Sức mạnh quân sự Iran - Israel: Nước nào mạnh hơn?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Cuộc tấn công hôm 13/4 của Iran vào Israel khiến nhiều người chú ý đến sức mạnh quân sự của hai nước. Vậy, bên nào có lực lượng hùng hậu hơn? Ai sở hữu vũ khí mạnh mẽ và tiên tiến hơn?

Tiếng trống chiến tranh đang vang khắp khu vực Tây Á. Iran đã tấn công Israel bằng hàng trăm máy bay không người lái và tên lửa để trả đũa việc Israel tấn công lãnh sự quán và các tướng lĩnh của họ ở Syria hồi đầu tháng. Cuộc tấn công mặc dù không gây ra nhiều thiệt hại ở Israel nhưng đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến tranh tổng lực trong khu vực.

Nỗi lo về một cuộc xung đột lớn hơn trong khu vực đã thu hút sự chú ý của dư luận đến các lực lượng vũ trang của Iran và Israel. Sau đây là tương quan sức mạnh giữa hai nước.

_106352894_mediaitem106352893.jpg
Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (Ảnh: AP)

Sức mạnh quân đội của Iran và Israel

So sánh quân đội của Iran và Israel cho thấy Tehran vượt trội hơn nhà nước Do Thái nếu xét về nhân lực.

Iran có dân số đông hơn Israel gấp 10 lần, đây cũng là nguồn lực chính giúp cho số lượng binh sĩ của Iran đông đảo hơn so với Israel. Theo chỉ số Global Firepower năm 2024, dân số Iran đứng ở mức 87.590.873. Trong khi đó, dân số của Israel là 9.043.387. Điều này cho thấy Iran có nhiều nhân lực hơn.

Trên thực tế, một báo cáo của tờ New York Times chỉ ra rằng lực lượng vũ trang Iran nằm trong số những lực lượng lớn nhất ở khu vực Tây Á, với ít nhất 580.000 binh sĩ và khoảng 200.000 quân dự bị đã qua huấn luyện. Lực lượng này được chia thành quân đội truyền thống và lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC).

Về phần mình, Israel có 169.500 quân nhân tại ngũ trong lục quân, hải quân và lực lượng bán quân sự. Ngoài ra, nước này còn có lực lượng dự bị gồm 465.000 người, trong khi lực lượng bán quân sự là 8.000.

Tuy nhiên, khi xét về chi tiêu quốc phòng, Israel lại vượt trội hơn Iran. Chỉ số Global Firepower cho thấy ngân sách quốc phòng của Israel là 24 tỉ USD trong khi của Iran là 9,95 tỉ USD.

Tuy nhiên, tổ chức quân sự của Iran, đặc biệt là IRGC, không chỉ hoạt động dựa vào ngân sách nhà nước, theo Tổ chức Bảo vệ Dân chủ (FDD) có trụ sở tại Washington.

“Lực lượng này kiểm soát 1/5 giá trị thị trường của các công ty niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Tehran và sở hữu hàng nghìn công ty khác, tất cả đều tạo ra doanh thu cho lực lượng vũ trang. Ngoài ra, IRGC kiểm soát một phần đáng kể nền kinh tế ngầm của Iran”, theo FDD.

-1x-1.jpg
Vũ khí Iran và Israel

Kho vũ khí của Iran và Israel

Iran có thể vượt qua Israel về nhân lực, nhưng Tel Aviv lại chiếm ưu thế về vũ khí. Ví dụ, Israel sở hữu nhiều sức mạnh không quân ưu việt hơn Tehran.

Chỉ số Global Firepower cho thấy Israel có tổng cộng 612 máy bay, trong khi Iran có 551. Thêm nữa, lực lượng không quân của Israel bao gồm các máy bay chiến đấu hiện đại nhất như F-15, F-16 và F-35. Trong khi đó, Iran sở hữu nhiều vũ khí đã cũ kỹ.

10bd3534500ea617f1678ade330c4f379e33e29d.jpeg
Một chiếc F-15 của không quân Israel (Ảnh: Getty)

Israel còn sở hữu hệ thống phòng không đa tầng nổi tiếng, bao gồm các hệ thống Vòm Sắt (Iron Dome), David's Sling, Arrow và Patriot. Những khí tài này khi kết hợp với nhau đã ngăn chặn thành công đòn tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa của Iran trong tối ngày 13/4 vừa qua.

Tuy nhiên, sức mạnh tên lửa của Iran được coi là mối đe doạ thực sự. Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) báo cáo rằng Iran có một trong những kho vũ khí tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái lớn nhất ở Tây Á. Kho vũ khí này bao gồm tên lửa hành trình, tên lửa chống hạm cũng như tên lửa đạn đạo có tầm bắn lên tới 2.000 km. Chúng có đủ sức mạnh và tầm bắn để tấn công bất kỳ mục tiêu nào, kể cả Israel.

3000.jpeg
Sức mạnh tên lửa của Iran được cho là đáng gờm (Ảnh: Getty)

Trên thực tế, Iran không hề giấu giếm kế hoạch tăng cường sức mạnh tên lửa của mình. Nước này từng nhiều lần trưng bày máy bay không người lái và tên lửa trong các cuộc diễu binh, đồng thời có tham vọng xây dựng một cơ sở kinh doanh và xuất khẩu máy bay không người lái. Máy bay không người lái của Iran đang được Nga sử dụng ở Ukraine và đã xuất hiện trong cuộc xung đột ở Sudan, theo các hãng tin nước ngoài.

Xét về sức mạnh trên bộ, Israel sở hữu 1.370 xe tăng trong khi Iran có 1.996 chiếc. Tuy nhiên, số lượng xe tăng vượt trội không hề đảm bảo khả năng vượt trội về mặt quân sự. Hơn nữa, nhà nước Do Thái còn có trong kho vũ khí của mình những loại xe tăng tối tân hơn như Merkava, được coi là một trong những loại xe tăng được thiết kế tốt nhất và có lớp bọc thép dày nhất trên thế giới.

886FC-highres-e1686761668721.jpg
Hệ thống phòng không nhiều lớp của Israel được đánh giá là rất hiệu quả (Ảnh: Getty)

Cả Iran và Israel đều không có nhiều sự hiện diện của hải quân, tuy nhiên Iran được biết đến với khả năng tiến hành các cuộc tấn công bằng thuyền cỡ nhỏ. Theo Global Firepower, sức mạnh hạm đội của Tehran là 101 so với 67 của Israel. Ngoài ra, Iran vận hành tới 19 tàu ngầm, trong khi Israel chỉ có 5.

Về sức mạnh hạt nhân, Israel có lợi thế hơn. Theo báo cáo trước đây của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), Israel sở hữu khoảng 80 vũ khí hạt nhân. Khoảng 30 trong số đó là bom trọng lực hạt nhân được triển khai bằng máy bay, 50 vũ khí còn lại sẽ được triển khai từ tên lửa đạn đạo tầm trung Jericho II.

Các lực lượng uỷ thác của Iran

Một trong những thế mạnh lớn nhất của quân đội Iran là bộ máy quân sự phức tạp. Một báo cáo của New York Times chỉ ra rằng các đối thủ của Iran, chủ yếu là Mỹ và Israel, đều muốn tránh tấn công quân sự trực tiếp vào nước này trong suốt nhiều thập kỷ. Và điều này hoàn toàn có lý do.

Afshon Ostovar, chuyên gia về quân sự Iran, nói với hãng tin Mỹ rằng: “Có lý do khiến Iran không bị tấn công. Không phải là đối thủ của Iran sợ nước này. Đó là họ nhận ra rằng bất kỳ cuộc chiến nào chống lại Iran đều là một cuộc chiến hết sức nghiêm trọng”.

Untitled.png
Một người dân Iran cầm lá cờ của Hezbollah ở Tehran (Ảnh: Reuters)

Iran cũng cấp vũ khí, huấn luyện và hỗ trợ một mạng lưới các nhóm vũ trang uỷ thác trên khắp Tây Á được gọi là “trục kháng chiến” (Axis of resistence). Các lực lượng dân quân này bao gồm Hezbollah ở Lebanon, Houthis ở Yemen, các nhóm dân quân ở Syria và Iraq, Hamas và Thánh chiến Hồi giáo Palestine ở Gaza.

Mặc dù không được tính là một phần của lực lượng vũ trang Iran nhưng các nhóm này luôn sẵn sàng chiến đấu. Họ được trang bị vũ khí mạnh mẽ và trung thành mãnh liệt với Iran, thậm chí sẽ hỗ trợ Tehran nếu bị tấn công.

“Một trong những công cụ có giá trị nhất trong tay Iran là mạng lưới dân quân mà lãnh đạo của họ đã xây dựng, điều phối, huấn luyện và cung cấp vũ khí. Mạng lưới trải rộng khắp khu vực Trung Đông, từ Lebanon đến Pakistan, và các lực lượng ủy nhiệm này đã chứng tỏ là không thể thiếu đối với an ninh và tầm ảnh hưởng của Tehran”, Suzanne Maloney, phó chủ tịch kiêm giám đốc của Viện Chính sách Ngoại giao Brookings, cho biết.

“Chúng mang lại cho nước Cộng hòa Hồi giáo chiều sâu chiến lược cũng như tầm ảnh hưởng và khả năng tiếp cận khu vực rộng rãi. Mạng lưới này cũng bảo vệ giới lãnh đạo Iran khỏi toàn bộ rủi ro từ các hành động của họ”, vị chuyên gia nói thêm.

Con đường phía trước vẫn chưa rõ ràng và không rõ liệu Israel và Iran này có đối đầu với nhau trong một cuộc chiến toàn diện hay không. Nhưng cho đến lúc đó, cả thế giới vẫn đang nín thở trong bầu không khí căng thẳng bao trùm khu vực.

Theo First Post, Global Firepower