phiên bản trước đó.