Iran và Israel trở thành kẻ thù không đội trời chung như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Tình trạng thù địch giữa Iran và Israel bắt đầu từ sau cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979 rồi kéo dài suốt nhiều thập kỷ.

1705361071683.jpg
Iran và Israel đã ở trong tình trạng thù địch suốt nhiều thập kỷ (Ảnh: Axios)

Trước khi Iran thực hiện cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa trong đêm 13/4, Israel đã được đặt trong trạng thái báo động cao. Trước đó 2 tuần, một đòn không kích đã đáp trúng lãnh sự quán của Iran ở Damascus, Syria, khiến một số sĩ quan quân đội Iran thiệt mạng. Tehran đổ lỗi cho Israel và thề sẽ trả thù.

Nhiều quốc gia đã cảnh báo công dân nước họ không nên đến khu vực này, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng và cuộc chiến ở Gaza có thể lan rộng.

Các nhà lãnh đạo Iran nằm trong số những người chỉ trích gay gắt nhất hoạt động quân sự của Israel ở Dải Gaza. Tehran từng công khai khen ngợi những kẻ tấn công Israel, trong đó có vụ tấn công do Hamas thực hiện khiến 1.200 người thiệt mạng ở Israel vào ngày 7/10/2023.

Tình trạng thù địch giữa hai nước bắt đầu trong quá khứ và đã kéo dài suốt nhiều thập kỷ.

12131.png
Hình ảnh về cuộc cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979 (Ảnh: AP)

1979: Thay đổi cục diện

Trong khoảng thời gian Iran nằm dưới sự cai trị của triều đại Pahlavi suốt hơn nửa thế kỷ, mối quan hệ song phương Iran-Israel không hề thù địch. Thực tế, Iran là một trong những quốc gia Hồi giáo đầu tiên công nhận nhà nước mới Israel.

Người Palestine coi sự công nhận đó là sự chấp nhận ngầm của cộng đồng quốc tế đối với cái mà họ gọi là "Nakba" hay thảm họa - việc cưỡng bức tước đoạt và di dời hơn 700.000 người Palestine khi nhà nước Israel được thành lập vào năm 1948.

Về phần mình, Israel đã nhanh chóng thiết lập quan hệ với các quốc gia ngoài thế giới Arab, trong đó có hợp tác quân sự và an ninh với Iran.

Tuy nhiên, cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979 của Iran đã khiến mối quan hệ giữa hai quốc gia rơi vào tình trạng căng thẳng. Shah Mohammad Reza Pahlavi bị lật đổ, còn lãnh đạo tối cao mới của Cộng hòa Hồi giáo Iran, Ayatollah Ruhollah Khomeini, theo đuổi chính sách đứng lên chống lại các cường quốc thế giới “kiêu ngạo”. Dưới chế độ của ông, Mỹ được biết đến ở Iran với cái tên "Satan vĩ đại" và Israel là "Satan nhỏ".

Mặc dù vậy, sự hợp tác hạn chế giữa Israel và Iran vẫn tiếp tục kéo dài đến những năm 1980. Nhưng sau đó, sự thù địch giữa hai nước trỗi dậy khi Iran xây dựng và tài trợ cho các lực lượng dân quân ủy nhiệm cũng như các nhóm khác ở Syria, Iraq, Lebanon và Yemen. Một cuộc chiến tranh “trong bóng tối” giữa Iran và Israel ngày càng leo thang trong những năm qua.

222.png
Người dân ở Tehran tham dự lễ tang của 7 sĩ quan của IRGC thiệt mạng trong cuộc tấn công ở Syria mà Iran đổ lỗi cho Israel ngày 5/4 (Ảnh: Getty)

Tranh cãi xung quanh chương trình hạt nhân Iran

Chương trình hạt nhân của Iran - luôn được Tehran khẳng định là hoàn toàn vì mục đích hòa bình - là trọng tâm chính trong các cuộc tấn công của Israel.

Iran tin rằng chính Israel và Mỹ đã đưa virus máy tính Stuxnet vào đầu những năm 2000 để phá hoại các lò ly tâm làm giàu uranium cho chương trình hạt nhân của họ.

Một loạt cuộc tấn công tiếp tục diễn ra trong những năm 2020, khi Israel tìm cách phá hủy các cơ sở hạt nhân của Iran. Các nhà khoa học hạt nhân cũng trở thành mục tiêu của các đòn tấn công này. Quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2018 của Tổng thống Mỹ Donald Trump được coi là đòn chí mạng đối với Tehran và là chiến thắng cho Israel.

Thời gian sau đó, Iran tiếp tục khẳng định rằng chương trình hạt nhân của họ là vì mục đích hòa bình 100%. Tuy nhiên, một số sự cố đã xảy ra, như phát hiện không giải thích được về các hạt uranium tại các địa điểm mà Iran chưa bao giờ tiết lộ cho cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hợp quốc, đã khiến thêm nhiều người ngờ vực động cơ của Iran.

Với việc Iran nằm dưới sự kiểm soát chặt chẽ của những người theo đường lối Hồi giáo cứng rắn và tầng lớp lãnh đạo bảo thủ của Israel, dường như rất ít khả năng mối quan hệ thân thiện giữa hai nước sẽ sớm được phục hồi.

111.png
Nhân viên cấp cứu và an ninh dập tắt đám cháy tại địa điểm xảy ra vụ tấn công vào tòa nhà lãnh sự quán Iran ở thủ đô Damascus của Syria vào ngày 1/4 (Ảnh: Getty)

Chiến tranh uỷ thác

Iran từ lâu đã ủng hộ các nhóm vũ trang trong khu vực tấn công Israel cũng như quân đội Mỹ. Một trong số đó là Hezbollah ở Lebanon, được thành lập vào những năm 1980 để chống lại sự chiếm đóng của Israel ở miền Nam Lebanon. Hezbollah đã phóng nhiều tên lửa vào miền Bắc Israel kể từ khi cuộc chiến ở Gaza bắt đầu vào tháng 10 năm ngoái.

Iran cũng ủng hộ Hamas, nhóm vũ trang người Palestine thực hiện cuộc tấn công đẫm máu ngày 7/10/2023 ở miền Nam Israel, nguyên nhân của chiến hiện tại. Theo Cơ quan y tế Gaza, cuộc chiến đã khiến hơn 33.000 người Palestine, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, thiệt mạng trong 6 tháng qua.

Iran cũng hỗ trợ phiến quân Houthi ở Yemen. Nhóm này đã phóng tên lửa đạn đạo vào thị trấn nghỉ mát Eilat của Israel trên Biển Đỏ và tấn công các tàu vận tải – những cuộc tấn công mà phiến quân Houthi tuyên bố là nhằm ủng hộ Hamas.

Iran ủng hộ chính quyền của Tổng thống Bashar Assad ở Syria, trong khi Israel nói Tehran sử dụng lãnh thổ Syria để vận chuyển tên lửa và các loại vũ khí khác cho Hezbollah ở Lebanon. Israel đã thực hiện nhiều cuộc không kích ở Syria để ngăn chặn dòng vũ khí và cho biết tướng lĩnh Iran thiệt mạng trong vụ tấn công lãnh sự quán là nhân vật chủ chốt trong đường dây đó.

Tuy nhiên, đến tối 13/4, Iran đã tung ra đòn tấn công trực diện từ lãnh thổ nước này nhằm vào mục tiêu Israel. Đây là điều chưa từng có tiền lệ. Lãnh đạo tối cao của Iran, Ayatollah Ali Khamenei, tuyên bố vụ tấn công ngày 1/4 vào tòa nhà lãnh sự quán ở Damascus mà Iran đổ lỗi cho Israel tương đương với một cuộc tấn công vào lãnh thổ Iran. Ông đe dọa Israel “phải bị trừng phạt và sẽ bị trừng phạt”.

Israel tuyên bố rằng một cuộc tấn công từ lãnh thổ Iran sẽ vấp phải phản ứng trực tiếp nhằm vào Iran. Điều đó có thể gây ra một cuộc chiến tranh diện rộng trong khu vực.

Theo NPR