Việc làm luật cần đảm bảo tư duy tầm nhìn khoa học

Ngô Ngọc Trai
Ngô Ngọc Trai

Luật sư

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Cần xác lập các nguyên tắc khoa học, phù hợp với giai đoạn phát triển kinh tế xã hội, trên cơ sở đó làm rõ tầm nhìn, rồi từ đó hãy làm luật. Khi ấy luật mới đi vào cuộc sống.

Quốc hội đang họp bàn về dự thảo Luật Giao thông Đường bộ sửa đổi, dự kiến sẽ được tách làm hai luật gồm Luật Giao thông Đường bộ và Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Trong đó, dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ có nội dung gây tranh cãi là vấn đề chuyển giao việc đào tạo sát hạch cấp bằng lái xe từ Bộ Giao thông sang Bộ Công an quản lý.

Luật thừa?

Là một luật sư thường quan tâm tới các vấn đề thể chế nhà nước, tôi không đồng tình với việc này. Bởi theo quan điểm cá nhân lâu nay thì tôi ủng hộ khuynh hướng về một chính quyền dân sự, một chính phủ dân sự, một nhà nước dân sự, thế nên việc chuyển giao phần đào tạo lái xe như dự luật là trái quan điểm nêu trên.

Ngược lại nếu dự luật này được chấp thuận thì đây sẽ là một bước tiến cho khuynh hướng nhà nước cảnh sát, liệu đây có phải là xu hướng đúng trong xây dựng tổ chức chính quyền hiện nay? Và hệ lụy sẽ thế nào đối với đời sống kinh tế xã hội?

Nhiều ý kiến băn khoăn về việc đề xuất chuyển cơ quan sát hạch, cấp bằng lái xe, có nên giao công an quản lĩnh vực dân sự?

Nhiều ý kiến băn khoăn về việc đề xuất chuyển cơ quan sát hạch, cấp bằng lái xe, có nên giao công an quản lĩnh vực dân sự?

Hiện nay các Đại biểu đang bàn lại xem có nên tách Luật Giao thông đường bộ thành hai dự luật hay không, hay là vẫn giữ một luật như trước đây và vấn đề nào làm chưa tốt thì cần thúc đẩy làm cho tốt lên. Từ sự việc này theo tôi việc làm luật cần xuất phát từ các nguyên lý nền tảng về tổ chức bộ máy chính quyền nhà nước trước.

Cần xác lập các nguyên tắc khoa học, phù hợp với giai đoạn phát triển kinh tế xã hội, trên cơ sở đó làm rõ tầm nhìn, rồi từ đó hãy làm luật, khi đó văn bản làm ra mới đảm bảo chất lượng đi vào cuộc sống và bộ máy mới vận hành tốt được.

Luật thiếu?

Năm 2020 các tỉnh ở miền Trung chịu ảnh hưởng bão lũ nặng nề. Ban đầu là các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, sau rồi lan ra phía Bắc tới Nghệ An. Đợt bão lũ tiếp theo các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa cũng bị ảnh hưởng nặng, nhiều vùng dân cư rộng lớn ngập lụt tới nóc, trâu bò lợn gà chết hết.

Theo thống kê của Chính phủ thì đợt bão lũ đã gây thiệt hại rất nặng nề, 235 người chết và mất tích. Trên 201.000 ngôi nhà bị sập đổ, hư hỏng, tốc mái. Ước tính thiệt hại về kinh tế, theo Chính phủ, vào khoảng 17.000 tỷ đồng, đó là còn có thể chưa tính hết do hiện tại nhiều nơi lũ lụt vẫn đang xảy ra.

Có quan điểm cáo buộc cho rằng một phần nguyên nhân gây ra tình trạng lũ lụt nặng nề là do hoạt động của các công trình thủy điện. Tôi cho rằng thủy điện chắc chắn là có liên quan nhưng vấn đề là mức độ góp phần của xả lũ thủy điện gây ra bao nhiêu phần trăm mà thôi.

Theo thông tin từ cơ quan quản lý là Bộ Công thương thì cả nước có tới khoảng 800 công trình thủy điện đã được phê duyệt, trong đó gần bốn trăm công trình đã vận hành đi vào sử dụng, phần còn lại đang thi công và sẽ hoạt động trong những tháng năm tới. Các thủy điện đó nằm rải rác trên phạm vi cả nước, có công trình lớn, có thủy điện nhỏ, có cái của nhà nước, có cái của tư nhân.

Điều đặc biệt đáng lưu tâm là hiện nay vẫn không có luật về thủy điện. Nếu như ở các nước có nền lập pháp tiến bộ thì điều này hẳn sẽ vô cùng khó hiểu và gây ngạc nhiên. Vì làm sao một vấn đề ảnh hưởng lớn tới xã hội như 800 công trình thủy điện lại được xây dựng vận hành mà lại không có luật điều chỉnh?

Thực tế hiện nay chúng ta có các văn bản dưới luật cũng được coi là văn bản quy phạm pháp luật và có tác dụng thực thi đúng như luật. Nhưng tính chất khoa học, đúng đắn, xác đáng của các điều khoản và nội dung vấn đề thì so với luật hẳn là còn rất nhiều điều đáng bàn.

Ví như về vấn đề thủy điện thì Bộ Công thương có một Thông tư số 43/2012/TT-BCT quy định về quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng dự án thủy điện và vận hành khai thác công trình thủy điện.

Văn bản này là cơ sở để nhiều dự án thủy điện được duyệt xây, nhưng không rõ tiêu chuẩn chất lượng đưa ra như thế nào mà tình hình lũ lụt mỗi năm lại thêm nghiêm trọng.

Tới năm 2019, qua thực tế tình hình lũ lụt gây thiệt hại lớn mà thủy điện bị cáo buộc là nguyên nhân liên quan, Bộ Công thương đã ban hành thêm Thông tư số 09/2019/TT-BCT quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện.

Ở cấp cao hơn là Chính phủ thì năm 2018 cũng ban hành Nghị định số 114/2018/NĐ-CP về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước, trong đó đưa ra một số yêu cầu ràng buộc đối với đập, hồ chứa thủy điện.

Đó là các văn bản hiện có quản lý về thủy điện. Câu hỏi đặt ra là đã đến lúc cần nâng các quy định này lên thành luật hay chưa? Để qua đó cho thấy sự coi trọng đánh giá đúng tính chất mức độ của vấn đề thủy điện, cả về mặt ích lợi lẫn tác hại? Từ đó ấn định những tiêu chuẩn cao hơn đối với các thông số khoa học kỹ thuật, từ việc lập quy hoạch phát triển, đến những đánh giá tác động đối với môi sinh tự nhiên và đời sống con người.

Trước nay môi trường pháp lý thiếu luật đã tạo điều kiện lỏng lẻo cho phát triển tràn lan, liệu cơ quan quản lý có ấn định những tiêu chuẩn chấp, tạo thuận lợi cho việc phát triển mà xem nhẹ các yếu tố khác hay không? Và Quốc hội là cơ quan làm luật, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của người dân ở đâu trong khoảng trống về luật thủy điện này?

Từ những vấn đề đó, qua dự luật về luật giao thông đường bộ và vấn đề thiếu luật thủy điện, tựu chung lại cho thấy, công tác xây dựng pháp luật còn thiếu một đường lối tư duy và tầm nhìn có tính khoa học.