Chuyên gia tâm lý nêu bài học từ hai vụ việc bạo hành trẻ em gây rúng động

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Nếu bố hay mẹ đi bước nữa thì chính người bố hay mẹ này phải là cầu nối giữa dì ghẻ hay cha dượng và con riêng của mình, để dần gây dựng tình cảm trước khi về họ cùng nhau chung sống, xây dựng cuộc sống mới.
Chuyên gia Tư vấn tâm lý tình cảm Trịnh Trung Hòa.
Chuyên gia Tư vấn tâm lý tình cảm Trịnh Trung Hòa.

"Tôi vô cùng căm phẫn kẻ giết người" - chuyên gia Tư vấn tâm lý tình cảm Trịnh Trung Hòa tỏ rõ sự bức xúc ngay khi mở đầu cuộc trò chuyện với VietTimes khi nhắc tới chuyện bé gái 8 tuổi ở TP.HCM bị bạo hành đến chết, bé 3 tuổi ở Hà Nội bị đóng đinh vào đầu.

- Vụ việc bé 8 tuổi ở TP.HCM bị bạo hành đến tử vong chưa lắng xuống thì lại có bé ở Hà Nội bị bạo hành, đầu bị đóng đinh. Dư luận phẫn uất khi chính các bậc phụ huynh hành hạ trẻ đến vậy. Với các trường hợp trẻ bị hành hạ, bạc đãi, chuyên gia Tư vấn tâm lý có suy nghĩ gì, thưa ông?

Chuyên gia Trịnh Trung Hòa: Tôi vô cùng căm phẫn kẻ giết người thâm độc và dã mạn như thế. Tôi nghĩ với kẻ này xử tử hình vẫn còn là nhẹ.

- Ông đánh giá họ là người thế nào?

Chuyên gia Trịnh Trung Hòa: Ai cũng có thời thơ ấu, mỗi người đều phải lớn dần theo năm tháng và sự giáo dục... Lúc các cháu còn nhỏ thì sao có thể nói năng và cách hành xử như người lớn được. Vậy nên dù có đúng sai thế nào cũng là con trẻ. Trên các mạng xã hội, nhiều người nói họ là con quỷ mặt người, cá nhân tôi thấy đánh giá này cũng không quá đáng đâu.

- Những đứa trẻ tuổi thơ bị bạo hành tâm lý sẽ ra sao khi nghĩ về tình người trong đời sống?

Chuyên gia Trịnh Trung Hòa: Những trẻ em này lớn lên sẽ bị biến dạng về tâm lý, không thể phát triển bình thường được. Nhiều trường hợp các cháu kinh sợ và căm thù chính người sinh ra mình.

Người thân và cư dân chung cư Sài Gòn Pearl thắp nến tưởng niệm em bé bị bạo hành đến tử vong tại TP.HCM.

Người thân và cư dân chung cư Sài Gòn Pearl thắp nến tưởng niệm em bé bị bạo hành đến tử vong tại TP.HCM.

- Chẳng lẽ câu "Mấy đời bánh đúc có xương/ Mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng" vẫn đúng sao? Người ta có thể chọn được người yêu, vợ hoặc chồng, nhưng không ai chọn được bố được mẹ. Có người bảo, những đứa trẻ bị bạo hành nếu được chọn bố mẹ thì chúng đâu chọn người bạo hành chúng. Ông có nhắn nhủ gì không?

Chuyên gia Trịnh Trung Hòa: Tôi cho rằng trong những trường hợp bố hay mẹ đi bước nữa thì chính bố, mẹ phải là cái cầu nối giữa dì ghẻ, cha dượng và con riêng của mình để gây dựng tình cảm dần dần trước khi về chung sống cùng nhau. Nếu thấy việc đó quá khó không thể làm được thì đừng sống chung nhà, vì như thế không thể có hạnh phúc được. Trước sau gì cũng ly hôn lần nữa.

Thống kê cho thấy hôn nhân lần thứ hai có tỷ lệ đổ vỡ cao hơn lần trước. Một trong những nguyên nhân là sự bất hòa giữa cha dượng hay dì ghẻ với con riêng của người kia. Cho nên nếu ai không thể yêu thương được đứa con riêng của nửa kia, thì đừng nên chung sống một nhà. Có thể cứ yêu nhau đi nhưng không sống cùng nhau. Tránh trước đi còn hơn cứ gò ép nhau dẫn đến lục đục triền miên rồi cũng tan vỡ hoặc tệ hơn trở thành kẻ tội phạm mang nỗi ân hận suốt đời.

Tuy nhiên trong thực tế cũng không hiếm những người “đi bước nữa” vẫn tìm thấy hạnh phúc gia đình mới vì họ khéo ứng xử và có tấm lòng độ lượng yêu thương được đứa con không phải là máu mủ của mình. Những người đó thật đáng ngưỡng mộ. Còn nếu bạn tự thấy mình không thể làm được điều đó thì vẫn yêu vẫn kết hôn nhưng không sống cùng nhau. Đó là giải pháp ngày nay nhiều nước phát triển đã thực hiện khi mà tỷ lệ ly hôn gia tăng và những cuộc hôn nhân sau đem theo cả con riêng ngày càng nhiều.

- Đã đành, khi yêu đương cũng có những lúc "ghen tuông là lẽ thường tình" nhưng đừng để ghen tuông thành bạo lực, hành hạ con trẻ, dù là con riêng của vợ hoặc chồng. Con trẻ đâu có tội mà lại hành hạ chúng....Vì như thế là tội ác. Ông nghĩ sao về điều này? Pháp luật và giáo dục có tác dụng thế nào trong việc ngăn chặn bạo hành trẻ nhỏ?

Chuyên gia Trịnh Trung Hòa: Tất cả những trường hợp con riêng của vợ/chồng sống chung nhà với cha dượng/dì ghẻ cần phải được mọi người quan tâm theo dõi. Nếu thấy những dấu hiệu bạo lực thì cần phải có biện pháp ngăn chặn sớm. Hành vi xâm hại trẻ em cần phải được pháp luật trừng trị nghiêm khắc làm gương.

Mẹ và bé gái Đỗ Ngọc A - em bé 3 tuổi bị đóng 9 chiếc đinh vào đầu

Mẹ và bé gái Đỗ Ngọc A - em bé 3 tuổi bị đóng 9 chiếc đinh vào đầu

- Là chuyên gia gỡ rối cho hàng ngàn gia đình, ông có điều gì muốn nhắn gửi tới những ông bố dượng, bà dì ghẻ, để Tết sum họp vui vầy, nhà nhà người người đều vui?

Chuyên gia Trịnh Trung Hòa: Tết là cơ hội tốt để xây dựng tình cảm cha – con, mẹ - con để cha dượng, dì ghẻ có dịp thể hiện tình yêu thương với con riêng của vợ, của chồng thì mới có hạnh phúc được.

Một người cha hết lòng yêu thương đứa con là giọt máu của mình là lẽ đương nhiên, nhưng một người đàn ông xa lạ yêu thương được đứa con không phải máu thịt của mình mới là điều đáng ngưỡng mộ.

Vì lý do nào đó, những đứa trẻ không may, thiếu vòng tay che chở của người cha ruột, nhưng lại may mắn gặp được một trái tim nhân hậu của người cha thứ hai đang trở thành hiện tượng không hiếm gặp trong xã hội ta.

Tuy nhiên, cũng như mọi điều tốt đẹp khác trên đời, phần lớn do chúng ta tạo dựng nên chứ không phải từ trên trời rơi xuống. Trong đó, người đóng vai trò quyết định không ai khác hơn là người mẹ – người vợ. Còn nếu thấy đây là một nhiệm vụ “bất khả thi”, nó vượt quá khả năng của mình thì cũng không nên cố gò ép cả ba, bốn người thành một gia đình hốn hợp, trong đó gồm cả những thành viên không cùng quan hệ huyết thống, mà cũng không được lựa chọn nhau cứ phải sống cùng nhau dưới một mái nhà.

Khi đó giải pháp có thể là gửi con cho ông bà hay người thân nào đó mà mình tin cậy được; hoặc người chồng mới có thể không ở cùng nhà mà chỉ gặp nhau những khi hò hẹn định kỳ. Hiện nay cách sống tách ra như một giải pháp văn minh đang được nhiều người ưa chuộng, nhất là ở các nước phát triển. Ít ra như vậy trái tim người mẹ cũng thanh thản không bị dằn vặt giữa bên chồng - bên con. Và khi con khôn lớn nên người chẳng phải đó là niềm hạnh phúc được đền đáp cho những hy sinh thầm lặng của người mẹ hay sao?

Xin cảm ơn ông!