Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần 2:

Học giả thế giới nói gì về cuộc gặp Donald Trump - Kim Jong-un tại Hà Nội (Phần 1)

VietTimes -- Nhiều chuyên gia cho rằng có những yếu tố tích cực trong khoảng thời gian 7 tháng kể từ khi diễn ra cuộc họp thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần đầu tại Singapore. Họ đều mong chờ một kết quả khả quan hơn trong cuộc gặp tiếp theo giữa hai ông Donald Trump và Kim Jong-un tại Hà Nội. Dưới đây là những ý kiến của các ông Graham Allison, Charles K. Armstrong và Frank Aum.

Ông Graham Allison là thư ký Bộ trưởng Quốc phòng thời chính quyền Clinton và Cố vấn Đặc biệt cho Bộ Quốc phòng dưới thời tổng thống Ronald Reagan:

Ông Graham Allison.
Ông Graham Allison.

Để đánh giá viễn cảnh của cuộc họp thượng đỉnh giữa 2 ông Donald Trump và Kim Jong-un, chúng ta cần đặt những câu hỏi:

1 - Điều gì nghiêm trọng nhất với lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ?

2 - Cần so sánh nó [vấn đề lợi ích quốc gia] với cái gì?

3 - Thiếu điều gì trong chính sách và hành động của chính quyền tổng thống Trump?

Cân nhắc về những lợi ích quốc gia, câu hỏi thực tế cần đặt ra là điều gì có vấn đề hơn mọi vấn đề khác? Trong trường hợp đó, ưu tiên về lợi ích của Hoa Kỳ là:

1 - Không có một vụ nổ hạt nhân trên đất Mỹ.

2 & 3 - Triều Tiên không có năng lực để đánh Hoa Kỳ bằng vũ khí hạt nhân và Không có Cuộc chiến Triều Tiên lần 2 (có thể khiến Hoa Kỳ và Trung Quốc bị kéo vào cuộc chiến).

4 - Không có việc Triều Tiên bán vũ khí hạt nhân cho khủng bố hay các nước khác.

5 - Triều Tiên không có tên lửa có thể gắn đầu đạn hạt nhân để chống lại quân đội Hoa Kỳ và đồng minh.

6 - Triều Tiên không sản xuất thêm vũ khí hạt nhân hay các vật liệu vũ khí hoặc tên lửa.

Tất cả những điều trên đều là vấn đề lớn hơn một Triều Tiên không có vũ khí hạt nhân.

Khi chính quyền của ông Trump bắt đầu hoạt động, Triều Tiên đứng ở ngưỡng cửa có năng lực xác tín để dùng đầu đạn hạt nhân tấn công nội địa Hoa Kỳ. Vụ Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) vào tháng 11.2017 đã chứng tỏ khả năng mang vũ khí hạt nhân tới vùng bờ biển phía tây của Hoa Kỳ nhưng vẫn chưa hoàn toàn chứng minh được khả năng tên lửa có thể quay lại bầu khí quyền để đạt được mục tiêu trên.

Nhưng kể từ đó, Triều Tiên đã dừng thử nghiệm ICBM và vũ khí hạt nhân (và vì thế chưa có năng lực tin cậy để đánh Hoa Kỳ) đồng thời đã cam kết sẽ giải trừ hạt nhân. Trong bài phát biểu vào năm mới 2019, lần đầu tiên, ông Kim Jong-un hứa rằng Triều Tiên "sẽ không chế tạo và thử nghiệm vũ khí hạt nhân nữa, cũng không sử dụng hay phổ biến chúng".

Nếu cuộc họp thượng đỉnh sắp tới kết thúc bằng cam kết được chứng thực của Triều Tiên về việc sẽ loại bỏ hoàn toàn các tên lửa ICBM và không sản xuất thêm tên lửa, để đổi lại tuyên bố chính trị về việc kết thúc cuộc chiến Triều Tiên - thì đây sẽ là một thắng lợi lớn. Nếu trong những tháng tới, Triều Tiên có thể bị thuyết phục có nhưũng bước đi tiếp theo đáp ứng những lợi ích của Hoa Kỳ để đổi lại việc Hàn Quốc và Washington giảm bớt những lệnh trừng phạt, khôi phục lại những quan hệ ngoại giao, đầu tư và cả việc bình thường hóa quan hệ với một Triều Tiên giải trừ hạt nhân [có kiểm chứng], đây sẽ là một thắng lợi lịch sử.

Giám đốc của Cộng đồng Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ Dan Coát đã đúng khi ông xác thực rằng Triều Tiên sẽ không loại bỏ hoàn toàn kho hạt nhân bởi nó rất quan trọng với sự tồn tại của chế độ. Nhưng Ngoại trưởng Mike Pompeo cũng có lý khi tuyên bố Hoa Kỳ đang trở nên an toàn hơn so với thời điểm ông Trump bắt đầu nắm quyền.

Charles K. Armstrong là giáo sư về Triều Tiên học tại Khoa Xã hội học thuộc đại học Columbia:

Charles K. Armstrong - giáo sư về Triều Tiên học.
Charles K. Armstrong - giáo sư về Triều Tiên học.

Sự đối đầu giữa Hoa Kỳ và Triều Tiên đã kéo dài gần 70 năm, một cuộc xung đột dài nhất trong lịch sử của Mỹ. Cuộc chiến đã làm hàng triệu người Triều Tiên và hàng chục nghìn lính Mỹ thiệt mạng trên bán đảo Triều Tiên vào đầu những năm 1950 và được ngừng lại bởi một thỏa thuận đình chiến mà vẫn chưa đạt được một kết quả dứt khoát. Mọi người rất khó có thể hy vọng một lịch sử như vậy sẽ được giải quyết chỉ bằng một cuộc họp thượng đỉnh đơn lẻ giữa nhà lãnh đạo của hai nước như cuộc gặp chưa từng có tại Singapore.

Những nhà chỉ trích cuộc họp thượng đỉnh chỉ ra rằng Triều Tiên không đồng ý "hoàn toàn, kiểm chứng và không thể đảo ngược" quá trình giải trừ hạt nhân như một điều kiện tiên quyết để cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ - nhưng việc tập trung vào vấn đề hạt nhân đã không đề cập tới cuộc xung đột lịch sử lớn hơn mà trong đó vấn đề hạt nhân chỉ là một chi tiết được gắn vào nó. Triều Tiên sẽ không từ bỏ kho hạt nhân của họ khi họ vẫn thấy Hoa Kỳ là một mối đe dọa hiện hữu. Cả Hoa Kỳ chắc cũng sẽ không gỡ bỏ các lệnh trừng phạt và bình thường hóa quan hệ với Bình Nhưỡng khi Triều Tiên tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân.

Một con đường thực tế hơn với Hoa Kỳ là dần dần giảm nhẹ các lệnh trừng phạt trong khi Triều Tiên duy trì việc đóng băng việc thử nghiệm vũ khí và có những bước đi để hủy bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa. Việc bình thường hóa quan hệ giữa Hoa Kỳ và Triều Tiên sẽ là kết quả cuối cùng của tiến trình này - Trong lúc đó, một tuyên bố chính thức về chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên cũng là một bước quan trọng để giảm căng thẳng và đưa ra điều kiện hợp lý cho Bình Nhưỡng về chương trình hạt nhân của họ - mà không phải nhượng bộ về an ninh của Hoa Kỳ và đồng minh tại vùng Đông Á.

Tất nhiên, còn lâu mới có thể chắc rằng cuộc họp thượng đỉnh Trump - Kim lần 2 sẽ dẫn tới một tuyên bố hòa bình hay tạo ra một cơ cấu cho vấn đề giải trừ hạt nhân. Nhưng cả hai chính phủ đã đặt nền móng cho các cuộc đàm phán trong những tuần vừa qua với các trao đổi của phái viên và các cuộc thảo luận ở cấp sự vụ nhắm vào một nghị trình cho cuộc họp thượng đỉnh sắp tới. Trong khi đó, Triều Tiên đã đóng băng việc thử vũ khí trong khi có một vài bước đi để tháo dỡ các cơ sở tên lửa và hạt nhân. Triều Tiên đã đòi hỏi Hoa Kỳ phải có "các biện pháp tương ứng" như giảm bớt một vài lệnh trừng phạt - nhưng vẫn chưa đáp ứng được đòi hỏi của Hoa Kỳ về danh sách các cơ sở hạt nhân. Con đường phía trước trong mối quan hệ Hoa Kỳ - Triều Tiên sẽ dài và khó khăn, với nhiều chướng ngại và thay đổi của cả hai phía. Nhưng hiện tại, ít nhất đó là con đường tránh xa hỏi xung đột và hướng tới hòa bình.

Frank Aum là chuyên gia cấp cao về Triều Tiên tại Viện Nghiên cứu Hòa bình Hoa Kỳ. Trước đây, ông là cố vấn cao cấp về Triều Tiên cho văn phòng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ:

Frank Aum, chuyên gia cấp cao về Triều Tiên tại Viện Nghiên cứu Hòa bình Hoa Kỳ.
Frank Aum, chuyên gia cấp cao về Triều Tiên tại Viện Nghiên cứu Hòa bình Hoa Kỳ.

Tôi lạc quan hơn về cuộc họp thượng đỉnh lần 2 hơn là lần đầu tiên - dựa trên những gì phái viên đặc biệt Steve Biegun đã nhận xét tại Stanford tuần trước. Biegun đã chỉ ra rất nhiều điểm cho thấy các tín hiệu tích cực từ cả Triều Tiên và Hoa Kỳ.

Đầu tiên, ông ta [Steve Biegun] nói rằng ông Kim Jong-un đã cam kết riêng với Ngoại trưởng Pompeo rằng Triều Tiên sẽ giải trừ toàn bộ cơ sở hạt nhân có plutonium và uranium, không chỉ cơ sở Yongbyon như mô tả trong Tuyên bố Tháng 9 của Bình Nhưỡng - nếu Hoa Kỳ có những bước đi tương ứng. Đây là một tín hiệu tích cực về cam kết của ông Kim Jong-un giải trừ hạt nhân hoàn toàn.

Thứ 2, ông Biegun công khai nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ đã chuẩn bị để đàm phán về giải trừ hạt nhân và hòa bình một cách đồng thời và song song với nhau. Đây là một thay đổi cơ bản của chính quyền tổng thống Trump so với những chính quyền trong quá khứ - luôn đòi hỏi Triều Tiên phải giải trừ hạt nhân trước khi bắt đầu đàm phán hòa bình.

Thứ 3, Biegun nói về việc đàm phán ở cấp sự vụ với Triều Tiên trước cuộc họp thượng đỉnh, với ý định "đạt được những kết quả hữu hình, một lộ trình cho những cuộc đàm phán và những tuyên bố sau đó". Tuyên bố này vẫn mơ hồ về việc sẽ có tuyên bố về kết thúc chiến tranh nhưng chúng ta đã biết Bộ Ngoại giao đang tiến hành thực hiện ý tưởng sẽ có một tuyên bố kết thúc chiến tranh vì thế tôi không đưa ra nhận định về khả năng này trong cuộc họp thượng đỉnh lần 2.

Thứ 4, ông Biegun làm rõ, mặc dù chính sách của chính quyền là trì hoãn việc gỡ bỏ lệnh trừng phạt cho tới khi quá trình giải trừ hạt nhân hoàn tất, điều đó không có nghĩa là Hoa Kỳ sẽ không làm gì cho tới khi Triều Tiên xong xuôi mọi việc. Về cơ bản, ông ta đang nói rằng Hoa Kỳ muốn gỡ bỏ một số lệnh trừng phạt ban đầu - cho phép sự hoạt động của Tổ hợp Công nghiệp Kaesong, dự án du lịch Mt.Keumgang và hợp tác đường sắt hai miền Triều Tiên.

Cuối cùng, ông ta nhấn mạnh Hoa Kỳ sẽ không dính líu tới bất cứ đàm phán ngoại giao nào về việc giảm quân số, hoàn toàn rút quân hay sự cân bằng giữa lực lượng quân đội Hoa Kỳ [trên bán đảo Triều Tiên] với việc giải trừ hạt nhân. Quan ngại về việc rút quân là có căn cứ khi tổng thống Trump tuyên bố về chi phí của việc duy trì quân đội tại Hàn Quốc, sự bế tắc trong đàm phán giữa Hoa Kỳ và Hàn Quốc trong việc duy trì hỗ trợ, yêu cầu của ông Trump về việc xem xét lại những lựa chọn của việc giảm quân số hiện diện tại Hàn Quốc, và những hành động của ông tại Syria và Afghanistan.

Tất nhiên, chúng ta nên luôn thận trọng với Triều Tiên. Nhưng sau 7 tháng đàm phán, những dấu hiệu chỉ ra rất tích cực.

(Còn tiếp)