Truyền thông quốc tế: sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc đang mắc cạn vì COVID-19

VietTimes – Từ khi đại dịch COVID-19 từ Trung Quốc lây lan ra khắp thế giới, đã gây nên suy thoái kinh tế và thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế toàn cầu; bước đi của sáng liến “Vành đai, Con đường” do ông Tập Cận Bình đề xuất cũng gặp trở ngại rất lớn.
Sáng kiến “Vành đai, Con đường” do ông Tập Cận Bình khởi xướng năm 2013 hiện bị coi là đang "mắc cạn"bởi đại dịch COVID-19 trên khắp thế giới  (Ảnh: Apolo).
Sáng kiến “Vành đai, Con đường” do ông Tập Cận Bình khởi xướng năm 2013 hiện bị coi là đang "mắc cạn"bởi đại dịch COVID-19 trên khắp thế giới (Ảnh: Apolo).

Trang tin tức Hoa ngữ Đa Chiều ngày 19/8 đăng bài cho biết, hôm 16/8, tờ Le Figaro của Pháp đã đăng một bài phân tích vạch rõ sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc đã gặp trở ngại nghiêm trọng do đại dịch COVID-19.

“Vành đai, Con đường” hay "Một vành đai và Một con đường" là cách gọi tắt của "Vành đai kinh tế Con đường Tơ lụa mới" và "Con đường Tơ lụa trên biển Thế kỷ 21”. Vào tháng 9 và tháng 10 năm 2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã lần lượt đề xuất hai sáng kiến hợp tác xây dựng" Vành đai kinh tế Con đường Tơ lụa mới” và “Con đường Tơ lụa trên biển Thế kỷ 21”; sau hợp nhất lại thành “Vành đai, Con đường”.

Ông Tập Cận Bình ký Sáng kiến “Vành đai, Con đường” năm 2013 (Ảnh: AP).
Ông Tập Cận Bình ký Sáng kiến “Vành đai, Con đường” năm 2013 (Ảnh: AP).

Theo bài báo, với việc thực hiện sáng kiến này, Trung Quốc lẽ ra đã tỏa sáng trên toàn cầu. Tuy nhiên, sau khi bị tác động của đại dịch COVID-19, hàng loạt dự án lớn từ Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan đến Đặc khu kinh tế Sihanoukville ở Campuchia, cũng như các dự án thuộc sáng kiến “Vành đai, Con đường”, được khởi động ở Myanmar, Algeria hoặc Kenya, đều đã nối nhau đóng băng. Một số dự án trong đó có thể bị trì hoãn vô thời hạn và một phần khác đã bị gác lại.

Một số quan chức Trung Quốc hồi giữa tháng 6 đã tuyên bố, trong số các dự án “Vành đai, Con đường”, khoảng 20%  bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, 30% đến 40% khác bị ảnh hưởng ít hơn và 30% bị ảnh hưởng nhẹ.

Ông David Gordon, cố vấn địa chính trị cấp cao của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại Hoa Kỳ, chỉ ra rằng, sau khi bùng phát dịch bệnh, Trung Quốc không còn có thể tiếp tục chi tiền cho các dự án khổng lồ đã bắt đầu ở một số nước đang phát triển – các nước vốn thường không thể chịu đựng áp lực về tiền vốn, dẫn đến việc công trình thua lỗ.

Điều khiến người ta quan tâm là các đối tác của Trung Quốc hợp tác cùng xây dựng “Vành đai, Con đường” trải rộng khắp năm châu, liên quan đến hơn 2.600 dự án với tổng số tiền hơn 3,7 nghìn tỷ USD.

Đại dịch COVID-19 từ Trung Quốc lan ra khắp thế giới đã gây nên suy thoái kinh tế nghiêm trọng (Ảnh: Reuters).
Đại dịch COVID-19 từ Trung Quốc lan ra khắp thế giới đã gây nên suy thoái kinh tế nghiêm trọng  (Ảnh: Reuters).

Thế nhưng, trước khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, Trung Quốc đã sớm nhận ra rằng không phải dự án nào cũng có thể mang lại lợi ích kinh tế. Kể từ năm 2017 đến nay, đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc đã dần giảm bớt. Trong các bài phát biểu hay văn kiện khác nhau, thuật ngữ "Vành đai, Con đường" đã dần lùi xuống vị trí thứ hai.

Ông David Gordon cũng nói rằng, do nhiều nhân tố khác nhau như nạn tham nhũng quá mức, đầu tư xấu và đầu tư mù quáng, “Vành đai, Con đường” đã đi vào con đường đi ngược lại với ý định ban đầu của Bắc Kinh.

Và thông qua các khoản đầu tư gần đây, có thể suy đoán rằng Trung Quốc có thể tái tập trung tầm nhìn vào châu Á, hoặc tìm cách chia sẻ rủi ro với các ngân hàng khác và các đối tác quỹ có chủ quyền.

Về vấn đề này, ông Thierry Pairault, nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Xã hội Đại học Pháp (EHESS) đã phân tích cho rằng “Con đường tơ lụa mới” sẽ trở thành một công cụ chính trị đối đầu trực tiếp với mô hình phương Tây.

Le Figaro chỉ rõ, có thể nhìn thấy rõ sự thay đổi này trong phản ứng ngoại giao ngày càng quá khích đối với tất cả những người phản đối phát biểu chính thức của Trung Quốc. Cũng chính từ khía cạnh này, có thể hiểu ở một mức độ nào đó tại sao Trung Quốc lại đề xướng “Con đường tơ lụa y tế” bằng cách cung cấp khẩu trang và vật dụng y tế khi dịch bệnh COVID-19 xuất hiện ở các nước khác.

Cảng Pireas của Hy Lạp, một dự án thuộc sáng kiến “Vành đai, Con đường” hoàn thành năm 2019 (Ảnh: Tân Hoa xã).
Cảng Pireas của Hy Lạp, một dự án thuộc sáng kiến “Vành đai, Con đường” hoàn thành năm 2019 (Ảnh: Tân Hoa xã).

Ngoài ra, Trung Quốc cũng bày tỏ sẽ sử dụng con đường tương tự để xuất khẩu công nghệ và thiết bị 5G của họ.

Trước đó, tờ Lianhe Zaobao của Singapore hồi tháng 6 đã đăng bài “ “Vành đai, con đường” trắc trở do bị dịch bệnh tấn công”, cho rằng, dưới tác động mạnh mẽ của đại dịch COVID-19, nền kinh tế toàn cầu đã rơi vào suy thoái và một số lượng lớn các dự án trong "Vành đai, Con đường" đã phải ngừng hoạt động do chính phủ nước sở tại điều chỉnh ngân sách, mất khả năng trả nợ và những hạn chế về nhân viên và hậu cần. "Vành đai, Con đường", nhằm kết nối Trung Quốc với Trung Á, Trung Đông, châu Âu, châu Phi và Đông Nam Á, đã trở nên gồ ghề, trắc trở.

Bài báo viết, do các biện pháp phòng chống dịch bệnh, nguồn cung cấp vật liệu xây dựng cho dự án “Vành đai, Con đường” ở các nước ASEAN bị chặn lại, nhân viên người Trung Quốc về nước dịp Tết Nguyên đán không thể quay lại, thời gian xây dựng bị trì hoãn; cũng có quan chức chính phủ ở một số nước “lười biếng” và không muốn nghĩ ra cách giải quyết việc nối lại công việc do dịch bệnh gây ra, thẳng thừng muốn từ bỏ dự án.

So với các khu vực khác, các nước ASEAN có mức độ liên kết vùng cao hơn nên một số dự án vẫn tiến triển thuận lợi. Ví dụ như đội ngũ xây dựng tuyến đường sắt Trung Quốc - Lào đã thực hiện phòng dịch và công trình vẫn tiến triển ổn định.

Tuyến đường sắt Trung Quốc -Lào,một trong số ít dự án vẫn tiếp tục thuận lợi trong lúc diễn ra dịch COVID-19 (Ảnh: Lianhe Zaobao).
Tuyến đường sắt Trung Quốc -Lào,một trong số ít dự án vẫn tiếp tục thuận lợi trong lúc diễn ra dịch COVID-19 (Ảnh: Lianhe Zaobao).

Tuy nhiên, ở một số nước khác, dịch bệnh đã mang lại những thách thức nghiêm trọng hơn cho các dự án "Vành đai, Con đường" ở địa phương.

Kể từ tháng 3 năm nay, các nước Ai Cập, Bangladesh, Pakistan, Tanzania... đã liên tiếp tuyên bố hủy bỏ hoặc hoãn các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng trong "Vành đai, Con đường"; nhiều quốc gia mắc nợ Trung Quốc trong khuôn khổ "Vành đai, Con đường" đã nối nhau nêu ra yêu cầu nới lỏng việc trả nợ cho các dự án liên quan.  

Trong bối cảnh yêu cầu của các nước mắc nợ ngày càng gia tăng, vào tháng 4 năm nay, nhóm G20 tronh đó có Trung Quốc đã đồng ý cho phép các nước nghèo tạm thời ngừng trả nợ. Sách Trắng của Trung Quốc công bố vào ngày 7/6 tuyên bố họ đã tích cực thực hiện sáng kiến giảm thiểu nợ nói trên, cho phép 77 quốc gia tạm ngừng trả nợ.

Tuy nhiên, Trung Quốc không đưa ra danh sách 77 quốc gia mắc nợ họ và số nợ của các quốc gia này. Theo một báo cáo do Viện nghiên cứu Kinh tế Thế giới Kiel, một tổ chức tư vấn của Đức công bố năm ngoái, tính đến năm 2017, các quốc gia này đã nợ Trung Quốc hơn 5 nghìn tỷ USD, 50 nước vay nợ lớn nhất từ Trung Quốc hầu hết là các nước nhỏ hoặc nghèo, nợ của họ chiếm tới 15% GDP năm 2016.

Đồng ý tạm ngừng trả nợ giúp Trung Quốc duy trì được quan hệ hữu nghị với các nước này, nhưng việc miễn giảm nợ về cơ bản sẽ không giải quyết được vấn đề cho cả nước chủ nợ và con nợ.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn, ông Steve Tsang, học giả người Anh gốc Hoa nổi tiếng, Viện trưởng Nghiên cứu Trung Quốc tại Học viện Nghiên cứu Châu Á và Châu Phi, Đại học London, nhắc nhở rằng, điểm mấu chốt mà các nước mắc nợ không thể bỏ qua là Sáng kiến “Vành đai, Con đường” không phải là một “Kế hoạch Marshall” mới. “Chính phủ Trung Quốc muốn những khoản nợ này phải được trả cả gốc lẫn lãi. Nguyên tắc cơ bản này không được họ từ bỏ”.

Một số người cũng đã cảnh báo rằng khi các quốc gia xin tạm hoãn trả nợ, họ cần phải lưu ý rằng họ có thể đã vi phạm một số điều khoản khác đã thỏa thuận trong hợp đồng.

Carmen Reinhart, chuyên gia kinh tế hàng đầu của Ngân hàng Thế giới, chỉ ra với The Economist rằng, không giống như Câu lạc bộ Paris, một tổ chức cho vay có chủ quyền lớn, khi các ngân hàng Trung Quốc cho các nước đang phát triển vay, có tới 60% tình huống cần có tài sản thế chấp. Các quốc gia này có thể phải giao các tài sản như mỏ, cảng cho Trung Quốc nếu yêu cầu được xóa hay giảm nợ. (Trường hợp này đã xảy ra với Sri Lanka).

Các học giả Trung Quốc cho rằng không thể đổ lỗi cho Trung Quốc về mọi vấn đề nợ nần. Ông Vương Nghĩa Ngôi, giáo sư Viện Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, người đã nghiên cứu “Vành đai, Con đường” trong một thời gian dài, cho biết trong một cuộc phỏng vấn, một số quốc gia dọc theo “Vành đai, Con đường” rất mong manh về kinh tế. Ví dụ, họ phụ thuộc nhiều vào một ngành duy nhất như du lịch và tỷ lệ nợ trước đây của họ đã rất cao. Một khi bị dịch bệnh COVID-19 tấn công nghiêm trọng vào ngành trụ cột này, họ sẽ rơi vào tình trạng nợ nần cùng quẫn.

Cảng Hambatota, dự án thuộc sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Sri Lanka sau khi hoàn thành năm 2019 đã phải cho đối tác Trung Quốc sử dụng trong 99 năm để gán nợ (Ảnh: economynext.com).
Cảng Hambatota, dự án thuộc sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Sri Lanka sau khi hoàn thành năm 2019 đã phải cho đối tác Trung Quốc sử dụng trong 99 năm để gán nợ (Ảnh: economynext.com).

Ông cũng không loại trừ việc có một số quốc gia muốn lấy dịch bệnh làm cái cớ để “trốn nợ” và yêu cầu Trung Quốc tiếp tục đầu tư. "Nếu một quốc gia không có thành tín, động một tí là trốn nợ, chắc chắn là không xong; còn bản thân Trung Quốc cũng đối mặt với rất nhiều vấn đề. Không thể bỏ không giải quyết các vấn đề trong nước để giúp các quốc gia này”.

Bài báo của Lianhe Zaobao cho rằng, Trung Quốc đang lâm vào tình thế khó xử về ngoại giao do các nước nghèo vi phạm hợp đồng. Các học giả được phỏng vấn cho rằng, dưới tác động của đại dịch COVID-19, việc một số nước nghèo vỡ nợ là điều không thể tránh khỏi và Trung Quốc vì thế sẽ rơi vào tình thế khó xử về ngoại giao. Giảm, xóa nợ đồng nghĩa với việc gánh chịu thiệt hại về tài chính và áp lực dư luận trong nước, còn không giảm, xóa nợ sẽ gây tổn hại đến hình ảnh quốc tế của Trung Quốc.

Kevin Gallagher, Giáo sư về chính sách phát triển toàn cầu tại Học viện Nghiên cứu Toàn cầu Frederick Paddy thuộc Đại học Boston, nhận định trong một cuộc phỏng vấn rằng càng nhiều quốc gia rơi vào khủng hoảng nợ thì Trung Quốc càng phải đối mặt với nhiều chỉ trích.

Ông nói: "Mặc dù cuộc khủng hoảng nợ toàn cầu phần lớn là do các chủ nợ tư nhân phương Tây gây ra, nhưng một lập luận khác cho rằng đó phần lớn là do lỗi của Trung Quốc. Các vụ vỡ nợ quy mô lớn sẽ khiến lập luận ban đầu trở nên yếu ớt. Xem ra lập luận sau ngày càng mạnh mẽ và và có vẻ đúng hơn”.