Phương án thứ nhất là tăng cường thêm trang thiết bị và huấn luyện cho quân đội Iraq. Theo giả thiết của các đối tác trong liên minh phương Tây và Arập, các lực lượng an ninh Iraq phải có một mức độ năng lực nhất định trong chỉ huy, kiểm soát, hậu cần và tham mưu. Mỹ đã tham gia sứ mệnh huấn luyện quân đội Iraq từ năm 2009, nhưng các sự kiện gần đây cho thấy quân đội Iraq đã không bắt kịp với diễn biến. Nói cách khác, phương Tây cần tăng cường đào tạo cho quân đội Iraq, với trọng tâm là tăng cường chuyên gia huấn luyện đến gần các chiến trường hơn.
Phương án thứ hai là sự có mặt của binh lính trong liên minh chống IS tại thực địa. Chiến lược sử dụng không kích do Mỹ lãnh đạo đang bị “chiếu tướng” khi IS tiếp tục giành thắng lợi trên chiến trường. Thomas Juneau - Giáo sư chuyên về các vấn đề quốc tế và nhà nước thuộc Đại học Ottawa, người từng cộng tác phân tích các vấn đề Trung Đông với Bộ Quốc phòng Canada trong 11 năm - nói: "Tôi nhất trí với ý kiến rằng không thể dùng không kích để đánh bại IS về quân sự, IS có thể bị đánh bại trên thực địa bằng binh lính địa phương, chứ không phải binh lính nước ngoài”.
Theo ông Juneau, việc đưa hàng chục hay hàng trăm nghìn quân vào Iraq sẽ là một sai lầm lớn bởi vì điều này sẽ "đổ thêm dầu vào lửa", khiến Iraq sa lầy trong một vòng xoáy bạo lực không có điểm tận cùng, sẽ khiến những người Sunni đoàn kết chống lại sự xâm lược của nước ngoài và có thể dẫn đến sự kháng cự bạo lực của người Shi'ite. Do vậy đây không thể là sự lựa chọn khả thi. Việc tăng cường sử dụng các lực lượng đặc nhiệm và kiểm soát không lưu để giúp hướng dẫn các tên lửa laser nhằm vào các mục tiêu của IS có thể đưa đến những kết quả quân sự tốt tại Iraq hiện nay. Hiện không có ý chí chính trị cho việc sử dụng bộ binh nước ngoài tại Iraq, nhưng điều này có thể thay đổi nếu Baghdad gặp nguy hiểm hoặc IS thực hiện một cuộc tấn công khủng bố lớn.
Phương án thứ ba là trang bị vũ khí cho các bộ tộc Sunni. Việc trang bị vũ khí cho các bộ tộc và dân quân Sunni tại miền Tây Iraq đang gây tranh cãi. Các bộ tộc Sunni đã giúp lực lượng Mỹ đánh bại al-Qaeda ở Iraq trong các năm 2008 - 2009 nhưng chỉ sau khi được hứa hẹn trao vai trò lớn hơn trong tiến trình quân sự và các lực lượng an ninh do những người Shi'ite chi phối. Chính phủ trung ương tại Baghdad đã rất chậm chạp trong việc thực hiện những hứa hẹn của mình vì thế những người Sunni lại xa lánh chính phủ trung ương và gia nhập với IS. Một giải pháp quân sự cho cuộc khủng hoảng tại Iraq chắc chắn phải liên quan đến việc trang bị vũ khí cho các bộ tộc và dân quân Sunni, nhưng sự thiếu hụt lòng tin giữa những người Sunni và chính phủ Iraq do những người Shi'ite lãnh đạo là lớn. Chính phủ trung ương Iraq đang từ chối trang bị vũ khí cho những người Sunni bởi vì sợ các đối tượng này sẽ gia nhập IS và sử dụng số vũ khí đó để chống lại quân đội Iraq. Trong khi đó, quân đội Iraq do những người Shi'ite đang phải hoạt động tại những vùng do người Sunni chiếm đa số, nơi người dân địa phương không tin họ. Điều đó đang khiến việc giải phóng những khu vực này trở nên rất khó khăn.
Phương án thứ tư là phát huy sức mạnh của các dân quân Shi'ite. Kế hoạch chiếm lại Ramadi của Baghdad sẽ phải sử dụng những tay súng thiện chiến nhất chống IS - những dân quân được Iran hỗ trợ. Hiệu quả của việc cử những dân quân này vào trung tâm của khu vực Sunni như Ramadi và Fallujah là chắc chắn.
Theo: Báo Tin tức