Sự thật về việc Nga sử dụng tên lửa phòng không S-300 tấn công mục tiêu mặt đất Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – S-300 rõ ràng là một hệ thống tên lửa phòng không tầm xa của Nga; tuy nhiên, quân đội Nga gần đây đã ngừng sử dụng nó để chống máy bay mà lại dùng để tấn công các mục tiêu mặt đất ở Ukraine, gây nên bàn cãi…
Nga đã sản xuất tới 3000 bệ phóng và 28.000 đạn tên lửa S-300 (Ảnh: QQ).
Nga đã sản xuất tới 3000 bệ phóng và 28.000 đạn tên lửa S-300 (Ảnh: QQ).

Gần đây, ông Vitaly Kim, Thống đốc tỉnh Nikolayev miền nam Ukraine, tuyên bố trên mạng xã hội rằng quân đội Nga đã sử dụng ít nhất 12 quả tên lửa phòng không S-300 để tấn công các mục tiêu mặt đất Ukraine ở thành phố Nikolayev.

Sau khi thông tin được đưa ra, trên mạng đã xuất hiện rất nhiều bình luận phân tích, cho rằng động thái này cho thấy quân đội Nga đang thiếu hụt nguồn cung đạn tên lửa tấn công chính xác. Trong tình thế “không có mèo phải dùng chó bắt chuột”; tuy nhiên, những ý kiến này có khả năng là do sự hiểu nhầm về hệ thống tên lửa phòng không S-300.

Thống đốc Nikolaev Vitaly Kim nói về việc Nga dùng S-300 tấn công vào thành phố (Ảnh: QQ).

Thống đốc Nikolaev Vitaly Kim nói về việc Nga dùng S-300 tấn công vào thành phố (Ảnh: QQ).

Hiện tại, nguồn thông tin duy nhất về vụ này là của Ukraine, quân đội Nga không thừa nhận cũng không phủ nhận. Ngay cả khi những gì Thống đốc Vitaly Kim nói là đúng thì điều đó cũng không có gì đáng ngạc nhiên, vì S-300 vốn cũng có khả năng tấn công mặt đất! Khả năng này không được thêm vào sau này, mà đã được thiết kế ngay từ đầu.

Trong những năm 1960, Liên Xô bắt đầu phát triển hệ thống tên lửa phòng không S-300 để đáp lại việc Mỹ phát triển chiến thuật tấn công hỏa lực liên hợp bao gồm tên lửa hành trình tầm xa, máy bay ném bom chiến thuật tầm thấp tốc độ cao và tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm trung và tầm ngắn.

Theo thiết kế ban đầu, S-300 là một dòng tên lửa phòng không rất lớn, bao gồm ba nhánh: S-300P của Lực lượng Phòng không, S-300F của Hải quân và S-300V của Lục quân, được sử dụng để đánh chặn máy bay ném bom và máy bay trinh sát, máy bay trên tàu sân bay, tên lửa chống hạm và các mối đe dọa như tên lửa đạn đạo và hành trình.

Mảnh vỡ của tên lửa S-300 được cho là dùng tấn công mục tiêu mặt đất của Ukraine (Ảnh: QQ).

Mảnh vỡ của tên lửa S-300 được cho là dùng tấn công mục tiêu mặt đất của Ukraine (Ảnh: QQ).

Mẫu phục vụ sớm nhất S-300P đã được thử nghiệm vào năm 1978 và bắt đầu triển khai vào năm 1979. Vào thời điểm đó, nó có khả năng tấn công các mục tiêu mặt đất, các phiên bản tiếp theo và bản cải tiến của chúng, thậm chí là thế hệ mới hơn của S-300 là S- 400 vẫn được giữ lại chức năng kép phòng không và đối đất.

Tên lửa chống hạm được sử dụng cho các cuộc tấn công trên mặt đất là điều bình thường, nhưng việc dùng tên lửa phòng không bắn xuống mặt đất là điều rất lạ. Một đằng bắn lên, một đằng đi xuống Làm sao có thể thống nhất được hai chiều đối lập?

Có thể thấy từ các thông tin liên quan, tên lửa phòng không S-300 đánh mục tiêu mặt đất là một trong những khoa mục huấn luyện của lực lượng phòng không Nga/Belarus. Theo một bài viết tháng 5 năm 2011 của Rossiyskaya Gazeta, ba trung đoàn tên lửa phòng không của Lực lượng Phòng không và Không quân thuộc Quân khu miền Đông của Nga đã bắn 5 tên lửa S-300 và tiêu diệt hoàn toàn một "đội hình vũ trang không xác định" trong một cuộc tập trận được tổ chức tại thao trường Tremba.

8 cụm giếng phóng S-300F trên tàu tuần dương Nguyên soái Ustinov (Ảnh: QQ).

8 cụm giếng phóng S-300F trên tàu tuần dương Nguyên soái Ustinov (Ảnh: QQ).

Ngày 7/10 cùng năm, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cho biết trong cuộc họp báo dành cho các nhà báo Nga rằng quân đội Belarus lần đầu tiên sử dụng tên lửa phòng không S-300 trong cuộc tập trận nhằm vào các mục tiêu mặt đất cách xa mấy chục km.

Cuộc tập trận tấn công mặt đất bằng S-300 gần đây nhất diễn ra vào tháng 5/2017. RIA Novosti cho biết, lực lượng phòng không của Quân khu miền Đông đã sử dụng hệ thống tên lửa đất đối không S-300 trong cuộc tập trận ở Khabarovsk để tiêu diệt một mục tiêu mô phỏng "xe bọc thép của đối phương" trên mặt đất.

Có vẻ như người Nga rất nghiêm túc. Theo các tin liên quan ở Belarus, S-300 có thể tấn công các mục tiêu mặt đất ở khoảng cách lên tới 120 km - điều này chủ yếu là do những hạn chế của hệ thống dẫn đường, vì trong các cuộc thử nghiệm vào những năm 1980, S-300 có thể bay xa nhất đến 400 km.

Loại S-300V chuyên dùng đánh chặn tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình (Ảnh: QQ).

Loại S-300V chuyên dùng đánh chặn tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình (Ảnh: QQ).

Nếu tin trên là sự thật, quân đội Nga chỉ chuyển khoa mục tấn công mặt đất của S-300 thành hoạt động tác chiến thực tế trên chiến trường Ukraine, không thể nói lên tình hình thực tế kho đạn của quân đội Nga.

Tuy nhiên, vì nó được sử dụng như vậy nên vẫn phản ánh quân đội Nga không còn có thể sử dụng mà không cần kiềm chế những tên lửa hành trình đắt tiền hay tên lửa đạn đạo chiến thuật "Iskander".

Ngược lại, quân đội Nga có đủ số lượng tên lửa S-300 trong kho, bởi khi kết thúc sản xuất vào năm 2011, tổng sản lượng của các phiên bản cải tiến khác nhau của hệ thống S-300P phổ biến nhất là 3.000 bệ phóng và 28.000 quả tên lửa.

Khi hệ thống tên lửa phòng không S-400 tiên tiến hơn đi vào hoạt động, các tên lửa S-300 này, sớm hay muộn sẽ bị thay thế, sẽ trở thành vật tư tiêu hao và nhiều tên lửa có thể sắp hết hạn sử dụng sau khi được cất giữ trong một thời gian dài, và chúng sẽ bị tiêu hủy với một khoản chi phí bổ sung, tốt hơn là tận dụng nó trên chiến trường và tiêu thụ nó vào đầu kẻ thù sẽ có giá trị hơn.

Các loại đạn khác nhau dùng cho S-300 và S-400 (Ảnh: QQ).

Các loại đạn khác nhau dùng cho S-300 và S-400 (Ảnh: QQ).

Độ tin cậy của những tên lửa đó khi gần hết thời hạn sử dụng trong các hoạt động phòng không đã bị suy giảm đáng kể, chưa kể đến tần suất xuất kích của Không quân Ukraine rất thấp. Khi trên không không có mục tiêu, dù có bắn cũng không đảm bảo độ chính xác, tốt nhất đem đánh mục tiêu mặt đất cũng hợp lý.

Nhưng liệu tính toán "nhất chuyên đa năng" của Nga trên S-300 có phải là một ý tưởng tốt cho thiết kế vũ khí? E rằng khó để nói như thế.

Trước hết, về phương pháp dẫn đường, S-300 sử dụng chỉ thị vô tuyến + radar dẫn đường bán chủ động giai đoạn cuối, phù hợp với tên lửa phòng không, nhưng không thích hợp để đánh mục tiêu mặt đất. Do radar điều khiển hỏa lực của hệ thống tên lửa phòng không không thể cung cấp khả năng chiếu xạ các mục tiêu mặt đất nên việc dẫn đường bằng radar bán chủ động trong giai đoạn cuối là vô tác dụng.

Hai khẩu đội S-300 phóng đạn cùng lúc (Ảnh: QQ).

Hai khẩu đội S-300 phóng đạn cùng lúc (Ảnh: QQ).

Khi S-300 tấn công mặt đất, nó chỉ có thể nhập tọa độ của mục tiêu mặt đất trước khi phóng, sau đó dựa vào hệ thống dẫn đường quán tính bên trong tên lửa để bay tới mục tiêu, mặc dù tọa độ có thể được hiệu chỉnh bằng vô tuyến trong khi bay, bản thân độ chính xác của hệ thống dẫn đường quán tính không đủ, độ chính xác sẽ tiếp tục giảm khi tầm bắn của tên lửa tăng lên. Vì vậy, đừng mong đợi độ chính xác của S-300 khi tấn công các mục tiêu cố định trên mặt đất, chứ đừng nói đến việc sử dụng nó để đánh các mục tiêu di động; không thể có tác dụng tiêu diệt mục tiêu “xe bọc thép địch” như người Nga tuyên truyền.

Theo Vitaly Kim thống đốc Nikolayev của Ukraine, người Nga đã có những cải tiến trong vấn đề này, bổ sung hệ thống dẫn đường bằng GPS cho tên lửa S-300 tấn công mặt đất, nhưng sự cải thiện về độ chính xác khi tấn công dường như không đáng kể.

Thứ nữa, đầu nổ của S-300 không đủ uy lực và cơ chế sát thương của nó không phù hợp để tấn công các mục tiêu mặt đất. Đầu đạn phổ biến nhất của tên lửa S-300 có trọng lượng không quá 150 kg, sử dụng phương pháp phân mảnh + nổ định hướng, khi nổ phóng ra 19.000 hoặc 36.000 mảnh vỡ theo hướng mục tiêu (tùy thuộc vào loại đạn tên lửa mà hệ thống sử dụng). Phương pháp này rất hiệu quả để đánh chặn các mục tiêu như máy bay và tên lửa, nhưng nó hoàn toàn không thích hợp để đánh các mục tiêu mặt đất.

Hệ thống phòng không S-300 khá phức tạp (Ảnh: QQ).

Hệ thống phòng không S-300 khá phức tạp (Ảnh: QQ).

Đầu đạn hiệu quả nhất để tấn công mặt đất là kích nổ + thuốc nổ mạnh cho phép đầu đạn phát nổ bên trong mục tiêu, đồng thời dựa vào sóng xung kích để tạo thành hiệu ứng sát thương lên mục tiêu, lúc này các mảnh vỡ gần như vô dụng. Đáng tiếc là S-300 là tên lửa phòng không, không thể lắp đầu đạn có sức nổ mạnh vào nó.

Loại tên lửa S-300, "nhất chuyên đa năng" này, luôn khiến người ta cảm thấy khó hiểu. Về khả năng phòng không, nó không thể chặn được các loại tên lửa OTR-21 Tochka-U và HIMARS của Ukraine. Khi đối đất, nó không chính xác cũng không mạnh, chỉ có thể bắn trúng các mục tiêu như các tòa nhà không yêu cầu độ chính xác và gây tác dụng uy hiếp, chỉ là có hơn là không. Đã như thế, tại sao các nhà thiết kế Nga ngay từ đầu đã bổ sung một chức năng không cần thiết như vậy cho tên lửa phòng không?

Câu trả lời có thể là một từ, đó là do "nghèo"?