Thuyết COVID rò rỉ từ phòng thí nghiệm và những sự kiện trùng hợp kỳ lạ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tại sao giả thuyết SARS-CoV-2, virus gây ra đại dịch COVID-19, rò rỉ từ một phòng thí nghiệm ở Trung Quốc lại tồn tại lâu đến vậy?
Viện Virus học Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc là tâm điểm của giả thuyết COVID-19 rò rỉ từ phòng thí nghiệm (Ảnh: Washington Post)
Viện Virus học Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc là tâm điểm của giả thuyết COVID-19 rò rỉ từ phòng thí nghiệm (Ảnh: Washington Post)

Trên hết, không phải là do có bằng chứng cụ thể, được công khai và đã kiểm nghiệm, mà thay vào đó, giả thuyết này tồn tại là bởi có nhiều sự trùng hợp rất đáng lưu ý.

Đầu tiên, Vũ Hán, nơi mà gần như chắc chắn là dịch bệnh đã bắt nguồn ở Trung Quốc, là nơi có phòng thí nghiệm mức độ an toàn sinh học cấp 4 duy nhất của Trung Quốc, Viện Virus học Vũ Hán (WIV). Nó, cùng với 2 phòng thí nghiệm khác ở Vũ Hán, là nơi diễn ra nhiều nghiên cứu về virus corona, một số trong đó ở trên loài dơi. WIVđã giải mã bộ gen của tổ tiên gần gũi nhất từng được biết đến của SARS-CoV-2 trên loài dơi, đó là một chủng virus có tên gọi RatG13.

Thứ hai, 3 trong số các nhân viên của WIV đã bị sốt vào tháng 11/2019, trước khi dịch bắt đầu, theo cơ quan tình báo Mỹ. Những người này đã phải nhập viện (tuy nhiên không rõ là vì bệnh gì. Chúng ta cũng không được tiếp cận bất kỳ mẫu bệnh phẩm nào từ họ, hoặc kết quả xét nghiệm kháng thể với SARS-CoV-2 sau khi họ bị sốt). Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã báo cáo về vụ việc này, dựa trên dữ liệu mà chính phủ Trung Quốc cung cấp, và đưa ra một kết luận khác. Họ nói rằng kết quả theo dõi sức khỏe của những nhân viên tại 3 phòng thí nghiệm ở Vũ Hán không cho ra kết quả dương tính khi xét nghiệm kháng thể, hay các chứng bệnh liên quan tới COVID-19, trong những tuần trước tháng 12/2019.

Cuối cùng, sự trùng hợp thứ ba. Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) Vũ Hán đã di dời phòng thí nghiệm của họ ở Vũ Hán vào ngày 2/12/2019. Báo cáo của WHO, được viết cùng với giới chức Trung Quốc, đã xác nhận điều này và nói rằng nó có thể làm gián đoạn hoạt động của một phòng thí nghiệm. Họ cũng nhấn mạnh rằng phòng thí nghiệm nọ đã được di dời tới một địa điểm gần với Chợ Hải sản Hoa Nam – nơi mà động vật hoang dã được bày bán, và được cho là có vai trò lớn trong giai đoạn bùng phát dịch ban đầu. Việc di dời diễn ra chỉ 6 ngày trước khi bệnh nhân đầu tiên xuất hiện các triệu chứng bệnh COVID-19, theo phía Trung Quốc. (Theo WHO, bệnh nhân này làm việc trong một công ty gia đình, không có lịch sử tham gia các sự kiện đông người, hay tiếp xúc gần tại khu chợ hải sản, hay đi đến những vùng hoang dã. Điều này chỉ ra rằng ông bị nhiễm bệnh ngay trong thành phố, có thể bị lây từ một người khác).

3 sự kiện đáng chú ý này đã củng cố giả thuyết COVID-19 rò rỉ từ phòng thí nghiệm. Giới chức tình báo phương Tây nói với CNN rằng họ không thể loại bỏ giả thuyết này – cũng chưa thể chứng minh là nó đúng. Những sự trùng hợp trên có lẽ chính là nguyên nhân mà giả thuyết rò rỉ từ phòng thí nghiệm vẫn cứ tồn tại – không được chứng minh là đúng, cũng không bị loại trừ.

Chưa có bằng chứng cụ thể nào cho thấy COVID-19 rò rỉ từ phòng thí nghiệm. Bằng chứng có thể có tồn tại và đang được xếp vào hàng tuyệt mật bên trong cơ quan chính phủ sở hữu nó. Nhưng do chúng chưa được công khai, nên chúng ta chỉ có thể đoán rằng nó tồn tại, và cho rằng Trung Quốc đang che giấu điều gì đó.

Nhưng khả năng Trung Quốc đang che giấu điều gì đó cũng khó được làm rõ. Đội ngũ điều tra của WHO từng thừa nhận rằng họ muốn được tiếp cận nhiều hơn dữ liệu và thông tin – từ các mẫu vật trong ngân hàng máu tại bệnh viện vào thời điểm xảy ra dịch, cho tới dữ liệu chưa qua xử lý về những ca nhiễm ở Hồ Bắc trong tháng 10, tháng 11/2019. Mặc dù đã nêu rõ điều này từ nhiều tháng trước, nhưng đến giờ WHO vẫn chưa được quyền tiếp cận.

Vậy còn về giả thuyết chính: dịch bệnh bắt nguồn từ động vật, sau đó truyền sang người trong một quá trình tự nhiên?

Giả thuyết này còn rắc rối hơn và cũng khó để chứng minh hoàn toàn. Các điều tra viên của WHO chia sẻ kết luận của phần lớn chuyên gia trong lĩnh vực nay rằng: bệnh dịch rất có khả năng bắt nguồn từ loài dơi, và thông qua các loài vật “trung gian” đã lây sang cho người.

Nhân viên an ninh bên ngoài Chợ Hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán (Ảnh: The Guardian)

Nhân viên an ninh bên ngoài Chợ Hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán (Ảnh: The Guardian)

Vậy tại sao lại là loài dơi? Một giả thuyết cho rằng đó là bởi dơi vỗ cánh rất nhanh khi bay nên chúng có thân nhiệt trung bình ở mức cao. Khi con người nhiễm virus, chúng ta bị sốt do cơ chế tự nâng thân nhiệt để tiêu diệt những kẻ xâm nhập. Virus ở loài dơi đã học được cách đối phó với nhiệt độ cao hơn mức tiêu chuẩn. Bởi vậy chúng thâm nhập vào cơ thể người, cơ chế tự nâng thân nhiệt của chúng ta, vốn là hàng phòng thủ cơ bản, không có tác dụng. Điều này có nghĩa rằng, dơi là vật chủ chứa rất nhiều chủng virus, và những chủng virus này đã học được cách thích nghi.

Một số nhà khoa học cho rằng, có khả năng SARS-CoV-2 có thể đã truyền trực tiếp từ dơi sang người. Phần lớn các chuyên gia – và cả báo cáo của WHO – thì kết luận rằng virus lây sang người thông qua một “đọng vật trung gian”.

Và cũng chính nhờ “động vật trung gian” này mà khiến mọi thứ càng trở nên phức tạp. Chủng virus ở loài dơi gần gúi nhất với virus corona chủng mới ở người mà chúng ta từng biết là RatG13, được WIV phát hiện. Các nhà khoa học nghĩ rằng, một cách mà chúng có thể trở thành chủng SARS-CoV-2 hiện tại chính là thông qua một “sự kiện tái tổ hợp”.

Đây là quá trình khi một chủng virus lấy đi thứ gì đó từ một chủng virus khác mà chúng gặp phải: cũng giống như lắp một chiếc lốp tốt hơn cho xe hơi của bạn. Điều này giúp cải thiện khả năng của virus. Việc tìm ra thời điểm và vị trí mà quy trình này xảy ra là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn. Trung Quốc thường nghiên cứu 69 loài động vật để tìm ra các chủng virus hiếm, họ nói với WHO, trong năm 2019 và cả trước đây cũng vậy. Bất cứ loài động vật nào trong số đó – hoặc những loài chưa được xét nghiệm – cũng có thể là moi trường nơi mà sự kiện tái tổ hợp này diễn ra để sản sinh ra SARS-CoV-2.

Giả thuyết COVID-19 rò rỉ từ phòng thí nghiệm còn có một thuyết âm mưu phụ. Đó là virus RatG13 có thể đã bị biến thành SARS-CoV-2 nhờ vào sự can thiệp của con người, còn gọi là nghiên cứu “Thăm dò chức năng” (Gain of Function). Các nhà khoa học thực hiện điều này bằng cách làm biến đổi virus trong một phòng thí nghiệm để tìm hiểu xem làm thế nào các chủng virus lây nhiễm và ảnh hưởng tới con người. Thí nghiệm kiểu này rất nguy hiểm, bởi vậy từng bị tạm ngừng dưới thời chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Bước cuối cùng trong giả thuyết về động vật lây truyền sang người, có tên gọi là “lây truyền qua động vật” (Zoonotic Transfer), chỉ ra rằng một loài động vật bị nhiễm bệnh có tiếp xúc gần với “bệnh nhân số 0” – tức người đầu tiên bị nhiễm bệnh. Nói về điều này, rất nhiều người chỉ ra hoạt động buôn bán động vật hoang dã ở Trung Quốc. Một số ví dụ về buôn bán động vật hoang dã đã được chụp anhrlaij tại Chợ hải sản Hoa Nam. Báo cáo của WHO, tuy nhiên, kết luận rằng có rất nhiều ca nhiễm đầu tiên ở người được phát hiện ở Vũ Hán không hề liên quan tới chợ Hoa Nam.

Việc truy vết virus tới thời điểm mà nó được hình thành trên cơ thể một loài động vật là điều hết sức khó khăn. Và điều này càng khó thực hiện hơn ở Trung Quốc, nơi mà dữ liệu hữu ích không được trao hoàn toàn cho đội điều tra của WHO.

Tất cả những vấn đề trên đều là vấn đề thách thức đối với chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden – người mới đây ra chỉ thị cho cơ quan tình báo điều tra nguồn gốc COVID-19 và báo cáo trong vòng 90 ngày. Các nhà điều tra Mỹ sẽ cần phải có bằng chứng để chứng minh giả thuyết COVID-19 rò rỉ từ phòng thí nghiệm, và đánh giá xem liệu Trung Quốc có biết về điều này hay không. Mặt khác, họ cũng phải tìm hiểu cả về giả thuyết được nhiều người chấp nhận, đó là virus lây lan trong một quy trình tự nhiên.

Bỏ ngoài những lời cáo buộc, đổ tội lẫn nhau, có một vấn đề rõ ràng mà toàn nhân loại phải giải quyết: Tìm hiểu rõ nguồn gốc của COVID-19 để tránh những đại dịch tương tự trong tương lai.

Bài viết được nhà báo điều tra kỳ cựu của Anh, Nick Paton Walsh - Biên tập viện Quốc tế từng gianhd Giải Emmy - đăng tải trên CNN ngày 29/5.

(Chuyển ngữ: Huyền Chi)