Samoa, một quốc đảo ở Nam Thái Bình Dương, có thể đình chỉ dự án xây dựng cảng do Trung Quốc hỗ trợ. Thế giới bên ngoài đang quan sát liệu tân Thủ tướng Naomi Matta'afa có tác động gì đến mối quan hệ với Trung Quốc hay không.
Bà Fiame Naomi Mata'afa là người của đảng đối lập Thống nhất niềm tin Samoa (Đảng FAST). Sau khi Samoa chia tay vị Thủ tướng Tuilaepa Sailele Malielegaoi thân Trung Quốc, bà Naomi Mata'afa dự sẽ thành lập chính phủ vào ngày 24/5. Tổng công ty phát thanh truyền hình Australia (ABC) ngày 22/5 đã đưa tin về cuộc phỏng vấn độc quyền vị tân thủ tướng Samoa.
Bà nói: "Samoa là một quốc gia nhỏ. Cảng biển và sân bay hiện có đã đáp ứng được nhu cầu của chúng tôi .Thật khó để tưởng tượng rằng chúng tôi có nhu cầu về dự án đặc biệt này khi chính phủ có nhiều dự án cấp bách hơn cần được ưu tiên". Ý của bà Naomi Mata'afa đề cập đến dự án cầu cảng Vịnh Vayusu do Trung Quốc hỗ trợ thực hiện.
Dân số của Samoa chỉ có khoảng 200.000 người. Trung Quốc hiện là chủ nợ lớn nhất của Samoa, với khoản tiền nợ khoảng 200 triệu đô la Mỹ, chiếm khoảng 40% tổng số nợ nước ngoài của Samoa.
Tân Thủ tướng Samoa Naomi Maat'afa (Ảnh: AP). |
Naomi Mata'afa nói: "Mức độ nợ của chính phủ chúng tôi đối với Trung Quốc là một vấn đề cấp bách đối với các cử tri". Bà nói thêm rằng chính phủ của bà sẽ đồng thời duy trì mối quan hệ tốt đẹp với cả Trung Quốc và Mỹ.
Reuters nhận xét rằng lập trường của Mata'afa đã đánh dấu một sự đổ vỡ mang tính quyết định với cựu Thủ tướng Tuilaepa Sailele Malielegaoi của Samoa. Trong suốt hơn 20 năm ông Sailele Malielegaoi làm lãnh đạo Samoa, Trung Quốc luôn coi Samoa như một đồng minh thân cận của họ.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nhiều lần nhấn mạnh rằng thực tế đã chứng minh sáng kiến “Vành đai, Con đường” là một “chiếc bánh” thúc đẩy cuộc sống hạnh phúc của người dân các quốc đảo Thái Bình Dương, hoàn toàn không phải là cái gọi là "Bẫy nợ".
Trong một diễn biến khác liên quan đến sáng kiến "Vành đai, Con đường" của Trung Quốc, hôm thứ Năm (20/5), Quốc hội Sri Lanka đã thông qua dự luật đồng ý thành lập một cơ quan kinh tế để giám sát một dự án phát triển bất động sản cao cấp do Trung Quốc đảm nhiệm trên bờ biển Sri Lanka.
Tên của tổ chức này là Ủy ban Kinh tế Thành phố Cảng Colombo. Dự luật do chính phủ Sri Lanka đệ trình đã được thông qua với đa số áp đảo 149 phiếu thuận, 58 phiếu chống. Quốc hội Sri Lanka có tổng số 225 thành viên.
Tập đoàn Xây dựng Giao thông Trung Quốc đang tiến hành xây dựng dự án Thành phố cảng Colombo gây tranh cãi (Ảnh: Tân Hoa xã). |
Dự án phát triển này thuộc về Công ty Thành phố Cảng Colombo thuộc Tập đoàn Xây dựng Giao thông Trung Quốc, với tổng vốn đầu tư 1,4 tỷ USD. Nhiệm vụ của dự án là xây dựng một khu phức hợp đô thị cao cấp trong khu vực lõi của Colombo thông qua việc lấp biển tạo đất, bao gồm các khu nghỉ dưỡng, giải trí, trung tâm hội nghị, cầu tàu, khu dân cư, khu tài chính và không gian xanh. Trung Quốc tuyên bố đây là dự án hợp tác trọng điểm giữa Trung Quốc và Sri Lanka trong khuôn khổ Sáng kiến "Vành đai, Con đường".
Đổi lại, Trung Quốc sẽ có được hợp đồng thuê 62 ha đất thương mại trong 99 năm từ phía chính phủ Sri Lanka.
Sau khi bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19, Chính phủ Sri Lanka cần gấp nguồn đầu tư nước ngoài để thay máu cho nền kinh tế đất nước, vì vậy, dự án thành phố Cảng được coi như một cứu cánh để cứu nền kinh tế. Thủ tướng Sri Lanka Mahinda Rajapaksa từng tuyên bố trong cuộc tranh luận tại quốc hội rằng thành phố cảng này sẽ mang lại cơ hội việc làm và đầu tư nước ngoài rất lớn.
Tuy nhiên, nhiều người ở cả Sri Lanka và Ấn Độ đều lo lắng về dự án của Trung Quốc, cho rằng nó sẽ trở thành một căn cứ quân sự trên thực tế hoặc thuộc địa của Trung Quốc.
Trong mười năm qua, Trung Quốc đã cung cấp một số lượng lớn các khoản vay cho các dự án khác nhau ở Sri Lanka, chẳng hạn như cảng biển, sân bay, đường cao tốc, nhà máy điện và thành phố cảng. Các khoản vay này đã làm gia tăng gánh nặng nợ nần của quốc gia này.
Cảng Hambantota của Sri Lanka cho Trung Quốc thuê 99 năm kể từ năm 2017 được cho là gán nợ (Ảnh: Deutsche Welle). |
Do không có khả năng trả khoản vay Trung Quốc, Chính phủ Sri Lanka đã phải "cho Trung Quốc thuê" cảng nước sâu Hambantota trong 99 năm vào năm 2017.
Tòa án tối cao Sri Lanka trước đây cho rằng dự luật này mâu thuẫn với hiến pháp quốc gia và khuyến nghị rằng một số điều khoản của dự luật phải được đưa ra trưng cầu dân ý để biến nó thành luật. Một kiến nghị khác được Tòa án Tối cao đưa ra là một số điều khoản khác không cần trưng cầu dân ý mà cần có sự chấp thuận của đa số 2/3 thành viển Nghị viện. Chính phủ có thể sửa đổi dự luật để phù hợp với các quy định của hiến pháp.
Một trục trặc khác trong quan hệ với Trung Quốc đã xảy ra ở châu Âu. Theo trang tin Đa Chiều ngày 24/5, sau khi Quốc hội Lithuania cho rằng chính phủ Trung Quốc thực hiện "diệt chủng" ở Tân Cương, Bộ trưởng Ngoại giao Lithuania Gabrielius Landsbergis tuyên bố nước này rút khỏi cơ chế hợp tác "17 + 1" giữa Trung Quốc với Trung và Đông Âu khiến dư luận chú ý.
Người phát ngôn của Phái đoàn Trung Quốc tại Liên minh châu Âu ngày 23/5 đã lên tiếng, nói cơ chế hợp tác "17 + 1" đã mang lại lợi ích thực tế cho các nước tham gia và mở ra cục diện mới cho mối quan hệ giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu.
Người này đề cập rằng Trung Quốc “không hiểu” các hành động của phía Lithuania. Cơ chế “17 + 1” là một cơ chế hợp tác xuyên khu vực do Trung Quốc và các nước Trung và Đông Âu cùng tạo ra để gặp gỡ, thỏa mãn mong muốn của tất cả những bên tham gia, cùng nhau tìm kiếm phát triển đã rất có thành quả trong 9 năm qua.
Người phát ngôn Phái đoàn Trung Quốc tại Liên minh châu Âu nhấn mạnh, cơ chế hợp tác "17 + 1" bao gồm tất cả các bên tham gia hợp tác dựa trên cơ sở tự nguyện, tham vấn sâu rộng, đóng góp chung, cởi mở và khoan dung, không phải do Trung Quốc dẫn dắt.
Thời báo Hoàn cầu ngày 23/5 đăng xã luận viết: “Lithuania kiêu ngạo về mặt đạo đức”; “17 + 1” là một cơ chế hợp tác mở. Nếu Lithuania cảm thấy hiệu quả hợp tác không tốt như mong đợi, họ cứ việc rút lui. Màn trình diễn của Lithuania kể từ năm 2021 phù hợp với thành ngữ Trung Quốc được mô tả là "thằng hề nhảy múa". Tất cả các tuyên bố nhắm vào Trung Quốc chỉ mang ý nghĩa tượng trưng và là phản ứng tạm thời nửa thực, nửa ảo trong trò chơi của Mỹ chống lại Trung Quốc.
Thời báo Hoàn cầu cho rằng, không có Lithuania, cơ chế hợp tác Trung Quốc - Trung và Đông Âu sẽ ít bị quấy nhiễu hơn và có thể thực tế hơn. "Lithuania quá nhỏ không đáng phải tiếc. Rút khỏi cơ chế này thì không sao, nhưng xin hãy tránh xa lợi ích cốt lõi của Trung Quốc và tìm một nước lớn như Trung Quốc để gây thù oán là không xứng đáng và càng không phải cách cư xử của một nước nhỏ”.
Bộ trưởng Ngoại giao Lithuania Landsbergis (Ảnh: Dwnews). |
Vào ngày 21 tháng 5, Bộ trưởng Ngoại giao Lithuania Landsbergis tuyên bố rút khỏi cơ chế hợp tác xuyên khu vực “17 + 1” giữa Trung Quốc và các nước Trung và Đông Âu, nhấn mạnh rằng cơ chế này đã “tạo ra sự chia rẽ” trong EU và thúc giục các EU khác các nước hãy cùng rút lui và áp dụng "mô hình '27 +1' hiệu quả hơn và đoàn kết hơn" để cùng nhau đối phó với Trung Quốc.
Một ngày trước đó, Quốc hội Lithuania đã thông qua một kiến nghị với sự ủng hộ của gần 60% thành viên, cho rằng chính phủ Trung Quốc đã thực hiện hành vi "diệt chủng" ở Tân Cương, thúc giục Liên Hợp Quốc điều tra và yêu cầu Ủy ban châu Âu xem xét lại quan hệ với Trung Quốc.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngày 21/5 tuyên bố các vấn đề liên quan đến Hong Kong, Tây Tạng và Tân Cương hoàn toàn là công việc nội bộ của Trung Quốc, không có thế lực bên ngoài nào được phép can thiệp. Ông nói, Trung Quốc kiên quyết phản đối sự can thiệp thô bạo của Lithuania vào công việc nội bộ của Trung Quốc, đồng thời kêu gọi Lithuania ngay lập tức sửa chữa sai lầm của mình.
Chính phủ Lithuania đã tuyên bố vào tháng 3 rằng họ sẽ mở một văn phòng đại diện ở Đài Loan trước cuối năm 2021 để tăng cường quan hệ kinh tế. Động thái này đã thu hút sự phản đối mạnh mẽ từ Bắc Kinh. Lithuania khi đó cũng tuyên bố nước này hầu như không đạt được lợi ích nào từ cơ chế “hợp tác 17 + 1”.
(Theo Dwnews, Deutsche Welle)