42 bác sĩ trẻ tốt nghiệp chương trình đào tạo đặc biệt để về công tác tại biên giới, vùng khó khăn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

42 bác sĩ chuyên khoa I trong Dự án “Thí điểm bác sỹ trẻ tình nguyện về vùng khó khăn” được nhận bằng tốt nghiệp cùng với chứng chỉ hành nghề, để có thể về cơ sở làm việc ngay.

Chiều nay, 29/10, Bộ Y tế và Trường Đại học Y Hà Nội (ĐHYHN) tổ chức lễ trao bằng tốt nghiệp và bàn giao 42 bác sỹ trẻ vừa tốt nghiệp khóa đào tạo BSCKI về các vùng khó khăn theo dự án “Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn” (gọi tắt là dự án 585) của Bộ Y tế.

Theo đại diện Phòng Quản lý Đào tạo Sau Đại học, Trường ĐHYHN, đây là chương trình đào tạo bác sĩ duy nhất mà khi ra trường, bác sĩ đồng thời được nhận Bằng tốt nghiệp và Chứng chỉ hành nghề, mà không cần thêm quá trình thực hành.

z5979158231706_fd3be0b40222b91d8fbe0cff9837b554.jpg
Các bác sĩ trẻ tri ân các thầy cô trước khi về vùng cao, vùng sâu công tác

Để thực hiện Dự án, Trường ĐHYHN đã xây dựng chương trình đào tạo đặc thù, trong đó ưu tiên việc thực hành chiếm 70% thời lượng, đồng thời, đào tạo kiến thức chuyên ngành và kiến thức hỗ trợ, để các bác sĩ có thể độc lập làm việc tại tuyến cơ sở.

Các bác sĩ trẻ được đào tạo theo phương pháp “một thầy một trò”, thầy mổ hay khám bệnh ở đâu, thì trò cũng thực hành tại đấy, để học trực tiếp và áp dụng vào cơ sở. Vì thế, các bác sĩ khi tốt nghiệp đã thực hành được hầu hết các kỹ thuật phân tuyến ở tuyến huyện.

Tiêu chí tuyển chọn các bác sĩ để đào tạo cho Dự án 585 rất khắt khe trong đó, phải là người dân tộc thiểu số và biết tiếng dân tộc. Trong 42 BSCKI tốt nghiệp lần này, hầu hết là người dân tộc thiểu số như Sán Chí, Hà Nhì…

GS Tú.jpg
GS. TS. Nguyễn Hữu Tú - Hiệu trưởng Trường ĐHYHN

Phát biểu tại buổi lễ, GS. TS. Nguyễn Hữu Tú - Hiệu trưởng Trường ĐHYHN - nhấn mạnh dự án 585 có ý nghĩa nhân văn lớn, nên được Bộ Y tế theo đuổi nhiều năm với sự đóng góp, tham gia của nhiều đơn vị, các bệnh viện, để dự án bền vững và mang lại hiệu quả xã hội lớn.

Các thầy, cô của Trường ĐHYHN đã rất cố gắng để đào tạo lực lượng bác sĩ trẻ, dù việc đào tạo chính quy đã quá tải và nhiều chương trình đào tạo được ưu tiên, nhưng Dự án 585 vẫn là chương trình được ưu tiên, tập trung công sức nhất của trường. Đây là đóng góp cộng đồng có ý nghĩa quan trọng của Trường ĐHYHN.

z5979158340184_715bf7066d9b4fce2f87427c0d84b869.jpg
Bộ Y tế và Trường ĐHYHN bàn giao các bác sĩ trẻ cho các tỉnh vùng cao, biên giới

“Trường ĐHYHN cam kết sẽ tiếp tục làm tốt hơn công tác đào tạo bằng việc hoàn chỉnh chương trình tốt hơn, xây dựng các chương trình mới, mở rộng đào tạo. Nếu các BSCKI trong dự án muốn học lên BSCKII, trường sẽ tạo mọi điều kiện để các bác sĩ phát triển chuyên môn sâu hơn, giúp đỡ cho địa phương nhiều hơn” - GS. Tú cam kết.

Tại lễ tốt nghiệp, lãnh đạo Sở Y tế 14 tỉnh miền núi phía bắc, duyên hải miền Trung, tuyến huyện khó khăn, biên giới đã có mặt để tiếp nhận các bác sĩ trẻ công tác tại 26 huyện khó khăn, biên giới.

Theo lãnh đạo Bộ Y tế, dự án 585 đã góp phần quan trọng trong việc cung cấp nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, tạo cơ hội cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng khó khăn được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng, hạn chế chuyển tuyến điều trị không cần thiết, góp phần giảm quá tải ở các bệnh viện tuyến trên, tiết kiệm chi phí cho người dân và xã hội.

z5979158317176_1e0138491c7445a0e7c42bc1f7cd68f1.jpg
Các bác sĩ trẻ trong Dự án 585

Ngay sau lễ trao bằng tốt nghiệp cho 42 BSCKI, Trường ĐHYHN tổ chức khai giảng khóa đào tạo BSCKI của Dự án 585 cho 42 bác sỹ trẻ thuộc 10 chuyên ngành: Hồi sức cấp cứu, Ngoại khoa, Nhi khoa, Nội khoa, Chẩn đoán hình ảnh, Gây mê hồi sức, Truyền nhiễm, Sản khoa, Xét nghiệm và Y học cổ truyền).

Các bác sĩ này sẽ được đào tạo tại Trường ĐHYHN trong 24 tháng. Sau đó, sẽ công tác tối thiểu 5 năm tại các huyện nghèo đã cử đi đào tạo.

Một trong các bác sĩ điển hình của Dự án 585 được nhắc đến tại buổi lễ là bác sĩ Lường Văn Thương - Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mường Nhé, Điện Biên. Trao đổi với VietTimes, bác sĩ Thương cho biết sau khi được đào tạo chuyên ngành Hồi sức cấp cứu tại Trường ĐHYHN và Bệnh viện Bạch Mai, anh đã triển khai được thêm 100 dịch vụ kỹ thuật trong các lĩnh vực hồi sức cấp cứu, gây mê phẫu thuật và nhi khoa tại địa phương.

VT_ Thương.jpg
BSCKI. Lường Văn Thương khám bệnh cho trẻ tại TTYT Mường Nhé

Hàng năm, bác sĩ Thương trực tiếp gây mê phẫu thuật cho hơn 400 ca, cấp cứu điều trị cho hơn 200 ca, điều trị cho hơn 1.000 ca điều trị nội trú trong lĩnh vực nhi khoa. Riêng trong 9 tháng đầu năm 2024 đã gây mê mổ được 380 ca, phối hợp thực hiện tiền mê giảm đau cho các phẫu thuật thủ thuật của các khoa hơn 50 ca.

Với trình độ chuyên môn được đào tạo, bác sĩ Thương đã cấp cứu thành công ca ngộ độc lá ngón nặng, đến viện muộn, khi đã ngừng tuần hoàn, phải đặt ống thở máy, để cuối cùng kéo bệnh nhân từ cõi chết trở về.

VT_ Thưương.jpg
Nhiều bệnh nhân đã được BSCKI. Lường Văn Thương cứu sống

Bác sĩ Thương còn thực hiện gây mê phẫu thuật các ca bệnh phức tạp như chửa ngoài tử cung vỡ sốc mất máu, gây mê mổ các ca chấn thương nặng, sốc chấn thương. Anh từng gây mê mổ cắt tử cung cầm máu 2 ca, gây mê phẫu thuật tối cấp cứu nhiều ca sản giật, rau bong non … điều mà trước đây tập thể Trung tâm Y tế chưa làm được.

Những kỹ thuật anh triển khai là bước ngoặt lớn trong công tác cấp cứu, gây mê hồi sức và phẫu thuật tại Trung tâm Y tế Mường Nhé và là tiền đề góp phần để đơn vị nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh à giảm tải cho bệnh viện tuyến trên. Thực hiện cấp cứu, điều trị bệnh nhân khỏi ra viện tại khoa được 300 ca/năm.