Các dự án giúp vươn tầm thế giới
Giữa thập kỷ 1990, sau hơn một thập kỷ cải cách mở cửa, kinh tế Trung Quốc đã khởi sắc mạnh mẽ nhưng bức tranh đại học thì tối màu, không mấy sáng sủa. Đại học Trung Quốc tụt hậu xa, lạc điệu với thế giới, ngay cả các trường đại học tốt nhất khi đó của Trung Quốc vẫn tồn tại khoảng cách quá lớn với thế giới.
Trong khi đó, thế giới tiến bước vào nền kinh tế tri thức, sản xuất tri thức là nền tảng của khả năng cạnh tranh kinh tế của các quốc gia trong nền kinh tế toàn cầu.
Các trường đại học, nhất là các đại học định hướng nghiên cứu, được xem là các nhân tố chính trong sản xuất kiến thức, là chìa khóa để đổi mới công nghệ, phát triển kinh tế,...
Trung Quốc với tham vọng lớn, quyết tâm chính trị mạnh mẽ đã xúc tiến một loạt đại dự án nhằm nâng tầm một nhóm nhỏ các trường đại học tiềm năng trở thành đại học đẳng cấp thế giới.
Khởi đầu là Dự án 211 thực hiện từ năm 1995, đầu tư cho 112 trường đại học trọng điểm và một số ngành học chính để có cơ sở vật chất, điều kiện làm việc đạt “tiêu chuẩn quốc tế”; cải thiện năng lực giảng dạy và nghiên cứu khoa học, tạo nền tảng để Trung Quốc đáp ứng những thách thức của cuộc cách mạng công nghệ mới trong thế kỷ 21.
Tiếp đến là Dự án 985 thực hiện từ năm 1998, tập trung đầu tư cho một số ít các trường đại học tốt nhất để trở thành đại học đẳng cấp thế giới. Sáng kiến này được khởi xướng bởi Chủ tịch Giang Trạch Dân khi ông phát biểu nhân kỉ niệm 100 năm thành lập Đại học Bắc Kinh ngày 4/5/1998. Ông Giang Trạch Dân nhấn mạnh rằng để thực hiện hiện đại hoá, Trung Quốc cần phải có một số trường đại học nòng cốt đẳng cấp thế giới.
Sau đó, chính quyền trung ương đã quyết định tài trợ cho Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa mỗi trường 1,8 tỉ nhân dân tệ trong thời gian 3 năm từ năm 1998-2001. Đến năm 1999, có thêm 7 trường được đưa vào danh sách thành 9 trường, thường được gọi là Nhóm C9, sau đó có thêm 30 trường, tổng cộng là 39 trường.
Gần đây nhất là Dự án “Song nhất” bắt đầu từ năm 2017, tích hợp Dự án 211 và Dự án 985, với mục tiêu cùng lúc phát triển các đại học và các ngành học hạng nhất thế giới, trong vòng đầu tiên có 42 trường được lựa chọn để phát triển trở thành đại học hạng nhất thế giới; 95 trường đại học sẽ tập trung vào việc phát triển các ngành học cốt lõi của mình trở thành các ngành học hạng nhất thế giới...
Dự án “Song nhất” hoạt động theo cơ chế cạnh tranh căn cứ vào thành tích và kết quả, bởi vậy, các trường hoạt động kém sẽ bị loại khỏi danh sách, các trường có thành tích cao sẽ được bổ sung vào danh sách trong vòng tiếp theo, danh sách được điều chỉnh 5 năm một lần.
“Song nhất” là một phần quan trọng trong nỗ lực lớn hơn của Trung Quốc nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học, thu hút nhân tài quốc tế và gia tăng ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc về học thuật, nghiên cứu. Hơn nữa, mục tiêu hướng đến không thuần túy chỉ là tạo ra những đột phá khoa học, đào tạo nhân tài mà còn chuẩn bị nền tảng cho sự đổi mới và tiến bộ xã hội.
Các đại dự án đã tạo xung lực mạnh mẽ, tạo đà và động lực to lớn đối với các trường đại học được lựa chọn. Các trường đã nỗ lực hết mình, tìm mọi cách để đáp ứng tốt yêu cầu của dự án, biến mục tiêu đầy tham vọng của nhà nước thành các nhiệm vụ cụ thể.
Vượt qua đại học Mỹ
Các trường đại học của Trung Quốc đã cải cách mạnh mẽ, quyết liệt trên nhiều phương diện, cải cách mạnh tay chế độ nhân sự để thu hút và nuôi dưỡng nhân tài, đột phá vào R&D để tạo bệ phóng cho thăng hạng, quốc tế hóa mạnh mẽ, kết nối trí tuệ toàn cầu,... Mọi hoạt động đều hướng tới gia tăng số lượng bài báo quốc tế, bằng sáng chế, các giải thưởng khoa học, số lượng giảng viên và sinh viên quốc tế...
Kết quả là, đại học Trung Quốc có bước “đại nhảy vọt” trong số lượng bài báo quốc tế, số lượng bằng sáng chế trong các bảng xếp hạng toàn cầu,... Năm 1978, các học giả Trung Quốc chỉ công bố 145 bài báo quốc tế trong Scopus nhưng đến năm 2018, Trung Quốc đã soán ngôi của Mỹ trở thành quốc gia có số lượng bài báo quốc tế lớn nhất thế giới, vượt Mỹ về chỉ số trích dẫn cả trong top 10% và top 1% các bài báo quốc tế trong lĩnh vực khoa học và kỹ thuật được trích dẫn nhiều nhất.
Ở top 10%, Trung Quốc chiếm 24,8% trong khi Mỹ là 22,9%. Ở top 1%, Trung Quốc chiếm 1,67% so với 1,62% của Mỹ.
Năm 2019, Trung Quốc dẫn đầu về số đơn xin cấp bằng sáng chế, chiếm 40% tổng số đơn cấp bằng sáng chế của thế giới.
Ở các bảng xếp hạng toàn cầu, ngày càng xuất hiện nhiều đại học Trung Quốc. Năm 2022, Trung Quốc đã vượt Mỹ về số trường đại học tốt nhất thế giới theo Báo cáo của U.S. News & World Report. Năm 2022, Trung Quốc có 338 trường đại học lọt vào danh sách so với 280 trường đại học của Mỹ.
Ở Bảng xếp hạng THE 2024 -2025, Trung Quốc có hai trường tiến dần tới tốp 10 là Đại học Thanh Hoa đứng thứ 12, Đại học Bắc Kinh đứng thứ 14.
Giờ đây, với sự tự tin và quyết tâm hơn bao giờ hết, Trung Quốc đang trên hành trình chinh phục mục tiêu đầy tham vọng trở thành cường quốc giáo dục đại học với các trường đại học, ngành học hạng nhất thế giới vào năm 2050.
Liệu Trung Quốc có đạt được tham vọng của mình vào năm 2050 hay không? Chỉ có thời gian mới có câu trả lời chính xác nhất. Chỉ biết rằng trong vài thập kỷ qua, với tham vọng lớn, quyết tâm chính trị mạnh mẽ, đầu tư chiến lược, đại học Trung Quốc đã có bước "đại nhảy vọt” vươn tầm đẳng cấp thế giới.
Ngày nay, Trung Quốc không chỉ biết đi nhờ “chuyến tàu nhanh” của các nước phát triển mà trở thành quốc gia cho các nước khác đi nhờ “chuyến tàu nhanh” của mình. Hàng năm, có tới trên dưới 500.000 du học sinh đến Trung Quốc học tập, trong đó số du học sinh Việt Nam là khoảng 30.000 người.
Đón đọc bài 2: Giải mã bước "đại nhảy vọt" của đại học Trung Quốc