|
Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN) |
Hiện nay, việc phát triển về số lượng các nhóm, lớp mầm non tư thục đã mang lại những tác động tích cực, góp phần giảm bớt gánh nặng và tình trạng quá tải cho các trường mầm non công lập.
Tuy nhiên, những khó khăn, bất cập trong công tác quản lý hoạt động các nhóm, lớp này đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ em. Đặc biệt, sau vụ việc cháu bé 17 tháng tuổi bị bạo hành dẫn đến tử vong, càng đặt ra cho các cấp, ngành yêu cầu tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát thường xuyên hoạt động của các cơ sở mầm non tư thục.
Cảnh báo lỗ hổng trong quản lý
Liên quan đến vụ việc cháu bé 17 tháng tuổi tử vong tại cơ sở trông giữ trẻ tự phát trên địa bàn xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín, Hà Nội, Công an huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với hai đối tượng bảo mẫu tại cơ sở này là Nguyễn Thị Lành và Nguyễn Thị An để điều tra về hành vi giết người.
Cơ quan công an cũng cho biết cơ sở trông giữ này là nhóm trẻ tự phát, không đảm bảo cho lớp học, không có camera giám sát, nhân chứng lại là các cháu bé, chưa biết nói. Cơ sở này đã bị xử phạt 2 lần do không đảm bảo điều kiện hoạt động, lần xử phạt gần đây nhất vào đầu tháng 11/2022.
Sau sự việc, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã có văn bản yêu cầu tăng cường quản lý cơ sở mầm non ngoài công lập trên địa bàn thành phố. Trong đó, đề nghị Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã thực hiện tốt việc phân cấp quản lý giáo dục tại địa phương; chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ủy ban Nhân dân xã, phường, các ban, ngành, đoàn thể kiểm tra, giám sát cơ sở giáo dục mầm non; nâng cao trách nhiệm, vai trò của Ủy ban Nhân dân xã, phường trong việc quản lý cấp phép và kiểm tra sau cấp phép đối với các nhóm trẻ độc lập, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập loại hình dân lập, tư thục; kiên quyết xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm quy định.
Nhiều vụ việc tương tự đã từng xảy ra tại các nhóm trẻ, lớp mầm non tư thục trong thời gian trước.
Tháng 1/2023, bảo mẫu Võ Thị Mỹ Linh (30 tuổi) tại Thành phố Hồ Chí Minh bạo hành bé 6 tháng tuổi dẫn đến thương tích 99%.
Tháng 10/2022, một giáo viên nhóm lớp tư thục ở Đà Nẵng đã có hành vi đánh, xách, ném, kéo lê, dọa nạt trẻ và cho trẻ ăn đồ ăn đã nhả ra, đút cơm thô bạo.
Tháng 7/2022, bé gái 2 tuổi tại Đà Lạt bị bạo hành đến chấn thương sọ não. Tháng 7/2022, tại Hà Nội, một bảo mẫu và chồng đã dùng dây sạc điện thoại buộc chân, dùng que gỗ, búa nhựa đánh vào đầu, người, dùng băng dính bịt miệng em bé 1 tuổi do cháu sốt, quấy khóc.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 49/2021/TT-BGDĐT về Quy chế tổ chức và hoạt động nhóm trẻ độc lập, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập loại hình dân lập, tư thục, có hiệu lực từ ngày 15/2/2022.
Thông tư này quy định chi tiết về tổ chức, quản lý, hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục với nhóm trẻ độc lập quy mô tối đa 7 trẻ, nhóm trẻ độc lập quy mô trên 7 trẻ, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập.
Những tiêu chuẩn, nhiệm vụ của giáo viên, nhân viên cũng được quy định cụ thể. Trong đó, giáo viên, nhân viên có nhiệm vụ bảo vệ an toàn về thể chất, tinh thần của trẻ em trong thời gian trẻ em ở cơ sở giáo dục mầm non độc lập; thực hiện nhiệm vụ nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em theo Chương trình giáo dục mầm non; giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo; đối xử công bằng, tôn trọng nhân cách của trẻ em; bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của trẻ em; đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp; thực hiện quy tắc ứng xử của giáo viên, các quy định đạo đức nhà giáo theo quy định…
|
Trẻ mầm non bị bạo hành tại Thái Bình. (Ảnh cắt từ clip) |
Tuy nhiên, những vụ việc xảy ra cho thấy vẫn còn lỗ hổng trong quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở mầm non tư thục nên tình trạng trẻ bị bạo hành, xâm hại vẫn tiếp diễn.
Tăng cường kiểm tra, giám sát
Theo bà Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, hệ thống văn bản pháp luật để quản lý việc tổ chức, hoạt động của các cơ sở giáo dục mầm non nói chung, cơ sở mầm non ngoài công lập nói riêng đã được ban hành khá toàn diện.
Tuy nhiên, trong quá trình vận hành tại các địa phương, công tác kiểm tra, giám sát chưa thực sự thường xuyên, chặt chẽ nên để xảy ra nhiều vụ việc nghiêm trọng tại các cơ sở giáo dục mầm non tư thục thời gian qua; do đó cần nhìn nhận lại việc xử lý vi phạm, phải thật sự nghiêm khắc, đảm bảo tính răn đe.
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho rằng, bạo lực trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non, đặc biệt là các cơ sở giáo dục mầm non hoạt động không phép khá phổ biến từ trước đến nay.
Để hạn chế, ngăn chặn những vụ việc này, vấn đề quan trọng là cần có sự chung tay phối hợp chặt chẽ, thường xuyên của nhiều lực lượng với vai trò nòng cốt là Ủy ban Nhân dân cấp xã, phường, thị trấn và cơ quan quản lý giáo dục các quận, huyện, thành phố, thị xã. Bởi chỉ có cấp gần dân nhất mới nắm bắt, hiểu đầy đủ về điều kiện hoạt động, tình hình thực tế của các cơ sở trông, giữ trẻ trên địa bàn.
Khi nào việc quản lý được thực hiện đầy đủ, công tác kiểm tra, xử lý tiến hành kiên quyết, khi đó, sức khỏe, quyền lợi và sự an toàn của trẻ nói chung, trẻ ở tuổi mầm non nói riêng mới được bảo đảm.
Nhìn nhận từ hệ thống giáo dục mầm non hiện nay, có thể thấy, sự thiếu hụt về trường lớp và giáo viên cũng là yếu tố khiến trẻ em có nguy cơ bị bạo hành khi được bố mẹ gửi ở những cơ sở không đảm bảo về điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng.
Theo số liệu của Bộ giáo dục và Đào tạo, cả nước thiếu gần 100.000 giáo viên, trong đó, thiếu nhiều nhất ở bậc mầm non. Sau đại dịch COVID-19, với hàng loạt cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập phải đóng cửa, giáo viên bỏ nghề nhiều nhất cũng ở bậc mầm non.
Cùng đó, tại các địa phương có nhiều khu công nghiệp, đông dân cư thì trường mầm non công lập chỉ đáp ứng được một phần. Nhiều nơi có 30-40% nhu cầu gửi trẻ phải trông chờ vào trường, lớp tư thục; thậm chí, có nơi chỉ đáp ứng khoảng 1/5 nhu cầu học của trẻ.
Phó Giáo sư-Tiến sỹ Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ, trong bối cảnh hiện nay, xu hướng phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập là cần thiết và cần được khuyến khích, tạo điều kiện để hỗ trợ hệ thống mầm non công lập, thúc đẩy xã hội hóa giáo dục.
Tuy nhiên, cùng với đó phải đảm bảo việc thanh, kiểm tra thường xuyên, liên tục, các cơ sở phải đảm bảo điều kiện hoạt động về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình... Đặc biệt, cần mạnh tay xử lý các cơ sở hoạt động không phép để người dân yên tâm gửi gắm con.
Phó Giáo sư-Tiến sỹ Trần Xuân Nhĩ cũng nhấn mạnh, các địa phương cần chỉ đạo quy hoạch xây dựng các cơ sở giáo dục mầm non tại khu đô thị, khu công nghiệp, khu đông dân cư nhằm đảm bảo đủ trường lớp, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân.
Để đảm bảo an toàn cho trẻ em tại các cơ sở giáo dục mầm non, ngăn chặn tình trạng bạo hành trẻ, cần có sự phối hợp đồng bộ, trách nhiệm từ nhiều phía với những giải pháp thiết thực, mạnh mẽ, được thực hiện thường xuyên, liên tục chứ không phải chờ đến khi có sự việc đau lòng xảy ra mới lại rốt ráo triển khai. Có như vậy, những sự việc đáng tiếc liên quan đến mất an toàn với trẻ tại các cơ sở mầm non tư thục mới có thể chấm dứt./.
Theo Vietnam+