Những ngày đầu tháng tư vừa qua, đồng bào Thanh Hóa cũng như những người ở khắp mọi miền đất nước đã từng tham gia trực tiếp, hoặc gián tiếp trận chiến đấu đánh trả máy bay Mỹ bảo vệ cầu Hàm Rồng- tuyến giao thông huyết mạch trên đường ra trận, lại cùng nhớ về một ký ức đầy tự hào. Trong 2 ngày (3-4/4/1965), quân và dân Hàm Rồng (Thanh Hóa) đã bắn rơi 47 máy bay Mỹ và sự kiện này đã trở thành một trong những chiến công chói lọi nhất trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm.
Chiến công vang dội ấy là là biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. "Hàm Rồng chiến thắng" mãi mãi là niềm tự hào của các thế hệ kế tiếp luôn biết tri ân các thế hệ đi trước, đồng lòng góp sức bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước ngày càng to, đẹp hơn như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Xin được nhắc lại đôi dòng về chiến công trong những ngày đánh giặc, bởi truyền thông từ trước đến giờ có rất nhiều tác phẩm ca ngợi cuộc chiến đấu anh dũng ở Hàm Rồng. Bài viết này xin được nói đến một trong những quyết định vô cùng sáng suốt của Đảng, Chính phủ đối tuyến lửa Khu 4 nói chung, Thanh Hóa nói riêng, mà đến nay rất ít người biết. Quyết định của trên, chính bắt nguồn từ hai trận không chiến trên bầu trời Hàm Rồng Thanh Hóa, xin được đề cập một chút.
Biên đội đánh thắng trận đầu trên bầu trời Hàm Rồng (3.4.1965) từ trái qua: Phạm Ngọc Lan, Phan Văn Túc, Hồ Văn Quỳ, Trần Minh Phương (ảnh tư liệu) |
Cùng với lưới lửa phòng không tầm thấp, tầm cao ở Hàm Rồng trong ngày 3-4/4/1965, trên bầu trời Hàm Rồng thời điểm đó có 2 biên đội MiG 17 (én bạc) của Không quân nhân dân Việt Nam non trẻ ra trận. Biên đội xuất kích không chiến ngày 3.4.1965 do phi công Phạm Ngọc Lan (biên đội trưởng) và 3 phi công: Phan Văn Túc, Hồ Văn Quỳ, Trần Minh Phương. Ngày 4.4.1965, biên đội thứ 2 xuất kích do Trần Hanh (biên đội trưởng) cùng các phi công: Phạm Giấy, Lê Minh Huân và Trần Nguyên Năm. Hai biên đội quần nhau với hàng chục máy bay địch và tiêu diệt 4 mục tiêu.
Tác giả cùng với vợ chồng Trung tướng, anh hùng Trần Hanh tại cuộc gặp mặt phi đội quyết thắng (28.4.2021) ném bom SB Tân Sơn Nhất ngày 28.4.1975 |
Chiến công trận đầu của 2 biên đội Mig 17 đã được lịch sử ghi nhận. Có điều biên đội của Trần Hanh không được may mắn như biên đội của Phạm Ngọc Lan xuất kích hôm 3.4.
Sau khi biên đội của Trần Hanh tiêu diệt 2 máy bay F105 (thần sấm), địch cho nhiều máy bay tiêm kích F100 bám đuổi rất sát máy bay ta và bắn liên tục vào đội hình. Cả 4 phi công trong biên đội Trần Hanh tập trung toàn lực cố gắng lái vòng để tránh những làn đạn đối phương. Tuy nhiên, với sự truy sát gắt gao của nhiều máy bay địch, 3 phi công ta đã anh dũng hy sinh. Còn Trần Hanh chủ động dùng các động tác kéo độ cao xuống rồi lật nhào bay ngược lại với lực gia trọng lớn để tránh sự truy đuổi. Chiếc Mig 17 của Trần Hanh sắp hết nhiên liệu phải bay về phía Tây hạ cánh khẩn cấp xuống bản Kè Tằm, huyện Quỳ Châu, Nghệ An. Trước đó 1 ngày, biên đội trưởng Phạm Ngọc Lan "mải mê" đuổi máy bay địch ra biển khi quay về hết nhiên liệu cũng phải hạ cánh khẩn cấp xuống bờ cát sông Hồng.
Từ 2 trận không chiến của 2 biên đội Mig 17 trên bầu trời Hàm Rồng đã đặt ra những vấn đề vô cùng hệ trọng cho lực lượng không quân non trẻ của chúng ta là làm thế nào để máy bay ta cơ động nhanh nhất, có thời gian chiến đấu lâu hơn trên bầu trời.
Bởi "én bạc" nhỏ, mang được ít nhiên liệu lại phải cơ động từ xa (miền Bắc vào Bắc Trung Bộ). Vì thế, cuối tháng 5 đầu tháng 6.1965, tại Hà Nội, dưới căn phòng làm việc nằm sâu dưới lòng đất, khu vực làm việc của Chính phủ, Ủy viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thanh Nghị đã chủ trì cuộc họp với Bộ GT - VT, Bộ Quốc phòng, Quân chủng PK- KQ và Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Ngô Thuyền. Một quyết định vô cùng sáng suốt, kịp thời đã ra đời. Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị kết luận: Xây dựng sân bay quân sự tại Sao Vàng (Thanh Hóa). Giao cho Bộ GT-VT chủ trì thiết kế, điều động cán bộ, kỹ sư có kinh nghiệm xây dựng sân bay Hòa Lạc, Đa Phúc vào Sao Vàng vừa thiết kế vừa thi công cùng phương tiện, xe máy huy động tại chỗ, thiếu thì điều động nơi khác đến làm nhiệm vụ.
Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị giao cho Bộ Quốc phòng đảm bảo phòng không (một trung đoàn pháo cao xạ cùng lưới lửa phòng không địa phương) khi địch phát hiện ra địa điểm xây dựng sân bay, đồng thời chỉ đạo Quân chủng PK- KQ chuẩn bị phương tiện kỹ thuật cùng đội ngũ phi công, máy bay khi sân bay có đường băng là cất cánh chiến đấu được ngay. Giao tỉnh Thanh Hóa trong thời gian 10 ngày phải huy động đủ 10.000 thanh niên (sau này được công nhận là lực lượng TNXP) lên công trường, và trên sẽ chi viện 500 công nhân kỹ thuật, cơ giới để đổ bê tông khoảng vài ngàn tấn. Khối lượng đào đắp đất đá, san ủi (chủ yếu thủ công) trên 1.000.000 m3.
Các bộ, ngành có liên quan theo chức năng nhiệm vụ phải tập trung hỗ trợ tiến hành nhiệm vụ xây dựng Sân bay Sao Vàng nhanh nhất để máy bay ta tập kết làm nhiệm vụ. Sân bay quân sự Sao Vàng lần đầu tiên do chính người việt Nam tự thiết kế, thi công và là nhiệm vụ tuyệt mật cùng lúc mang 2 mật danh. Bộ GT- VT đặt mật danh: "Công trường 101", còn tỉnh Thanh Hóa đặt mật danh: "Công trường thủy lợi Thanh Hóa"
Những thanh niên xây dựng sân bay Sao Vàng ngày ấy, giờ mái đầu đã bạc |
Chưa đến 10 ngày, tỉnh Thanh Hóa đã huy động đủ 10.000 thanh niên lên công trường cùng các phương tiện xe máy, kỹ sư công nhân kỹ thuật trên chi viện, lao động quên mình dưới mưa bom bão đạn (khi địch phát hiện địa điểm xây dựng sân bay) đào đất, san ủi đất đá, gần 1 năm trời đã đủ điều kiện để máy bay Mig 17 xuất kích. Làm việc trong điều kiện máy bay địch đánh phá ác liệt, 57 thanh niên anh dũng hy sinh, nhiều thanh niên khác bị thương, chưa kể nhiều người dân các thôn xóm trong vùng cận kề sân bay bị thiệt mạng. Trong quá trình xây dựng sân bay, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn Vũ Quang và Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô đã đến thăm động viên lực lượng xây dựng sân bay.
Gần 60 năm qua, từ vùng đất trung du Sao Vàng huyện Thọ Xuân ra đời sân bay dã chiến, rồi trở thành căn cứ không quân chiến lược chuyên hoạt động quân sự luyện tập sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vùng trời, vùng biển, hải đảo, thềm lục địa của tổ quốc.
Máy bay Su 30MK2 luyện tập trên bầu trời Thanh Hóa |
Từ năm 2013, căn cứ không quân chiến lược Sao Vàng (Thanh Hóa) được Chính phủ cho phép sử dụng một phần hoạt động thương mại nên Cảng hàng không Thọ Xuân ra đời. Qua 9 năm đi vào hoạt động Cảng hàng không Thọ Xuân liên tục tăng trưởng ấn tượng và trở thành Cảng hàng không quốc tế, có thêm chức năng dự bị cho sân bay quốc tế Nội Bài. Đồng thời, Cảng được trên công bố qui hoạch, đầu tư xây dựng, trong tương lai gần có thêm đường hạ, cất cánh dài 3,8 km cùng các khu chức năng, nhà ga và các dịch vụ khác để trở thành trung tâm dịch vụ hàng không "đủ sức" đón 5 tiệu hành khách/năm
Cảng hàng không Thọ Xuân |
Từ một quyết định vô cùng sáng suốt gần 60 năm trước, đến hôm nay, sân bay quân sự Sao Vàng và vùng đất Lam Sơn - Sao Vàng, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) đã đổi thay khá nhiều, là một trong 4 Trung tâm động lực phát triển kinh tế của Thanh Hóa.
Tác giả bài viết này chỉ mong muốn một điều: ở khu vực Cảng hàng không Thọ Xuân cần có một vị trí (khiêm tốn thôi) dựng tấm bia ghi công 57 liệt sĩ và 1 vạn TNXP đã không tiếc xương máu, mồ hôi, công sức xây dựng lên sân bay quân sự Sao Vàng, để hành khách và người dân mỗi khi qua nơi đây thắp cho các liệt sĩ nén hương thơm, đồng thời tỏ lòng tri ân thế hệ cha, anh đi trước...