Israel đánh chặn máy bay không người lái và tên lửa của Iran như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Hơn 300 máy bay không người lái và tên lửa tầm xa mà Iran phóng về phía Israel ngày 13/4 đã vấp phải hệ thống phòng thủ nhiều lớp.

1.png
Một máy bay không người lái được phóng tại một khu vực không được tiết lộ ở Iran (Ảnh: DPA)

Theo quân đội Israel, 99% các vật thể bay đã bị đánh chặn, chỉ có một vài tên lửa đạn đạo rơi xuống lãnh thổ của nước này. Tuy nhiên, những tên lửa đó chỉ gây ra thiệt hại không đáng kể cho một căn cứ không quân ở miền Nam Israel. Ngoài ra có 1 trẻ em bị thương nghiêm trọng, có khả năng là do mảnh đạn văng.

“Đòn tấn công của Iran, theo như kế hoạch vạch sẵn, đã bị chặn đứng”, Daniel Hagari, phát ngôn viên của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), tuyên bố trong sáng hôm 14/4.

Iran thực hiện cuộc tấn công nhằm đáp trả cái mà họ cho là đòn không kích do Israel thực hiện nhằm vào lãnh sự quán của Iran ở Damascus, Syria hồi đầu tháng này. Vụ tấn công ngày 1/4 khiến 7 tướng lĩnh Iran thiệt mạng.

Việc Israel ngăn chặn được đòn tấn công và tránh tổn thất về sinh mạng đã chứng minh cho tính hiệu quả của hệ thống phòng thủ tên lửa “nhiều lớp” của nước này – bao gồm Hệ thống phòng thủ trên không vốn nhận được nhiều ca ngợi. Theo giới chức quân sự Israel, tên lửa đánh chặn Arrow thuộc hệ thống này đã được triển khai để chặn các tên lửa tầm xa của phía Iran.

Israel cũng nhận được sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế bao gồm Mỹ, Anh và Pháp, bên cạnh đó là các đồng minh ở Trung Đông không được công khai tên. Mỹ đã điều 2 máy bay và 2 khu trục hạm hỗ trợ Israel ngăn chặn đòn tấn công, trong khi Anh triển khai một số chiến đấu cơ thuộc Lực lượng Không quân Hoàng gia.

Ông Hagari gọi hành động phản ứng của họ trước đòn tấn công của Iran là “một trong số những trận chiến phòng không độc nhất” trong lịch sử chiến tranh, ám chỉ số lượng chiến đấu cơ và tên lửa đánh chặn được triển khai để ngăn chặn một đòn tấn công được phát hiện chỉ trước đó vài giờ đồng hồ.

SEO-Arrow-Weapon-System-1200x628-1-768x402.png
Hệ thống tên lửa đánh chặn Arrow của Israel (Ảnh: Getty)

Chiến dịch phòng thủ bắt đầu từ cảnh báo sớm được phát đi từ radar đặt tại các căn cứ tiền tiêu nằm sát Iran, được điều hành bởi Bộ Tư lệnh trung ương quân đội Mỹ. Các hệ thống radar này đã phát hiện ra một bầy máy bay không người lái và sau đó là nhiều tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình phóng từ phía Iran, Iraq và Yemen.

Israel chính thức gia nhập bộ tư lệnh quân sự khu vực do Mỹ dẫn đầu vào năm 2021, sau khi Hiệp định Abraham được ký kết với một số nước Arab. Kể từ đó, IDF tham gia vào các cuộc tập trận hàng năm, chủ yếu tập trung vào phòng không, với tư cách là một phần của mạng lưới Liên minh Phòng không Trung Đông.

Sau khi nhận được tín hiệu cảnh báo, các chiến đấu cơ và hệ thống phòng không của phương Tây được triển khai để đánh chặn loạt máy bay không người lái và tên lửa Iran đang hướng đến Israel. Các chiến đấu cơ tàng hình F-35 của Israel đã được điều ra ngoài biên giới của nhà nước Do Thái để sẵn sàng đánh chặn các vật thể bay đang tiến đến.

Theo dữ liệu quân sự mà Israel công bố, không có chiếc nào trong số 170 máy bay không người lái vũ trang của Iran thâm nhập được không phận Israel. IDF cũng cho hay, 25 trên tổng số 30 tên lửa hành trình của Iran bị các chiến đấu cơ Israel bắn hạ khi còn chưa đến được biên giới của nước này.

Những tên lửa và máy bay không người lái vượt qua được lớp đánh chặn đầu tiên sẽ tiếp tục đối mặt với hệ thống đánh chặn tín hiệu GPS, không chỉ ở Israel mà cả các nước láng giềng.

_methode_times_prod_web_bin_5da5478a-e9aa-4c4c-8cbb-73367ca434cc.jpg
Hệ thống Vòm Sắt của Israel (Ảnh: The Times)

Ngoài tên lửa đánh chặn Arrow, Hệ thống phòng không của Israel còn có hệ thống “Vòm Sắt” (Iron Dome) và David’s Sling chuyên đánh chặn các tên lửa tầm ngắn và tầm trung. Tuy nhiên, chính Arrow mới là hệ thống được sử dụng để đánh chặn phần lớn trong số 120 tên lửa mà Iran khai hỏa.

Các tên lửa đánh chặn Arrow được thiết kế để khớp và sau đó đánh chặn quỹ đạo tầm cao của các tên lửa đạn đạo, tấn công các vật thể này gần đường bay ngoài không gian của chúng. Điều này có lẽ đã lý giải cho việc báo động được phát đi khắp khu vực miền Bắc, miền Nam và miền Trung Israel…và tại sao mà bầu trời đêm của Israel xuất hiện vô số vệt sáng do tên lửa đánh chặn Arrow tạo ra.

Về với “số lượng nhỏ” các vật thể hạng nặng đã thâm nhập không phận Israel, một số đã đánh trúng căn cứ không quân Nevatim nằm trên sa mạc Negev ở miền Nam Israel. Căn cứ này hiện vẫn đang hoạt động bình thường.

Đối với giới chức Israel, đây là minh chứng về tính hiệu quả của “liên minh phòng thủ mạnh mẽ, đủ sức ngăn chặn và tạo nên sự răn đe với Iran”.

Ông Hagari nhấn mạnh rằng, số lượng lớn tên lửa đạn đạo được phóng đi trong khoảng thời gian ngắn như vậy là điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử chiến tranh. Israel coi đây là “nhân tố leo thang” trong lịch sử xung đột giữa hai quốc gia.

Giới chức Israel, bao gồm cả Thủ tướng Benjamin Netanyahu, đã tuyên bố sẽ phản công trực diện nhằm vào Iran nếu như họ bị tấn công. Hầu hết các nhà phân tích của Israel cho rằng việc Israel đưa ra đòn trả đũa chỉ là vấn đề về thời gian.

Yaakov Lappin, chuyên gia phân tích quốc phòng Israel, nói rằng cuộc tấn công vừa qua là một “thất bại chiến lược toàn diện đối với Iran”, và là “sự sụp đổ của nguyên lý trung tâm trong việc triển khai sức mạnh của họ - tên lửa truyền thống và máy bay không người lái”.

“Iran giờ sẽ phải chờ đợi đòn trả đũa của Israel. Nhưng không giống Israel, hệ thống phòng không của Iran rất hạn chế…một đòn đáp trả nhằm vào lãnh thổ Israel là điều khá chắc chắn”, ông nói.

Theo Financial Times