|
Ông Nguyễn Tất Thao – Phó Trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) |
Trao đổi bên lề Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Luật BHYT (2014-2019) và xin ý kiến dự thảo Luật BHYT sửa đổi, ông Nguyễn Tất Thao – Phó Trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) - cho biết, chính sách BHYT tại Việt Nam cần sửa đổi, bổ sung một số nội dung để phù hợp với thực tế.
Theo ông Thao, đến năm 2021, người bệnh sẽ được điều trị nội trú tại các bệnh tuyến tỉnh mà không cần có giấy chuyển viện từ tuyến dưới chuyển lên.
“Nếu áp dụng quy định này, chắc chắn số bệnh nhân điều trị nội trú ở tuyến tỉnh sẽ tăng đột biến. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng quá tải bệnh viện” – ông Thao nói.
Quy định này có thể tạo ra áp lực lớn cho các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến dưới. Thống kê cho thấy, người bệnh đến khám, chữa bệnh tại tuyến huyện gia tăng, còn tuyến xã giảm. Nếu người bệnh được chuyển tuyến điều trị nội trú lên tuyến trên thì sẽ không muốn xuống tuyến dưới khám, chữa bệnh nữa.
Khi bị quá tải, các bệnh viện sẽ không đảm bảo được nguồn nhân lực, ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh và quyền lợi của người tham gia vào BHYT. Do đó, cần cân nhắc và xem xét kỹ chính sách thông tuyến khám, chữa bệnh.
|
Ông Nguyễn Tất Thao phát biểu tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Luật BHYT và xin ý kiến dự thảo Luật BHYT sửa đổi
|
Bên cạnh đó, tâm lý muốn khám, chữa bệnh ở tuyến trên của người dân đã dẫn đến tình trạng nhiều trạm y tế xã không có người đến khám, chữa bệnh bằng BHYT. Vì thế, chính sách phát triển y tế cơ sở theo nguyên lý y học gia đình đang được thí điểm tại một số địa phương sẽ gặp khó khăn khi người dân có thẻ BHYT chỉ lựa chọn các bệnh viện tuyến trên để khám, chữa bệnh.
Hiện, chính sách thông tuyến khám, chữa bệnh còn phát sinh một số bất cập như: người dân có thẻ BHYT nhưng lợi dụng để đi khám, chữa bệnh nhiều lần trong thời gian ngắn, gây lãng phí quỹ BHYT; một số cơ sở khám, chữa bệnh đang có cơ chế thu hút người bệnh bằng nhiều cách khác nhau như: tặng quà, hỗ trợ phần chi phí cùng chi trả, tiền đi lại,… dẫn đến việc tăng cơ sở khám, chữa bệnh so với nhu cầu thực tế, ảnh hưởng đến hiệu quả của việc sử dụng quỹ BHYT.
Để khắc phục những hạn chế còn tồn tại từ Luật BHYT năm 2014, Điều 31, dự thảo Luật BHYT sửa đổi về chuyển tuyến quy định: Cơ sở đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu là cơ sở đầu tiên theo đăng ký của người tham gia BHYT, gồm các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc tuyến chăm sóc cấp I. Người tham gia BHYT có quyền đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu tại một số cơ sở y tế quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp được đăng ký tại cơ sở khám, chữa bệnh thuộc tuyến chăm sóc cấp II, cấp II theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế. Trường hợp người tham gia BHYT phải làm việc lưu động hoặc đến tạm trú tại địa phương khác thì được khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám, chữa bệnh phù hợp với tuyến chuyên môn kỹ thuật và nơi người đó đang làm việc lưu động, tạm trú theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế. Người tham gia BHYT được thay đổi cơ sở đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu vào 15 ngày đầu của mỗi quý. Khi có nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh, người tham gia BHYT đến cơ sở đã đăng ký để khám bệnh, chữa bệnh. Nếu vượt quá khả năng thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ban đầu có trách nhiệm chuyển người bệnh kịp thời đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT khác theo quy định về chuyển tuyến chuyên môn, kỹ thuật của Bộ Y tế. |