Tản mạn Hà Nội: Tình bạn ba thế hệ với dòng họ Cao Xuân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes - "Ông nội tôi là bạn thân của GS. Cao Xuân Huy, ba tôi chơi với con ông, GS Cao Xuân Hạo, còn tôi ở tuổi 60 đã tìm đến gặp Cao Xuân Minh, với hy vọng sẽ tìm thấy một tình bạn" - nhà báo Huỳnh Phan, phóng viên VietTimes tâm sự.

Nghệ sĩ guitar Cao Xuân Minh chơi tại quán bar "W2M" trong mùa Covid
Nghệ sĩ guitar Cao Xuân Minh chơi tại quán bar "W2M" trong mùa Covid

Tôi chờ ở ngõ 12 Đặng Thai Mai từ hơn 8 giờ tối, tôi có cuộc hẹn với Cao Xuân Minh vào 8 giờ rưỡi. Cao Xuân Minh là nghệ sĩ guitar, con trai của cố GS Cao Xuân Hạo - nhà ngôn ngữ và dịch giả hàng đầu Việt Nam và ông cũng là cháu của cố GS Cao Xuân Huy - nhà nghiên cứu chuyên về lịch sử tư tưởng triết học phương Đông theo cách nhìn của triết học phương Tây.

Tôi phải gặp Cao Xuân Minh vì ông nội tôi - Huỳnh Dư - là bạn thân với cụ Cao Xuân Huy và ba tôi - Hoàng Túy - cũng là bạn của chú Cao Xuân Hạo. Ngoài tham vọng muốn được kết thân ở đời thứ ba, tôi cũng muốn biết Cao Xuân Minh là người như thế nào mà chú tôi - Hoàng Dương Tiến, con trai út của cố GS Hoàng Tụy - lại nói khá nhiều và bảo tôi chắc chắn sẽ hợp với Cao Xuân Minh.

Vì kẹt xe nên Cao Xuân Minh đến muộn, chúng tôi nhanh chóng nhận ra nhau. Vào quán, gọi cho tôi một ly đúp whiskey và mình một chai bia, nói một ít thông tin về bản thân, Cao Xuân Minh nhanh chóng sắp xếp sân khấu để biểu diễn.

Còn tôi, ngồi đó, trong đầu lướt qua những điều tôi biết về ông Cao Xuân Huy và chú Cao Xuân Hạo, những điều mà ba tôi kể cho tôi nghe.

Ông Cao Xuân Huy "là thánh, chứ không phải là người"

Ông nội tôi, tên thật là Hoàng Nguyên nhưng dạy toán nên đổi tên thành Huỳnh Dư, tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Đông Dương, là một trong năm Đốc học, được người Pháp phong trên toàn Đông Dương. Ông cùng với ông Cao Xuân Huy cùng dạy ở Vinh (Nghệ An). Tại đó, cả hai ông đều tham gia tổ chức cách mạng bí mật, ông nội tôi tham gia Việt Nam Cách mạng Đồng chí Hội, còn ông Cao Xuân Huy tham gia Tân Việt Cách mạng Đảng.

GS Cao Xuân Huy - bìa trái
GS Cao Xuân Huy - bìa trái

Đến năm 1927, cả hai ông bị Pháp phát hiện ra và đều bị sa thải. Bằng các cách khác nhau, hai ông đều lên Sài Gòn dạy tư, sau đó ra Huế. Hai ông có một giao ước với nhau: hễ trường nào nhận ông Huỳnh Dư thì phải nhận ông Cao Xuân Huy và ngược lại.

Cố GS Hoàng Tụy - em ruột ông nội tôi - trong thời gian học phổ thông có hai người thầy dạy Pháp văn và văn học Pháp. Ông kể với tôi rằng trong thời gian bị ốm và phải nhảy cóc lớp, ông đã sang học Pháp văn và văn học Pháp tại nhà ông Bùi Giáng, cháu gọi ông bằng cậu. Ông Bùi Giáng đã giới thiệu những tác phẩm văn chương của Pháp cho ông đọc, giải thích cái hay cho ông hoặc cả hai cùng tranh luận tìm ra lẽ phải.

Đến khi lên bậc trung học phổ thông, ông Hoàng Tụy thi và đoạt được học bổng trường công, nhưng trường đó lại không có thầy Cao Xuân Huy dạy. Ông ngỏ ý với các ông anh và được đồng ý, ông bỏ sang trường tư chỉ để học thầy Cao Xuân Huy. Đến khi tốt nghiệp tú tài, ông Hoàng Tụy còn băn khoăn không biết học tiếp toán hay Pháp văn, vì hai môn ông đều giỏi như nhau.

Ông Cao Xuân Huy cưới bà Tôn Nữ Thị Cơ, thuộc dòng dõi hoàng tộc và sinh được ba con. Nhưng ông Cao Xuân Huy suốt ngày chỉ ham mê sách vở, chữ nghĩa nên bà Tôn Nữ Thị Cơ bỏ đi sống với người khác. Nhưng bà vẫn thương ông, thỉnh thoảng vẫn về nhà ông dọn dẹp nhà cửa hay nấu cơm cho ông. Ông lại thủng thẳng bảo bà: “Thôi em về sơm sớm đi, không có anh ấy lại mong”.

Có lần, kẻ trộm vào nhà ông Cao Xuân Huy. Đang say sưa lục lọi đồ, chợt tên trộm nghe thấy giọng nói từ tốn: “Thế chỗ quần áo lấy hôm nọ bán đi đã tiêu hết rồi à?”

Tên trộm vội vã quay lại và quỳ sụp dưới chân ông Cao Xuân Huy, thốt lên: “Ông là thánh, chứ không phải là người!”

Cách mạng tháng Tám thành công, hai ông lại mỗi người một ngả.

Ông nội tôi trở thành Giám đốc Giáo dục Liên khu 5 còn ông Cao Xuân Huy vẫn đi dạy, hết Hiệu trưởng trung học Nguyễn Xuân Ôn, Diễn Châu, Nghệ An, đến giáo sư triết học tại Đại học Văn khoa ở Liên khu 4, rồi Giáo sư Trường Dự bị Đại học tại Thanh Hóa.

Khi chính quyền cách mạng ở Liên khu 5 tạm ổn, những người cộng sản cấp trên bảo ông Huỳnh Dư phải làm đơn xin vào Đảng để tiếp tục làm Giám đốc Giáo dục, ông đã nói: “Khi Đảng cần tôi, tôi đã mất liên lạc với Đảng, cho nên khi Cách mạng thành công, tôi không thể vào Đảng.”

Ông trở về làm cán bộ Bộ Giáo dục và trước khi về hưu là người giữ thư viện. Ông Cao Xuân Huy tiếp tục con đường triết học của mình. Hai ông, khi về Hà Nội, vẫn duy trì tình bạn.

Có lần, ông Cao Xuân Huy bị móc ví, mất hết giấy tờ, đến than thở với ông nội tôi. Ông nội tôi lên công an trình báo, giở sổ ra có ghi hết số chứng minh thư và các giấy tờ khác của ông Cao Xuân Huy. Ông nội tôi biết “ông Cao Xuân Huy tuy là “thánh”, nhưng tính cực kỳ đãng trí, nên ông đã ghi hết số những giấy tờ cần thiết.”

Nhà ngữ học Cao Xuân Hạo

Nhà ngữ học Cao Xuân Hạo

“Cậu phải dạy hay nhưng không được hay quá…”

Vì ông nội tôi và ông Cao Xuân Huy đã cùng dạy học với nhau từ năm 1935 đến 1945, nên giữa hai người con, ba tôi và chú Cao Xuân Hạo, mặc nhiên hình thành một tình bạn. Tình bạn này còn duy trì một thời gian rất dài, bởi tôi luôn nghe ba kể về chú Cao Xuân Hạo, những thành công và lối rẽ cuộc đời của chú.

Giữa hai người có một điểm chung khá đặc biệt – khả năng tự học thành tài. Chú Cao Xuân Hạo trở thành nhà ngôn ngữ hàng đầu Việt Nam, còn ba tôi trở thành một thầy giáo và chuyên gia tiếng Anh có tiếng.

Nhà từ điển học – Giáo sư Hoàng Phê, em ruột ông nội tôi, rất nể phục Cao Xuân Hạo. Ông chứng kiến những thành tựu mà chú Cao Xuân Hạo đã làm được về mặt ngôn ngữ, trong khi vẫn nhìn thấy cấp trên ở Trường Đại học Tổng hợp đã không tạo điều kiện cho chú Cao Xuân Hạo làm việc. Để kiếm sống, chú Cao Xuân Hạo phải dịch sách khá nhiều và dạy tiếng Anh.

Ba tôi nhớ, có lần chú Cao Xuân Hạo bận việc một thời gian và đến nhờ ba tôi dạy giúp lớp tiếng Anh buổi tối. Chú nói: “Cậu phải dạy hay, để học sinh không bỏ lớp. Nhưng không được hay quá, mà học sinh bỏ tớ theo cậu”.

Ba tôi hoàn thành lời hứa. Học sinh lớp chú Cao Xuân Hạo vẫn giữ nguyên, khi chú xong việc riêng của chú.

Mỗi bước đi của chú Cao Xuân Hạo đều được ba tôi theo dõi rất kỹ và bằng chứng là ông đều kể những bước đó cho tôi nghe. Ba tôi bảo anh em dòng họ Cao Xuân bên nước ngoài rất mong chú Cao Xuân Hạo tập trung vào ngôn ngữ để tiếp tục có những công trình xứng đáng và cũng như duy trì vai trò là nhà ngôn ngữ hàng đầu của mình. Họ sẵn sàng gửi tiền về để chú thực hiện sứ mệnh đó.

Nhưng chú Cao Xuân Hạo vẫn tiếp tục phân tâm, vẫn tiếp tục dịch sách, tuy việc đó đã làm cho chú trở thành dịch giả hàng đầu của Việt Nam.

“Có lẽ, Cao Xuân Hạo không thích sống bằng tiền của người khác, dù là bà con” - ba tôi nói.

Đặc biệt, chú Cao Xuân Hạo bị gán vào tội “Nhân văn Giai phẩm”. Ông nội tôi đã đến gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng và nói: “Nếu các anh xử sự tệ với Cao Xuân Hạo, ông Cao Xuân Huy chắc không sống nổi.”

Ba tôi, tuy theo ngành ngoại giao, nhưng do cho sinh viên nghe BBC mà lãnh đạo cũng không thích, gọi lên bắt giải thích. Thỉnh thoảng, công an khu vực còn tới nhà vì tội nghe đài địch.

Ba tôi và chú Cao Xuân Hạo đều mất vào tháng 10/2007. Chú mất vào đúng ngày sinh của ba tôi, 16/10/2007, còn ba tôi mất trước đó 2 ngày. Tôi biết về chú Cao Xuân Hạo chỉ qua lời kể của ba tôi và ông Hoàng Phê. Tôi chưa được gặp chú.

Hai người bạn mới quen, thuộc thế hệ thứ ba, nhà báo Hoàng Ngọc (Huỳnh Phan - trái) và nghệ sĩ guitar Cao Xuân Minh - ảnh Huỳnh Phan

Hai người bạn mới quen, thuộc thế hệ thứ ba, nhà báo Hoàng Ngọc (Huỳnh Phan - trái) và nghệ sĩ guitar Cao Xuân Minh - ảnh Huỳnh Phan

“Ngày xưa, càng đánh càng thắng, còn ngày nay, càng đánh càng vắng…”

Cao Xuân Minh, trước khi biểu diễn, đã nói với tôi sơ qua về bản thân. Tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội, Khoa Accordion - Guitar – Keybroad, Cao Xuân Minh về công tác tại Tổng Công ty Điện lực, chủ yếu phụ trách âm nhạc quần chúng, tức là tham gia cùng các diễn viên nghiệp dư trong các hội diễn trong ngành.

Đến đầu những năm ’90, khi phong trào văn nghệ quần chúng đi xuống, do Đổi Mới kinh tế, ai cũng phải lo làm ăn, Cao Xuân Minh đã buộc phải làm công nhân TCT Điện lực. Ngày đi làm, tối vẫn tiếp tục chơi guitar tại các tụ điểm. Đến năm thứ 11, 2005, quá mệt mỏi vì làm 2 việc trong một ngày, Cao Xuân Minh xin nghỉ tại TCT Điện lực và bắt đầu cuộc sống chuyên âm nhạc, sống chết vì âm nhạc.

Qua nhắn tin để có cuộc hẹn hôm đó, tôi biết rằng Cao Xuân Minh chỉ hơi rảnh vào những ngày đầu tuần, còn từ Thứ Sáu đến Chủ Nhật anh lo bận chuẩn bị để biểu diễn.

Nhìn và nghe Cao Xuân Minh chơi guitar, anh chơi guitar – lead, mới hiểu anh dồn sức cho cuộc chơi thế nào, suốt gần 3 tiếng đồng hồ. Cuối mỗi bài hát là lúc anh chơi ngẫu hứng.

Cuối buổi biểu diễn, thấy Cao Xuân Minh bỏ mũ, lấy khăn lau mồ hôi cả trên trán lẫn trên cây đàn, tôi hỏi anh có mệt không, anh cười, trả lời giọng hơi hụt: “Cũng hơi mệt, anh ạ”.

Nhớ lại nghệ sĩ guitar Phan Quang Minh, người Việt Nam duy nhất đã đi dự Đại hội Guitar Thế giới lần thứ nhất, tổ chức ở Mỹ 6/2004. Ở đó, Phan Quang Minh đã biểu diễn bản Chacome của Sebastian Bach, làm rung động các khách mời và nghệ sĩ tham dự.

Sau đó, Phan Quang Minh, vào cuối năm 2004, đã đi theo tôi, lúc đó làm cho Nikkei, xuống Tuần Châu một tuần, chỉ vì mến mộ cả hai người: Đào Hồng Tuyển – Chúa đảo Tuần Châu, và nguyên Phó Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Cao Kỳ. Trong buổi ăn tối đón các nhà đầu tư Hoa Kỳ, do ông Nguyễn Cao Kỳ giới thiệu, đến bàn thảo và ký kết thành lập liên doanh, Phan Quang Minh đã độc tấu 10 bài guitar.

Sau này, khi ký xong hợp đồng với các nhà đầu tư Hoa Kỳ, ông Đào Hồng Tuyển có nhận xét vui: “Việc đàm phán hợp đồng cũng khó như Phan Quang Minh chơi 10 bản guitar.”

Sau buổi biểu diễn tại quán bar “W2M” (Woman to Man), cả hội lại kéo nhau ra quán Phở Bích, 60 Yên Phụ, ngồi nhậu. Cao Xuân Minh lúc này mới từ tốn nói chuyện. Anh nói chuyện rất vui, giọng nhẹ nhàng, hóm hỉnh.

Đặc biệt, anh có thú vui hay tự giễu mình. Anh kể có lần chơi nhạc trong đám cưới, có một fan mang tiền lên tặng trên sân khấu. Biểu diễn xong bài đó, lại thấy fan đó tặng tiền nữa và nói: “Anh cứ nghỉ cho khỏe, bọn em nói chuyện một chút.”

“Té ra, họ tặng tiền mình là để mình đừng chơi nhạc" - Cao Xuân Minh cười cười.

Sĩ Lì, biệt danh của một ca sĩ vừa hát vừa tự đệm guitar trong ban nhạc, nói cho tôi biết nhóm nhạc của anh từ bao năm nay vẫn chỉ chơi nhạc theo phong cách của mình, chơi và hát các bản rock Tây, như The Beatles, Pink Floyd… Họ không hề chiều lòng khán giả mà đổi sang nhạc vàng, nhạc trẻ hay nhạc Trịnh.

Thảo nào, trước khi lên biểu diễn, Cao Xuân Minh nói với tôi: “Ngày xưa, càng đánh càng thắng, còn ngày nay, càng đánh càng vắng”. Lúc này, tôi mới hiểu.

Nhắn tin cho Vũ Bình - Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Fukuoka (Nhật Bản), người đã kể chuyện quen với Cao Xuân Minh với tôi từ năm 1993. Vũ Bình nhắn tin là thường đến nhà Cao Xuân Minh chơi vào đầu những năm ’80, gặp cả nhạc sĩ Anh Quân và ca sĩ Thanh Lam đến đó tập.

“Lúc đó, Thanh Lam còn gọi chúng tôi là chú” - Vũ Bình nhắn lại.

Nguyễn Hồng Minh, con trai cố họa sĩ nổi tiếng Sĩ Ngọc, người được bạn bè của Cao Xuân Minh gọi đến chỉ vì tôi có giới thiệu là bạn cấp 2 của Hường, con gái của ông. Nguyễn Hồng Minh có biệt hiệu là Minh “Gồ”, bởi chiếc mũi cao, gồ lên của anh.

Trong suốt buổi biểu diễn, Minh “gồ” đi qua đi lại, đa phần là khen Cao Xuân Minh chơi guitar-lead hay, nhưng có khi lại chê bài này, bài kia, vào hơi chậm. Sau buổi biểu diễn, Cao Xuân Minh nhẹ nhàng trả lời những bài này lâu không tập nên vào hơi chậm.

Nhưng có một điều, tôi cảm nhận rất rõ, rằng Cao Xuân Minh chính là linh hồn của ban nhạc. Mọi người đều chú ý đến cách chơi của anh, độ “phiêu” của anh. Lúc anh “bốc” cả ban nhạc đều “bốc”.

Khi ngồi ở Phở Bích, Minh “gồ” nói với tôi: “Còn lâu, anh mới hiểu về Minh. Bố Minh và bố tôi đã từng bị quy là thuộc nhóm Nhân văn Giai phẩm. Phức tạp lắm.”

Cao Xuân Minh và Sĩ Lì chụp mấy năm trước - ảnh do Sĩ Lì cung cấp

Cao Xuân Minh và Sĩ Lì chụp mấy năm trước - ảnh do Sĩ Lì cung cấp

Nghe Sĩ Lì nói mấy năm trước Cao Xuân Minh để râu cằm rất đẹp, và mọi người quen gọi là Minh “râu”. Chắc để râu và cạo nó đi đều gắn với những kỷ niệm cuộc đời, những đổi thay trong suy nghĩ, và đều có cái lý riêng. Từ từ sẽ biết.

Tôi cười, không nói gì. Tôi gặp Cao Xuân Minh đâu phải vì một bài viết, mặc dù nếu viết được thì rất tốt, bởi nghề của tôi là nghề viết. Và câu chuyện về ba thế hệ cũng rất hay.

Nhớ lại lần gặp Trịnh Huy Việt, ngày xưa ở cùng khu 151 Lê Duẩn với tôi, nay ở Vũng Tàu, vào tháng 5/2020. Việt đi xe từ Vũng Tàu lên gặp tôi ở Sài Gòn, nói chuyện với nhau mấy tiếng đồng hồ và cùng ăn trưa xong, Việt lại lên xe về Vũng Tàu.

Việt nói với tôi trước khi chia tay: “Cậu không biết vẽ như tớ, có thể vẽ tranh đem bán. Nhưng cậu nghệ sĩ hơn tớ, vì dám sống chết vì nghề của mình. Tớ không dám”.

Nghĩ lại, thấy Trịnh Huy Việt hoàn toàn có lý. Người ta chơi với nhau vì “chất nghệ” chứ đâu nhất thiết cứ phải là nghệ sĩ.

Tôi có hai ông cậu (anh của mẹ tôi) là Lâm Tô Lộc, GS-TS về múa, và Lâm Tô Phước, công nhân lành nghề bậc cao. Mọi người trong họ đều nhận xét cậu Phước tính nghệ sĩ hơn cậu Lộc.

Có lẽ, chú Hoàng Dương Tiến nói đúng: Hoàng Ngọc hoàn toàn có thể kết bạn với Cao Xuân Minh!

Thứ Sáu này lại đến quán bar “W2M” nghe Cao Xuân Minh chơi nhạc. Và lại gặp nhau ở quán Phở Bích…