Israel pháo kích vào dải Gaza để trả đũa Hamas bắn rocket vào lãnh thổ nước này ngày 12/5/2021. Ảnh: AFP
Israel pháo kích vào dải Gaza để trả đũa Hamas bắn rocket vào lãnh thổ nước này ngày 12/5/2021. Ảnh: AFP

E-magazine Tiến sĩ Terry Buss: Tại sao Israel và Arab xung đột liên miên?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Cứ vài năm một lần, xung đột lại nổ ra giữa Israel và Palestine, để lại nhiều thiệt hại về người và của; cùng với đó là các cuộc chiến tranh giữa Israel với các nước láng giềng hiếu chiến.

Tại sao các cuộc nổi dậy bạo lực và chiến tranh không ngừng tàn phá mảnh đất nhỏ bé này của thế giới?

Hãy cùng nhìn lại lịch sử để hiểu rõ hơn về các vấn đề. Bài viết này chỉ đơn thuần tập trung vào các sự kiện thực tế, không đưa quan điểm cá nhân để bạn đọc suy nghĩ và tự đưa ra nhận định của riêng mình.

Sự hình thành hàm chứa nhiều vấn đề của Israel và Palestine

Israel ngày nay đang nằm trên vùng đất có lịch sử tranh chấp từ hàng ngàn năm trước. Do Thái giáo hình thành cách đây 4.000 năm, Cơ đốc giáo 2.000 năm, và Hồi giáo 1.400 năm.

Trong suốt chiều dài lịch sử của vùng đất này, các đội quân thù địch đã thực hiện các cuộc xâm lược, sau đó giết hại và biến nước bại trận thành nô lệ, khiến người dân tứ tán khắp nơi.

Jerusalem đã hơn 20 lần bị bị chinh phạt bởi các đội quân khác nhau. Tùy thuộc vào từng giai đoạn lịch sử nhất định, người ta có thể xác lập bất kỳ ai là chủ sở hữu hợp pháp của mảnh đất này – thực tế là tất cả các bên liên quan đều tuyên bố quyền sở hữu thuộc về họ.

Năm 1947, Liên Hợp Quốc đã ban hành Kế hoạch phân chia khu vực này thành hai nhà nước: Nhà nước Do Thái Israel và Nhà nước Arab Palestine; Jerusalem và Bethlehem được tuyên bố là các thành phố độc lập.

Điều quan trọng cần lưu ý là sự ra đời của Israel có một phần bắt nguồn từ việc Đức Quốc xã đã sát hại 6 triệu người Do Thái trong Thế chiến thứ hai, vì vậy Israel đã nhận đươc rất nhiều sự đồng cảm với việc người Israel xứng đáng có một nhà nước riêng của mình.

Năm 1948, Israel tuyên bố độc lập, khởi nguồn cho cuộc nội chiến với Palestine. Ai Cập, Jordan và Syria sau đó chiếm Palestine và tấn công Israel. Israel đã giành phần thắng và không chỉ bảo toàn lãnh thổ của mình, mà còn chiếm được 2/3 lãnh thổ đã được LHQ phân bổ cho Arab. Ai Cập giữ Gaza và Jordan sáp nhập Bờ Tây.

700.000 người Palestine đã bị trục xuất hoặc chạy trốn khỏi lãnh thổ Israel. Người Do Thái trong khu vực và từ các nước châu Âu đang bị chiến tranh tàn phá ồ ạt quay về Israel. Nhiều người trong số đó đã bị ép đi nghĩa vụ quân sự.

Trong 70 năm qua, khu vực này chứng kiến cuộc đấu sức chưa bao giờ ngừng giữa các quốc gia để tranh giành quyền lãnh thổ đối với dải Gaza và Bờ Tây, tiếp đó là Bán đảo Sinai và Cao nguyên Golan.

Một thiếu niên Palestine cầm lá quốc kỳ ở biên giới với Israel, nơi diễn ra các cuộc giao tranh dữ dội. Ảnh: AP

Một thiếu niên Palestine cầm lá quốc kỳ ở biên giới với Israel, nơi diễn ra các cuộc giao tranh dữ dội. Ảnh: AP

Các cuộc kháng chiến có vũ trang

Người Palestine tự trang bị vũ khí để chống lại Israrel. Năm 1964, Liên đoàn Arab thành lập Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) để bảo vệ Palestine. PLO đã tổ chức các cuộc tấn công nhắm vào Israel và cố gắng kêu gọi các nước Arab khác chống lại Israel. Năm 1987, Mỹ tuyên bố PLO là một tổ chức khủng bố.

Chính quyền dân tộc Palestine (PNA) ra đời trong khuôn khổ thỏa thuận giữa PLO và Israel về việc quản lý Gaza và Bờ Tây. Năm 2006, PNA tổ chức bầu cử với sự canh tranh quyền lực của hai đảng Fatah và Hamas. Kết quả là Fatah giành quyền kiểm soát Bờ Tây và Hamas kiểm soát Gaza.

Fatah được thành lập năm 1967, ban đầu có chung khuynh hướng chính trị với PLO. Fatah đã từng là một tổ chức khủng bố, nhưng trong những năm gần đây đang đi theo hướng ôn hoà.

Hamas được thành lập năm 1987 để thay thế cho vị trí của PLO, lúc này bị coi là ngày càng xa rời tôn giáo. Cách thức hoạt động của Hamas trở nên ngày càng giống với Tổ chức Anh em Hồi giáo, một tổ chức Hồi giáo cực đoan. Trong khi đó, Hamas đã được dán nhãn là một tổ chức khủng bố. Iran là nước giúp tài trợ cho tổ chức này.

Hezbollah là một tổ chức chiến binh thánh chiến ở Li-băng, được thành lập năm 1985. Mỹ, EU và Liên đoàn Arab đã chỉ định Hezbollah là một tổ chức khủng bố. Các nhóm dân quân của Hezbollah là phe cánh thân hữu, cùng chiến đấu với Tổng thống Bashar Assad trong cuộc nội chiến Syria.

Tổ chức này đã tấn công Israel ở miền nam Li-băng và Cao nguyên Golan. Hezbollah liên kết rất chặt chẽ với Iran và Iran đã luôn hậu thuẫn và tài trợ cho tổ chức này.

Tại sao những điều này lại có ý nghĩa quan trọng? Bởi cả Hamas và Fatah đều không muốn nỗ lực để đạt được một giải pháp hòa bình chấm dứt sự chiếm đóng lãnh thổ của Israel. Iran thậm chí còn gầm ghè với Israel hơn cả Hamas và Fatah.

Vì vậy, phe đối lập của Israel sẽ không chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào. Do đó, những người dân Palestine trở thành nạn nhân.

Sự bất bình của người Palestine

Sự bất bình của người Palestine đối với Israel tập trung ở 3 mong muốn chính:

1. Sự diệt vong của Israel trong tư cách là một quốc gia, và tất cả các vùng đất phải được trả lại cho người Palestine. Một số người sẽ chấp nhận giải pháp Hai nhà nước giống như Kế hoạch phân chia của Liên Hợp Quốc năm 1947.

2. Dỡ bỏ toàn bộ các khu định cư của Israel trên các vùng đất tranh chấp do Israel chiếm đóng

3. Từ bỏ mọi quyền kiểm soát đối với các thánh địa chung của người theo đạo Cơ đốc và người Do Thái.

Những người Palestine ném đá về phía lực lượng quân sự Israel tại khu vực Bờ Tây. Ảnh: Reuters

Những người Palestine ném đá về phía lực lượng quân sự Israel tại khu vực Bờ Tây. Ảnh: Reuters

Israel – đất nước của các cuộc chiến liên miên

Kể từ năm 1948, khi Israel trở thành một Nhà nước, đã xảy ra bảy cuộc chiến tranh toàn diện – trong đó luôn luôn là một hoặc nhiều quốc gia Arab xâm lược Israel với danh nghĩa là để giành lại các vùng lãnh thổ đã mất của người Palestine.

Gần như tất cả các nước tham chiến, gồm Ai Cập, Syria và Jordan, đều có chung biên giới với Israel. Đây không đơn thuần là những cuộc giao tranh nhỏ, mà là những cuộc xung đột ở quy mô lớn với số người thiệt mạng của mỗi bên lên đến hàng ngàn người.

Cuộc chiến tranh Arab-Israel lần thứ nhất năm 1947-1948 được người Do Thái gọi là cuộc chiến giành độc lập cho Israel. Đây là cuộc chiến tranh đầu tiên trong một loạt cuộc chiến giữa Israel và các nước Arab láng giềng. 10.000 binh sĩ đã thiệt mạng.

Chiến tranh Suez năm 1956, Ai Cập quốc hữu hóa kênh đào Suez nối liền Địa Trung Hải với Biển Đỏ xuyên qua Ai Cập. Con kênh đào này được các kỹ sư người Pháp hoàn thành vào năm 1869, và thuộc sở hữu của Anh và Pháp trong gần chín thập kỷ sau đó.

Với động thái quốc hữu hoá, Ai Cập đã đóng sập cánh cửa đối với tàu bè Israel. Anh và Pháp đã thuyết phục Israel tấn công Ai Cập với sự hậu thuẫn của hai nước này.

Chiến tranh sáu ngày năm 1967, Israel đã đánh bại liên minh các nước Arab, chiến thắng trước một nỗ lực nữa của các nước láng giềng nhằm loại bỏ Israel khỏi bản đồ thế giới. Israel mất 1.000 binh sĩ tử trận trong khi con số thiệt mạng của binh sĩ Arab là 20.000.

Kết thúc cuộc chiến, Israel giành quyền kiểm soát và sáp nhập bán đảo Sinai, dải Gaza, cao nguyên Golan, Bờ Tây và Đông Jerusalem. Trong cuộc chiến này phải nhắc tới một nhân tố quan trọng: Chiến tranh lạnh. Nga đã trang bị vũ khí cho Ai Cập trong khi Mỹ, Anh và Pháp tăng cường vũ khí, khí tài cho Israel.

Chiến tranh Tiêu hao từ năm 1967 đến năm 1970, Israel tiếp tục chiến đấu chống lại Ai Cập, Jordan, Syria và PLO.

Chiến tranh Yom Kippur (còn gọi là Cuộc chiến Tháng 10) năm 1973, Israel một lần nữa đánh lui Ai Cập, Syria và Jordan. 15.000 binh sĩ đã thiệt mạng. Năm 1978, Ai Cập và Israel ký Hiệp định hòa bình và bán đảo Sinai được trao trả lại cho Ai Cập. Cả hai quốc gia đã cùng tồn tại trong hòa bình kể từ đó đến nay.

Chiến tranh Li-băng lần thứ nhất năm 1982 giữa hai đối thủ chính là Israel và PLO nhưng lại diễn ra trên lãnh thổ miền Nam Li-băng. Israel, với sự yểm trợ của những người Cơ đốc giáo đã đánh bại PLO. Cuộc chiến này cũng đánh dấu sự bắt đầu của cuộc nội chiến Li-băng.

Xung đột vũ trang Nam Li-băng từ năm 1985 đến năm 2000, Israel đã chiến đấu ở miền nam Li-băng trong cuộc chiến tranh du kích với Lực lượng Hezbollah được Iran yểm trợ.

Chiến tranh Li-băng lần thứ hai năm 2006 nổ ra ở Li-băng và miền bắc Israel với các bên tham chiến chính là quân đội Israel và Hezbolla.

Các quốc gia Arab, gần như luôn luôn là bên tấn công Israel và thua cuộc. Do đó, Israel từ chối trao trả lại một số vùng đất Arab đã chiếm được trừ khi hai bên đạt được một hiệp ước phù hợp. Những vùng đất này - bán đảo Sinai, dải Gaza, cao nguyên Golan và Bờ Tây luôn là các mục tiêu để các nước Arab tấn công Israel.

Các cuộc nổi dậy thường xuyên của người Palestine

Trong khoảng thời gian giữa các cuộc chiến tranh lớn với các nước láng giềng, Israel còn hứng chịu các cuộc nổi dậy bạo lực của người Palestine để phản đối cái mà họ gọi là sự chiếm đóng bất hợp pháp của Israel đối với Palestine, và gần đây là việc mở rộng các khu định cư của người Do Thái trên vùng đất Palestine đang tranh chấp.

Trong những năm 1950 và 1960, lực lượng phiến quân Fedayeen của Palestine liên tục thực hiện các cuộc tấn công khủng bố xuyên biên giới vào lãnh thổ Israel buộc nước này phải có các hành động đáp trả.

Tiếp đó là các cuộc nổi dậy của người Palestine ở Nam Li-băng từ năm 1971 đến năm 1982. Trong giai đoạn đó, năm 1978, Israel đã đẩy được PLO ra khỏi miền nam Li-băng. It nhất 1.500 người đã thiệt mạng

Phong trào Intifada lần thứ nhất nổ ra và tiếp diễn từ năm 1987 đến năm 1991. Các cuộc đụng độ giữa thanh niên Palestine và quân đội Israel đã khiến 332 người Palestine và 12 người Israel thiệt mạng. Tiếp theo là Phong trào Intifada lần thứ hai từ năm 2000 đến năm 2005 khiến 3.000 người Palestine và 1.000 người Israel thiệt mạng. Hy vọng, leo thang xung đột Israel-Hamas hiện giờ ở dải Gaza sẽ không trở thành Itifada lần thứ ba.

Nhìn lại việc người Anh chiếm đóng Palestine từ năm 1918 đến năm 1948, thực chất là đã có một phong trào Intifada khác diễn ra từ năm 1936 đến năm 1939 khi người Palestine cố gắng đánh bật người Anh khỏi lãnh thổ của mình. Những người Do Thái sống ở Palestine cũng đã nổi dậy chống lại người Anh từ năm 1944 đến năm 1947.

Israel đã ba lần xâm lược Gaza để tấn công và làm suy yếu các chiến binh và đội ngũ lãnh đạo của Hamas. Chiến tranh Gaza là cuộc xung đột dài ba tuần giữa Israel và Hamas xảy ra tại dải Gaza và miền Nam Israel trong mùa đông 2008-2009. Cuộc chiến này với tên gọi “Chiến dịch Chì Đúc” đã khiến ít nhất 1.300 người Palestine và 13 người Israel thiệt mạng.

Năm 2012, Israel lại xâm lược Gaza trong “Chiến dịch Trụ cột Phòng thủ” để làm suy yếu Hamas khiến 124 người thiệt mạng. Năm 2014, Israel thực hiện “Chiến dịch Vành đai Bảo vệ”, xâm lược Gaza để phá huỷ mạng lưới đường hầm bằng bê tông/thép dày đặc của Hamas.

Đây là hệ thống được thiết kế để những kẻ khủng bố di chuyển và xâm nhập thành phố Gaza mà không bị phát hiện. Khoảng 2.100 người đã thiệt mạng.

Lưu ý: Hamas luôn luôn bố trí các tên lửa của mình tại bệnh viện, trường học và nhà thờ Hồi giáo để ngăn chặn sự trả đũa của Israel. Israel luôn cảnh báo dân thường về các cuộc tấn công sắp xảy ra để người dân di tản khỏi các tòa nhà. Một thực tế đáng sợ là nhiều người đã không rời đi sau khi được cảnh báo mà sẵn sàng ở lại để chịu thiệt mạng trong các vụ đánh bom.

Hamas đã sử dụng rocket không điều khiển từ năm 2006 để tấn công dân thường và tài sản tại các khu định cư của người Do Thái ở quanh Gaza. Trong cuộc xung đột lần này, hơn 4.000 quả rocket đã được phóng vào các thành phố của Israel; trước đó năm 2014, Hamas đã bắn 5.000 quả rocket sang lãnh thổ Israel.

Từ năm 2011, Israel đã sử dụng Hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt để định vị và đánh chặn rocket đang bay. Vòm Sắt đã ngăn chặn được khoảng 90% số rocket của đối thủ.

Quân đội Israel đổ bộ lên Bờ Tây. Ảnh: DW

Quân đội Israel đổ bộ lên Bờ Tây. Ảnh: DW

Hành vi lặp đi lặp lại một cách kinh điển

Các cuộc tấn công bằng tên lửa của Hamas vào Israel luôn theo một mô hình kinh điển:

Khởi nguồn của mọi cuộc chiến tranh, xung đột luôn là Israel có hành động khiến Hamas nổi xung. Hamas đe doạ rằng nếu Israel không đáp ứng các yêu cầu của mình thì sẽ bắn rocket. Rồi sau đó Hamas bắn rocket sang lãnh thổ Israel thật.

Để đáp trả, Israel đánh bom các bãi phóng tên lửa và đồn luỹ thành trì của Hamas. Hậu quả là Hamas bị tàn phá nặng nề về nhà cửa, cơ sở kinh doanh và hệ thống hạ tầng, vì tổ chức này đặt tên lửa của mình ở các khu vực dân sự.

Hamas kêu gọi cộng đồng quốc tế lên tiếng, cáo buộc Israel là lực lượng chiếm đóng. Israel bị áp lực nặng nề trước những lời kêu gọi ban hành lệnh ngừng bắn và sau đó phải tuân thủ. Hamas tuyên bố chiến thắng trước Israel.

Các tổ chức viện trợ đổ tiền vào tái thiết Gaza hậu xung đột. Và làn sóng lên án toàn cầu đối với Israel bắt đầu cùng với các lời kêu gọi Tẩy chay, Thoái vốn và Trừng phạt. Israel bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh.

Israel và Ai Cập xây dựng hàng rào biên giới

Năm 1994, Israel xây dựng hàng rào an ninh đầu tiên dọc biên giới ngăn cách nước này với dải Gaza để kiểm soát hàng hóa và người qua lại giữa hai bên. Trong các năm tiếp sau đó, Hamas đã xây dựng mạng đường hầm dày đặc khắp thành phố Gaza trong đó có nhiều đường hầm chạy xuyên ngầm dưới bức tường an ninh và xâm nhập vào Jerusalem.

Các đường hầm này giúp Hamas thực hiện các cuộc tấn công bằng dao và đánh bom cảm tử nhắm vào người Israel. Israel sau đó đã gia cố phần móng của bức tường biên giới xuống sâu hơn nữa để Hamas không thể đào các đường hầm xuyên qua hàng rào này.

Cùng lúc đó, Ai Cập xây dựng hàng rào ngăn phần lãnh thổ bán đảo Sinai và dải Gaza với danh nghĩa là để ngăn Hamas nhập khẩu vũ khí chống lại Israel.

Ngoài ra, Israel cũng chặn lối vào Gaza bằng đường biển. Như vậy là Gaza được kiềm toả ba bên bốn bề.

Hamas đã bị chỉ trích về việc sử dụng các khoản tiền viện trợ để xây dựng hệ thống đường hầm phục vụ cho các hoạt động quân sự thay vì xây dựng cơ sở hạ tầng — hệ thống nước máy, cống rãnh, đường xá — cho người dân Gaza.

Tại sao các quốc gia Arab không đón nhận người Palestine

Năm 1948, các nhà lãnh đạo Palestine kêu gọi người dân của họ di tản khỏi Palestine. Nhiều người đã phải làm như vậy, từ bỏ quê hương bản xứ, bắt đầu cuộc đời tha hương.

Những người Palestine này tản đi khắp Trung Đông với một niềm tin rằng họ “có quyền quay trở lại” Israel, nơi họ đã dứt áo ra đi. Israel thì cho rằng điều đó không có trong luật pháp quốc tế, và sẽ không công nhận điều này.

Năm 1950, Jordan sáp nhập Bờ Tây từ tay Israel. Năm 1967, Israel giành lại quyền kiểm soát Bờ Tây sau chiến thắng trong cuộc Chiến tranh sáu ngày. Người Palestine, dưới sự lãnh đạo của Lãnh tụ PLO, Yasser Arafat, đã di chuyển lực lượng của họ từ Bờ Tây đến Jordan để tiếp tục cuộc chiến chống lại Israel.

Những người Palestine phớt lờ yêu cầu của Jordan về việc ngừng tấn công Israel. Thay vào đó, họ bắt đầu phong trào kêu gọi đảo chính lật đổ vua Hussein của Jordan.

Năm 1970, Jordan tấn công PLO trong một cuộc nội chiến có tên gọi “Tháng Chín Đen” khiến hàng ngàn người Palestine bị chết hoặc bị trục xuất khỏi Jordan. Những người này đã chạy sang Li-băng, sau đó cố gắng lật đổ chính phủ Li-băng vào năm 1975.

Trong quá khứ, những người tị nạn Palestine đã bị xua đuổi khỏi Kuwait, Li-băng, Iraq và các nơi khác. Nhiều người phải sống trong các trại tị nạn có điều kiện rất tồi tàn. Rất ít trong số 4 triệu người tị nạn này được hưởng quyền công dân.

Một số chuyên gia cho rằng không một quốc gia Arab nào muốn gây bất ổn cho chính đất nước của mình bằng việc trở thành ngôi nhà của một lượng lớn người tị nạn Palestine đã từng có mối liên hệ chặt chẽ với Hamas và PLO.

Thay vào đó, các nước Arab khác lại chọn tài trợ cho Hamas để đổi lấy sự yên ổn. Một số nước tin rằng họ có thể gây áp lực với Israel bằng cách duy trì các trại tị nạn. Tại Iraq, người Palestine bị trục xuất vì họ đã đứng về phía cựu Tổng thống Saddam Hussein.

Phong trào intifada của người Palestine. Ảnh: Reuters

Phong trào intifada của người Palestine. Ảnh: Reuters

Những tia hy vọng le lói

Các đời tổng thống Mỹ từ TT Jimmy Carter đến Donald Trump đều cố gắng tìm cách giải quyết vấn đề Palestine và hầu hết đều thất bại. Ông Carter đã dàn xếp thành công Hiệp ước hoà bình được Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat và Thủ tướng Israel Menachem Begin ký kết năm 1979.

Hiệp ước này đã mang về cho hai nhà lãnh đạo giải Nobel Hòa bình và vẫn đang có hiệu lực cho đến nay. Tuy nhiên, Ai Cập đã phải trả một cái giá đắt: năm 1981, ông Sadat bị ám sát và Ai Cập bị các nước Arab khác tẩy chay.

Tổng thống Trump đã đạt được tiến bộ trong nỗ lực hướng tới hòa bình cho khu vực Trung Đông. Năm 2020, các tiểu vương quốc Arab thống nhất, Bahrain, Morocco và Sudan đã ký Hiệp ước Abraham với Israel để thiết lập quan hệ ngoại giao và thương mại. Serbia và Kosovo cũng đã ký hiệp ước với Israel.

Các nhà đàm phán đã chọn đặt tên cho tiến trình hòa bình này là "Hiệp ước Abraham" để nhấn mạnh rằng người Hồi giáo, người Do Thái và người Cơ đốc giáo đã gạt bỏ những khác biệt của họ sang một bên và tham gia thỏa thuận.

Abraham là tên của Nhà tiên tri sống cách đây 4,000 năm, người được coi là Tổ phụ, là người cha của mọi đức tin. Nhà tiên tri Abraham giữ một vị trí đặc biệt trong lịch sử, niềm tin và sách thánh của Do Thái giáo, Cơ đốc giáo và Hồi giáo.

Hòa bình ở Trung Đông là điều có thể đạt được./.

(Chuyển ngữ: Đào Thuý)