“Sát tinh của F-35” S-500 Prometheus thể hiện sức mạnh độc bá sau hàng loạt cuộc thử nghiệm thực tế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Hệ thống phòng không thế hệ mới S-500 Prometheus của Nga đã hoàn thành thành công một loạt các cuộc thử nghiệm bao gồm phóng tên lửa chiến đấu.
Hệ thống S-400 khai hỏa trong một cuộc thử nghiệm (Ảnh: Sputnik)
Hệ thống S-400 khai hỏa trong một cuộc thử nghiệm (Ảnh: Sputnik)

Phát biểu với hãng tin Nga Krasnaya Zvezda hồi tuần trước, Thiếu tướng Babakov – tư lệnh lực lượng phòng thủ tên lửa thuộc Không quân Nga – tiết lộ rằng “Rồng lửa” S-500 đã được phát triển như một hệ thống phòng không thế hệ mới hoàn toàn với mục đích bắn hạ các tên lửa đạn đạo tầm trung, và nếu cần thiết, là cả các tên lửa đạn đạo liên lục địa đang trong giai đoạn bay cuối cùng.

Thêm vào đó, S-500 Prometheus cũng có khả năng tiêu diệt máy bay siêu âm và các phương tiện bay không người lái (UAV).

“Hệ thống phòng không S-500 đủ khả năng tiêu diệt các vũ khí siêu âm với đủ kiểu chỉnh sửa, kể cả các vũ khí siêu âm bay ở gần ra ngoài không gian, và cả các mục tiêu đạn đạo hay khí động học. Có thể nói rằng hệ thống này là độc nhất” – ông Babakov nhấn mạnh.

S-500 được tin là có thể phát hiện các tên lửa đạn đạo của kẻ địch ở khoảng cách lên tới 600 km và máy bay ở khoảng cách 500 km.

Ông Babakov giải thích rằng, các cuộc tập luyện chiến đấu mà S-500 đã trải qua bao gồm khai hỏa nhằm vào các mục tiêu đã được chỉnh sửa về mặt kỹ thuật going như các loại vũ khí tấn công không gian hoặc những mục tiêu có tích hợp những khả năng tối tân. Đơn vị lính phòng không cũng được tăng cường kỹ năng của họ bằng cách luyện đánh chặn các vật thể bay cỡ nhỏ, bay ở tầm thấp, vận tốc thấp – giống như các UAV – và các mục tiêu tốc độ cao – giả định tên lửa siêu âm.

Hơn nữa, Không quân Nga cũng tính đến cả kinh nghiệm mà họ thu được trong chiến dịch trên không thực hiện ở Syria. Tất cả những trường hợp sử dụng vũ khí và trang thiết bị quân sự tên lửa chống không đều được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng và áp dụng vào trong các cuộc thử nghiệm vừa qua; ông Babakov nói.

Các trường quân sự và học viện quân sự thuộc Bộ Quốc phòng, cùng với các trường đại học kỹ thuật Nga hiện đang đào tào lớp chuyên gia để có nhân sự cung cấp cho các đơn vị phòng khong thuộc Không quân, ông Babakov nhấn mạnh, thêm rằng trong năm nay, hơn 1.000 sinh viên tốt nghiệp đã được giao nhiệm vụ trong các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang Nga.

“Hậu duệ” của S-400 hay vũ khí hoàn toàn mới?

Tháng 12/2020, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Alexei Krivoruchko tiết lộ rằng hệ thống phòng không S-500 và radar cảnh báo sớm tầm xa Voronezh có thể được biên chế ngay đầu năm 2021, sau khi đã trải qua các cuộc thử nghiệm.

Radar cảnh báo sớm tầm xa được xem là “xương sống” của mọi tổ hợp phòng thủ tên lửa. Dòng Voronezh, với khả năng phát hiện tên lửa đạn đạo hay các đòn tấn công bằng chiến đấu cơ, bao gồm 3 biến thể: Voronezh-M, Voronezh-DM và Voronezh-SM. Tất cả đều hoạt động trong cùng một hệ thống đơn nhất, giúp nó có khả năng thu thập các thông số và xác định chủng loại mục tiêu một cách chính xác.

Đầu tháng 4/2021, hãng Almaz-Antey đánh tín hiệu rằng hệ thống S-500 mới sắp sửa hoàn tất các cuộc thử nghiệm trong năm nay. Nó được dự kiến sẽ bàn giao cho Không quân Nga ngay khi hoàn tất các cuộc thử nghiệm chiến đấu. Trong tương lai, tổ hợp phòng không tầm xa này được kỳ vọng sẽ trở thành trụ cột của một hệ thống phòng thủ tên lửa thống nhất của Nga.

Ngày 28/6 vừa qua, trong một cuộc họp với các sinh viên mới tốt nghiệp các trường và học viện quân sự của Bộ Quốc phòng, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rằng S-500 Promethues, tên lửa đạn đạo liên lục địa Sarmat và tên lửa siêu âm Zircon sẽ sớm được biên chế vào các đơn vị chiến đấu.

Quá trình phát triển S-500 từng làm dấy lên cuộc tranh luận căng thẳng giữa các nhà quan sát quân sự phương Tây. Họ tỏ ra hết sức lo lắng rằng sức mạnh vượt trội của nó sẽ vùi dập công nghệ độ quan sát thấp (low-observable), hay công nghệ tàng hình, của Mỹ.

“Trong số tất cả các dự án vũ khí mới đây của Điện Kremlin, S-500 nằm trong số những câu trả lời trực tiếp nhất trước các chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ 5 của Mỹ, như F-35 Lightning II và F-22 Raptor của Lockheed Martin” – bài viết đăng tải trên National Interest ngày 27/5/2021 có đoạn.

“S-500 sẽ là hệ thống lý tưởng để cung cấp lớp phòng thủ tên lửa đạn đạo khu vực dọc đường biên giới giữa Nga với NATO” – tờ Drive viết, tháng 5/2018 – “Theo nhiều phương diện, nó tương tự như hệ thống THAAD mà Mỹ chế tạo, mặc dù mục tiêu rõ ràng là cung cấp sự linh hoạt để phản ứng trước cả những mối đe dọa truyền thống trên không”.

Theo giới quan sát nước ngoài, S-500 không thể được coi là “hậu duệ” của S-400, mà nó là một thứ vũ khí hoàn toàn mới, được chế tạo để phục vụ cho những nhiệm vụ chiến lược rộng lớn hơn.