Sau 2 thập niên, Singapore sẽ chính thức có thế hệ lãnh đạo thứ tư. Ngày chuyển giao được ấn định vào 15/5 với việc Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ tài chính Lawrence Wong (còn gọi là Hoàng Tuần Tài) trở thành Thủ tướng, tiếp nhận vị trí của ông Lý Hiển Long (72 tuổi).
Chuyển giao quyền lực cũng đồng nghĩa với việc ông Lý Hiển Long sẽ kết thúc 18 năm nắm quyền, và kỷ nguyên “Lý gia thống trị” ở Singapore cũng sắp chấm dứt.
- Bốn thế hệ lãnh đạo của Singapore sẽ gồm Lý Quang Diệu - Goh Chok Tong - Lý Hiển Long. Đây vẫn là kiểu lãnh đạo truyền nối. Theo ông, vì sao mô thức chuyển quyền này lại không khiến Singapore rơi vào khủng hoảng như một số mô hình “chuyên chế” ở quốc gia khác?
GS Nguyễn Hữu Liêm: Ở một số nước phương Tây, cử tri hay chán nản khi phải chứng kiến những “gương mặt thân quen” nắm quyền hơn 2 nhiệm kỳ, khi đó họ sẽ bỏ phiếu cho sự thay đổi. Điều này thường xảy ra ở Anh, Úc và Mỹ.
Nhưng Singapore thì khác. Nói chung Singapore là một quốc gia sinh sau, đẻ muộn với nhiều may mắn. Lãnh đạo tốt, lãnh thổ nhỏ, tầng lớp ưu tú đạo đức, chính quyền trong sạch, quần chúng mang tính kỷ luật cao trong một truyền thống văn hóa chấp nhận giới hạn quyền công dân với một chính quyền trong sạch và hiệu năng.
Dân chúng Singapore đa số là người gốc Hoa vốn không có yêu cầu một thể chế chính trị dân chủ theo kiểu Tây phương. Do đó, trật tự truyền thống chính trị từ lúc Lý Quang Diệu lên nắm quyền từ 1965 vẫn còn duy trì cho đến ngày hôm nay.
- Điều mà nhiều người quan tâm lúc này là Singapore đào tạo đội ngũ lãnh đạo kế thừa như thế nào để vẫn giữ vững sự ổn định và đất nước phát triển, thưa Giáo sư?
GS Nguyễn Hữu Liêm: Chiến lược cán bộ của Singapore là chú trọng bồi dưỡng thế hệ trẻ, cụ thể là những người có tiềm năng lãnh đạo. Chính phủ, mà cụ thể ở đây là Đảng Nhân dân Hành động (PAP), đảng cầm quyền ở Singapore, có một chính sách và kế hoạch theo dõi những nhân tài, có tiềm năng lãnh đạo từ rất trẻ. Nhiều người trong số họ nhận được các học bổng chính phủ danh giá như học bổng tổng thống hoặc học bổng du học SAF. Đây là nguồn lãnh đạo tương lai của Singapore.
Khi họ trưởng thành, PAP bắt buộc các ứng viên lãnh đạo, ngoài tiêu chuẩn đạo đức, phải có một phẩm chất gọi là “tầm nhìn trực thăng”, nghĩa là phải có khả năng nhìn xa trông rộng, đánh giá và xử lý các vấn đề ở vị trí thoát ra khỏi mớ hỗn loạn chính trị. Nói cách khác, nhà lãnh đạo phải nhìn xa hơn các nhiễu loạn chính trị ngắn hạn, để theo đuổi những gì tốt cho đất nước ở góc độ dài hạn và vĩ mô. Ngoài ra còn phải có khả năng lên kế hoạch, chỉ đạo và tổ chức.
Nhiều năm trước, ông Lý Quang Diệu từng nói: “Người lãnh đạo phải là thép tôi luyện, nếu không thì anh ta nên bỏ cuộc ngay”. Đây cũng là một lý do tại sao quân đội Singapore luôn là một trong những nơi chính phủ xác định ứng viên lãnh đạo ngay khi các quân nhân mới bắt đầu sự nghiệp, thử thách họ trong 1-2 thập niên bằng cách luân chuyển qua các vị trí khác nhau với nhiều áp lực công việc. Những người thành công sẽ trở thành ứng viên tiềm năng cho các chức vụ bộ trưởng hàng đầu.
Tóm tắt lại, quá trình tuyển chọn lãnh đạo tương lai của Đảng Nhân dân Hành động mang đặc thù rất riêng của Singapore. Nó thích hợp với quy mô và lý lịch chính trị của đảng này - họ luôn tự hào có một nền chính trị và quản lý trong sạch, nơi các lãnh đạo tiềm năng được xác định từ rất sớm để nuôi dưỡng và đề bạt, cũng như ngăn chặn kịp thời nếu bị phát hiện động cơ thiếu trong sáng.
- Nhiều người ca ngợi ông Lý Quang Diệu (một luật sự, học ở Anh) khi đứng đầu một đất nước đã có chính sách tìm kiếm và trọng dụng nhân tài rất hiệu quả. Xem ra có vẻ là một nghịch lý: cơ chế tự do mới sinh ra nhân tài chứ?
GS Nguyễn Hữu Liêm: Lý Quang Diệu không quan niệm rằng phải có tự do chính trị như Âu Mỹ mới thu hút được nhân tài. Ông đưa ra chủ trương thực dụng để mời gọi giới kỹ trị bằng cơ hội nghề nghiệp chuyên môn và lương bổng trợ cấp dồi dào. Ví dụ, một chuyên gia điện toán, nếu cư ngụ gần cha mẹ già, trong một chu vi nào đó, sẽ được hưởng phụ cấp thêm vì chuyên gia đó sẽ giúp thay mặt xã hội trông lo cho cha mẹ. Người tài sẽ được trọng dụng đúng chức năng.
Ông lý Quang Diệu chuyển quyền lãnh đạo cho Goh Chok Tông. Sau đó ông Goh Chok Tông cho ông Lý Hiển Long và nay Lý Hiển Long lại chuyển cho Hoàng Tuần Tài. Theo cách thức nào, cơ chế nào, triết lý nào mà người dân Singapore lại vui vẻ chấp nhận thực trạng này thưa Giáo sư?
GS Nguyễn Hữu Liêm: Sự “truyền ngôi” theo kiểu gia đình trị của Lý Quang Diệu là cả một nghệ thuật thiết kế chính trị công quyền tuyệt hảo - mà Hunsen của Campuchia cũng đang làm theo. Sự thành công của thiết kế độc quyền này tùy thuộc vào (1) Ý thức chính trị công dân, (2) Tính hiệu năng và trong sạch của lãnh đạo và cơ chế, (3) Cấu trúc quần chúng đơn giản (Singapore chỉ có hai khối công dân quan trọng là người Hoa và Mã Lai) trong một lãnh thổ nhỏ, với một lịch sử quốc gia ngắn và không phức tạp, không mang nhiều yếu tố địa lý và lịch sử uẩn khúc.
Ngày 9/8/1965, Lý Quang Diệu rơi nước mắt khi tuyên bố đã chấp nhận đề nghị Singapore rời khỏi liên bang Malaysia để thành quốc gia độc lập. Ông đã đưa Singapore từ một “vùng đất hoang” thành một trong những nước phát triển hàng đầu khu vực bằng một nền kỷ luật thép. Các nhà phân tích thế giới nhìn nhận như thế nào về mô hình phát triển này?
GS Nguyễn Hữu Liêm: Mô hình kỷ luật thép của Singapore có thể rất hiệu năng cho một thể loại quần chúng trong một thời điểm thích hợp. Điều này đã diễn ra với Hàn Quốc từ thập kỷ 1960 - 1970, và Campuchia hiện nay. Điều kiện tiên quyết là sự đồng thuận của quần chúng cho trật tự kỷ luật đó. Một quốc gia cũng gần giống như một nhân thể, lúc sinh ra và còn non trẻ thì cần một lãnh tụ và chính quyền như “bậc cha mẹ” nuôi dưỡng và kỷ luật cho đến lúc trưởng thành.
Điều quyết định là trình độ tiến hóa về ý thức công dân và truyền thống văn hóa chính trị. Ông Lý Quang Diệu được coi như là một “minh quân” (philosopher-king) của quốc gia nhỏ bé và non trẻ này. Thế giới nhìn vào và hầu hết ngưỡng mộ Singapore dù rằng trên nguyên tắc đó là một quốc gia độc tài và quyền chính trị của công dân bị giới hạn và kiểm soát ngặt nghèo.
Nhiều người nói thành công nhất của ông Lý Quang Diệu là đã xây dựng được một Đảng Hành động nhân dân lấy thực tế và hành động làm chính chứ không quan trọng chủ thuyết. GS đánh giá như thế nào về cách thức vận hành của Đảng này?
GS Nguyễn Hữu Liêm: Dù rằng Singapore là một nền cộng hòa theo thể chế đa đảng - hiện đang có 11 đảng chính trị hợp pháp - nhưng Đảng Hành động Nhân dân (People-Action Party - PAP) của ông Lý Quang Diệu là một cơ chế chính trị kiểm soát hết mọi mặt. Sự điêu luyện công quyền của PAP là thiết kế một guồng máy và quy trình bầu cử bảo đảm cho sự cầm quyền gần như tuyệt đối của nó. Tiếp theo là PAP theo chủ nghĩa thực dụng kinh tế, không giáo điều.
Kết quả kinh tế thị trường là biện minh cho độc đảng chính trị. Hễ ngày nào mà “chiếc bánh” lợi tức và cơ hội kinh tế của người dân được phát huy theo nhịp thời gian thì khối công dân ở đó chấp nhận sự đánh đổi giữa tự do chính trị và quyền lợi vật chất thực tế. Tuy nhiên, sự thành công của PAP là guồng máy công quyền trong sạch, liêm chính và minh bạch. Nền nếp và phong hóa công dân của đảng viên PAP mang tính kỷ luật thanh liêm cao độ của một giai tầng kỹ trị có học vấn và văn hóa cao. Đảng viên PAP là một tập thể của những con người có ý thức, có nhân phẩm, đặt mục tiêu và chủ đích tập thể và quốc gia lên hàng đầu.
Tại Singapore, cử tri đã quen bỏ phiếu cho PAP, dù các đảng chính trị đối lập đã gây sức ép đáng kể lên chính phủ từ năm 1984.
Bởi chính quyền PAP có lý lịch điều hành khá tốt, sẵn sàng thay đổi khi cần thiết trong đường hướng và chính sách, do đó bầu cho PAP là một lựa chọn an toàn. Cử tri cũng hiểu rõ quy trình chọn lọc lãnh đạo khắc nghiệt của PAP và ủng hộ điều này.
Nhìn theo triết học Đông và Tây, GS vẫn hay trích dẫn câu nói nổi tiếng của luật sư Lord Action: “Quyền lực thường là tha hóa. Quyền lực tuyệt đối thì tha hóa tuyệt đối”. Vậy làm thế nào mà ông Lý Quang Diệu để lại một di sản kiểu “cha truyền con nối” mà đất nước lại vẫn thịnh vượng và phát triển?
GS Nguyễn Hữu Liêm: Singapore là một nền cộng hòa theo mô thức Platon, rằng, giới tinh hoa dẫn dắt bởi một lãnh tụ anh minh, với cứu cánh quốc gia làm kim chỉ nam, thì trong một điều kiện không gian, thời gian thích hợp sẽ được nhân dân và thế giới chấp nhận. Dân chủ đa nguyên, đa đảng, đối với một số khối dân nào đó, vẫn còn là một xa xỉ phẩm.
Singapore là một quốc gia với thể chế tập quyền mềm - soft-authoritarian - chứ không phải là độc tài tuyệt đối. Ngay cả khi Lý Thủ tướng ở đỉnh cao quyền lực cũng không thể hiện sự tha hóa hay tàn bạo.
Quan trọng hơn là thể chế này cho phép được tiến hóa bằng các cải cách kịp thời. Hai cuộc bầu cử gần đây đã tạo cơ hội chính trị cho các đảng khác, ví dụ Đảng Công nhân (Workers' Party) đã thắng thêm một số ghế trong quốc hội mới. Nghệ thuật chính trị là ở chỗ đó: Hãy cho cơ hội tham chính gia tăng và mở rộng theo nhịp điệu tiến hóa của ý thức quần chúng, theo thời đại và ý chí công dân. Lý Quang Diệu và hậu duệ của ông là những nhà chính trị tài nghệ, biết người, biết ta, biết thời thế - và họ là những con người lãnh đạo trong sạch, trọng nhân phẩm và có tài. Có thể Singapore là bài học cho Việt Nam chúng ta.
Xin cám ơn GS!
TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội:
3 nguyên tắc và 4 trụ cột đào tạo, lựa chọn nhân tài của Singapore
Quản trị nhân tài của Singapore dựa trên 3 nguyên tắc cơ bản:
- Vai trò quyết định của nhân tài và lãnh đạo trong việc quản trị tốt đất nước.
- Chế độ nhân tài - meritocracy - như là nền tảng cho việc lựa chọn, sử dụng, thăng tiến và giữ chân nhân tài.
- Sử dụng người làm việc có tính liên kết và trung thực.
Nguyên tắc quản trị nhân tài này được triển khai trên 4 trụ cột chính như sau:
(1) Học bổng tiền công vụ (HBTCV): Từ năm 1962, HBTCV được cấp cho những học sinh trung học phổ thông có kết quả học tập xuất sắc, để tuyển dụng những người này trong tương lai cho các chức năng công vụ cao cấp. Hàng năm, có khoảng 2.500 đơn đề nghị cấp học bổng này và trung bình xét duyệt được 60 suất. Những sinh viên được cấp học bổng phải cam kết sau khi học sẽ trở về phục vụ 4-7 năm trong công vụ. Ban đầu họ tham gia vào chương trình liên kết quản lý kéo dài 4 năm, nếu đủ điều kiện thì được chuyển vào công vụ hành chính.
(2). Chương trình liên kết quản lý (CTLKQL): CTLKQL được đưa ra vào năm 2002 với tính chất là một chương trình phát triển nghề nghiệp quản lý. Chương trình được thiết kế nhằm thu hút những người tốt nghiệp đại học trong nước vào làm việc cho Chính phủ.
Trong khi người nhận HBTCV sau khi tốt nghiệp về nước đương nhiên vào chương trình này, thì những người tốt nghiệp đại học trong nước phải qua tuyển dụng công khai. Người trúng tuyển được bố trí làm việc trong bộ chủ quản, rồi được luân chuyển làm việc tại nhiều bộ khác. Trong chương trình có một khóa đào tạo căn bản 3 tháng, bao gồm tham quan các nước ASEAN, nhóm công tác liên bộ, diễn đàn chính sách, hội thảo nước ngoài... Kết thúc chương trình 4 năm, họ sẽ được phỏng vấn xem có đủ điều kiện chuyển tiếp vào công vụ hành chính danh tiếng hay không.
(3) Công vụ Hành chính (CVHC): CVHC là bộ phận chất lượng hàng đầu của đội ngũ công chức Singapore. Những người từ HBTCV và CTLKQL được Ban Công vụ bổ nhiệm và được gọi là công chức hành chính (administrative officer). Hiện tại có khoảng 200 công chức hành chính kiểu này đang làm việc trong bộ máy chính phủ.
Chính vì vậy, vụ trưởng, vụ phó ở Singapore rất trẻ so với một số nước. Công chức HC xuất sắc nhất thường đảm nhận đến chức vụ cao nhất là thứ trưởng thường trực của các bộ. Khi công chức HC độ 35-36 tuổi, họ sẽ được đánh giá về tiềm năng và nếu kết quả cho thấy tiềm năng của họ thấp hơn so với tiềm năng của các thứ trưởng đương chức thì họ sẽ được yêu cầu rời khỏi CVHC.
(4) Chương trình tiềm năng cao (High Potential Program): Chương trình này dành cho công chức đang làm việc. Mục tiêu là phát triển năng lực lãnh đạo của công chức trên các lĩnh vực quản lý của bộ máy công vụ. Công chức sẽ có cơ hội tham gia các chương trình đào tạo quan trọng, làm việc trong các nhóm công tác dự án liên cơ quan, được điều động đến làm việc ở nhiều bộ khác, tham gia các diễn đàn về lãnh đạo và quản trị và đảm nhiệm những nhiệm vụ đầy thách thức. Thông thường, công chức phải làm việc ít nhất 2 năm, rồi mới được xem xét đưa vào chương trình này”.