Theo trang tin Đa Chiều (Dwnews) ngày 23/4 dẫn nguồn của AFP cùng ngày cho biết, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price ngày 22/4 tuyên bố bày tỏ đoàn kết, cho rằng Australia đang phải đối mặt với "ngoại giao cưỡng bức" của Trung Quốc, nói chính phủ Australia đã đưa ra quyết định của riêng mình, nhưng vì họ phải chịu thiệt hại lớn từ hành động của Bắc Kinh.
Ông Ned Price nói với các phóng viên: "Chúng tôi sẽ tiếp tục sát cánh với người dân Australia vì họ là những người đi đầu đối mặt với các hành động cưỡng chế của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa".
Ông Ned Price, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ (Ảnh: Đông Phương). |
Australia chỉ ra rằng các thỏa thuận "Vành đai và Con đường" này không phù hợp với chính sách đối ngoại của Australia. Trung Quốc cảnh báo việc Australia rút khỏi thỏa thuận sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến quan hệ giữa hai nước.
Theo các tin trước đó, chính phủ Australia ngày 21/4 đã thông báo họ sẽ hủy bỏ bốn thỏa thuận của Victoria với nước ngoài, bao gồm hai thỏa thuận liên quan đến sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc. Hai thỏa thuận này đã được ký giữa chính quyền bang Victoria và Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc. Một trong số đó là biên bản ghi nhớ được ký tháng 10/2018 và cái còn lại là thỏa thuận khung được ký vào tháng 10/2019.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Canberra chỉ trích động thái này là một "hành động khiêu khích phi lý". Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cũng đáp trả nói rằng Trung Quốc bày tỏ sự bất bình mạnh mẽ và kiên quyết phản đối, đã “nghiêm khắc giao thiệp” với Australia và Trung Quốc bảo lưu quyền đưa ra phản ứng sâu hơn về điều này.
Ngoại trưởng Australia Marise Penn tuyên bố hủy bỏ hai thỏa thuận liên quan “Vành đai, con đường” dang Victoria ký với Trung Quốc (Ảnh: Reuters). |
Về vụ việc này, nữ Ngoại trưởng Australia Marise Payne đáp lại: "Kế hoạch này rất liên quan đến lợi ích quốc gia của Australia. Hành động này (hủy bỏ hai thỏa thuận) nhằm đảm bảo tính nhất quán trong quan hệ đối ngoại của chúng tôi trên khắp Australia và chắc chắn nó không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào". Bà bày tỏ Australia nỗ lực tiếp xúc với Trung Quốc và "yêu cầu tất cả các chính phủ trên toàn thế giới hãy tôn trọng thẩm quyền ra quyết định của chính phủ chúng tôi".
Ngày 22/4, Thủ tướng Australia Scott Morrison cũng tuyên bố, việc hủy bỏ thỏa thuận liên quan là do chính phủ liên bang không muốn các thỏa thuận được ký bởi các cấp chính quyền khác đi ngược với chính sách đối ngoại của Australia.
Ông nói rằng chính phủ luôn hành động vì lợi ích quốc gia của Australia để bảo vệ Australia, nhưng cũng phải đảm bảo rằng khi thúc đẩy lợi ích quốc gia, chính phủ có thể ở trong một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và cởi mở và ở trong một thế giới tìm kiếm sự cân bằng có lợi cho tự do.
Thủ tướng Australia Scott Morrison: việc hủy bỏ thỏa thuận liên quan là do chính phủ liên bang không muốn các thỏa thuận được ký bởi các cấp chính quyền khác đi ngược với chính sách đối ngoại của Australia (Ảnh: AP). |
Về phía phản ứng của phía Trung Quốc, trang tin Đa Chiều đưa chi tiết: Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc diễn ra chiều ngày 22/4 tại Bắc Kinh, một phóng viên đặt câu hỏi: “Mới đây, chính phủ Australia tuyên bố bác bỏ thỏa thuận hợp tác "Vành đai và Con đường" do chính phủ bang Victoria ký kết với Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc. Xin hỏi Trung Quốc có bình luận gì về việc này?”.
Ông Uông Văn Bân, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc trả lời: “Bang Victoria của Australia đã quyết định tiến hành hợp tác với Trung Quốc trong khuôn khổ sáng kiến “Vành đai và Con đường” để nâng cao phúc lợi cho nhân dân hai bên. Đây vốn là một chuyện tốt đẹp đôi bên cùng có lợi. Chính phủ Liên bang Australia đã phủ quyết một cách vô lý thỏa thuận hợp tác “Vành đai, con đường” ký giữa Chính phủ bang Victoria với Trung Quốc; tùy tiện gây nhiễu phá hoại sự giao lưu hợp tác bình thường, làm tổn hại nghiêm trọng quan hệ Trung Quốc – Australia và sự tin tưởng lẫn nhau.
Ông Uông Văn Bân nói “Trung Quốc bày tỏ sự bất bình mạnh mẽ và kiên quyết phản đối và đã nghiêm khắc giao thiệp với Australia, Trung Quốc bảo lưu quyền đưa ra phản ứng sâu hơn về điều này”.
Uông Văn Bân nhấn mạnh “Trung Quốc kêu gọi Australia từ bỏ tư duy Chiến tranh Lạnh và những định kiến về ý thức hệ, đối xử với sự hợp tác Trung – Australia một cách khách quan và tỉnh táo, lập tức sửa chữa những sai lầm, thay đổi hướng đi, không đi xa hơn trên con đường sai lầm, đừng làm cho mối quan hệ Trung Quốc - Australia vốn đang gặp khó khăn nghiêm trọng càng trở nên tồi tệ hơn”.
Ông Uông Văn Bân: Trung Quốc bày tỏ sự bất bình mạnh mẽ và kiên quyết phản đối và đã nghiêm khắc giao thiệp với Australia, Trung Quốc bảo lưu quyền đưa ra phản ứng sâu hơn (Ảnh: Đông Phương). |
Đồng thời, người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Australia cũng ra tuyên bố nói, Trung Quốc bày tỏ bất bình mạnh mẽ và kiên quyết phản đối việc Ngoại trưởng Australia ngày 21/4 tuyên bố hủy bỏ bản ghi nhớ và thỏa thuận khung về sáng kiến “Vành đai, con đường” được ký kết giữa Trung Quốc và chính phủ bang Victoria.
Người phát ngôn sứ quán Trung Quốc cho rằng “động thái của Australia lại là một hành động khiêu khích phi lý khác nhằm vào Trung Quốc. Điều đó một lần nữa cho thấy Australia không chân thành trong việc cải thiện quan hệ Trung Quốc - Australia, điều này nhất định sẽ gây thêm tổn hại cho quan hệ song phương, nước này nhất định sẽ vác đá ghè chân mình”.
Trong giới truyền thông chính thống của Australia, hành động của Ngoại trưởng Marise Payne bắt đầu nhận được phản ứng tích cực. Tờ Canberra Times đã đăng một bài báo nói rằng hành động của Australia “khiến Trung Quốc nhức nhối” và hành động của Victoria bị coi là “đi ngược lợi ích đất nước” trong con mắt các quan chức Canberra. Tờ Sydney Morning Herald cũng chỉ trích việc trước khi ký hợp đồng với Trung Quốc, bang Victoria đã không báo cáo chính phủ liên bang. The Century chỉ ra rằng Australia đã trở thành quốc gia đầu tiên "xé bỏ" các thỏa thuận liên quan đến sáng kiến “Vành đai và Con đường”.
Năm ngoái Trung Quốc đã áp đặt mức thuế trừng phạt 212% đối với rượu vang Australia (Ảnh:Getty). |
Theo Seventh News Network, động thái "hủy bỏ" thỏa thuận của Australia được thực hiện sau khi cân nhắc hơn 1.000 thỏa thuận. Bốn thỏa thuận mà Ngoại trưởng Payne xé bỏ giống như chiến thuật của Đảng Tự do cầm quyền của Australia chống lại Công Đảng đối lập. Bài báo gọi động thái này là một “đòn đánh” (a blow) chống lại thống đốc người Công Đảng của bang Victoria, ông Daniel Andrews.
Nineth News Network, có trụ sở tại Nam Australia, tiết lộ bà Marise Penn đã đến Sydney để phát biểu sau khi công bố hủy bỏ thỏa thuận, nói rằng phía Australia vẫn liên lạc với Trung Quốc. Điều này cho thấy một sự tương phản đáng kể so với tuyên bố của bà vào ngày 13 tháng 4 rằng “cần đối phó với cuộc chiến ngầm của Trung Quốc”.
Hiện tại, một số nhà phân tích ở Australia đã tỏ ra bi quan về triển vọng. Ví dụ, Eryk Bagshaw, phóng viên kinh tế của The Century, cho rằng khi Australia dẫn đầu xu hướng "đấu tranh chống lại Trung Quốc", ít nhất sáu ngành công nghiệp chính, bao gồm quặng sắt, trị giá ít nhất 20 tỷ USD, sẽ gặp phải đòn giáng mạnh, các nhà kinh doanh xuất nhập khẩu của Australia sẽ phải trả giá.
Tháng 10/2020, Australia cho tàu hải quân tham gia tập trận chung với Mỹ và Nhật ở Biển Đông khiến Trung Quốc bất bình (Ảnh: Đa Chiều). |
Cũng có một số học giả và doanh nhân Australia vẫn lạc quan về hiện trạng. Ví dụ, Roland Rajah, nhà kinh tế hàng đầu của Lowy Institute, một tổ chức tư vấn của Australia, đã cho đăng tải một bài báo vào ngày 22/4 trên tờ The Century và Sydney Morning Herald “Vì sao kinh tế nước ta chấp nhận phủ quyết thỏa thuận liên quan sáng kiến Vành đai, con đường”, cho rằng các biện pháp trừng phạt của Bắc Kinh đối với Australia vẫn chỉ giới hạn trong phạm vi tương đối nhỏ, chẳng hạn như lúa mạch, thịt bò, quặng đồng và than đá. Trung Quốc sẽ không cắt đứt việc mua các mặt hàng lớn của Australia như quặng sắt và khí thiên nhiên. Sau khi thương mại mặt hàng lớn giữa Trung Quốc và Australia vẫn tiếp tục và các mặt hàng nhỏ được chuyển đến các đối tượng xuất khẩu khác, Australia đã có thể phục hồi dưới "lệnh trừng phạt" của Trung Quốc.