Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần 2:

Thế giới nói gì về cuộc gặp Donald Trump - Kim Jong-un tại Hà Nội (Phần 3)

VietTimes -- Có nhiều suy đoán về kết quả cuộc họp thượng đỉnh lần 2 giữa Triều Tiên với Hoa Kỳ, có những suy nghĩ tích cực, có những nghi ngờ, cũng có những suy nghĩ riêng mang tính tư vấn cho 2 nước. Nhưng nhìn chung, các chuyên gia đều hy vọng tới một kết quả tốt, một tương lai tốt đẹp hơn cho Triều Tiên, với những lệnh trừng phạt được loại bỏ và tiến tới được mục tiêu phát triển kinh tế. 

Bruce W. Bennett là nghiên cứu cấp cao về quốc tế/quốc phòng của tập đoàn RAND, một tổ chức nghiên cứu hàng đầu của Hoa Kỳ:

Bruce W. Bennett - Nhà nghiên cứu cấp cao của tập đoàn RAND.
Bruce W. Bennett - Nhà nghiên cứu cấp cao của tập đoàn RAND.

Giải trừ hạt nhân mang ý nghĩa giảm bớt mối đe dọa hạt nhân mà một nước có thể tạo ra. Đây là điều mà Hoa Kỳ và Liên Xô/Nga đã cùng nhau thực hiện trong các hiệp ước SALT (Hạn chế vũ khí tấn công chiến lược) và START (Cắt giảm vũ khí chiến lược): họ giảm đi số lượng vũ khí hạt nhân và các thiết bị phóng liên quan. Hoa Kỳ nên yêu cầu Triều Tiên cắt giảm các loại vũ khí hạt nhân hủy diệt tiềm tàng, bao gồm cả sức công phá của các loại vũ khí.

Theo định nghĩa này, Triều Tiên sẽ không hoàn toàn giải trừ hạt nhân và thực tế thì đang hạt nhân hóa. Theo nhiều báo cáo, năm 2018, dù Triều Tiên đưa ra thông điệp "hòa bình" nhưng vẫn tiếp tục chế tạo vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Theo đánh giá của chúng tôi dựa trên những nguồn tin mở, Triều Tiên có nhiều khả năng đã tăng số lượng các vũ khí hạt nhân hủy diệt tiềm tàng vào năm 2018 - Đây là chứng cứ cho việc Triều Tiên đang chống lại Hoa Kỳ và Hàn Quốc. Vì thế, ông Kim Jong-un làm mất lòng tin của rất nhiều chuyên gia và người dân của Mỹ và Hàn Quốc. Đồng thời, nhiều chuyên gia nhận xét rằng ông Trump không hoàn thành được việc giải trừ hạt nhân trong cuộc họp thượng đỉnh lần 1. Ông Kim Jong-un có vẻ vẫn theo đuổi sự lãnh đạo trước đó của cha ông: từ chối cắt giảm vũ khí hạt nhân cho đến khi Hoa Kỳ có thỏa thuận tương xứng.

Điều này khiến rất khó đoán kết quả của cuộc họp thượng đỉnh lần 2. Lý tưởng nhất thì tổng thống Trump sẽ nhấn mạnh yêu cầu với ông Kim để bắt đầu giải trừ hạt nhân thật sự và ông Kim sẽ đồng ý với ông Trump. Nếu vậy, bước đi đầu tiên sẽ là đóng băng việc sản xuất vũ khí hạt nhân - Ngừng sản xuất chúng tại những cơ sở hạt nhân quan trọng mà Triều Tiên đã lên danh sách, cho phép thanh tra và triển khai các thiết bị theo dõi để xác minh việc sản xuất đã được ngừng lại. Hoa Kỳ nên đưa ra "những biện pháp tương đương" thống nhất trong khoản 1 thỏa thuận Singapore mà Triều Tiên đã nhấn mạnh và kêu gọi thiết lập "quan hệ mới giữa Hoa Kỳ và Triều Tiên". Những biện pháp này bao gồm việc thiết lập những văn phòng liên lạc ở thủ đô của cả hai nước và mời những khách tham quan tới Hoa Kỳ để họ trực tiếp thấy rằng Hoa Kỳ không phải là kẻ thù. Cần có một tuyên bố hòa bình để kết thúc cuộc "Chiến Tranh Lạnh" này.

Bước tiếp theo cần thực hiện là Triều Tiên sẽ giao ra một số vũ khí hạt nhân để tháo dỡ. Tháng 9 năm ngoái, ông Kim đã tỏ ý sẽ hoàn toàn giải trừ hạt nhân trong nhiệm kỳ đầu của tổng thống Trump, và ông cần phải bắt đầu thực hiện điều đó. Đây cần phải là hành động giải trừ hạt nhân thật sự để đổi lại Mỹ có thể đưa ra việc giảm nhẹ một số lệnh trừng phạt và các lợi ích khác.

Nhưng nếu ông Kim quyết định vẫn né tránh [việc giải trừ hạt nhân], sẽ kéo theo đó những căng thẳng nghiêm trọng.

Ian Bremmer là chủ tịch của Eurasia Group một công ty tư vấn rủi ro chính trị và là giáo sư tại đại học New York. Ông là tác giả của sách "Siêu cường: Ba lựa chọn cho vai trò của Hoa Kỳ trên thế giới":

Ian Bremmer - Nhà khoa học chính trị chuyên gia về chính sách ngoại giao.
Ian Bremmer - Nhà khoa học chính trị chuyên gia về chính sách ngoại giao.

Kể từ cuộc họp thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần 1 tại Singapore, tổng thống Donald Trump nhất quán với thông điệp: Bình Nhưỡng đã cởi mở với ông hơn là với các đời tổng thống trước [điều này đúng], và ông là vị tổng thống duy nhất đã đạt được bước tiến triển này [điều này cũng đúng]. Vấn đề là, Tiều Tiên vẫn chưa làm gì để giải quyết những khúc mắc cơ bản được coi là mối đe dọa trong con mắt của các quan chức an ninh Hoa Kỳ. Nhưng nếu ông Trump vẫn còn đưa ra tín hiệu rằng dù thế nào thì ông cũng sẽ gặp ông Kim Jong-un thì ông Kim sẽ không có sự thúc đẩy để phải thay đổi hành vi. 

Ngoại trưởng Mike Pompeo đã gặp phía Triều Tiên rất nhiều lần để chuẩn bị cho cuộc họp thượng đỉnh lần 2 và có vẻ như đang thoái chí vì thiếu sự tiến triển trong mọi vấn đề quan trọng. Ông Trump hoàn toàn chưa chia sẻ gì về những thất bại này. Khi ông Trump vẫn là tổng thống và ông muốn có một sự lắng dịu trong quan hệ với Triều Tiên, ông có thể có nó. Và từ quan điểm đó, cuộc họp thượng đỉnh lần 2 có vẻ vững vàng. Nó sẽ là một thành công bởi ông Trump sẽ tuyên bố là như vậy.

Không thể không nhận thấy thực tế trên là chính xác. Bởi ông Trump không tìm kiếm một bước đột phá không thể đạt được - rằng sự tiếp xúc của ông với ông Kim sẽ có những thành quả thực tế về mặt địa chính trị. Chỉ có những phe khác là có được lợi ích lớn nhất trong cuộc gặp này. Đầu tiên và lớn nhất là Hàn Quốc. Những vấn đề giữa hai miền Triều Tiên đột ngột tốt hơn rất nhiều so với trước kia. Một trong những lý do là nỗ lực của tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, nhưng hầu hết là do ông Trump.

Mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng cũng được cải thiện. Trong khi Triều Tiên đã từng phải dựa nhiều vào Trung Quốc như một sợi dây cứu sinh với thế giới bên ngoài - Thì giờ đây, Bình Nhưỡng đã chứng minh mình là một đòn bẩy hữu dụng trên mặt trận địa chính trị khi Trung Quốc đang có mối quan hệ xấu đi một cách chóng vánh với Hoa Kỳ. Ngay cả quan hệ giữa Nhật Bản với Triều Tiên cũng tốt hơn do Tokyo đang ngày càng thận trọng với những cam kết an ninh của Hoa Kỳ trong khu vực.

Kết hợp các yếu tố này, căng thẳng trong và xung quanh bán đảo Triều Tiên giảm đi một cách ấn tượng là do ông Trump. Ngay cả khi ông Trump được kế nhiệm bởi một vị tổng thống Hoa Kỳ cứng rắn hơn ông khi đàm phán với Triều Tiên, sự giảm căng thẳng giữa các nước châu Á có vẻ cũng vẫn sẽ được duy trì. Quan hệ giữa Triều Tiên và thế giới đã tốt hơn nhiều so với 10, 5 hay chỉ một năm trước. Và thế giới phải cảm ơn ông Trump vì điều đó.

Tom Byrne là chủ tịch của tổ chức phi lợi nhuận Xã hội Triều Tiên tại New York. Ông cũng làm trợ giáo tại đại học Columbia:

Thomas Byrne - Chủ tịch tổ chức phi lợi nhuận Xã hội Triều Tiên.
Thomas Byrne - Chủ tịch tổ chức phi lợi nhuận Xã hội Triều Tiên.

Chủ tịch Kim Jong-un đã tuyên bố trong bài phát biểu đầu năm rằng: 2019 sẽ là năm dành cho phát triển kinh tế. Nâng cao đời sống nhân dân là ưu tiên hàng đầu của ông và giải quyết vấn đề thiếu nguồn năng lượng là nhiệm vụ khẩn cấp. Thực tế, ông Kim có thể đã học được bài học từ Đảng Cộng sản Trung Quốc về sự sụp đổ của Liên Xô. Cuối cùng, sự tồn tại của chế độ phải dựa vào tái cơ cấu kinh tế và phát triển.

Tuy nhiên, ông Kim Jong-un phải đối mặt với 2 chướng ngại. Trước mắt đó là sự khó khăn đối với chế độ với các lệnh trừng phạt quốc tế, khiến sự sụp đổ rõ rệt về mặt xuất khẩu đối với đối tác kinh tế quan trọng là Trung Quốc - khiến sản lượng sụt giảm tới 90% từ tháng 1 tới tháng 11.2018 so với cùng kỳ năm 2017. Hơn nữa, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã khóa chặt Triều Tiên khỏi hệ thống thanh toán bằng đồng USD trên toàn cầu, sau đó phong tỏa ngoại thương của Triều Tiên. Theo Ngân hàng Hàn Quốc, các lệnh trừng phạt đã làm đình trệ các hoạt động của nền kinh tế nội địa [Triều Tiên] năm 2017 và tình thế còn tồi tệ hơn vào năm 2018.

Nhưng ngay cả khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ, thể chế của Triều Tiên cũng tạo ra khó khăn lớn nhất trong sự phát triển kinh tế. Ngân hàng Thế giới xếp hạng Triều Tiên ngang với Libya, Venezuela và Zimbabwe. Điều này phản ánh trong tỷ lệ tịch thu hoán đổi, các chính sách kiểm soát khiến cho dự trữ nội địa và tích lũy tư bản thấp.

Lịch sử đã cho ta thấy ngay cả việc tái cơ cấu tài chính của Trung Quốc cũng cần tới hơn 1 thập kỷ để kéo lại. Cho tới khi Triều Tiên dự trữ được nhiều hơn, họ sẽ cần phải dựa vào Hàn Quốc và các chính phủ nước ngoài về mặt tài chính hoặc thông qua các quỹ hợp tác đa phương về kinh tế, như gần đây Ngoại trưởng Mike Pompeo đã đề cập tới. Nhưng dựa vào nguồn vốn của các chính phủ nước ngoài sẽ không đủ để cung cấp tư bản cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết cho Triều Tiên - Theo tính toán của Citibank sẽ ở mức khoảng 63 tỷ USD trong khoảng dài hạn. 

Vì thế, một nền kinh tế tương lai tươi sáng hơn với Triều Tiên sẽ có được bằng cách đẩy nhanh tiến trình giải trừ hạt nhân có kiểm chứng. Mặt kinh tế của Triều Tiên cần được bổ sung bằng việc kiếm được vị trí thành viên trong Tổ chức Tiền tệ Quốc tế IMF trong năm nay, điều này sẽ nâng cao tính minh bạch, năng lực chính sách và uy tín của họ. Nếu những vấn đề trên được thực hiện thành công, Triều Tiên sẽ tiếp cận được với thị trường tư bản quốc tế, giảm bớt gánh nặng thuế tại với Hàn Quốc và ở những nơi khác, đồng thời khiến các nước khác nhận thức được tiềm năng của nền kinh tế của mình gần như những người hàng xóm thành công.