Mỹ là đồng minh của Israel. Israel là nền dân chủ thực sự duy nhất ở Trung Đông - nước này có vũ khí hạt nhân để giữ mình không bị đè bẹp dưới gót chân của kẻ thù, có một lực lượng quân sự hùng mạnh để chống lại các cường quốc độc tài, chưa bao giờ từ bỏ sự ủng hộ của mình đối với các chính sách của Mỹ, và đó là một xã hội hiện đại, tiên tiến, có nền tảng công nghệ cao.
Các phe phái quyền lực ở Mỹ có quan điểm trái ngược nhau về những người Palestine đang kiểm soát dải Gaza. Một số người coi họ là những kẻ khủng bố và thân tín của Cách mạng Hồi giáo Iran với lòng căm ghét Israel đến tận xương tuỷ.
Những người khác lại coi họ là nạn nhân của chính sách của Mỹ và sự xâm lược vô cớ của Israel, và rằng những người này chỉ đang đấu tranh cho quyền con người của họ trên mảnh đất họ đang sở hữu hợp pháp.
Tại thời điểm bài báo này được viết, người Palestine ở dải Gaza đã dội 4.000 quả rocket không điều khiển vào dân thường Israel, khiến hàng chục người thiệt mạng.
Người Israel đáp trả bằng nhiều cuộc pháo kích và tấn công bằng tên lửa, máy bay vào 820 thành trì khủng bố của người Palestine khiến hơn 200 người thiệt mạng, trong đó trẻ em chiếm một phần tư, phá hủy một phần lớn thành phố Gaza và khiến 80.000 người dân phải di tản.
Hệ thống Vòm Sắt của Israel đánh chặn rockets của Hamas. Ảnh: AFP |
Một lưu ý: Mặc dù Israel đáp trả với lực lượng áp đảo, họ luôn đưa ra cảnh báo trước cho dân thường sống trong các tòa nhà mục tiêu đang có chiến binh ẩn nấp trước khi tấn công.
Tại sao điều này lại quan trọng đối với Việt Nam? Cũng giống như các tổng thống Mỹ trước đó đã bị cuốn ngày càng sâu vào các cuộc xung đột ở Trung Đông, Tổng thống Joe Biden hiện đang phải đối mặt với cùng một tình huống khó xử: việc tập trung vào Trung Đông sẽ khiến Mỹ phải chuyển hướng kế hoạch "xoay trục" sang Châu Á-Thái Bình Dương, nơi nhiều người tin rằng lợi ích thực sự của Mỹ nằm ở đó.
Tại thời điểm này, Israel đã tuyên bố ngừng bắn. Người Palestine đưa ra các điều kiện tiên quyết. Tình thế lúc này đang căng như dây đàn trong một sự bế tắc.
Hai nguyên nhân trực tiếp của cuộc xung đột 2021
Giao tranh nổ ra 11 ngày trước khi các chủ sở hữu đất người Israel kiện những người Palestine thuê bất động sản ra tòa vì họ không chịu trả tiền thuê nhà, đồng thời đe dọa đuổi họ ra khỏi toà nhà. Các bất động sản này — thuộc khu dân cư Sheikh Jarrah — nằm dọc theo bức tường biên giới ngăn cách Gaza với Israel.
Cùng thời gian đó tại Thành cổ Jerusalem, cảnh sát Israel đã đột kích vào một thánh địa — Nhà thờ Hồi giáo Al Aqsa — một địa điểm linh thiêng đối với người Hồi giáo và người Do Thái. Những sự kiện này xảy ra ngay trong tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo. Người Israel và người Palestine quay sang đổ lỗi cho nhau.
Thông thường, những vấn đề nhỏ như vậy sẽ không dẫn đến bạo lực, nhưng đây là Trung Đông, và không cần phải làm gì quá nhiều để thổi bùng ngọn lửa vốn đã luôn âm ỉ.
Vị trí của dải Gaza. Ảnh đồ hoạ của StraitTimes |
Hamas, một tổ chức chính trị/quân sự đang kiểm soát dải Gaza, dải đất duyên hải có diện tích 365km2,từ năm 2007 đến 2014, và sau đó tiếp tục kiểm soát từ năm 2016 đến nay.
Mùa hè năm 2017, Israel bắt đầu khởi công xây dựng bức tường ngầm dưới lòng đất nhằm ngăn chặn Hamas đào các đường hầm tấn công sang lãnh thổ Israel.
Mỹ và EU đã chỉ định Hamas là một tổ chức khủng bố. Các nước khác coi họ là những người đấu tranh cho tự do. “Hiến chương” của Hamas bao gồm 16 tín điều với một nội dung xuyên suốt kêu gọi huỷ diệt Israel.
Hamas cố tình châm ngòi bạo lực bằng cách bắn rocket không điều khiển vào Israel mà không màng đến thương vong để phản đối vụ kiện vẫn đang được giải quyết liên quan đến những người thuê nhà Palestin và cuộc đột kích của cảnh sát vào nhà thờ Hồi giáo.
Hamas khơi mào các cuộc tấn công để đóng vai nạn nhân chung thân trong cuộc xung đột Israel-Palestine. Và như thường lệ, Hamas lại hướng đến diễn đàn thế giới để tố cáo Israel vi phạm nhân quyền.
Cuộc đối đầu Hamas-Fatah
Năm 2006, Hamas đánh bại đảng đối thủ Fatah, giành quyền kiểm soát dải Gaza, trong khi Fatah giữu vai trò đảng cầm quyền của Chính quyền dân tộc Palestine ở Bờ Tây do Tổng thống Mahmoud Abbas đứng đầu.
Fatah không bị coi là tổ chức khủng bố. Chính quyền dân tộc Palestine đã lên kế hoạch tổ chức cuộc bầu cử đầu tiên sau 15 năm, nhưng sau đó đã phải hoãn vô thời hạn khi có vẻ như Phong trào Fatah của ông Abbas có thể không thua ai nhưng vẫn không qua mặt được Hamas.
Chính vì vậy, cuộc xung đột này ở Gaza một phần là kết quả của cuộc tranh giành quyền lực giữa Hamas và Fatah. Hamas chống lại Israel để chứng minh sự mạnh mẽ tương phản với một Fatah yếu ớt trước Israel.
Người dân Palestines biểu tình phản đối Israel tại Gaza. Ảnh: DW |
Iran hậu thuẫn cho Hamas và Hezbollah
Iran chưa bao giờ ngừng quyết tâm tiêu diệt Israel. Sau Cách mạng Hồi giáo năm 1979 do lãnh tụ tối cao Ayatollah Khomeini phát động ở Iran, nước này đã cắt đứt mọi quan hệ với Israel và thề không bao giờ công nhận sự tồn tại hợp pháp của Israel.
Hamas và Iran có mục tiêu chung chống lại Israel ở Gaza. Iran chính là nước cung cấp cho Hamas số rocket hàng ngày dội xuống Israel và tài trợ cho các hoạt động của Hamas.
Iran cũng giúp tài trợ cho Hezbollah, một tổ chức được dán nhãn khủng bố được từ năm 1997, có căn cứ tại Li-băng. Iran cung cấp rocket cho Hezbollah.
Để hậu thuẫn cho Hamas, Hezbollah đã bắn sáu quả rocket từ miền nam Li-băng vào Israel với hy vọng lôi kéo được Li-băng vào cuộc xung đột.
Thỏa thuận hạt nhân Iran
Năm 2015, cựu tổng thống Barack Obama đã chọn đứng về phía Iran thay vì ủng hộ Israel – quyết định này đã phá vỡ liên minh Israel-Mỹ đang lớn mạnh kể từ khi Israel chiến thắng trong cuộc chiến tranh Ả Rập-Israel năm 1967.
Mỹ, Nga, EU và các nước khác đã đàm phán một thỏa thuận với Iran với điều kiện đổi lại chính quyền Tehran sẽ trì hoãn chương trình vũ khí hạt nhân của mình. Israel coi thỏa thuận này là một mối đe dọa hiện hữu: một Iran được trang bị vũ khí hạt nhân sẽ đánh dấu sự kết thúc của Israel.
Ông Obama đã trao quyền cho Iran cả ở phương diện kinh tế và ngoại giao, trong khi cố gắng vô hiệu hoá Ả Rập Xê Út và các đồng minh của nước này – đây là những nước đã thề không đội trời chung với Iran.
Sau khi đạt được thoả thuận, Iran vẫn tiếp tục cuộc cách mạng Hồi giáo, thúc đẩy các cuộc chiến tranh ủy nhiệm và bất ổn ở Syria, Yemen, Li-băng và Iraq, phần lớn không được Mỹ ủng hộ. Israel thường trả đũa bằng cách tấn công các lực lượng dân quân ủy nhiệm của Iran.
Mỹ đã có được Thỏa thuận hạt nhân để đổi lấy việc cho phép Iran thống trị khu vực trong khuôn khổ Sáng kiến Cách mạng Hồi giáo cuả nước này.
Chính sách của Tổng thống Donald Trump và Joe Biden với Iran và Israel
Cựu tổng thống Donald Trump đã rút khỏi Thỏa thuận Hạt nhân Iran vào năm 2018, áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế và chính trị làm tê liệt quốc gia này.
Khi ông Joe Biden trở thành Tổng thống vào tháng 01 năm 2021, ông đã khởi động nỗ lực để nối lại Thỏa thuận Iran, với các điều khoản tương tự như đã đàm phán dưới thời ông Obama khi ông Biden đang là Phó Tổng thống.
Iran hiện đang ở thế cửa trên, thừa hiểu ông Biden đang rất muốn và rất cần một Thoả thuận với chính quyền Tehran để làm vừa lòng các phe phái trong đảng Dân chủ.
Đổi lại, Iran muốn các lệnh trừng phạt mà ông Trump áp đặt trước đó phải được dỡ bỏ, muốn nhận được khoản tiền mặt trị giá hảng tỷ đô la, muốn tái tham gia vào cộng đồng tài chính toàn cầu và được phép tiếp tục vận chuyển dầu, là mặt hàng đã bị cấm vận.
Iran đang thực hiện phép thử đối với quyết tâm của chính quyền Biden về Thoả thuận Hạt nhân bằng cách thổi bùng ngọn lửa xung đột Hamas-Israel.
Một điều nữa mà Iran hiểu quá rõ là Mỹ đang muốn rút khỏi Trung Đông. Và rằng chính Iran đang nắm giữ khả năng khiến Mỹ tiếp tục sa lầy tại khu vực này bất chấp mong muốn của Mỹ, khiến Israel mất cân bằng – tất cả chỉ bằng cách thổi bùng xung đột.
Một người phụ nữ Palestine ở Bờ Tây to tiếng với lực lượng quân sự Israel. Ảnh: BBC |
Xung đột trong nội bộ chính quyền Biden
Ông Biden đang ở thế khó trong vấn đề Gaza.
Một phe cánh khá lớn trong đảng Dân chủ tin rằng Hamas đúng và Israel sai. Đây là phe cực thân Palestine, chống Israel và bài Do Thái.
Những người này đang thúc giục ông Biden rút viện trợ quân sự và các chương trình hỗ trợ cho Israel, khôi phục viện trợ cho Hamas và Fatah, đồng thời tích cực thúc đẩy Phong trào tẩy chay, thoái vốn và trừng phạt Israel. Họ muốn có một Nhà nước độc lập cho người Palestine.
Nói tóm lại, các phe phái ủng hộ người Palestine chỉ hướng đến một mục tiêu là nhìn thấy Israel diệt vong. Điều này đã diễn ra trong 20 năm qua và mỗi năm trôi qua, những người ủng hộ Palestine càng trở nên hiếu chiến và quyết liệt hơn trong nỗ lực của họ.
Ông Biden đã biến mình thành một người chịu ơn phe xã hội chủ nghĩa của đảng Dân chủ - đây là phe cánh của những người đang điên cuồng chống Isreal và bài Do Thái. Những người ủng hộ của phe này đóng vai trò quan trọng trong việc giúp ông Biden đánh bại ông Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020.
Phần lớn đảng Cộng hòa ủng hộ chính sách thân Israel, rất gần với các chính sách của ông Trump.
Những gì ông Biden đang làm không khiến bên nào hài lòng. Ông ấy đã thông qua hợp đồng bán 735 triệu đô la vũ khí cho Israel (nhưng đang vấp phải sự phản đối của một số nghị sĩ quốc hội), và cũng đồng thời cũng đã nối lại khoản viện trợ 235 triệu đô la cho người Palestine.
Ông ấy cho phép Israel tiếp tục trả đũa Hamas sau các cuộc tấn công bằng tên lửa vào dân thường Israel, đồng thời không kêu gọi ngừng bắn, điều có lợi cho Hamas.
Ông Biden đã cầu viện sự giúp đỡ của Ai Cập, kêu gọi nước này làm trung gian hoà giải để chấm dứt các hành động thù địch, thay vì tự mình đứng ra đảm nhiệm vai trò này. [Ai Cập đang có một hiệp ước hòa bình với Israel.]
Người phát ngôn của Palestine đã lên tiếng tỏ ý không hài lòng rằng họ mong đợi nhiều hơn từ ông Biden, trong khi Israel sẽ không lùi bước cho đến khi sự xâm lược của Hamas phải bị trừng phạt.
Ông Biden ủng hộ Iran và Thỏa thuận hạt nhân thay vì bảo vệ lợi ích của Ả Rập Xê Út và Israel. Ông ấy đã cản trở các nỗ lực của Ả Rập Xê Út nhằm tiêu diệt các lực lượng phiến quân do Iran hậu thuẫn đang kiểm soát Yemen.
Ông ấy xem thường Hiệp ước hòa bình giữa Israel và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất hay còn gọi là Hiệp ước Abraham do ông Trump dàn xếp nhằm bình thường hóa các mối quan hệ ngoại giao và kinh tế giữa Israel và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Morocco, Bahrain, Sudan và Serbia-Kosovo.
Đảng Cộng hòa tin rằng lý do duy nhất khiến ông Biden bãi bỏ tất cả các chính sách Trung Đông được đưa ra dưới thời chính quyền Trump là vì các chính sách đó do ông Trump khởi xướng.
Hàm ý
Gaza, một cuộc xung đột nhỏ có vẻ không mang nhiều ý nghĩa thực ra lại là một quả bom hẹn giờ có sức công phá lớn, có thể làm bùng phát nhiều cuộc chiến khác nữa ở Trung Đông.
Giống như các Tổng thống khác từ Tổng thống Jimmy Carter đến Donald Trump, ông Biden có nguy cơ bị kéo trở lại vũng lầy đã khiến nhiều người tiền nhiệm phải loay hoay.
Cách thức ông Biden xử lý Thoả thuận Iran và vấn đề Gaza sẽ mang tính quyết định đến tình hình khu vực.
(Chuyển ngữ: Đào Thuý)