Tàu không người lái sẽ làm thay đổi chiến tranh trên biển trong tương lai?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Dư âm cuộc tấn công vào căn cứ Sevastopol của Hạm đội Biển Đen Nga vẫn chưa dứt. Nhiều chuyên gia cho rằng vụ tấn công này cho thấy tàu không người lái sẽ làm thay đổi chiến tranh trên biển trong tương lai...
Chiếc tàu không người lái của biệt kích Ukraine bị mắc cạn gần Sevastopol tháng 9 vừa qua, được cho là loại được dùng để tấn công hôm 29/10 (Ảnh: Topwar).
Chiếc tàu không người lái của biệt kích Ukraine bị mắc cạn gần Sevastopol tháng 9 vừa qua, được cho là loại được dùng để tấn công hôm 29/10 (Ảnh: Topwar).

Các nhà phân tích quân sự từ nhiều nước quan tâm nhiều hơn về phương thức tấn công mới của quân đội Ukraine sử dụng tàu không người lái tự sát, cho rằng cuộc đột kích này có thể mở ra một chương mới trong chiến tranh trên biển trong tương lai. Tờ Izvestia của Nga ngày 2/11 viết, chính Anh đã đứng sau quân đội Ukraine lên kế hoạch hành động và Điện Kremlin cảnh báo "Nga sẽ không thể không đáp trả".

Cuộc đột kích lúc rạng sáng bằng tàu không người lái

Trang web của Viện Hải quân Hoa Kỳ (United States Naval Institute, USNI) đã phân tích cuộc đột kích chung trên không và trên biển của quân đội Ukraine vào quân cảng Sevastopol rạng sáng ngày 29/10. Theo USNI, kết quả điều tra của Nga về xác chiếc tàu không người lái cho thấy con tàu xuất phát từ gần Odessa, di chuyển dọc theo "hành lang an ninh lương thực", sau đó đổi hướng tới Sevastopol. "Điều này cho thấy rằng nó có thể đã ở trên một chiếc tàu dân sự do Ukraine hoặc phương Tây thuê".

Hình ảnh con tàu của Nga bị tấn công rạng sáng 29/10 (Ảnh: chinatimes).

Hình ảnh con tàu của Nga bị tấn công rạng sáng 29/10 (Ảnh: chinatimes).

Vào khoảng 4 giờ sáng ngày 29/10, Ukraine đã sử dụng máy bay không người lái và tàu không người lái để gần như đồng thời tấn công căn cứ hải quân Nga ở Sevastopol. Bộ Quốc phòng Nga cho biết, quân đội Ukraine đã huy động 9 máy bay không người lái và 7 tàu không người lái, phía Nga chỉ có tàu quét mìn "Ivan Glurots" bị hư hại nhẹ. Tuy nhiên, tờ New York Times hôm 31/10 cho biết nhiều video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy tàu không người lái của Ukraine có thể thu được nhiều chiến quả hơn. Một trong những đoạn video cho thấy chiếc tàu không người lái chạy dích dắc để tránh sự đánh chặn của súng máy và tăng tốc lao về phía một con tàu lớn hơn ở phía xa có hình dáng được cho là khinh hạm "Đô đốc Makarov", soái hạm của Hạm đội Biển Đen. Mặc dù đoạn video không cho thấy kết quả cuối cùng, nhưng có nhiều suy đoán rằng chiếc tàu không người lái có thể đã thực hiện một cuộc tấn công liều chết, phát nổ sau khi đâm vào con tàu.

Điều đáng chú ý là Mỹ đã tỏ ra rất thận trọng trước cuộc tấn công của quân đội Ukraine. Một quan chức quân sự cấp cao Mỹ đã nói hôm 31/10: "Chúng tôi đang theo dõi các tin tức và tuyên bố của Nga về một cuộc tấn công vào một tàu Hải quân Nga ở Sevastopol. Đánh giá của chúng tôi xác nhận rằng có một vụ nổ ở đó, nhưng tôi sẽ không chia sẻ các đánh giá thiệt hại, cũng như về nguyên nhân gây ra vụ nổ”.

Một chiếc khinh hạm cùng lớp với chiếc Đô đốc Makarov được cho là hình dạng tương tự chiếc tàu bị tàu Ukraine tấn công sáng 29/10 (Ảnh:chinatimes)

Một chiếc khinh hạm cùng lớp với chiếc Đô đốc Makarov được cho là hình dạng tương tự chiếc tàu bị tàu Ukraine tấn công sáng 29/10 (Ảnh:chinatimes)

Tờ New York Times lưu ý, vào tháng 4 năm nay, Mỹ đã thông báo rằng họ sẽ gửi một số lượng không xác định các tàu được điều khiển từ xa đến Ukraine, nhưng rất mập mờ về chi tiết cụ thể. Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby hôm 13/4 nói với các phóng viên: “Tôi có thể đảm bảo với các bạn rằng chúng sẽ hoạt động”. Vào tháng 9, một quan chức cấp cao của NATO cũng nói “sẽ cung cấp cho Ukraine những chiếc tàu không người lái được điều khiển từ xa, có kích thước như ngư lôi", nhưng cũng không muốn thảo luận về tính năng cụ thể của chúng hoặc quốc gia nào đã cung cấp chúng cho Ukraine. Với mức độ nhiệt tình cao mà Mỹ và các đồng minh đã thể hiện trong việc cung cấp vũ khí cho Ukraine, không rõ tại sao họ lại giữ bí mật việc giao tàu thuyền không người lái cho Ukraine như vậy.

Mở ra một chương mới trong tương lai của hải chiến

Theo trang web của Viện Hải quân Hoa Kỳ, Sutton, một chuyên gia phân tích tình báo hải quân, cho rằng dựa trên các đặc điểm của video tàu không người lái lan truyền trên mạng xã hội mà phán đoán, nó rất giống với một chiếc tàu không người lái nửa chìm bí ẩn được coi là tàu tác chiến tự sát của biệt kích Hải quân Ukraine bị mắc cạn gần Sevastopol hồi tháng 9. Sutton nói rằng việc sử dụng tàu để tấn công tự sát có lịch sử lâu đời, đã có từ cuộc Nội chiến Hoa Kỳ thế kỷ 19. Trong Chiến tranh thế giới thứ Hai, Hải quân Italy cũng sử dụng rộng rãi tàu cao tốc tự sát để tấn công và người điều khiển thường nhảy xuống biển để thoát thân trước khi tàu đâm vào mục tiêu.

Ảnh vệ tinh Mỹ chụp ngày 1/11, chiếc tàu Đô đốc Makarov ở trên cùng trong ảnh (Ảnh: chinatimes).

Ảnh vệ tinh Mỹ chụp ngày 1/11, chiếc tàu Đô đốc Makarov ở trên cùng trong ảnh (Ảnh: chinatimes).

Trong những năm gần đây, lực lượng Houthi của Yemen cũng đã phát triển nhiều loại tàu xuồng không người lái tấn công tự sát với sự giúp đỡ của Iran và sử dụng các xuồng nhỏ được thiết kế đặc biệt để tránh bị đối thủ đánh chặn. Sutton cho rằng tàu không người lái của Ukraine còn nhỏ hơn xuồng cao tốc không người lái của Houthi; xuồng không người lái của Houthi vẫn giữ buồng lái và được tài công lái đến vị trí xuất phát, trong khi tàu không người lái của Ukraine hoàn toàn không có người lái.

Trang web The Drive của Mỹ ngày 1/11 cho biết, chiếc tàu không người lái tự sát của Ukraine sơn đen hoàn toàn, phần thân nổi thấp sát mặt nước và được điều khiển bằng động cơ kiểu bơm đẩy công suất cao. Tàu được lắp cảm biến kích nổ và ăng ten liên lạc vệ tinh, chứng tỏ nó có khả năng chiến đấu từ khoảng cách siêu xa. "Đó là một thiết kế hoàn toàn mới cho tàu không người lái tự sát."

Trang web Maritime Executive của Mỹ cho rằng chiếc tàu không người lái nhỏ này có thể là một chiếc tàu không người lái tự hành loại "Sea Cat" dùng để rà phá thủy lôi. Chức năng chính của nó là dò tìm vật thể trong phạm vi 100m dưới nước, tức là nó có nhiệm vụ tìm kiếm mục tiêu, sau đó người nhái hoặc tàu quét mìn có nhiệm vụ xử lý thủy lôi. Nhưng Sea Cat cũng có thể thực hiện các nhiệm vụ tấn công tự sát sau khi được hoán cải.

Ngày nay, rất nhiều quốc gia đang phát triển tàu chiến đấu không người lái, nhưng chủ yếu nhấn mạnh việc sử dụng trí thông minh nhân tạo để đạt được khả năng tự tuần tra và tác chiến. Ví dụ, Bộ trưởng Tác chiến Hải quân Hoa Kỳ Michael Martin Gilday gần đây đã tiết lộ rằng Hải quân Mỹ chủ yếu trang bị ba loại tàu không người lái: tàu không người lái mặt nước cỡ lớn, tàu không người lái mặt nước cỡ trung bình và tàu không người lái dưới nước cực lớn, còn các tàu không người lái mặt nước loại nhỏ không có trong phạm vi quan tâm của Hải quân Mỹ.

Bộ trưởng Tác chiến Hải quân Mỹ Michael Gilday tiết lộ về các loại tàu không người lái của Hải quân Mỹ (Ảnh: USNavy).

Bộ trưởng Tác chiến Hải quân Mỹ Michael Gilday tiết lộ về các loại tàu không người lái của Hải quân Mỹ (Ảnh: USNavy).

Trang web Naval Intelligence của Mỹ cho biết, các loại vũ khí đơn giản và hoàn toàn tiêu hao của tàu không người lái tự sát thường được coi là "vũ khí của sự tuyệt vọng" và trong quá khứ không được các cường quốc hải quân coi trọng.

Trang web Inews.co.uk của Anh cho rằng, phương thức tấn công sử dụng tàu không người lái tự sát của Hải quân Ukraine sẽ mở ra một chương mới trong chiến tranh trên biển trong tương lai. “Kinh nghiệm thành công ở Ukraine chứng minh rằng tàu không người lái tự sát tấn công đối phương về mặt lý thuyết có thể nói là vô cùng tận, giống như mối đe dọa từ các máy bay không người lái 'bầy ong'. Hải quân Nga buộc phải điều chỉnh chiến lược; nếu đợt tấn công tiếp theo sẽ là 70 chiếc tàu không người lái thay vì 7 thì điều gì sẽ xảy ra? Inews.co.uk dự đoán: "Xung đột Nga-Ukraine càng kéo dài, cơ hội tham chiến của các tàu không người lái với số lượng nhiều hơn, tốc độ nhanh hơn và hình dạng khác nhau sẽ càng lớn hơn; có thể làm giảm đáng kể hiệu quả của Hạm đội Biển Đen trong cuộc xung đột Nga-Ukraine. ”

Trang web The Drive của Mỹ cũng cho rằng cuộc tấn công vào Sevastopol của tàu không người lái Ukraine có thể mang lại những thay đổi mới trong chiến tranh trên biển trong tương lai. Vào năm 2000, tàu USS Cole đã bị một tàu cao tốc của al-Qaeda tấn công liều chết khi nó đang cập cảng Aden của Yemen để tiếp tế khiến tàu bị thủng một lỗ lớn và hàng chục người thương vong. Sau đó, Hải quân Mỹ đã tăng cường các biện pháp bảo vệ các tàu chiến khi cập cảng và đặc biệt trang bị cho các tàu chủ lực các vũ khí như súng máy cỡ nòng lớn để đánh chặn các tàu cao tốc tấn công tự sát. Nhưng báo này thừa nhận rằng những biện pháp này không đủ để đối phó với các cuộc tấn công kiểu bầy ong quy mô lớn của các tàu xuồng không người lái. Các tàu khu trục được thiết kế để đối phó với các tàu cùng loại, pháo và tên lửa trên tàu có thể phá hủy một số tàu không người lái, nhưng hỏa lực của chúng hạn chế, khó có thể đối phó với cuộc tấn công cùng lúc của hàng chục tàu không người lái.

Các xuồng cao tốc Iran tiếp cận biên đội tàu sân bay Mỹ trên biển (Ảnh: NetEasy).

Các xuồng cao tốc Iran tiếp cận biên đội tàu sân bay Mỹ trên biển

(Ảnh: NetEasy).

Theo The Drive, cuộc tấn công bằng tàu không người lái của Ukraine cho thấy một cuộc tấn công như vậy trong tương lai có thể được phát động từ "ngoài đường chân trời", thậm chí không cần bất kỳ ai gần đó điều khiển từ xa, "đó có thể là điều rắc rối nhất".

Báo này viết trong tương lai, một nhóm tàu không người lái tự sát có thể được vận chuyển một cách lặng lẽ bằng một tàu dân sự đến vị trí xuất phát, sau đó tấn công từ xa. Kích thước nhỏ của những chiếc tàu không người lái này khiến chúng khó bị phát hiện, đặc biệt là ở những tuyến đường thủy có lưu lượng tàu bè lớn và thậm chí việc xác định bằng âm thanh đặc trưng cũng khó khăn.

Hải quân Mỹ thừa nhận rằng khi đi qua các tuyến đường thủy đông đúc, các tàu Mỹ chạy tốc độ thấp, không gian tránh bị hạn chế, và "có nguy cơ bị một số lượng lớn tàu cao tốc bao vây. Quân đội Mỹ đã đánh giá mối đe dọa của "bầy sói" tàu cao tốc quy mô lớn trong các trò chơi chiến tranh với kết quả không mấy lạc quan. The Drive cho rằng, điều khiến Mỹ lo ngại hơn là trong một cuộc xung đột với một "cường quốc hàng hải ngang hàng", kẻ thù có thể sử dụng các tàu không người lái tự sát như vậy phát động các cuộc tấn công từ xa vào các cơ sở cảng hậu phương và tàu hậu cần của Mỹ và các đồng minh để phá hoại khả năng cung cấp". Các tàu phi quân sự không có khả năng phòng vệ trước những loại vũ khí như vậy và rủi ro là ở mức cao đáng báo động".

Hình ảnh tàu không người lái Ukraine tấn công tự sát bị hỏa lực Nga bắn chặn nhưng không trúng (Nguồn: The Guardian).

Không phải không khắc chế được

Trang web The Drive cũng đề cập rằng nếu các tàu không người lái thực hiện các hoạt động tác chiến cụm thông minh trong tương lai, chúng có thể phối hợp với nhau như các máy bay không người lái "bầy ong", điều này sẽ gây ra mối đe dọa lớn hơn cho hải quân các nước. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng dù tàu không người lái tự sát của Ukraine thể hiện ý tưởng tác chiến mới nhưng không phải là không thể khắc chế. Ví dụ, những chiếc tàu không người lái như vậy có khả năng bảo vệ kém và thiếu khả năng tự vệ, rất khó tạo nên mối đe dọa nghiêm trọng nếu bị phát hiện sớm.

Trang web Naval Intelligence Mỹ cho biết, sau khi Sevastopol bị tấn công bằng máy bay không người lái và tàu không người lái của Ukraine, nhiều nhà phân tích và chuyên gia hải quân đã phê phán Hải quân Nga quá khinh suất. Trên thực tế, sau khi chiếc tàu không người lái của Ukraine được phát hiện mắc cạn trên bãi biển gần Sevastopol vào tháng 9, lẽ ra quân đội Nga cần cảnh giác hơn về một cuộc tấn công bằng tàu không người lái của Ukraine. Nhưng trên thực tế, có ít nhất 3 chiếc tàu không người lái của Ukraine đã xuyên qua luồng chính dài và hẹp của cảng và đột nhập được vào khu bến bên trong của căn cứ hải quân Nga, điều này đã làm lộ rõ ​​sự bảo vệ lỏng lẻo của căn cứ quân sự Nga.

Ngoài ra, đoạn video cho thấy quân đội Nga cố gắng tiêu diệt chiếc tàu không người lái bằng hỏa lực súng máy nhưng hiệu quả không khả quan. "Trong tình huống này, việc phát hiện sớm các tàu và tấn công chúng bằng đạn thông minh hoặc tên lửa đánh chặn chúng dường như sẽ hiệu quả hơn."