Thông tin được các chuyên gia của Bộ Y tế chia sẻ tại Hội nghị tổng kết 9 năm thi hành Luật KBCB do Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội sáng 12/7. Tham dự có Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và ông Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội.
Chia sẻ với báo chí bên lề hội nghị, TS. Nguyễn Huy Quang – Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) - cho biết Ban soạn thảo luật đang xem xét và đề ra gần 10 nội dung chính nhằm bổ sung, sửa đổi bộ Luật.
Vấn đề đầu tiên được cân nhắc đó là sự an toàn của người bệnh, lấy người bệnh làm trung tâm, tăng khả năng tiếp cận về các dịch vụ y tế, tiếp cận, sửa đổi để Luật nhân văn hơn nữa. Từ đó đặt ra yêu cầu nâng chất lượng các tuyến KCB sao cho đồng đều, quan tâm thêm về các nhu cầu của người bệnh, ví dụ yếu tố tâm linh, tôn giáo.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ đạo tại Hội nghị
|
Vấn đề thứ 2 là nâng cao kỹ năng thực hành y khoa cho những người hành nghề, gắn với việc đổi mới đào tạo, trong đó có đổi mới đào tạo chuyên sâu.
“Ở nước ngoài, các bác sĩ đa khoa hay các bác sĩ chuyên sâu phải học thêm 3 năm, học về các chuyên khoa, sau đó mới được cấp phép hành nghề. Việt Nam muốn tiệm cận với tiêu chuẩn thế giới, cần bổ sung nội dung chuyên sâu hóa và chuyên khoa hóa như trên trong Luật, đề xuất người tốt nghiệp y khoa phải thi quốc gia về lý thuyết và thực hành để cấp chứng chỉ hành nghề, tửng bước chuẩn hóa việc cấp chứng chỉ và thực hành y khoa” - TS. Nguyễn Huy Quang nói.
Ban soạn thảo cũng cân nhắc tới thời hạn chứng chỉ hành nghề của nhân viên y tế, xóa bỏ chứng chỉ hành nghề vô thời hạn hiện nay.
TS. Nguyễn Huy Quang lý giải: “Chứng chỉ hành nghề vô thời hạn của Việt Nam là độc nhất vô nhị trên thế giới, không có quốc gia nào cấp chứng chỉ hành nghề vô thời hạn như chúng ta. Mặt khác, khi có chứng chỉ hành nghề vô thời hạn, bác sĩ không có động lực để học tập, cập nhật kiến thức y khoa, và nếu có sai sót thì sẽ dễ bị bỏ qua. Việc này cần phải được chấn chỉnh”.
Luật cũng bổ sung yêu cầu cơ sở y tế đáp ứng tiêu chí chất lượng bệnh viện bên cạnh việc có giấy phép hoạt động. Yêu cầu tối thiểu là bệnh viện phải đáp ứng bộ 83 tiêu chí. Ngoài ra, cơ quan quản lý có thể áp dụng thêm tiêu chuẩn nước ngoài để thu hút thêm người nước ngoài tới khám, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.
Một vấn đề nữa là Luật bổ sung, mở rộng thể chế pháp lý liên quan tới việc áp dụng các kỹ thuật trong điều trị bệnh. Trước đây, Luật có quy định ngặt nghèo khiến nhiều cơ sở y tế không thể tiếp cận để phục vụ nhu cầu của người dân. Hiện nay, Ban soạn thảo cân nhắc mở rộng các tiêu chí áp dụng và phân cấp cho các địa phương, tạo điều kiện cho phép áp dụng kỹ thuật sớm nhất, đáp ứng nguyện vọng của người bệnh.
Tiếp theo, Luật cũng sẽ quy định về việc giải quyết các tranh chấp trong KCB, đặc biệt là liên quan tới sai sót về chuyên môn, các sự cố y khoa. Cần có hội đồng chuyên môn để bảo đảm tính khách quan hơn, phân theo các tuyến, các cấp gồm: cấp bệnh viện, cấp sở, cấp bộ. Đảm bảo phân quyền cho tuyến dưới để tránh tình trạng việc gì Bộ cũng phải làm. Trong hội đồng chuyên môn phải có sự tham gia sâu của đội ngũ luật sư để bảo đảm yếu tố khách quan, có như vậy quyền và lợi ích của người bệnh mới được đảm bảo.
TS. Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế chia sẻ tại Hội nghị
|
Ban soạn thảo luật cũng bổ sung thêm quy định về việc người nước ngoài tới KCB tại Việt Nam.
Theo TS. Nguyễn Huy Quang, có 2 vấn đề đặt ra trong quy định này.
Một là, yêu cầu người nước ngoài thi tiếng Việt để cấp chứng chỉ hành nghề. Ở nước ngoài, bên cạnh việc phải có bằng cấp chuyên môn, người ngoại quốc phải thi tiếng bản địa mới được hành nghề. Trong khi đó, ở Việt Nam, người nước ngoài sử dụng đội ngũ phiên dịch. Ban soạn thảo đang xem xét đưa vấn đề thi tiếng Việt để cấp chứng chỉ hành nghề vào trong Luật.
Hai là, quy định chi tiết về việc người nước ngoài tới KCB nhân đạo tại Việt Nam. Hiện nay, Luật quy định người nước ngoài phải có chứng chỉ hành nghề do Việt Nam cấp mới được phép KCB. Tuy nhiên trong trường hợp xảy ra thiên tai như động đất, sóng thần, bão lũ, số lượng người cần cấp cứu rất nhiều, không thể chờ cấp chứng chỉ hành nghề, thì cần có cơ chế pháp lý thuận lợi để bác sĩ nước ngoài hoạt động.
Ngoài ra, Luật cũng chú trọng, bổ sung các quy định về nhiều mặt gồm việc chăm sóc sức khỏe cho người khỏe, khám chữa cho bệnh nhân, chăm sóc y tế toàn diện; nghiên cứu tích hợp hồ sơ bệnh án trong cơ sở dữ liệu quốc gia và đăng ký định danh công dân; thay đổi hệ thống y tế 4 cấp thành phân tuyến; tính giá dịch vụ y tế cùng với chất lượng bệnh viện; ...
Với những sự thay đổi căn bản như trên, trong trường hợp bộ Luật sửa đổi được thông qua, TS. Nguyễn Huy Quang tin rằng người dân sẽ được tạo thêm hành lang pháp lý, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế, quyền của người bệnh gắn với quyền của con người trong Hiến pháp được thực hiện đầy đủ hơn, nhân viên y tế khi hành nghề yên tâm hơn trong quá trình công tác, thực hiện nhiệm vụ…