Điểm đáng chú ý tại dự thảo Luật Nhà giáo vừa được Bộ GD&ĐT xin ý kiến Quốc hội là đề xuất nhà nước trả tiền học phí từ mầm non đến đại học cho con đẻ và con nuôi hợp pháp của các nhà giáo đang trong thời gian công tác.
Trao đổi với VietTimes, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Nhà giáo Nhân dân Vũ Minh Giang - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội - cho rằng đề xuất này nhằm giúp các nhà giáo có đời sống ổn định, thu hút người giỏi. Tuy nhiên, nếu được thông qua, đề xuất sẽ tạo nên sự bất công giữa các ngành nghề, kích thích xu hướng chăm lo lợi ích cục bộ và khiến tổng thể xã hội không phát triển lành mạnh.
"Nhiều giáo viên không muốn nhận ưu đãi này"
Đề xuất miễn học phí cho con đẻ và con nuôi hợp pháp của các nhà giáo đang vấp phải tranh luận trái chiều. Ông nghĩ gì khi chính sách này được thông qua thì hằng năm ngân sách nhà nước phải cấp chi trả thêm hơn 9.200 tỷ đồng/năm?
Trước hết, phải nói rằng đề xuất này mang tính nhân văn, thể hiện sự quan tâm tới đội ngũ giáo viên, tới những người cống hiến cho tương lai đất nước. Chúng ta có thể cảm thông với mong muốn đó. Hay nói cách khác, đề xuất này xuất phát từ ý tưởng muốn tạo điều kiện, ưu ái cho ngành giáo dục. Nhưng để nhà nước mỗi năm phải lấy 9.200 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước để bù vào khoản ưu tiên này thì rất không nên.
Theo tôi được biết thì ngay cả trong đội ngũ giáo viên nhiều người cũng không muốn nhận sự ưu đãi này. Vì thế, cách làm này chưa chắc mang tới suy nghĩ tích cực cho những người trong ngành, chứ chưa nói tới những người ngoài ngành.
Theo ông, nếu được áp dụng, việc miễn học phí cho con em giáo viên sẽ tác động thế nào đến con em của cán bộ ngành giáo dục?
Có hai trạng thái tâm lý dễ xảy ra. Thứ nhất, học sinh mang tâm lý cậy thế là con giáo viên, có ưu tiên này thì sẽ có ưu tiên khác. Điều này mang tới tâm lý không lành mạnh cho ngay cả các học sinh, sinh viên là con cán bộ trong ngành giáo dục.
Ngược lại là tâm lý thứ hai là tâm lý mặc cảm của con giáo viên với các em học sinh khác khi được thụ hưởng lợi ích mà bản thân không có đóng góp gì.
Cả hai trạng thái tâm lý này đều không có lợi cho con em cán bộ ngành giáo dục.
Vì cục bộ của riêng ngành, không vì đại cục của xã hội
Bộ GD&ĐT chia sẻ rằng đề xuất trên được đưa ra nhằm xây dựng chính sách giúp nhà giáo có đời sống ổn định, yên tâm công tác, thu hút thêm người giỏi. Ông nghĩ gì về giải thích này?
Theo quy định mới, lương giáo viên tương đối cao. Ngoài ra, nhiều giáo viên còn có nguồn thu nhập khác. Nhìn chung, thu nhập của giáo viên thì không phải thấp. Vì thế, cần xem xét lại việc đặt vấn đề miễn học phí cho tất cả các con giáo viên. Nếu có ưu tiên thì nên dành cho những trường hợp cụ thể, không cứ phải là con em giáo viên, mà là những trường hợp khó khăn, cần động viên các cháu nỗ lực học tập vươn lên.
Tôi được biết không ít giáo viên có điều kiện kinh tế rất tốt, thậm chí có người còn có xe Mercedes đi làm. Nếu miễn học phí cho con em nhà giáo thì dễ tạo ra suy nghĩ về sự bất bình đẳng, có thể tạo nên sự phản cảm.
Như vậy, thay vì yên tâm công tác, gắn bó với ngành, nhà giáo có thể sẽ tâm tư, trở thành đối tượng bị bình luận, so sánh nếu đề xuất miễn học phí trên được thông qua.
Giáo viên cần nhất là được xã hội tôn trọng. Điều đó có nghĩa là cần một chính sách nhất quán để tôn vinh những người Thầy.
Thực tế, trên mạng xã hội vẫn còn những nhận định không đúng mực về những người làm nghề giáo. Từ những trường hợp cụ thể họ bình luận linh tinh rồi “ném đá” vào cả một ngành. Điều đó là không nên, đặc biệt là đối với những người làm nghề thầm lặng mà cao quý như nghề giáo.
Được đánh giá đúng, được trân trọng và tôn vinh mới là những điều mà giáo viên cần. Nếu có mức lương cao hơn các ngành khác thì cũng chỉ là tương đối thôi, là để biểu thị sự tôn trọng; còn lương, thu nhập và các quyền lợi về kinh tế của giáo viên thì nên theo chủ trương chung, phụ thuộc vào trình độ của bản thân giáo viên mà mức sống của xã hội. Nếu để thu nhập của đội ngũ giáo viên cao hơn hẳn những nghề khác thì là không hợp lý.
Việc tôn trọng nhà giáo là điều hết sức cần thiết, phải được coi như là Quốc sách, không phải chỉ bằng lời mà bằng những hành động cụ thể của học sinh, của phụ huynh, của xã hội. Nhưng miễn học phí cho con giáo viên, theo tôi không phải là tôn vinh nghề giáo.
Có ý kiến cho rằng nếu đề xuất này được thông qua sẽ tạo tiền lệ xấu về việc ưu tiên, ưu đãi. Phạm vi khi đó không chỉ là con em cán bộ ngành giáo dục mà có thể mở rộng ra các ngành khác. Ông nghĩ gì khi dư luận lo ngại việc này có thể cổ suý cho việc tạo chế độ riêng, đòi hỏi đặc quyền đặc lợi?
Thực tế, mỗi ngành đều nắm những lợi thế riêng, đặc thù riêng và nếu ngành nào cũng tư duy như vậy thì có nguy cơ dẫn tới lợi ích cục bộ. Cách tư duy này hơi cũ và mang tính cục bộ của riêng ngành, chứ không phải vì đại cục của xã hội.
Việc áp dụng chính sách riêng cho con em ngành giáo dục có thể dẫn tới tình trạng đó, bởi các cán bộ ngành khác sẽ suy nghĩ rằng vì tại sao ngành giáo dục làm được và ngành mình thì không. Tôi ví dụ, theo lối tư duy ấy, ngành y tế tại sao không nghĩ chuyện đề xuất miễn phí khám, chữa bệnh cho con em trong ngành y, miễn phí cầu đường cho con những người làm trong nghề giao thông...
Cứ như thế theo mạch lối ấy sẽ khó tránh khỏi các ngành nghĩ đến việc co cụm lợi ích cho ngành mình và khiến tổng thể xã hội không phát triển lành mạnh.
Đừng ngại giám sát nếu trong như pha lê
Dự thảo Luật Nhà giáo cũng đề cập việc không được công khai thông tin về sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền trong quá trình xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm pháp lý. Việc này dấy lên phản ứng rằng quy định đang gây khó cho người dân và báo chí trong việc tham gia giám sát.
Trước tiên, bất cứ cá nhân nào, làm bất cứ nghề gì thì đều phải chịu sự chi phối của Hiến pháp và pháp luật nói chung, không chỉ riêng một luật cụ thể nào. Việc đưa vào luật chuyên ngành những nội dung nhằm bảo vệ riêng người của ngành và tạo nên sự mâu thuẫn giữa các luật là không hợp lý. Sự xung đột giữa các luật không được phép diễn ra.
Thứ hai, đừng ngại xã hội giám sát, đừng ngại báo chí phản ánh, bởi nếu các nhà giáo, các giáo viên đã “trong như pha lê” thì không phải ngại ngần bất cứ thế lực nào. Đừng lo việc người dân hay báo chí xì xào, tố cáo các cá nhân trong ngành giáo dục. Nếu là viên ngọc được qua mài rũa thì càng đẹp, càng sáng trong, càng long lanh hơn trước.
Nếu có “tật”, có vấn đề thật thì mới phải ngại người dân giám sát, báo chí phanh phui, còn nếu đã trong sáng thì đâu có việc gì phải sợ.
Có ý kiến cho rằng sở dĩ phải cấm công khai sai phạm khi chưa có kết luận chính thức là do giáo viên là hình mẫu cho các em học sinh, thưa ông?
Nói như vậy không đúng, hình mẫu không phải là một người, không được “vơ đũa cả nắm” như vậy.
Những sai phạm của một con người cụ thể không đại diện cho cả 1,3 triệu nhà giáo Việt Nam. Nếu một cá nhân cụ thể có sai phạm, báo chí có quyền tìm hiểu, phản ánh đúng theo quy định. Nếu báo chí làm sai thì sẽ có pháp luật điều chỉnh.
Chúng ta cứ để ý những vụ việc sai phạm bị xử lý sẽ thấy rõ rằng một người không thể làm hỏng được hình ảnh của cả đội ngũ giáo viên, một vụ việc cụ thể không thể làm hỏng những giá trị tốt đẹp mà lớp lớp các nhà giáo đã dày công bồi đắp.
Xin cám ơn ông!
Mới đây, tại phiên họp thứ 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến dự án Luật Nhà giáo. Dự thảo luật gây chú ý khi đề xuất chính sách hỗ trợ nhà giáo, gồm chế độ trợ cấp theo tính chất công việc, theo vùng; chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng; chăm sóc sức khỏe định kỳ, chăm sóc sức khỏe nghề nghiệp; miễn học phí cho con đẻ và con nuôi hợp pháp của nhà giáo đang trong thời gian công tác…
Trong đó, dự kiến, để thực hiện chính sách miễn học phí cho con giáo viên, giảng viên cần khoảng 9.212,1 tỷ đồng/năm.
Nhận định về chính sách miễn học phí cho con nhà giáo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng quy định này khó áp dụng cho cơ sở giáo dục tư thục và thậm chí trong cả cơ sở giáo dục công lập. Chính vì vậy, cần quy định chính sách theo hướng cho đối tượng nhà giáo có hoàn cảnh khó khăn cụ thể.