Tàu sân bay thứ ba của Trung Quốc vẫn chưa được lắp hệ thống vũ khí và radar

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tàu sân bay thứ ba của Trung Quốc hiện đang được lắp đặt trang thiết bị tại xưởng tàu ở Thượng Hải, trong đó nhiều bức ảnh cho thấy nó vẫn chưa được lắp vũ khí và radar.
Hình ảnh mới nhất về tàu sân bay Phúc Kiến của Trung Quốc (Ảnh: Weibo)
Hình ảnh mới nhất về tàu sân bay Phúc Kiến của Trung Quốc (Ảnh: Weibo)

Tàu Phúc Kiến đã được hạ thủy cách đây 1 tháng, và các chuyên gia phân tích quân sự cho rằng sẽ phải mất vài năm con tàu này mới có thể sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ bởi còn phải trải qua công tác lắp đặt trang thiết bị và thử nghiệm trên biển.

Một người nghiên cứu quân sự nghiệp dư đã chụp lại nhiều bức ảnh về tàu Phúc Kiến trong hôm Chủ nhật vừa qua và đăng tải chúng lên mạng xã hội Weibo. Những bức ảnh này cho thấy 2 khu vực thuộc tháp tàu vẫn đang trống. Hai khu vực cài đặt thiết bị này đã được che phủ khi con tàu được hạ thủy vào ngày 17/6.

Theo các chuyên gia, đây là 2 khu vực để lắp đặt hệ thống radar tối tân – radar mảng quét điện tử chủ động, AESA, còn gọi là Type 346. Theo ông Lu Li-shih, cựu quan chức Học viện Hải quân Đài Loan, hệ thống radar này sẽ được lắp đặt, như một phần trong tiến trình lắp đặt trang thiết bị cho tàu.

“Khu vực lắp đặt radar AESA đã được che đậy bằng các tấm biển trang trí khi tàu Phúc Kiến được hạ thủy, bởi sẽ là không tốt nếu như chứng kiến những chỗ trống này trong buổi lễ,” ông Lu nói, nhấn mạnh rằng buổi lễ ra mắt tàu chỉ đánh dấu sự hoàn thiện của phần kết cấu chính và hệ thống đẩy.

Ông cũng nói rằng việc tàu sân bay này được hạ thủy chậm hơn so với dự kiến “cho thấy vẫn còn nhiều cuộc thử nghiệm kỹ thuật dưới nước và nhiều công việc khác cần được thực hiện, cũng bị chậm theo.”

Ban đầu, tàu Phúc Kiến được dự định hạ thủy vào ngày 23/4 để đánh dấu kỷ niệm 73 năm ngày thành lập Hải quân Trung Quốc, nhưng bị hoãn do đợt bùng phát dịch COVID-19 và lệnh phong tỏa ở Thượng Hải. Tiếp đó, ngày hạ thủy lại được dự kiến là 3/6, trùng thời điểm Lễ hội Thuyền rồng, tuy nhiên lại bị hoãn mà không có lời giải thích.

Những bức ảnh mới nhất cho thấy một số cửa sổ trên tháp kiểm soát đã được niêm phong, trong khi một khẩu pháo tự động – Type 1130 – dường như đã được dỡ bỏ. Ngoài ra còn có nhiều đường dây cáp nối phần thân tàu với trang thiết bị đặt trên bờ.

Li Jie, chuyên gia hải quân tại Bắc Kinh, nói rằng quá trình lắp đặt trang thiết sẽ bao gồm lắp đặt các hệ thống vũ khí và kích hoạt hệ thống động cơ của tàu.

“Tàu sân bay này hiện tại chưa có năng lượng bởi hệ thống đẩy của nó chưa được kích hoạt, bởi vậy mà cần tới các dây cáp nối với nguồn năng lượng trên bờ để phục vụ cho quá trình lắp đặt,” ông Li nói. “Các hệ thống vũ khí và trang thiết bị quan trọng khác được lắp đặt sau khi hạ thủy bởi cấu trúc sẽ thay đổi chút ít do sức ép của nước.”

Phúc Kiến là tàu sân bay đầu tiên được Trung Quốc thiết kế và chế tạo trong nước (Ảnh: Xinhua)

Phúc Kiến là tàu sân bay đầu tiên được Trung Quốc thiết kế và chế tạo trong nước (Ảnh: Xinhua)

Ông Li dự đoán sẽ mất ít nhất là 6 tháng để hoàn thành quá trình lắp đặt trang thiết bị, sau đó sẽ đến giai đoạn tiếp theo – thử nghiệm hệ thống động cơ khi được tiếp đầy đủ năng lượng.

Phúc Kiến là tàu sân bay đầu tiên được thiết kế và chế tạo trong nước của Trung Quốc. Với độ choán nước 80.000 tấn, nó có kích cỡ tương đương với các tàu sân bay lớn Kitty Hawk, giờ đã nghỉ hưu, của Hải quân Mỹ.

Nó cũng sẽ là tàu sân bay thứ hai trên thế giới – sau tàu USS Gerald R. Ford của Mỹ - sử dụng hệ thống phóng điện từ hiện đại, cho phép các chiến đấu cơ được phóng với tần suất lớn hơn, mang theo nhiều nhiên liệu và đạn dược hơn.

Zhou Chenming, chuyên gia quân sự đến từ hãng phân tích Khoa học và Công nghệ quốc phòng Yuan Wang ở Bắc Kinh, nói rằng những bức ảnh mới nhất cho thấy rằng tàu Phúc Kiến sẽ phải mất thêm vài năm nữa để hoàn thiện trước khi được bàn giao cho Hải quân Trung Quốc.

“Thử nghiệm hệ thống phóng điện từ của tàu sân bay sẽ là nhiệm vụ phức tạp và đầy thách thức, nếu so với hệ thống phóng hơi nước truyền thống,” ông nói, thêm rằng tàu Phúc Kiến có khả năng sẽ đối mặt với nhiều khó khăn tương tự mà tàu Gerald Ford từng gặp phải.

Tàu USS Gerald R. Ford của Mỹ là chiến hạm đắt tiền nhất và phải mất tới 14 năm cùng khoản chi phí 13,3 tỉ USD để phát triển và chế tạo. Nó được bàn giao cho Hải quân Mỹ vào tháng 5/2017, tức 3 năm rưỡi kể từ khi được hạ thủy, và phải mất thêm 5 năm mới có được trạng thái sẵn sàng chiến đấu (tháng 4 năm nay), sau khi vấp phải vô số vấn đề kỹ thuật.

Theo SCMP