Các sản phẩm nguồn gốc dược liệu có thể được mua dễ dàng trên các sàn thương mại điện tử. |
Ông Nguyễn Lâm Thanh - Giám đốc chính sách TikTok Việt Nam - thông tin với VietTimes tại buổi họp báo về Chương trình Tuần lễ Thương mại điện tử quốc gia và Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam - Online Friday 2023.
Đại diện TikTok Việt Nam cho hay việc quản lý các sản phẩm dược liệu và sản phẩm có nguồn gốc dược liệu là vấn đề “đau đầu” của nền tảng này trong thời gian hỗ trợ và đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm OCOP qua sàn vừa qua.
Theo ông Lâm Thanh, TikTok và các sàn thương mại điện tử đều có yêu cầu rất cụ thể đối với các nhà cung cấp sản phẩm dược liệu hoặc sản phẩm có nguồn gốc dược liệu phải đáp ứng nếu muốn phân phối qua các sàn.
Đơn cử, nhà cung cấp các sản phẩm có nguồn gốc dược liệu phải đáp ứng chuẩn đóng gói theo yêu cầu của các sàn thương mại điện tử. Nếu nhà cung cấp không đóng gói theo chuẩn thì chắc chắn không đưa sản phẩm lên sàn được. Và đối với các sản phẩm đã lên sàn rồi thì cũng không phải hàng hóa nào cũng được bán trên livestream và các loại hình đặc thù khác của thương mại điện tử.
Ngoài ra, các sản phẩm này phải cũng phải tuân thủ quy định theo các pháp luật chuyên ngành của Bộ Y tế.
Việt Nam là một trong 15 nước trên thế giới có tên trong bản đồ dược liệu bởi nguồn tài nguyên động, thực vật đa dạng với nhiều loại cây thuốc đặc hữu, có giá trị sử dụng và giá trị kinh tế cao cùng nền y học cổ truyền lâu đời.
Theo Quyết định của Thủ tướng về quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam sẽ có 8 vùng trồng nguyên liệu trên cả nước để trồng 54 loài dược liệu, lựa chọn và khai thác hợp lý 24 loài dược liệu tự nhiên. Đây sẽ là tiền đề để quy hoạch và phát triển nguồn dược liệu nước ta trong thời gian tới đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước.
Việt Nam kỳ vọng nhiều vào việc phát triển các vùng trồng thảo dược, nâng tầm các loại cây có giá trị kinh tế cao, hướng đến mục tiêu xuất khẩu ra nước ngoài, đạt giá trị cả tỷ USD, ví dụ như sâm Ngọc Linh.
Trên bình diện thế giới, doanh thu hàng năm của thuốc từ dược liệu trên toàn cầu ước tính đạt trên 100 tỷ USD và nhu cầu về dược liệu, thuốc từ dược liệu ngày càng gia tăng. Theo Fortune Business Insights, tổng giá trị thị trường sản phẩm từ thảo dược toàn cầu dự kiến có thể đạt 430 tỷ USD vào năm 2028.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, nhu cầu về dược liệu tại thị trường trong nước cũng như xuất khẩu rất lớn, tuy nhiên tổng giá trị xuất khẩu thảo dược Việt Nam được ước lượng khoảng 400 triệu USD/năm. Một trong những lý do dược liệu Việt Nam chỉ chiếm thị phần rất nhỏ trong thị trường dược liệu toàn cầu là do phần lớn dược liệu Việt Nam được xuất khẩu ở dạng nguyên liệu thô, thiếu công nghệ lõi cho chế biến dược liệu, đặc biệt là công nghệ chiết xuất. Thêm vào đó, những sản phẩm xuất khẩu có thế mạnh như: quế, hồi, thảo quả, nghệ, hòe... vẫn còn manh mún, quy mô nhỏ.
Ông Nguyễn Thế Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý Y Dược cổ truyền (Bộ Y tế) - cho biết, hiện đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích hỗ trợ ưu đãi đầu tư, phát triển dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu, nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của dược liệu Việt Nam góp phần phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo.
Trên thực tế, cũng theo ông Thịnh, hiện có nhiều đơn vị đã đầu tư để nuôi trồng và phát triển dược liệu theo liên kết chuỗi quy mô công nghiệp, hướng tới sản xuất dược liệu theo hướng chuyên canh, tạo thành sản phẩm có thương hiệu và uy tín trên thị trường theo vùng miền và phân phối qua các kênh thương mại điện tử./