Thử nghiệm tuabin khổng lồ ở đáy biển mang đến hy vọng về năng lượng xanh vô hạn

VietTimes – Nhật Bản đang thử nghiệm công nghệ năng lượng xanh mới dựa vào sức đẩy từ dòng hải lưu dưới đáy biển. Nếu thành công, công nghệ này có thể đem đến nguồn năng lượng xanh vô hạn cho con người.
Ảnh: 360 Gadgets

Có một nguồn năng lượng vô hạn bên dưới lòng biển không giống bất kỳ nơi nào khác. Để khai thác nó và nỗ lực thu được nguồn năng lượng tái tạo vô tận, Nhật Bản đang thả một máy phát điện tuabin khổng lồ nặng 330 tấn xuống đáy đại dương ngay ngoài khơi bờ biển của đất nước. "Con quái thú" này có khả năng chịu được những dòng hải lưu mạnh nhất và biến dòng chảy của nó thành nguồn cung cấp điện không giới hạn.

Kairyu là tên được đặt cho nguyên mẫu 330 tấn, tạm dịch là "dòng chảy đại dương". Mẫu thiết bị này có thân máy dài khoảng 20 mét được bao bọc bởi hai xi-lanh có kích thước bằng nhau, mỗi xi-lanh chứa một hệ thống phát điện kết nối với một cánh tuabin dài 11 m.

Ishikawajima-Harima Heavy Industries - nay được gọi là IHI Corporation - đã thử nghiệm công nghệ này trong hơn một thập kỷ. Vào năm 2017, nó đã hợp tác với Tổ chức Phát triển Công nghệ Công nghiệp và Năng lượng Mới (NEDO) để đưa các nguyên mẫu của họ vào thử nghiệm.

Nhật Bản có kế hoạch đặt Kairyu trong Kuroshio, một trong những dòng chảy mạnh nhất thế giới, chạy dọc theo bờ biển phía đông của quốc gia mặt trời mọc và truyền điện qua các dây cáp dưới đáy biển.

Cuộc thử nghiệm cho thấy hệ thống tạo ra công suất ổn định 100 kilowatt. Công ty hiện có kế hoạch mở rộng quy mô hệ thống 2 megawatt, có thể đi vào hoạt động thương mại sau năm 2030. Theo Tổ chức Phát triển công nghệ công nghiệp và năng lượng mới Nhật Bản (NEDO), hải lưu Kuroshio có thể tạo ra tới 200 gigawatt điện, tương đương 60% công suất phát điện hiện nay của Nhật Bản.

Nhật Bản là nhà sản xuất điện mặt trời lớn thứ ba trên thế giới và đang đầu tư mạnh vào gió ngoài khơi, nhưng việc khai thác các hải lưu có thể cung cấp nguồn điện cơ bản đáng tin cậy cần thiết để giảm nhu cầu lưu trữ năng lượng hoặc nhiên liệu hóa thạch.

Thiết bị có thể tự định hướng để xác định vị trí tối ưu nhất để tạo ra nguồn điện từ lực đẩy của dòng nước sâu và cấp vào lưới điện khi nó được neo xuống đáy đại dương bằng dây neo và dây cáp điện.

Ưu điểm của hải lưu là tính ổn định, ít dao động về tốc độ và hướng, mang lại hệ số công suất từ 50 - 70%. Con số này cao hơn rất nhiều so với khoảng 29% đối với gió và 15% đối với năng lượng mặt trời.

Được biết, Kairyu được neo xuống đáy biển ở độ sâu 50 mét. Tại đây, lực cản gây ra có thể cung cấp mô-men xoắn cần thiết cho các tuabin khi nó tiếp cận bề mặt từ đó tạo ra dòng điện.

Theo đó, Kairyu có khả năng tạo ra công suất 100 kilowatt trong dòng chảy từ hai đến bốn hải lý (khoảng một đến hai mét mỗi giây). Con số này có vẻ không mấy ấn tượng khi so sánh với 3,6 megawatt của một tuabin gió ngoài khơi trung bình. Tuy nhiên sắp tới, Kairyu sẽ có một bản nâng cấp mới với độ dài tua-bin lên tới 20 mét để tạo ra 2 megawatt.

Theo Bloomberg, Gadgets 360