Thực tế cuộc sống là lời giải cho những khúc mắc trong xây dựng pháp luật

Ngô Ngọc Trai
Ngô Ngọc Trai

Luật sư

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Các văn bản pháp luật được làm ra muốn đạt hiệu quả chất lượng, điều chỉnh tốt các mối quan hệ xã hội, đóng góp tích cực cho mục đích quản trị quốc gia, thì công tác làm luật cần bám sát vào thực tế đời sống.

Nói cách khác, thực tiễn đời sống chính là suối nguồn của pháp luật, là lời giải đáp cho những khúc mắc băn khoăn trong xây dựng pháp luật, việc còn lại chỉ là cần tìm ra đúng lời giải đã có sẵn trong đời sống.

Lời giải từ đời sống

Tháng 4 năm 2020, khi dự Luật Đầu tư được đem ra bàn bạc sửa đổi, nhiều ý kiến khi đó tranh cãi xem có nên để hay nên bỏ dịch vụ đòi nợ thuê như một loại hình kinh doanh được phép. Hai chiều ý kiến nên bỏ hay nên giữ đều có những cơ sở nhất định, đòi hỏi các nhà làm luật cần xác quyết chân lý đúng đắn để chọn một.

Khi đó bằng kiến thức thực tế của mình tôi đã viết bài báo có tiêu đề “Dịch vụ đòi nợ thuê là quan hệ pháp luật sai ngay từ bản chất” trong đó phân tích chỉ ra căn cứ cơ sở vì sao nên bỏ loại hình dịch vụ này. Những ý kiến phân tích đã góp phần làm sáng tỏ vấn đề, giúp Quốc hội thông qua luật đầu tư bãi bỏ loại hình dịch vụ đòi nợ thuê không còn là một loại hình kinh doanh được phép.

Hay như kỳ họp Quốc hội hồi tháng 11/2020, dự thảo Luật xử lý vi phạm hành chính khi đó có nội dung còn có nhiều ý kiến khác nhau, đó là có nên trao quyền cho cơ quan xử lý vi phạm hành chính được quyền cắt điện nước khi cưỡng chế hay không.

Các quan điểm ngược chiều nhau đều đưa ra được luận chứng thuyết phục, đòi hỏi các Đại biểu Quốc hội cần nhận ra chân lý khách quan để có thể ban hành điều luật có tính khoa học, tạo nền móng cho sự vận hành hiệu quả bộ máy hành chính.

Bằng kiến thức thực tế hành nghề luật sư tôi cho rằng không nên thêm quyền cắt điện nước cho cơ quan cưỡng chế hành chính. Tôi viết bài báo có tiêu đề “Cần nhất quán trong việc tôn trọng bảo hộ hoạt động doanh nghiệp” đã đưa ra luận giải, góp phần giúp Quốc hội thông qua luật xử lý vi phạm hành chính bỏ đi nội dung không thêm quyền cắt điện nước cho cơ quan cưỡng chế hành chính.

Hoặc như hồi giữa năm 2020, ở các tỉnh miền Trung xảy ra lũ lụt lớn, rất nhiều tổ chức cá nhân đứng ra quyên góp tiền của vật chất giúp đỡ ủng hộ cho đồng bào miền Trung, điển hình như ca sĩ Thủy Tiên đã quyên góp được hàng trăm tỉ đồng.

Đứng trước một sự việc được dư luận quan tâm, tôi tìm hiểu rà soát lại hành lang pháp lý thấy được một nghị định có từ năm 2008 tồn tại bất cập khi chỉ trao quyền cho các cơ quan đoàn thể nhất định của nhà nước mới được đứng ra quyên góp ủng hộ bão lũ thiên tai, còn thì không cho phép tổ chức cá nhân doanh nghiệp được quyền làm việc đó.

Bởi vậy nên tôi đã viết một bài phân tích chỉ ra bất cập đăng trên trang mạng xã hội facebook, ý kiến nhận được sự quan tâm đông đảo cộng đồng, đã góp phần giúp Chính phủ nhận ra bất cập, giao cho Bộ Tài chính rà soát lại quy định cũ và soạn thảo văn bản thay thế theo hướng trao quyền cho tổ chức cá nhân doanh nghiệp được quyền đứng ra quyên góp ủng hộ trao tặng quà tới cho đồng bào bị thiên tai.

Bộ Tài chính sau đó đã đưa ra văn bản dự thảo tổ chức lấy ý kiến đóng góp, hiện tại nghị định mới chưa ban hành nhưng vẫn đang được dư luận theo dõi cho tới khi chính sách mới được đưa ra.

Để việc làm luật có chất lượng hiệu quả thì việc làm luật cần bám sát vào thực tế đời sống - ảnh minh hoạ

Để việc làm luật có chất lượng hiệu quả thì việc làm luật cần bám sát vào thực tế đời sống - ảnh minh hoạ

Từ những con số phép tính

Trong việc xây dựng pháp luật một mặt cần đến những tư duy lý lẽ pháp lý, song bên cạnh đó nhiều vấn đề lại được xác quyết dựa trên những con số tính toán cụ thể chi tiết dựa trên những dữ kiện từ thực tế đời sống.

Lấy ví dụ từ vấn đề gây tranh luận bấy lâu là pháp luật hình sự có nên bỏ hay duy trì án tử hình, quá trình tranh luận học thuật lâu nay các trường phái quan điểm đều đã đưa ra nhiều lý lẽ thuyết phục theo cả hai hướng, nhưng sự thể sẽ sớm sáng tỏ khi có được những con số tính toán chi tiết.

Bộ luật Hình sự hiện nay quy định án tù có thời hạn cao nhất là 30 năm tù và trong thời gian thi hành án nếu cải tạo tốt sẽ được giảm án. Đối với án tù chung thân nếu chấp hành tốt cũng sẽ được giảm án xuống còn thời hạn, nhưng phải đảm bảo thời gian chấp hành hình phạt tù trên thực tế tối thiểu là 20 năm (nếu phạm một tội) và tối thiểu 25 năm (nếu phạm nhiều tội).

Trong khi đó ở nhiều nước họ quy định mức án tù có thể lên đến cả trăm năm hoặc án tù chung thân không ân xá, tức là thực tế sẽ giam giữ suốt đời.

Như vậy đối với án tù có thời hạn hoặc tù chung thân thì hình phạt ở ta có vẻ như nhân đạo nhẹ nhàng hơn so các nước, trong khi đó đối với án tử hình thì lại là hình phạt khắc nghiệt vì rất nhiều nước đã bỏ án tử hình rồi.

Tại sao hiện nay pháp luật của ta lại quy định vừa có phần lỏng lẻo đối với án tù có thời hạn và tù chung thân nhưng lại nghiệt ngã đối với án tử hình như vậy?

Tôi cho rằng một phần lý do của cách quy định hình phạt này là do bởi điều kiện kinh tế xã hội trước nay được cho là không thể đáp ứng được việc giam giữ kéo dài. Cho nên, trên thực tế các án tù có thời hạn hay tù chung thân thường được xét giảm án tha tù trước thời hạn và ngoài ra là thi hành án tử hình.

Nay để có thêm lý do cân nhắc có nên thay thế án tử hình bằng án chung thân không giảm án, tôi tạm tính chi phí nuôi sống một phạm nhân trong khoảng thời gian 50 năm hết bao nhiêu, để xem việc giam giữ kéo dài có thể chấp nhận được trong bối cảnh điều kiện kinh tế hiện nay.

Tạm tính theo thời giá hiện nay mỗi bữa ăn 30.000 đồng/ngày, ngày 3 bữa là 90.000 đồng/ngày, tiền ở 10.000 đồng/ngày. Tổng là 100.000 đồng/ngày. Một tháng là 3 triệu, một năm 36 triệu, 10 năm 360 triệu, 50 năm là 1,8 tỉ, tức là tốn khoảng 1,8 tỉ đồng để nuôi không một người trong 50 năm tù.

Số tiền tạm tính này có vẻ lớn đối với đời sống của người lao động hiện nay nhưng sẽ là không lớn để giữ lại một mạng người. Thân nhân của các phạm nhân có án tử hình chắc hẳn sẽ cố gắng để bảo đảm số tiền đó nếu người thân của họ được miễn tội chết.

Thực tế số tiền 1,8 tỉ dành để nuôi phạm nhân này cũng không gây áp lực lên ngân sách bao nhiêu, bởi vì đó là khoản chi phí kéo dài không đòi hỏi phải có ngay một lần. Một phần số tiền đó có thể được thu bằng tiền phạt của bản án đối với phạm nhân, hoặc trong quá trình giam giữ phạm nhân sẽ có lao động tạo thêm thu nhập đảm bảo đời sống cho họ.

Luật pháp thay đổi cùng với sự biến đổi phát triển đời sống

Hiện nay số lượng án tử hình mỗi năm chưa rõ số liệu thống kê bao nhiêu, nhưng qua thực tế theo dõi thì chưa thấy có dấu hiệu thuyên giảm, trong khi Bộ luật Tố tụng hình sự mới đã bổ sung điều luật mới về tôn trọng và bảo vệ quyền con người, vậy nhưng tinh thần nhân đạo này xem ra chưa tạo ra được chuyển biến rõ rệt trong án tuyên tử hình.

Riêng năm ngoái đã có những vụ như vụ nữ sinh giao gà ở Điện Biên 6 án tử hình, vụ nguyên bí thư xã bị cáo buộc giết người đốt xác trên xe ô tô ở Đăk Nông 1 án tử hình và nhiều vụ án khác.

Điều đó cho thấy quan điểm tư pháp và nhận thức về công lý trong thực tế chưa có sự tiến bộ thay đổi so với quy định của luật, nếu bây giờ còn chưa tiết chế thuyên giảm án tử hình thì chưa biết đến bao giờ mới đạt được đến ngưỡng bãi bỏ án này.

Trong khi nước láng giềng Campuchia đã bãi bỏ án tử hình từ năm 1989 theo khuyến nghị của cộng đồng quốc tế, nước Nepal đã bỏ án tử hình từ năm 1990. Riêng Philippin đã bãi bỏ án tử hình từ năm 1987 nhưng từ đó cho đến nay việc thực hiện chưa được nhất quán xuyên suốt.

Đối với nước ta thì cộng đồng quốc tế cũng đã có những khuyến nghị và có lẽ cũng đã cam kết sẽ bãi bỏ án tử hình vào một ngày chưa xác định trong tương lai. Trong khi lâu nay phản ứng của dư luận xã hội trước một số vụ kết án một phần lý do là vì có những nghi ngờ nhầm lẫn sai sót trong kết án, mà án tử hình thì lại không thể khắc phục được.

Cho nên để coi trọng cảm thức công lý của dân chúng, góp phần cho quản trị quốc gia, đã đến lúc cần tiết giảm để có thể tiến tới bãi bỏ án tử hình. Trước mắt nhà nước nên có chủ trương chính sách chỉ đạo tiết giảm án tử hình trong những vụ án đang xét xử và ân xá giảm án cho tử tội trong những vụ việc được dư luận xã hội quan tâm.

Trên đây chỉ là một vài ví dụ được chỉ ra cho thấy, lời giải đáp cho những khúc mắc băn khoăn trong xây dựng ban hành pháp luật chính là tìm kiếm câu trả lời từ thực tế đời sống.

Và cũng bởi pháp luật là sự phản ánh của đời sống cho nên cùng một quy định nếu ở thời điểm trong quá khứ là chưa phù hợp thì ở thời điểm hiện tại với những điều kiện kinh tế xã hội mới thì có lẽ lại là thời điểm đúng để áp dụng.

Cho nên để việc làm luật có chất lượng hiệu quả thì cần bám sát vào thực tế đời sống.