Sàn thương mại điện tử và truy xuất nguồn gốc tạo đà cho dược liệu xứ Thanh vươn xa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc kết nối tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, nhiều sản phẩm dược liệu của Thanh Hóa đã khẳng định được vị trí xứng đáng trên thị trường.

Ba kích trồng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, Thanh Hoá (ảnh: Quỳnh Trâm)
Ba kích trồng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, Thanh Hoá (ảnh: Quỳnh Trâm)

Chuyển đổi cây trồng sang dược liệu quý

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa, toàn tỉnh hiện có gần 1.000 loài cây dược liệu; trong đó có khoảng 20 loài dược liệu quý, chủ yếu tập trung tại các huyện miền núi như: Ba kích, đinh lăng, hòe, hương nhu trắng, sa nhân, huyền sâm, xuyên tâm liên, nghệ vàng, cà gai leo…

Bên cạnh đó, Thanh Hoá còn có hơn 641.000ha đất có rừng, trong đó 393.000ha rừng tự nhiên và 529 loài dược liệu bản địa. Đây là những tiềm năng, lợi thế để Thanh Hóa tập trung đẩy mạnh trồng cây dược liệu, phát triển nguồn dược liệu thành một ngành kinh tế bền vững, góp phần thay đổi cuộc sống cho người dân ở đây khi trồng cây dược liệu cho thu nhập cao gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa và cây hoa màu.

Dựa trên diện tích rừng lớn, dưới tán rừng tự nhiên và rừng trồng, những năm gần đây, Thanh Hóa đã xây dựng được 16 mô hình dược liệu, tập trung vào các loại dược liệu bản địa có giá trị kinh tế cao như lan kim tuyến, ba kích, sa nhân, cát sâm, bảy lá một hoa, khôi tía…

Báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bá Thước cho biết, năm 2022, toàn huyện có 14 hộ tham gia trồng cây dược liệu trên diện tích khoảng 5,5 ha. Diện tích trồng cây dược liệu đang được HTX Pù Luông mở rộng ra nhiều địa phương với trên 60 ha ở 8 xã từ đầu năm 2023 đến nay.

Huyện Quan Sơn cũng quy hoạch vùng trồng dược liệu tập chất lượng cao tới 250 ha tại xã Sơn Thủy và mời doanh nghiệp tư nhân sản xuất thuốc y học cổ truyền Bà Giằng Thanh Hóa vào liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Chỉ sau gần 5 năm, người dân xã Sơn Thủy đã trồng được hàng trăm ha cây dược liệu quý, có giá trị kinh tế cao như mã tiền, hà thủ ô, thổ phục linh vv…

Kết nối thị trường qua sàn thương mại điện tử

Với diện tích trồng dược liệu lớn, lại là các loài cây thuốc quý, người dân và các tổ chức ở đây đã biết mở rộng thị trường bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin để chủ động giới thiệu sản phẩm, kết nối với các cá nhân, tổ chức và địa phương khác. Hỗ trợ cho người dân, địa phương đã tổ chức nhiều lớp đào tạo kỹ năng số và kỹ năng hoạt động trên không gian mạng để đưa dược liệu của tỉnh vươn xa.

1.png
Phát triển cây dược liệu ở Thanh Hóa - Ảnh: BTH

Theo Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa, hiện toàn tỉnh đã có gần 6.000 tài khoản hoạt động trên các sàn thương mại điện tử, 188 website bán hàng được duyệt điện tử, hơn 10.000 hộ sản xuất, kinh doanh được đào tạo kỹ năng số và kỹ năng hoạt động trên không gian mạng. Nhờ đó, Thanh Hoá đã có gần 500 sản phẩm dược liệu, nông sản của nông dân, HTX, doanh nghiệp trên địa bàn lên Cổng kết nối cung cầu tỉnh Thanh Hóa và các sàn thương mại điện tử "voso.vn", "postmart.vn"…Đây là một con số mơ ước với nhiều nơi.

Điều đáng ghi nhận là các sản phẩm dược liệu của Thanh Hoá được chọn đưa lên sàn thương mại điện tử hầu hết đã đạt tiêu chuẩn OCOP, VietGAP, GlobalGAP, có truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm...

Việc khẳng định chất lượng, thương hiệu chính là yếu tố quan trọng giúp dược liệu xứ Thanh ngày càng được tiêu thụ rộng rãi khắp cả nước.

Một điển hình về sử dụng sàn thương mại điện tử để quảng bá và bán hàng là HTX Bản Thổ (xã Hóa Quỳ, huyện Như Xuân). Ngay từ khi mới thành lập vào năm năm 2020, trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát, HTX đã tận dụng ngay không gian mạng để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. HTX hiểu rằng, hiện nay, đa phần người tiêu dùng tìm kiếm sản phẩm trên mạng Internet. Do đó, HTX đã chú trọng việc đưa các hàng hoá lên sàn thương mại để nhiều người biết đến hơn mà lại tiết kiệm chi phí so với các hình thức tổ chức quảng cáo, giới thiệu khác.

Phương thức bán hàng trên các sàn thương mại điện tử và các kênh bán hàng trực tuyến khác như facebook, zalo đã giúp HTX phát triển ổn định, doanh thu tăng đều hàng năm, dù HTX khai trương vào đúng lúc dịch COVID-19 bùng phát. Giờ đây, HTX Bản Thổ đã được biết đến với các sản phẩm chủ lực là các dược liệu lên men cùng mật ong như gừng, tỏi, nghệ.... và mật ong lên men. Gần như 100% đơn hàng của HTX đều được tiêu thụ thông qua sàn thương mại điện tử.

Một trong những nguyên nhân để dược liệu Thanh Hoá “vươn xa, bay xa” qua sàn thương mại điện tử là UBND tỉnh Thanh Hóa đã có kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn và đảm bảo cung cấp tiêu thụ nông sản trên các sàn thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, các ngành liên quan còn tổ chức tập huấn cho các hộ sản xuất những kỹ năng cần thiết và kết nối với các đơn vị để đưa nông sản lên các sàn như: "postmart.vn", "voso.vn", "nông sản an toàn Thanh Hóa"...