Tản mạn Tuyên Quang: Kỳ 2- Chuyện về người đàn bà vẽ tranh khỏa thân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Năm 1978, đạo diễn Liên Xô A. Orlov cho ra bộ phim “Người đàn bà hát”, nói về ca sĩ nổi tiếng Alla Pugachova với thân phận đầy truân chuyên, do chính nữ ca sĩ đóng vai chính. Gã gọi nàng là "người đàn bà vẽ tranh khỏa thân".
Ảnh: Huỳnh Phan
Ảnh: Huỳnh Phan

Cách đây 25 năm, gã đã lên Thành Phố Tuyên Quang (lúc đó vẫn là thị xã), dự kỷ niệm 50 năm Ngày Thành lập Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (16/8/1945). Sau lễ kỷ niệm ở Tân Trào, khi xe về tới thị xã thì lũ tràn tới, cả đoàn phóng viên dự lễ bị kẹt thị xã Tuyên Quang suốt một tuần. Suốt ngày nằm ở Khách sạn Lô Giang, đến khi khách sạn này bị ngập đoàn phóng viên được chuyển sang Nhà khách Tỉnh ủy.

Thấy gã kể như vậy, nàng (Họa sĩ Lương Thị Hiện, xin được gọi là Nàng cho thân mật) quyết định lấy xe máy đưa gã đi chụp thành phố. Đi hết KS Lô Giang, giờ đã tư nhân hóa và bỏ không, đến bức tường thành Nhà Mạc, Công viên thành phố, chùa chiền… Ngay cả nơi người ta khai thác cát làm cho bờ sông bị sụt nàng cũng đưa gã đi chụp.

Khi gã chụp ảnh, nàng chờ bên chiếc xe máy, tay ôm con chó phốc con. Nó đã được nàng cứu, khi bị cảm lạnh. Nàng kể đã lấy rượu sim nàng tự ngâm xoa cho con phốc ấm lên, rồi lấy sữa dốc dần vào mồm nó… Từ đó, con phốc cứ quấn lấy nàng, đi chơi cũng đòi đi theo.

Rồi lúc trên xe, hay ngồi uống nước, nàng kể cho gã nghe về cuộc đời họa sĩ của nàng khi về Tuyên Quang.

Hồi còn ở Hà Nội, nàng đã vẽ tranh sơn mài và bán được rồi. Bức tranh “Qua phố” bán đươc 6 triệu do một nhà trang trí nội thất tên Công mua. Anh ta mua tranh, rồi treo trong căn nhà anh ta vừa hoàn thành nội thất, và họ bán luôn căn nhà đó.

“Sau bức tranh “Qua phố”, anh Công mua khá nhiều tranh của em, đến cả ký họa anh ấy cũng mua. Sau đó, anh ấy đặt hàng em vẽ theo yêu cầu”, nàng nói. Nhờ thế mà nàng nuôi được con và xây được căn nhà ở tạm trên đất mượn của chồng.

Rồi anh Tiến, có phòng tranh ở Hàng Gai và ngã tư Tràng Tiền – Ngô Quyền, Hà Nội, cũng mua tranh của nàng. “Bán cho anh Tiến thì rẻ hơn, vì anh ấy buôn tranh”, nàng nói. Mỗi bức tranh lụa về người dân tộc cũng bán được 3 triệu.

“Nhưng bây giờ các phòng tranh cũng khó bán tranh lắm, nhất là vào mùa đại dịch Covid này”, nàng than thở. Nàng vẫn mong muốn gặp được những nhà sưu tầm tranh, hợp ý là họ mua, ít khi mặc cả.

Người đàn bà và con chó nhỏ đang chờ gã phóng viên chụp ảnh. Ảnh Huỳnh Phan.

Người đàn bà và con chó nhỏ đang chờ gã phóng viên chụp ảnh. Ảnh Huỳnh Phan.

Bắt đầu vẽ tranh khỏa thân

Năm 2015, khi tham gia trại sáng tác của Hội Mỹ thuật Việt Nam, nàng đã vẽ ba bức tranh khỏa thân, và bán được bức to nhất cho một nhà sưu tầm tranh.

Hồi đó, nàng đã thích vẽ tranh khỏa thân, nhưng vẫn còn e ngại nên chỉ vẽ khỏa thân đằng lưng thôi. Và người mẫu cũng lấy trên mạng, hoặc tự tưởng tượng ra. Lúc đó, nàng chỉ mê sắc đẹp tuổi trẻ thôi, chứ chưa mang nhiều tâm sự vào đó.

“Do em vẫn phải làm những bức tranh dưới Hà Nội người ta đặt hàng nên ít thời gian cho tranh khỏa thân”, nàng nói. Gã biết rằng nàng phải lo tiền chợ hàng ngày, tiền học cho con, tiền điện nước hàng tháng…

Đến khung tranh nàng cũng phải tự đóng. Xưởng vẽ nàng cũng tự thuê, rồi việc gì tự làm được nàng cũng tự làm.

“Những bức tranh khỏa thân đó em vẽ từ mẫu trên mạng thôi. Còn bây giờ, em quyết định vẽ em khỏa thân”, nàng nói vẻ dứt khoát. Gã cũng hiểu chắc là phải có lý do gì đó khiến một nữ họa sĩ phải làm vậy, nên không hỏi.

Trong Triển lãm Tháng Chạp ở Bảo tàng Mỹ thuật tháng 12/2020, nàng trưng luôn 10 bức tranh khỏa thân. Nàng viết trên FB:

“Vườn Địa đàng của phái đẹp luôn luôn là nguồn cảm hứng sáng tác của giới văn nghệ sỹ nói chung, và họa sỹ giá vẽ nói riêng. Riêng tôi vẽ bộ tranh về đề tài nude này có cảm hứng ban đầu từ nhiều câu chuyện khác nhau.

Mỗi tác phẩm là một tâm sự không lời của một cô gái, từ đó tôi lấy ý tưởng vẽ tự họa cho chính mình. Tôi cảm thấy giai đoạn này là giai đoạn đẹp nhất của cuộc đời tôi, và tôi muốn truyền đạt nó thành tác phẩm mượn hội họa để lưu giữ nó cho sau này, khi tôi không còn trẻ nữa…

Khi tôi bắt đầu sáng tác một tác phẩm mới, điều đầu tiên tôi luôn đặt câu hỏi: Vẽ gì? Vẽ thế nào? Và để làm gì?”

Nàng tự chụp hình mình, rồi phác lên lụa. Nàng vẽ ba bức khỏa thân của mình, bên cạnh 7 bức tranh khỏa thân của mẫu lấy trên mạng, nhưng mang tâm sự của riêng nàng.

“Ví dụ, như là bức “Ngước mặt nhìn đời”, nguyên câu đó là người xem tự hiểu, ai hiểu thế nào tự người ta”, nàng nói.

Nàng kể: “Có họa sĩ bạn nàng tên là Phan Thiết, anh ấy cũng bình vào những bức tranh của nàng trên FB. Anh ấy bình rằng khi xem xong tranh khỏa thân nàng vẽ, anh ấy nhớ lại thời bộ đội, thấy những cô gái thanh niên xung phong phải ở trong rừng, xa thành phố, xa gia đình, và xa cả người yêu.

Họ cứ thấy tuổi xuân của họ đẹp như vậy, với những niềm khao khát yêu đương mà không được dâng cho cuộc sống. Thế là họ cứ đi hái những bông hoa sim, hoa mua rừng, hay hoa dã quỳ, về rải ra xung quanh người họ nằm, dưới ánh trăng.

Ban ngày họ có thế đi mở đường cho xe chạy, còn ban đêm, khi buồn, họ tắm suối, như những nàng tiên. Ước mơ của họ là có một đoàn xe chở lính đi qua, hô hào, vẫy tay nhau...

Em muốn nói khi trẻ người ta đã hy sinh đủ thứ, nhất là tuổi xuân, đến khi hòa bình lập lại có đủ thứ chuyện, nên em mới đặt là “Ngước mặt nhìn đời”.

Tranh vẽ của em tìm được sự đồng cảm với anh họa sĩ Phan Thiết. Anh ấy còn bảo là khi đi qua Hồ Tây, thấy đầm sen, lại nhớ những cô gái khỏa thân đang ôm những bông sen…”

Có một người mua tranh khác là Tạ Hà, mua bức tranh “Khát vọng”. Nàng cho anh ấy xem bức tranh khỏa thân nàng tự vẽ mình, bảo anh ấy có cảm tưởng như thế nào về tâm tư tình cảm nàng.

“Anh ấy nói rằng trong tranh cô gái này vì gánh nặng của gia đình, vì đồng tiền, vì mọi thứ, mà phía mặt tối đi, nó đè hết lên đầu mình, làm mình bối rồi, mặc dù mình muốn sáng tác.

Trong khi bên dưới của cô là một vẻ đẹp kiểu “Vườn Địa đàng”, mà không ai để ý. Tức là cô ấy còn rất đẹp mà bị bỏ quên. Nhất là dây tơ hồng màu vàng quấn chặt lấy cô…

Sao anh ấy nói đúng tâm tư của em đến thế”, nàng dốc bầu tâm sự với gã.

Nàng bảo nàng sẽ mang bức tranh “Thì thầm mùa xuân” ra triển lãm, mặc dù theo qui định của Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch họ sẽ không cho treo. Bức tranh vẽ về đôi trai gái yêu nhau.

“Người ta bảo tình yêu là trò chơi mà hai bên cùng thắng, nếu hai người say mê nhau thực sự và luôn nghĩ đến nhau”, nàng nói bên tai gã.

Hôm gã chuẩn bị về Hà nội, nàng nói với gã rằng nàng rất mong được dịp mang tranh đi triển lãm trong Sài Gòn. “Ở đó, thị trường tranh lớn hơn nhiều, chắc chắn có những nhà sưu tầm lớn. Và lại, em vẽ tranh về người dân tộc nhiều, có khi trong đó họ thích”, nàng mơ hồ về một cơ hội thay đổi.

Hình do nhân vật cung cấp

Hình do nhân vật cung cấp

Hy vọng của gã phóng viên

Nhưng về tới Hà Nội, gã mới giật mình. Mục đích gã viết về nàng là muốn nhiều người biết tới nàng, và tới mua tranh của nàng. Gã biết những người đến mua tranh thường là những nhà sưu tập tranh, hoặc buôn tranh, mua đi bán lại, ít nhất là ở Hà Nội. Chắc chắn họ đã biết nàng rồi.

Còn nếu có một bài giới thiệu về nàng, cho những người không quen biết, chắc phải là những họa sĩ nổi danh, cỡ như nhà nghiên cứu hội họa – họa sĩ Phan Cẩm Thượng, hay họa sĩ Lê Thiết Cương. Gã biết về hai con người này là do Báo Sài Gòn Tiếp Thị, nơi gã từng làm, vẫn xuất hiện bài viết của họ. Chứ dân phóng viên như gã, chưa bao giờ viết về hội họa, liệu có thể quảng bá gì cho nàng, gã nghĩ vậy.

Gã có quen với hai người vẽ tranh là Trịnh Huy Việt và Lưu Quang Lộc. Nhưng Việt ở tận Vũng Tàu, còn Lộc mải kinh doanh lâu cũng không vẽ nữa.

Gã chợt nhớ tới một người, cũng là bạn gã, là nhà sưu tập tranh có tiếng Sài Gòn là Quang San, tức Nguyễn Thiều Quang – Phó Chủ tịch của Techcombank. Thiều Quang đã sưu tập được cả ngàn bức tranh của các họa sĩ Việt Nam, có bức giá cả triệu đô la. Nghe Thiều Quang nói những bức tranh ông sưu tập đều lên giá.

Gã nhớ rằng nàng nói rằng bức tranh cao giá nhất nàng bán là 50 triệu, không thấm tháp gì so với giá những bức tranh Thiều Quang đã mua. Nhưng Thiều Quang nói rằng ông sẽ để lại bộ sưu tập tranh của mình cho 4 đứa con, sau khi ông mất. Như vậy biết đâu có những bức của Hiền Lương, một họa sĩ đương đại, lọt vào mắt xanh của Thiều Quang, nhất là những bức vẽ về người dân tộc?

Lần sau, Thiều Quang ra Bắc thăm thú phong cảnh núi rừng, gã sẽ rủ ông lên Tuyên Quang ngắm xưởng vẽ của nàng. Gã nghĩ nhà sưu tập sẽ thích.

Người đàn bà trăn trở. Ảnh Huỳnh Phan
Người đàn bà trăn trở. Ảnh Huỳnh Phan

Năm 1978, đạo diễn Liên Xô A. Orlov cho ra bộ phim “Người đàn bà hát”, về ca sĩ nổi tiếng Alla Pugachova với thân phận đầy truân chuyên, do chính nữ ca sĩ đóng vai chính. Bộ phim, được dịch và chiếu ở Việt Nam vào năm 1980, cũng đã gây tiếng vang lớn. Thậm chí, nữ diva Thanh Lam của Việt Nam cũng được gọi là “Người đàn bà hát”, vì có giọng hát, thân phận và ngoại hình gợi nhớ đến giọng hát vàng của Liên Xô.

Gã, tác giả bài viết, thời đó rất say mê bộ phim này. Bây giờ, khi viết về một nữ họa sĩ mà gã tình cờ quen, đã nhớ đến bộ phim này, và đặt tên bài viết của mình “Chuyện về người đàn bà vẽ tranh khỏa thân”.