Nhiều toà nhà văn phòng cho thuê “ế hàng”
Mặc dù việc cắt giảm chi phí của các công ty là một phản ứng hợp lý trong bối cảnh khó khăn hơn, nhưng nó có nguy cơ khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn ở Trung Quốc. Những lo ngại ngày càng tăng về lĩnh vực bất động sản đã khiến các ngân hàng toàn cầu phải thu hẹp dự báo tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất châu Á.
“Các hoạt động thuê mướn bắt đầu giảm nhiệt một lần nữa trong quý 2”, Soho China, chủ sở hữu nhiều toà nhà văn phòng ở Bắc Kinh và Thượng Hải, cho hay sau khi báo cáo mức giảm lợi nhuận 93% trong nửa đầu năm nay, xuống còn 13,61 triệu NDT (1,89 triệu USD). “Giá thuê và tỷ lệ lấp đầy vị trí trống sẽ tiếp tục chịu sức ép”.
Theo Savills, công ty dịch vụ bất động sản của Anh, nhiều bên thuê văn phòng hạng A ở Thượng Hải đã chấm dứt hợp đồng thuê thay vì ký hợp đồng trong quý kết thúc vào tháng 6, lần đầu tiên xảy ra kể từ năm 2015. Ở những toà nhà như vậy, diện tích không gian trống lên tới 7.445 mét vuông.
Savills cho hay, Bắc Kinh đã trải qua quý thứ ba liên tiếp tỷ lệ văn phòng trống hạng A gia tăng, khiến 13.461 mét vuông không có người thuê vào cuối tháng 6, con số cao nhất kể từ năm 2015.
Huang Libei, chủ sở hữu một doanh nghiệp nhập khẩu thực phẩm và đồ uống, cho biết đã chuyển văn phòng của mình ra khỏi quận Xujiahui của Thượng Hải vào tháng 2, sau khi chủ nhà cố gắng tăng tiền thuê nhà lần đầu tiên sau 6 năm. Do nhu cầu thấp và đồng NDT yếu hơn ảnh hưởng đến công việc kinh doanh của mình, ông đã chọn một địa điểm cách đó vài km với giá rẻ hơn 16%, khoảng 50.400 NDT (6.974 USD)/tháng.
"Thuê văn phòng là một trong số rất ít chi phí mà chúng tôi có thể cắt giảm hiện nay", Huang nói với Nikkei Asia.
CBRE, công ty đầu tư và dịch vụ bất động sản có trụ sở tại thành phố Dallas (Mỹ), trong một báo cáo ngày 8/8 cho biết “hoạt động cho thuê tại các thành phố cấp 1 của Trung Quốc sẽ giảm hơn nữa trong bối cảnh nhu cầu tiếp tục giảm”. Đây là diễn biến đáng chú ý bởi CBRE trong tháng 1 đã dự đoán nhu cầu thuê văn phòng "cao" nhờ nền kinh tế Trung Quốc phục hồi sau khi nới lỏng các hạn chế do COVID-19.
“Do sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc chậm hơn dự kiến, nên nhiều người thuê đang chờ xem trước khi ký hợp đồng thuê mới”, Henry Chin, trưởng bộ phận nghiên cứu của CBRE tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhấn mạnh.
CBRE ước tính rằng giá trị bất động sản văn phòng tại các thành phố cấp 1 của Trung Quốc đã giảm từ 15% đến 20% kể từ năm 2018.
Các chủ đầu tư lao đao
Thách thức đối với các chủ cho thuê là những người thuê doanh nghiệp ở Trung Quốc đang tìm cách cắt giảm chi phí khi nguồn cung văn phòng tăng lên. Trong 7 tháng đầu năm, số lượng tòa nhà văn phòng hoàn thành đã tăng 22% so với năm 2022, đạt 11,64 triệu mét vuông tính đến cuối tháng 7, theo số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc.
Cùng thời điểm, số lượng bất động sản văn phòng được bán đã giảm 18,3% và số tiền thu được từ các giao dịch đó giảm 20,2%. Tính đến cuối tháng 7, hơn 47,6 triệu mét vuông diện tích văn phòng chưa bán được, tăng 21,9% so với một năm trước.
Ou Haijing, Phó Giám đốc điều hành của hãng Yuexiu Real Estate Investment Trust, cho biết cạnh tranh về khách thuê văn phòng ngày càng gay gắt khi nguồn cung mới đổ bộ vào thị trường. Yuexiu đã phản ứng bằng cách rút ngắn các hợp đồng thuê nhằm thu hút nhiều doanh nghiệp hơn, Jiang Yongjin, giám đốc quan hệ nhà đầu tư của tập đoàn, nói với Nikkei Asia.
Tuy nhiên, thu nhập cho thuê văn phòng của Yuexiu vẫn giảm 4% trong nửa đầu năm so với một năm trước đó, xuống còn 612,3 triệu NDT. Theo ông Jiang, công ty phải đối mặt với những điều kiện đặc biệt khó khăn ở Vũ Hán, nơi "nguồn cung thị trường rất lớn" và tỷ lệ bỏ trống cao. Trung tâm Fortune Vũ Hán của Yuexiu đã báo cáo thu nhập cho thuê giảm 19,2% so với một năm trước và tỷ lệ lấp đầy giảm 8,4 điểm phần trăm xuống còn 61,6%.
Trong số các thành phố hàng đầu của Trung Quốc, Thâm Quyến và Quảng Châu – trung tâm của các công ty sản xuất và công nghệ cao – hoạt động tương đối tốt hơn, James MacDonald, trưởng bộ phận nghiên cứu Trung Quốc của Savills tại Thượng Hải, cho biết. Ông nói rằng chủ nhà ở những thành phố này chốt trước nhiều hợp đồng thuê hơn.
Các nhà đầu tư thoái lui
Trong khi đó, các nhà đầu tư, cả trong và ngoài nước, đang thận trọng với bất động sản văn phòng. Trong quý 2, tổng đầu tư của các doanh nghiệp vào không gian văn phòng Trung Quốc là 1,9 tỉ USD, con số thấp nhất kể từ quý cuối cùng của năm 2018, theo MSCI Real Assets.
Trong số đó, 1,7 tỉ USD đến từ các nhà đầu tư trong nước và 200 triệu USD đến từ các khu vực khác thuộc châu Á-Thái Bình Dương. MSCI cho biết, loại trừ các công ty mua các tòa nhà để sử dụng riêng, không có giao dịch văn phòng nào liên quan đến các nhà đầu tư tổ chức ở Bắc Mỹ hoặc châu Âu trong 2 năm qua.
“Triển vọng của lĩnh vực này cũng suy giảm cùng với con số tăng trưởng GDP yếu hơn của Trung Quốc”, Benjamin Chow, theo người đứng đầu bộ phận nghiên cứu bất động sản châu Á của MSCI. "Thanh khoản cho lĩnh vực này đã giảm đáng kể, với sự rút lui của cả các nhà đầu tư trong và ngoài nước".
Chow nói rằng các nhà đầu tư bất động sản thương mại ở trong nước đang tập trung vào các vấn đề hậu cần, khoa học đời sống và các tòa nhà dân cư, thay vì các tòa tháp văn phòng.
Trong nửa đầu năm, đầu tư vào văn phòng của Trung Quốc chỉ đạt 6,3 tỉ USD, mức thấp nhất kể từ nửa cuối năm 2018.
Theo MSCI, tổng khối lượng giao dịch bất động sản thương mại, bao gồm các giao dịch về văn phòng, công nghiệp, bán lẻ, khách sạn, căn hộ và nhà ở cao cấp, đã giảm 37% so với một năm trước, xuống còn 14,2 tỉ USD trong 6 tháng đầu năm.
Vì sao các "đại gia" công nghệ thế giới đang dần rút khỏi Trung Quốc?
Nửa năm lỗ hơn 6 tỉ USD, điều gì đã xảy ra với Tập đoàn bất động sản Trung Quốc Country Garden?
Trung Quốc tìm cách giải bài toán người nước ngoài không muốn đến du lịch
Theo Nikkei Asia